Khi tình yêu lên ngôi

Thứ Ba, 06/04/2010, 14:00
Cách đây ít lâu, tôi vừa đọc tập thơ "Người về tìm lá bể dâu" của nhà văn Nguyễn Xuân Hải thì ngay đầu năm nay lại được đọc tập truyện ngắn "Tình yêu vạn dặm" của anh. Điều ấy chứng tỏ năng lực sáng tạo của Nguyễn Xuân Hải đang ở độ sung mãn.

"Tình yêu vạn dặm" là một tập hợp gồm mười truyện ngắn viết đều tay, trong đó có những truyện nội dung hấp dẫn.

Hai chủ đề được tác giả tập trung thể hiện là tình yêu và tính nhân bản của người chiến sĩ Công an.

Nguyễn Xuân Hải có một cách tiếp cận riêng về đề tài tình yêu. Anh cố chắt lọc, khám phá vẻ đẹp tâm hồn của những người đang yêu. Vẻ đẹp ấy luôn luôn hướng tới điều thiện hoặc đang tiềm ẩn điều thiện. Trong số mười truyện ngắn, có tới bảy truyện hiện diện tình yêu.

Truyện ngắn "Người trong tranh" thể hiện mối tình câm lặng suốt ba mươi năm giữa một cô thôn nữ bán rau và anh họa sĩ chuyên vẽ tranh khỏa thân. Một mối tình lặng lẽ và trong sáng. Cô người mẫu lứa tuổi hai mươi ám ảnh người họa sĩ suốt bao nhiêu năm.

Dù đã trở về từ chiến trường, khi đã luống tuổi, anh vẫn chờ ngày gặp lại cô người mẫu. Trong khi đó cô gái vì giữ lại một bức tranh do họa sĩ vẽ tặng mà bị chồng tra hỏi, hành hạ, đi đến kết cục phải ly hôn. Cô gái nghe lời bố khuyên bảo, đã đem bức tranh trả lại người họa sĩ.

Người họa sĩ, chiến sĩ đang mang trong mình chất độc da cam đã mở triển lãm và bức tranh vẽ cô thôn nữ khỏa thân được bán với một giá cao ngất ngưởng. Người mua lại chính là người chồng cũ của cô người mẫu, một đại gia thời @. Toàn bộ số tiền bán tranh, người họa sĩ đã tặng lại cho Quỹ Ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam.

Những mẫu chuyện tình trong tập truyện không hề trùng lặp về môtíp, lại được thể hiện qua một biên độ, sắc thái tình cảm rộng mở. Nếu như trong "Tình yêu vạn dặm", tình yêu giữa một lưu học sinh Việt Nam với một cô gái Nga bắt nguồn từ sự hòa đồng giữa hai bản sắc văn hóa khác nhau thì trong "Màu hoa phượng thắm", hai chàng trai có tính cách khác nhau lại có cách biểu hiện tình yêu trái ngược nhau.

Cô gái Thái trong "Biên cương thăm thẳm" sau khi chồng qua đời đã trao tình yêu cho người đã từng che chở, bảo vệ mối tình đầu của cô. Ngược lại, Huấn trong "Ngọn lửa chiếu manh" đã yêu đơn phương một cô gái người thành thị, mãi ba mươi năm sau mới nhận ra bộ mặt thật của cô ta.

Cô gái bán rau và anh họa sĩ cảm mến nhau, yêu nhau trong tâm tưởng lặng lẽ suốt ba chục năm, chuyện của họ nếu so với cặp An và Liễu trong "Bài thơ về cây măng trúc" bị "tình yêu sét đánh" chinh phục, chỉ qua mấy ngày bộ đội trú quân đã để lại mầm hạnh phúc quả thực là hai thái cực.

Trong các câu chuyện tình yêu của Nguyễn Xuân Hải, không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn chứa đựng cả một thứ tình yêu sâu lắng. Đó là tình yêu nghệ thuật. Chỉ một truyện ngắn "Câu hát ngày xưa", tác giả đã tỏ ra có cái "phông" văn hóa đáng ghi nhận. Hát xẩm là một loại hình dân ca cổ truyền cần được phục hồi và tôn vinh cho xứng tầm một di sản văn hóa dân tộc. Nguyễn Xuân Hải đã dựng truyện "Câu hát ngày xưa" dựa vào cảm hứng yêu mến bộ môn diễn xướng dân dã ấy.

Dưới gốc cây đa cuối ngôi chợ làng quen thuộc, hai mươi năm trước đã có một cụ bà ngồi hát xẩm. Những bài hát do bà ứng tác, câu nào cũng là lời răn dạy đạo làm người, làm con, làm vợ, làm chồng: "Phiên chợ nào không có tiếng hát của bà, người đến chợ cảm thấy như cây đa thiếu đi một phần cội rễ, chợ vắng một phần hồn".

Hai mươi năm sau, cũng tại ngôi chợ ấy, dưới bóng cây đa ấy, nơi anh Tự mở quán sửa xe đạp, một người phụ nữ đã có tuổi đến xin nhường chỗ để ngồi hát xẩm vài câu. Người phụ nữ hóa trang ấy chính là em gái Tự, lưu lạc từ lúc lên sáu, nay cùng chồng là một Việt kiều về quê cũ quay bộ phim "Câu hát ngày xưa". Đó là sự tri ân đối với quê hương đất nước nói chung và với chính bà cụ hát xẩm hai mươi năm trước đã cưu mang và nhận cô làm con nuôi...

Truyện viết giản dị, có kịch tính nhẹ nhàng nhưng gợi mở chiều sâu suy tưởng về bản sắc văn hóa dân gian và tạo nên sức hấp dẫn.

Đề tài bảo vệ an ninh và cuộc sống bình yên được thể hiện qua bảy truyện ngắn trong tập. Tác giả viết về đồng đội của mình trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác để bảo vệ cuộc sống bình yên. Điều nổi bật toát lên từ hình tượng người chiến sĩ Công an là tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, cảm hóa người lầm lỗi đi về nẻo thiện và dám hy sinh vì nghĩa lớn và lòng bao dung có sức thức tỉnh lương tri của những người lầm lạc...

Trung tá Phạm Chính, cán bộ điều tra về tội phạm ma túy trong truyện ngắn "Đứa con nối dõi" đã kiên trì đấu tranh thuyết phục một tên tử tù bất cần đời chịu khai ra tên trùm buôn ma túy và nơi hắn ẩn náu. Thượng sĩ Tường trong truyện "Mùa hoa phượng thắm" vì liều mình cứu một em bé, con trai của bạn mà chịu thương tích.

Vu - chiến sĩ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) lên biên giới, hòa cùng bà con các dân tộc, hăng say với công tác biên phòng nơi khí hậu khắc nghiệt đã qua đời vì lên cơn sốt rét ác tính. Ông Nhã, Trưởng Công an xã phát hiện một kẻ ăn trộm vặt, chưa đáng xử lý hình sự đã khéo léo răn đe đối tượng. Trong chùm truyện về người chiến sĩ công an, truyện "Biên cương thăm thẳm" thấm đượm tình người, được tác giả thể hiện một cách chắc tay.

Nguyễn Xuân Hải đã từng là chiến sĩ biên phòng nên anh hiểu môi trường công tác và các mối quan hệ xã hội của người lính nơi biên cương một cách thấu đáo. Mỗi nhân vật trong chuyện đều rõ nét tính cách thể hiện bằng một cách ứng xử đầy lòng nhân ái.

Sau khi đồng đội đột ngột qua đời mà người yêu chưa cưới đã mang thai, để tránh cho cô khỏi búa rìu dư luận của dân bản, chiến sĩ Thanh đã xin cưới cô. Một đám cưới hình thức không có động phòng. Về sau, Phin, cô gái Thái đã tìm về quê chồng chưa cưới gặp mẹ anh. Bà cụ càng thương Phin, càng quý Thanh và đã vun vén cho hai người nên vợ nên chồng.

Cùng trong đề tài bảo vệ trật tự trị an, tác giả đã quan tâm tới số phận của những người sa vào các tệ nạn xã hội, thậm chí đã phạm pháp nghiêm trọng. Trong chuyện "Câu hát ngày xưa", nhân vật Tự sau khi ở tù ra đã được Công an xã xếp cho một chỗ làm nghề sửa xe đạp để sinh sống và hoàn lương. Nhân vật Biên - một kẻ tử tù được cán bộ điều tra đánh thức chút lương tri cuối cùng khai ra tên trùm buôn ma túy (Đứa con nối dõi).

Trong truyện "Đêm hun hút gió", tác giả đã rất khéo khi không vạch mặt kẻ ăn trộm mà thông qua chuyện ông Công an xã đến nhà hắn khen đứa con đã làm việc thiện để cảnh tỉnh hắn. Đặc biệt truyện ngắn "Tiếng khóc của con sáo" đã được viết rất gọn, chặt chẽ. Một kẻ nghiện ngập bán hết vật dụng trong nhà, giở đủ trò trộm cắp của cải hàng xóm vẫn không đủ tiền hút chích.

Bí quá, hắn đành lừa đứa con, mang con sáo ra chợ bán. Đứa bé vẫn quấn quýt với con sáo, cho nó ăn lần cuối. Con sáo cất tiếng hót giọng người, nhắc lại lời con hắn: "Mẹ con con chết đói đến nơi rồi" và "Bố ơi, đi cai nghiện đi...". Bao lần vợ con khuyên can, hắn vẫn phớt lờ nhưng đứng giữa chợ nghe con sáo nhắc tiếng người, hắn tỉnh ngộ.

Nhìn chung, nếu cả mười truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải trong tập "Tình yêu vạn dặm" được sáng tác theo lối viết truyền thống, thì chuyện "Tiếng khóc của con sáo" gói gọn trong 9 trang sách là tiêu biểu nhất.

Tập truyện ngắn "Tình yêu vạn dặm" được viết với giọng văn sinh động, giàu chi tiết, lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, do quá mải mê kể chuyện, đôi khi nhà văn bỏ quên nhân vật. Nhân vật Mạnh (Ngọn lửa chiến tranh) được miêu tả kỹ và hấp dẫn ở phần đầu.

Đến cuối chuyện tác giả không lột tả được sự nhẫn tâm, tráo trở của bà ta trước cuộc giáp mặt với Huấn trước tòa án. Có chuyện tác giả "nhồi" bảy nhân vật vào mười một trang sách, do đó, dù cốt chuyện hay nhưng người đọc có cảm giác đây mới chỉ là đề cương của một cuốn tiểu thuyết.

Trong truyện ngắn "Tình yêu vạn dặm", tác giả chăm chú vào mối tình giữa Nguyễn và Galia nhưng tầm vóc của truyện vượt ra ngoài ý muốn của tác giả. Chủ đề của truyện qua mối tình của Nguyễn - Galia và cuộc gặp gỡ bác Ivan - một người từng là chuyên gia quân sự ở Việt Nam và từng có người yêu là một cô gái Việt Nam thời chống Mỹ -  lẽ ra phải được triển khai rộng hơn.

Đọc xong tập truyện ngắn "Tình yêu vạn dặm" của Nguyễn Xuân Hải, tôi càng tin cậy và hy vọng hơn ở cây bút này. Sức lao động sáng tạo miệt mài của anh đã đem lại sức nặng của một cuốn sách

Lương Sỹ Cầm
.
.