Cửa sổ văn nghệ

Khởi nghiệp

Thứ Năm, 13/03/2014, 08:00
Có nhiều người trẻ Việt nhầm lẫn việc khởi nghiệp nó đứng ở một tầm cao hơn những công việc khác. Họ không đi xem người ta đã và đang làm như thế nào, mà chỉ chăm chăm mở công ty và hài lòng với vài giá trị ảo ban đầu...

"Khởi nghiệp" trong mắt tất cả những người trẻ, những bạn sinh viên mới ra khỏi ngưỡng cửa đại học là một việc đại sự, lớn lao, có ý nghĩa quyết định cả danh dự và là canh bạc lớn khi họ đặt cược toàn bộ tài sản mà gia đình tích góp và vay mượn được vào đó. Bởi vậy, dù dưới danh nghĩa của người trẻ chuẩn bị khởi nghiệp thì yếu tố tinh thần của nó đã không còn nguyên vẹn.

Tất nhiên, theo cách của nghĩ của chúng ta thì việc huy động vốn từ gia đình và các mối quan hệ rồi trao cho cá nhân và ngày ngày giám sát trông chờ sẽ thu hồi cả vốn lẫn lãi thì việc để một người trẻ là con hay cháu mình toàn quyền quyết định chẳng khác gì cầm tiền ném qua cửa sổ

Israel được cả thế giới biết đến là một quốc gia phát triển về lĩnh vực công nghệ. Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho bất cứ thanh niên nào muốn trở thành ông chủ ngay từ khi việc khởi nghiệp. Vấn đề là họ có muốn hay không mà thôi. Một khi khởi nghiệp thì phải đứng bằng chính đôi chân của mình và hoàn trả các khoản đầu tư bằng công việc hay ý tưởng khởi nghiệp. 18, 20 tuổi, thậm chí trẻ hơn khi bắt đầu khởi nghiệp ở Israel là chuyện bình thường nên chuyện họ thất bại nhiều tương tự với thành công cũng là một điều bình thường.

Đối với họ, khởi nghiệp không mang tính chất sống còn như chúng ta mà lại giống một buổi thực hành những gì đã học hơn. Còn tôi hay các bạn khi khởi nghiệp mà kêu gọi hay đi tìm sự đầu tư thì câu đầu tiên sẽ hỏi là "Bao giờ đẻ ra lãi". Điều này đồng nghĩa với việc xin đầu tư khai trương mở một hiệu cafe take away thì dễ hơn là trình bày ý tưởng làm một thiết bị pha chế cà phê kiểu mới.

Có nhiều người trẻ Việt nhầm lẫn việc khởi nghiệp nó đứng ở một tầm cao hơn những công việc khác. Họ không đi xem người ta đã và đang làm như thế nào, mà chỉ chăm chăm mở công ty và hài lòng với vài giá trị ảo ban đầu. Ở Mỹ, nhiều bạn trẻ thành công khi khởi nghiệp và tạo dựng những công ty có doanh thu hàng triệu đôla là bởi họ sẵn sàng đi và xem người ta làm thế nào, cũng như học hỏi và rút ra kinh nghiệm xương máu của những người đi trước. Họ sẵn sàng làm nhân viên trước khi nghĩ đến việc ngồi lên ghế giám đốc.

Ở Việt Nam có hai người là ví dụ tiêu biểu cho ví dụ bên trên kia là hai tỉ phú đôla Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức. Họ giống nhau  đến kì lạ, bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng có một mong muốn khởi nghiệp làm giàu cháy bỏng. Họ cũng là người làm thuê trước khi trở thành ông chủ và giống như những người trẻ ở phương Tây hay Israel về cái nhìn khi khởi nghiệp. Khởi nghiệp là bắt đầu từ con số không chứ không phải là ngồi trên đống tiền có sẵn hoặc một chiếc ghế đã được chuẩn bị từ trước.

Khởi nghiệp giống như một trạng thái tinh thần vậy, hãy là một người không có gì nhưng chuẩn bị có tất cả bằng việc đi thật nhiều, làm thật nhiều. Khởi nghiệp theo cách hiểu đơn giản nhất là hãy làm người ngồi sau cùng trước khi ngồi lên chỗ danh dự nhất

Đức Nhân
.
.