Khổ vì "thượng đế"

Thứ Bảy, 15/10/2011, 08:00
Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp về thăm quê. Trải qua hai chặng đường với hai loại xe, xe ôm, xe buýt, tôi đến bến xe vào hồi 6h sáng. Có lẽ vì e ngại ngày xúi (hôm ấy âm lịch là ngày 13) mà mãi đến giờ xe chạy theo qui định của bến là 7h vẫn chỉ lèo tèo chưa đến mươi hành khách. Nhìn chiếc xe vắng khách với những người bán rong lên rao hàng mà buồn!

Mặc dù xe đã ra đậu tít ở ngoài cửa bến để đón khách (khác với trước đây xe chỉ nằm ở trong bến) vậy mà số người vẫn chẳng thêm được là bao. Chiếc xe lúc này thật chẳng khác nào "cô gái luống tuổi" cứ nổ máy đánh tiếng rồi ậm ạch tắt máy. Rồi lại chạy vòng quanh quay đi quay lại, ngóng trông những chiếc xe khác từ tỉnh xa về đổ khách xuống. Hành khách trên xe vô cùng sốt ruột. Đã quá giờ qui định gần một tiếng đồng hồ, không biết cứ đà này thì đến bao giờ xe mới "đủ người" để mà xuất hành! Vì tranh thủ ngày chủ nhật về thăm quê, rồi lại phải đi ngay nên cái cảm giác "đi cũng dở, ở không xong" ấy khiến tôi cứ như ngồi trên đống lửa.

Hình như một số người đi xe biết thời buổi bây giờ "hành khách là thượng đế" nên tỏ ra rềnh ràng, mặc các ông chủ xe khản cổ gào gọi, vẫn điềm nhiên "chờ làm bát phở lót dạ cái đã", dù hành khách trên xe rất sốt ruột. Lại có người khi lên xe rồi, chợt nhớ đến chuyện sắm quà cáp, đập cửa xe đòi xuống, thành ra hôm ấy, mãi đến 8 giờ xe mới bắt đầu lăn bánh.

Thời kinh tế thị trường, hành khách là "thượng đế" - quan niệm ấy hợp xu thế phát triển của xã hội. Song nếu bến xe không tìm phương thức phục vụ thích hợp, bắt mọi người phải chịu chung số phận hẩm hiu với mình, thì chắc chắn bên cạnh những "hành khách là thượng đế" sẽ có những hành khách là "nô tỳ" của những "thượng đế" ấy

Nguyễn Dương
.
.