Khi phim giải trí là "điện ảnh số đông"

Thứ Hai, 29/10/2012, 08:00
Trước đây, chức năng giải trí của phim ảnh bị xem nhẹ, giờ đây thì ngược lại. Điều đó là bình thường, nhưng sẽ là bất thường xét ở giá trị phim, đối tượng khán giả, thị trường phim ảnh, sự mất cân đối nghiêm trọng trước xu thế của phim thuần túy giải trí.

Trước nay, trong điện ảnh thế giới cũng như Việt Nam, nhiều phim hay đều thuộc dòng đại chúng hay dòng trí tuệ tinh hoa hoặc có khi kết hợp cả hai dòng. Mỗi phim giải trí hay và hấp dẫn giống như một bức tranh xã hội độc đáo, giàu ý nghĩa nhân sinh, thậm chí thâm thúy, sâu sắc và giàu tính triết lý. Đó cũng là những phim đạt được nhiều giá trị thuộc 2 vế: giải trí, mua vui và tư tưởng, thẩm mỹ, nhân văn…Trong bối cảnh đó, điều đáng lo ngại là đa số phim giải trí thuần túy Việt Nam hiện chỉ đạt được vế đầu.

Cảnh trong phim "Hello cô Ba".

Nhưng người ta cũng đành phải thể tất khi thừa nhận rằng, khán giả chính của điện ảnh hiện nay là thế hệ trẻ. Nhưng đó là thế hệ khán giả trẻ ở Việt Nam mà đối với họ, khi chọn đến với rạp chiếu phim, điều quan trọng không phải là bộ phim mà là sự giải trí. Khi khán giả trẻ chỉ chọn phim giải trí, điều đó không chỉ cho thấy một nhu cầu văn hóa - xã hội mà còn phản ánh mối quan hệ cung cầu biện chứng, nhân quả giữa nghệ thuật và xã hội hôm nay.

Gần đây, bên cạnh một số phim nghệ thuật thuộc thiểu số như "Đừng đốt", "Khát vọng Thăng Long", "Mùi cỏ cháy"…là các phim giải trí thuộc đa số như "Cô dâu đại chiến", "Để mai tính", "Cưới ngay kẻo lỡ", "Cột mốc 23", "Long Ruồi", "Hello cô Ba"…Thuộc số đông nhưng thực ra nhiều phim trong số đó chỉ là những phim thuần túy giải trí. Không phủ nhận rằng dòng phim giải trí cũng như bất kể dòng phim nào đều có thể mang tính tư tưởng nghệ thuật cũng như có những giá trị khác nhau, nhưng các phim giải trí hiện nay đã đặt ra được những vấn đề gì mang tính tư tưởng và có đạt được giá trị nhân văn nào không?

Nếu nhìn nhận công bằng, thì phim giải trí đã, đang khẳng định xu thế xã hội hóa điện ảnh có rất nhiều tiềm năng. Về xu thế, dòng phim giải trí sẽ còn phát triển mạnh ở khu vực phim tư nhân do nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng khi nhiều nhà làm phim giỏi (nhất là Việt kiều) chỉ chọn làm phim giải trí thì cơ cấu sáng tác điện ảnh sẽ mất cân đối nghiêm trọng, bởi một bộ phận tinh hoa sáng tạo điện ảnh chỉ lao tâm khổ tứ kinh doanh phim ảnh, tìm kiếm lợi ích cục bộ thông qua việc tìm cách…mua vui.

Thực ra sự thắng thế, lên ngôi, thậm chí thống trị của phim thuần túy giải trí hiện nay chỉ là kết quả hay xu thế tất yếu, khó cưỡng của bài toán thương mại điện ảnh, của quy luật cung cầu và đáp ứng thị trường điện ảnh. Nhưng thị trường không thể là nguyên nhân chi phối cho sự vượt trội của một nền điện ảnh (rộng ra là một nền văn hóa) và điện ảnh cũng không thể cứ bị buộc phải "chịu trói" hay khuất phục bởi cơ chế thị trường mãi. Cái đang thực sự diễn ra của phim thuần túy giải trí cho thấy thị trường ảnh hưởng thế nào lên điện ảnh và "điện ảnh số đông" đã ảnh hưởng, cạnh tranh và chi phối thị trường ra sao cũng như hệ lụy chung mà nền điện ảnh dân tộc phải gánh chịu.

Trong bối cảnh hiện nay, khó mà đòi hỏi phim giải trí nhằm mua vui phải phê phán, cảnh báo tệ nạn xã hội, lên án những lối sống lệch lạc, tha hóa, thậm chí tiêu cực, tham nhũng; nhất là ca ngợi, cổ vũ những điều tốt đẹp trong cuộc sống và đặc biệt là đặt ra những vấn đề mang tính nhân loại…Nhưng vì thế, phim giải trí thuần túy sẽ thật khó có giá trị, sức sống lâu dài cũng như vị trí nghệ thuật trong nước chứ chưa nói đến thi thố, làm nên chuyện ở các sân chơi điện ảnh nước ngoài.

Vấn đề là nếu một nền "điện ảnh số đông" chỉ có đa số những phim giải trí thuần túy thì không chỉ đơn thuần là mất tính cân đối về nhiều mặt mà còn cho thấy sự xuống cấp đáng kể về thị hiếu…Và không thể không bi quan khi chức năng giải trí của phim ảnh trở nên thống soái và áp đảo do phim giải trí là "điện ảnh số đông"…

Vũ Ngọc Thanh
.
.