Khi “người của công chúng” vướng vòng lao lý

Thứ Ba, 27/11/2007, 11:11
Vài năm trở lại đây, cứ ít lâu dư luận lại được một phen ồn ào vì những scandal có liên quan tới những người nổi tiếng. Họ là diễn viên, ca sĩ, cầu thủ bóng đá... được khán giả yêu mến, chiều chuộng. Không vượt qua được những cám dỗ, những cạm bẫy đời thường, một số người đã sa cơ lỡ bước vào con đường tội lỗi.

Vào những ngày tháng 10 vừa qua, khi dư luận về tin diễn viên trẻ triển vọng Hoàng Thuỳ Linh trong xêri phim "Nhật ký Vàng Anh" bị tung cảnh phòng the lên mạng chưa kịp nguội đi, dư luận lại được một phen xì xào về việc diễn viên Thương Tín - người một thời tung hoành trên màn bạc - bị bắt về tội "đánh bạc và tổ chức đánh bạc" tại quán cà phê - bida mang tên anh.

Kết cục buồn của một ngôi sao

Không chỉ những người thân, bạn bè đồng nghiệp buồn cho anh, mà buồn hơn là những khán giả đã yêu mến anh qua hàng trăm vai diễn từ hơn hai chục năm nay.

Đặc biệt là những vai diễn để đời của anh như vai Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn", vai Tám Thương trong "Chiến trường chia nửa vầng trăng", hay vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong "Ván bài lật ngửa"...

Cách đây không lâu, trong bài trả lời phỏng vấn của một tuần báo, diễn viên Thương Tín đã "khoe" rằng, mình từng ham vui mang tiền tới đánh bạc ở nhà trùm xã hội đen Năm Cam. Lúc đó, "anh Năm" còn gọi Thương Tín lên phòng mà rằng: "Nè, anh chỉ cho mấy thằng "đập thùng" chơi thôi, chứ mấy thằng nghệ sĩ như em có bao nhiêu tiền mà chơi!".

Nhưng đến nay, khi Cơ quan công an bắt quả tang và đã khởi tố anh với tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc, thì câu chuyện mà Thương Tín từng kể xem ra không còn dừng ở mức "ham vui" nữa rồi. Thương Tín đã đem cả nghệ danh nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc của mình ra để làm "bến đáp" cho những việc làm phi pháp.

Trước đó, diễn viên Thương Tín từng làm bạn với "nàng tiên nâu", có lần mượn xe của một người trong đoàn làm phim rồi đi cầm luôn khi cơn "nghiền" đến và từng phải về quê hương ở Phan Rang cai nghiện. Quả là đúng như anh từng thú nhận: "Có bao nhiêu thói tật của đời tôi tự vơ hết vào mình" nên hôm nay anh mới có một kết cục buồn như vậy.

Nước mắt của một "cây hài"

Tại phiên tòa lưu động của TAND quận Đống Đa mở tại UBND phường Phương Liên hồi cuối tháng 7 vừa qua, bị cáo chính là Dương Đức Hiệp (còn gọi là Hiệp "gà"), "cây hài" một thời của "Gặp nhau cuối tuần" đã nhiều lần rơm rớm nước mắt ăn năn hối cải.

Cả trong thời gian bị tạm giữ, cũng không ít lần Hiệp tâm sự với báo chí rằng anh rất hối hận với những việc làm đã qua và mong sau này còn cơ hội được tiếp tục đi biểu diễn. Đức Hiệp từng là diễn viên một thời lấy được nhiều tiếng cười của khán giả. Nếu như trước kia, mỗi suất diễn có tên anh trên các poster, khán giả đều rất đông, thì tại phiên tòa hôm ấy, họ cũng kéo đến đông chật phòng xử án.

Khi được hỏi: "Bị cáo có biết tại sao phiên tòa này lại có nhiều người đến dự đến thế?", Đức Hiệp đã trả lời: "Bị cáo ý thức được mình là người được công chúng quan tâm. Bị cáo rất xấu hổ!".

Diễn viên Đức Hiệp trả lời câu hỏi của cán bộ điều tra.

Giá như Đức Hiệp ý thức được điều này từ trước, giữ vững được bản lĩnh để không sa chân vào vũng bùn, thì có thể anh vẫn là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ - niềm mơ ước của nhiều diễn viên mới ra trường. Với bản án 2 năm tù, hiện Đức Hiệp đang thụ án tại trại Văn Hòa (Thường Tín, Hà Tây).

"Sân khấu" của Hiệp bây giờ là ngày ngày anh làm quen với công việc cải tạo tại bếp ăn của trại. Nhưng cũng có niềm an ủi Hiệp là hiện đang được các cán bộ tại trại coi là một "hạt nhân văn nghệ" gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và tăng cường tình đoàn kết của các can phạm.

Diễn viên chính của phim "Giã từ dĩ vãng" liệu có "giã từ dĩ vãng"?

Tuy không vướng vòng lao lý, song việc Nguyễn Huỳnh phải lần thứ hai vào trại cai nghiện đã gây nhiều điều tiếng trong dư luận. Nguyễn Huỳnh là diễn viên đã có một số vai diễn được khán giả chú ý và anh thực sự nổi bật sau vai Trường trong phim "Giã từ dĩ vãng" (1998). Nhưng chính trong lần cùng đoàn làm phim đi dự Liên hoan phim tại Hà Nội, anh đã trót "thử dùng" hêrôin rồi sa vào con đường nghiện ngập.

Từ một diễn viên có tiền đồ, Nguyễn Huỳnh bỗng chốc trở thành một kẻ tay trắng: không vợ con, không tiền bạc, không sự nghiệp. Được bạn bè thân thiết động viên, anh đã vào trại cai nghiện với quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

Nhưng khi mới trở lại cuộc sống bình thường được chừng 1 năm, mới tham gia đóng được 2 bộ phim là "Miền đất phúc", "Chuyện tình yêu" thì Nguyễn Huỳnh lại tái nghiện.

Bạn bè đồng nghiệp chưa kịp mừng cho anh, khán giả chưa kịp đón nhận anh trở lại là một Nguyễn Huỳnh hào hoa, điển trai như xưa thì anh lại một lần nữa tự sa ngã chỉ vì "vợ con không có, gặp chuyện buồn không biết trút vào đâu, lại gặp lại bạn cũ nên rất dễ... dính" như anh từng thú nhận.

Diễn viên Nguyễn Huỳnh tại trung tâm cai nghiện.

Hiện nay, ở trại cai nghiện, Nguyễn Huỳnh làm đội trưởng đội văn nghệ, tham gia viết các kịch bản ngắn về chủ đề ma túy mà anh vẫn tâm đắc từ khi anh vào trại lần thứ nhất với mong muốn những người có chung hoàn cảnh như anh khi trở về được đón nhận như những người bình thường.

Anh cũng tâm sự rằng, anh rất đau khổ khi đến nay đã hơn 40 tuổi mà vẫn chưa tự lo liệu cho bản thân, để người mẹ già tuổi đã gần 70, tóc bạc trắng đầu hàng tháng vẫn phải gửi tiền chu cấp.

Tất cả những ai biết Nguyễn Huỳnh đều mong muốn rằng sau lần "vào trại" này, diễn viên chính của phim "Giã từ dĩ vãng" sẽ giã từ được "dĩ vãng" sai lầm để trở về với cuộc sống đời thường.

Sai một ly, đi một dặm

Hàng loạt vụ việc tai tiếng có liên quan tới những "người nổi tiếng" khiến dư luận đang đặt câu hỏi về đạo đức, lối sống của một bộ phận nghệ sĩ và phải chăng vẫn có những sự thật khác chưa bị phơi bày?

Đành rằng, nghệ sĩ là những người đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương, nhưng đôi khi cũng do sự phóng túng của bản thân, do quan niệm là nghệ sĩ thì phải thế này, thế kia, phải khác... người bình thường.

Hậu quả là, những việc làm của họ không chỉ khiến họ đánh mất bản thân mình mà còn có những ảnh hưởng xấu tới nhận thức của công chúng, khiến niềm tin của họ bị xúc phạm.

Khi những sai lầm của "người của công chúng" bị trả giá bởi những hình phạt của pháp luật, hay đơn giản hơn là sự phán xét của dư luận, thì những giọt nước mắt ân hận và những lời xin lỗi khán giả kia phỏng có ích gì nữa?

Khi đã là người của công chúng, người nghệ sĩ phải gánh thêm trên vai một trách nhiệm nặng nề hơn trách nhiệm của một công dân bình thường, cũng có nghĩa công chúng đòi hỏi người nghệ sĩ thận trọng hơn trong mỗi hành động

Việt Hà
.
.