Khi nhân vật ngoài đời trở thành nguyên mẫu của nhà văn

Thứ Tư, 21/12/2011, 08:00
Ngày 30/11/2011, tại Văn phòng Hội Nhà văn Tp HCM đã diễn ra buổi lễ giới thiệu cuốn "Nhật ký Lê Anh Xuân" vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Nhân dịp này, nhà báo Đinh Phong, người bạn thân thiết của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã tiết lộ với báo giới một số thông tin thú vị về nguyên mẫu bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân:

"Sau này có nhiều người nhận rằng bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là viết về đơn vị mình. Sự thật thì, bài thơ này Lê Anh Xuân viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Mao - Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 6 Bình Tân, hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1966". Nhà báo Đinh Phong giải thích: Sở dĩ bài thơ có câu "Anh tên gì hỡi anh yêu quý" là vì lúc đó "không ai biết người hy sinh ở tư thế đứng bắn trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1966 tên gì. Mãi sau tra lại mới biết anh tên Nguyễn Văn Mao". Cũng theo nhà báo Đinh Phong thì hiện liệt sĩ Nguyễn Văn Mao đã được đề nghị truy phong anh hùng và sẽ nhận danh hiệu này cùng đợt với Lê Anh Xuân. Ông cho biết: "Tiểu đoàn 6 Bình Tân được phong anh hùng có sự đóng góp của hai nhà văn: Nguyễn Thi và Lê Anh Xuân. Nguyễn Thi trực tiếp cầm súng chiến đấu ở Tiểu đoàn 6, còn Lê Anh Xuân có Dáng đứng Việt Nam viết về một liệt sĩ của tiểu đoàn này" (theo nguồn tin của Báo Thể thao & Văn hóa).

Anh Hồ Giáo - nguyên mẫu trong một bài thơ Tố Hữu đến nay đã hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ai cũng biết sức mạnh của văn học nghệ thuật. Một nhân vật ở ngoài đời có thể là "rất hay", rất cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, song khi đã trở thành nguyên mẫu cho một tác phẩm - nhất lại là tác phẩm nổi tiếng thì sức chinh phục công chúng của họ càng mạnh mẽ gấp bội. Ở đây, xin nêu một vài ví dụ:

Anh hùng Núp (tức Đinh Núp, người con ưu tú của dân tộc Bana) từng là nguồn đề tài để nhiều nhà văn, nhà báo khai thác. Thành công nhất trong các sách viết về ông vẫn là "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc. Cuốn tiểu thuyết được nhà văn Nguyên Ngọc hoàn thành vào tháng 12 năm 1955, được xuất bản ngay sau đó và đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận. Cuốn tiểu thuyết đã được trao Giải nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (dành cho các tác phẩm xuất bản trong 2 năm 1954-1955). Một thời gian ngắn sau, cuốn sách được phổ biến ra với bạn bè quốc tế. Nhà văn Thép Mới, trong một bài báo đã kể lại rằng, lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro, trong thời gian hoạt động du kích trên núi đã đọc cuốn tiểu thuyết này (qua bản dịch tiếng Tây Ban Nha, với tên gọi "Núp, anh hùng miền núi"). Cuốn sách đã động viên ông và các chiến sĩ của ông rất nhiều. Sau này, vào năm 1964, lãnh tụ Fidel đã mời Anh hùng Núp sang thăm Cuba và tại đây, Fidel đã kết nghĩa anh em với Anh hùng Núp. Đất nước ta có nhiều Anh hùng, song rõ ràng, tạo được ấn tượng mạnh như vậy đối với vị cách mạng ở Tây bán cầu phải kể đến tác động của một tác phẩm văn học.

Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Suốt (1906-1968) là người đã dũng cảm chèo đò chở bộ đội cùng đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Tính bình quân mỗi năm bà chở hơn 1.400 chuyến. Tháng 11 năm 1965, nhà thơ Tố Hữu, lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong một chuyến công tác tại Đồng Hới, Quảng Bình đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Suốt. Sau cuộc đó, ngày 4/1/1965 nhà thơ đã viết nên bài thơ "Mẹ suốt" nổi tiếng (tác phẩm sau này được đưa vào dạy trong nhà trường và hình tượng mẹ Suốt đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam).

Tôi không dám nói là từ bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu mới dẫn tới việc mẹ Suốt được mời tham dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 và sau đó, vào ngày 1/1/1967, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là sau bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu, tên tuổi "Mẹ Suốt" đã được chú ý hơn rất nhiều (tất nhiên, với những con người hết lòng tận tụy với việc dân việc nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc như mẹ Suốt thì hẳn cũng chẳng bao giờ tơ màng tới việc này). Bằng chứng là, cùng chở đò với mẹ Suốt trong mưa bom bão đạn những năm ấy như ông Lại Tấn Chuyên, khi ấy mới 14 tuổi, là người được "tổ 3 phòng" giao hỗ trợ mẹ Suốt lái đò chở hàng ngàn chuyến đưa bộ đội và vũ khí sang sông an toàn thì tên tuổi lại không được mấy người biết tới. Và cho đến thời gian gần đây, ông Lại Tấn Chuyên - theo như báo chí phản ảnh, trong đó có Báo Công an nhân dân thì ngoài khoản trợ cấp 500 ngàn đồng/tháng dành cho thương binh hạng 4/4, ông không có thêm một khoản trợ cấp nào khác (không biết đến thời điểm hiện tại, tình hình có được cải thiện thêm chút nào không?).

Cùng với mẹ Suốt, một nhân vật Anh hùng Lao động nữa cũng đã đi vào thơ Tố Hữu và trở thành biểu tượng một thời: Đó là anh Hồ Giáo (bài "Gặp anh Hồ Giáo, từng được trích đưa vào sách học, trong đó có những câu đến nay còn nhiều người thuộc: "Hỏi anh có thú vui gì?/ Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò/ Cách mạng cần, việc nhỏ việc to/ Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý…). Hồ Giáo quê Quảng Ngãi. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Hồ Giáo chuyển ngành từ quân đội về làm việc tại Nông trường Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Với những đóng góp to lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa, cuối năm 1966, Hồ Giáo đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Bài thơ viết về anh Hồ Giáo của nhà thơ Tố Hữu ra đời năm 1972. Như vậy, không phải bài thơ của Tố Hữu góp phần thúc đẩy việc anh Hồ Giáo được nhận danh hiệu cao quý nói trên, song có thể nói, nhờ bài thơ mà tên tuổi Hồ Giáo đã vượt lên rất nhiều Anh hùng Lao động khác, gây chú ý đặc biệt trong công luận. Thậm chí sau này, đọc trích đoạn "Anh Nhẫn và đàn bò" trích trong truyện ngắn "Cỏ non" của nhà văn Hồ Phương, đã rất nhiều người lầm tưởng nhân vật anh Nhẫn có nguyên mẫu là Anh hùng Hồ Giáo.

Nhà văn Hồ Phương đã không ít lần lên tiếng, rằng truyện ngắn "Cỏ non" ông lấy nguyên mẫu từ một anh chăn bò khác ở nông trường Miếu Môn chứ không phải anh Hồ Giáo ở Ba Vì, rằng "Cỏ non" được viết từ năm 1959, tức là trước khi anh Hồ Giáo được phong tặng Anh hùng Lao động tới 7 năm, song nhiều người vẫn cứ nhầm tưởng anh Hồ Giáo với "anh Nhẫn" là một. Thậm chí gần đây, nhà văn Hồ Phương còn được UBND tỉnh Quảng Ngãi mời vào dự một cuộc liên hoan lớn của tỉnh để gặp lại Anh hùng Hồ Giáo vì họ lầm tưởng ông có tác phẩm viết về người anh hùng nói trên. Được biết, đến nay, Hồ Giáo đã hai lần được nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng, một việc rất hiếm gặp ở ta từ trước tới nay.

Vậy nên, qua những dẫn dụ trên, tôi muốn nhắc lại một lần nữa nhận xét của mình: Các nhân vật một khi đã trở thành nguyên mẫu cho những tác phẩm văn học nghệ thuật thì càng có cơ hội tạo được ấn tượng mạnh với công luận và điều ấy ít nhiều đem lại những tác động tích cực cho cuộc sống của họ

Nguyễn Trường Văn
.
.