Đạo diễn Phi Tiến Sơn:

Khi làm “lưới trời”, tôi từng thử đứng trước…vành móng ngựa

Thứ Hai, 09/03/2009, 17:00
Mặc dù đã 7 năm kể từ ngày "Lưới trời" ra mắt khán giả, nhưng cho đến nay, hễ nhắc đến một trong những bộ phim thành công về đề tài chống tiêu cực thì "Lưới trời" vẫn được coi là một bộ phim "nóng" và mang tính dự báo cao.

Đây cũng là bộ phim đoạt giải thưởng Cánh diều vàng (Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003), giải Bông sen bạc (Liên hoan Phim Việt Nam 2004). Với riêng đạo diễn Phi Tiến Sơn, ông vẫn thừa nhận rằng, "Lưới trời" là phim đã tiêu tốn của ông nhiều thời gian và công sức nhất...

-Từng nổi danh với bộ phim "Người vác tù và hàng tổng" nhưng hình như đến "Lưới trời", sự nghiệp của ông mới thực sự cất cánh?

+ Với "Lưới trời", người đầu tiên được nhắc tới phải là tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn. Anh là người xông thẳng vào vấn đề thời sự nóng hổi, được dư luận chú ý lúc bấy giờ. Thông thường, khi làm phim, đạo diễn chỉ dùng từ 50 - 60% kịch bản thì riêng "Lưới trời", tôi dùng đến 80% những gì nhà biên kịch đã viết ra.

Tuy nhiên, như bạn nói, một may mắn của "Lưới trời" là nó ra đời đúng thời điểm, khi mà nhiều hiện tượng tham ô, tham nhũng bị phanh phui. Người xem sẽ thấy có một chút bóng dáng của vụ Tamexco, một chút của Minh Phụng, thấp thoáng vụ án Năm Cam…

Mặc dù, đề tài của "Lưới trời" hoàn toàn không mới, không lạ nhưng đã lâu mới có một kịch bản điện ảnh Việt Nam không e dè, ngần ngại đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của xã hội: vấn đề chống tham nhũng. Trước tòa, những kẻ "chóp bu" trong thế giới xã hội đen, những tảng băng chìm cỡ bự đều có bộ mặt thản nhiên vì chúng luôn biết xóa dấu vết tội ác.

Nhưng liệu chúng có thể thoát khỏi "Lưới trời"? Trong đời, một tổng giám đốc sang trọng, quyền bính, khôn ngoan nhưng liệu có thể thoát khỏi "lưới trời" và cả "lưới tình". "Lưới trời" là một sự cảnh báo tất cả những ai đã và đang làm những điều trái với đạo đức, pháp luật.

- Nói đến "Lưới tình", cô thư ký Thảo Linh (do diễn viên Kim Khánh thủ vai), là vai diễn nhiều thử thách với vài cảnh nóng được lộ diện. Ông đã từng nói rằng, đây là một trong những cảnh quay công phu nhất của bộ phim. Thực ra, khi đưa nó vào phim ông nghĩ tới những thủ pháp nghệ thuật hay chỉ đơn thuần mang tính thị trường để thu hút khán giả tới rạp?

+ Muốn thu hút được khán giả vào rạp càng cần thủ pháp nghệ thuật, càng cần bỏ nhiều công sức. Ví dụ như cảnh Thảo Linh tắm thì họa sĩ phải vất vả lắm mới kiếm được một ngôi nhà có phòng tắm đặt rất nhiều gương, tương tự như kịch bản của bộ phim.

Bởi vì nhân vật Thảo Linh không chỉ sắc sảo trên thương trường, khôn ngoan với cuộc đời mà còn là một người đàn bà biết tạo ra những cuộc chơi trong tình yêu. Có tự tin về sắc đẹp của mình mới dám đặt nhiều gương trong phòng tắm như vậy. Anh em cũng đã phải mày mò trong các siêu thị mấy ngày để tìm cho ra loại bọt chuyên dụng để sử dụng trong bồn tắm.

Tôi nghĩ, không có vẻ đẹp nào của nghệ thuật mà lại không cần sự chuẩn bị kỹ càng. Quay trong thời tiết nóng nực mùa hè, mồ hôi khiến chiếc áo choàng của Kim Khánh không trượt từ từ theo đúng ý muốn, sau mỗi lần tập, cô lại phải lau mồ hôi và hóa trang lại. Người làm hóa trang đã phải bỏ cả buổi để vẽ thêm những nét họa tiết trắng trên nền đen của chiến áo tắm đó.

- Có lẽ một thực tế hiển nhiên là để có những cảnh quay đẹp còn phải có những  diễn viên giỏi, trong "Lưới trời" anh đã chọn đúng người?

+ Chọn diễn viên là khâu khó khăn nhất khi làm một bộ phim. Bởi lẽ khả năng 50 thất bại và 50 thành công là khá lớn. Khi đã chọn và vào cuộc rồi thì cho dù người diễn viên đó có đóng không đạt thì cũng bất khả kháng vì nhiều lẽ như hợp đồng đã ký, trách nhiệm với nhau, vì danh dự của nhau, còn liên quan đến kinh tế, tiến độ sản xuất…

Rất may tập thể diễn viên trong bộ phim này đều tốt, họ có nghề, có trách nhiệm. Theo tôi nghĩ một phần bởi vấn đề của bộ phim, câu chuyện của bộ phim có tác động đến họ khá lớn. ở những diễn viên này, người diễn viên đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. --PageBreak--

- Nghe nói bộ phim này được cấp kinh phí là 1 tỉ đồng. Số tiền không phải là lớn, nhưng dường như một khi đã vào tay đạo diễn Phi Tiến Sơn, ông có cách "căn ke" rất chuẩn?

+ Không phải là tôi biết căn ke mà là tôi biết cách đàm phán để mỗi thứ giảm đi một tí. Ví như đáng lẽ ra phải trả cátsê cho diễn viên nhiều thì mình đành ngậm ngùi nói với người ta tình cảnh eo hẹp để trả ít hơn. Thứ gì phục vụ cho cảnh quay mượn được thì nhất định phải mượn chứ không thuê…

Và cũng phải cám ơn những người đã cộng tác với tôi, vì họ rất nhiệt tình và có trách nhiệm với nghề. Cả những vai diễn quần chúng, họ rất có ý thức công dân. Bởi vì không dễ gì nói với họ rằng: "Chúng tôi đến đây mời các anh chị, các bác tham gia đóng phim, bây giờ thì mời mọi người cởi đồ ra để mặc quần áo tù vào".

Đấy là chưa kể, số tiền thù lao rất ít ỏi. Ban đầu nhiều người ái ngại, nhưng rồi bằng sự thuyết phục của đoàn làm phim và cả bằng sự nhiệt tình của quần chúng yêu điện ảnh nên mọi việc cũng đã đâu vào đấy.

- Như vậy thì bộ phim thành công cũng là điều dễ hiểu, ông có cả ba yếu tố cơ bản "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" rồi còn gì...?

+ Thực ra, cũng đã có đôi lúc đi tìm người phù hợp vào vai khiến tôi "đau đầu". Có những vai đặc biệt mà diễn viên có sẵn cũng không thể sử dụng được. Trong kịch bản có vai một ông giám đốc mù. Ông giám đốc này bị mù nhưng lại ký tất cả các giấy tờ liên quan đến tiền bạc, kinh tế.

Tôi muốn tìm một người mù thật để khi bỏ kính đen ra quay cận cảnh, khán giả sẽ không thấy giả tạo. Ở nước ngoài người ta có những tròng mắt giả để lắp vào trông như thật nhưng ở nước mình vào thời điểm ấy thì chưa có. Tôi đến Hội người mù để tìm người đóng.

Ngay lập tức, khi nghe tôi kể sơ qua nội dung bộ phim, vị Chủ tịch Hội đã rất tức giận bảo: "Người mù không ai làm những việc xấu xa như thế!". Ông cũng lập tức thông báo với tất cả các hội viên không ai được phép tham gia bộ phim này. Tôi đang rất hoang mang vì nếu không tìm ra được người thì tiến độ của bộ phim bị chậm lại.

Rất may, tôi có người chú họ ở quê cũng bị mù bẩm sinh nên đã đưa xe về quê đón ông lên. Đây là vai diễn gặp nhiều khó khăn nhất. Bởi vì ngoài việc có một người đọc, tập lời thoại cho ông, thì phải hướng dẫn ông diễn thế nào cho ra một vị giám đốc. Khi diễn xong, mặc dù biết rằng mình không thể xem lại được mình "diễn" như thế nào, nhưng trên đường đưa ông về quê, ông vẫn háo hức bảo: "Có vai diễn nào cần thì lại gọi chú nhé!"

- Mỗi đạo diễn khi làm một bộ phim đều cố gắng đưa dấu ấn cá nhân của mình vào đó. Với ông, điều ám ảnh lớn nhất khi làm phim "Lưới trời" là gì?

+ Đó là những khoảnh khắc làm… tù nhân. Trước lúc quay cảnh xử án, tôi có thử mặc quần áo tù và đứng trước vành móng ngựa xem cảm giác lúc đó của mình như thế nào. Tôi thấy "chợn" hết cả người. Rõ ràng là sự phạm tội của con người có những lý do thúc bách của tiền bạc, của quan hệ, của những sự ràng buộc này nọ, hay cả những tham vọng cá nhân…

Thế nhưng, nếu không có sự ngăn chặn, cảnh báo của pháp luật thì người ta sẽ mất hết nhân tính. Khi thử đứng trước vành móng ngựa, tôi nghĩ rằng, giá như mà những phạm nhân, trước khi phạm tội họ có cơ hội nào đó thử đứng vào chỗ này, thì có lẽ nhiều điều đen tối trong cuộc đời này sẽ không xảy ra.

- Trong phim, những quân đôminô vô hình lại là một "nhân vật" xuyên suốt từ đầu đến cuối. Nó vừa là sự khăng khít của những dây rợ được móc nối với nhau, nhưng đồng thời cũng là sự sụp đổ của cả một hệ thống. Bằng cách nào ông đã nghĩ đến và đưa hình tượng đó vào phim mà không hề khiên cưỡng?

+ Rất tình cờ, trong thời điểm tôi làm bộ phim này cũng là lúc tôi đang sửa nhà. Tiếng búa đập phá luôn dội vào đầu tôi trong khi tôi ngồi đọc, chỉnh sửa và phân cảnh cho kịch bản. ấn tượng của sự đập phá nó ám ảnh tôi ghê lắm. Tôi nghĩ đến những quân đôminô như một sự tàn phá khủng khiếp...

Cho dù để xếp được nó phải cần đến một bàn tay khéo léo, tinh tế và hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa.

- Ông có bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm một "Lưới trời" nữa?

+ Tôi nghĩ, mỗi bộ phim đánh dấu một thời đoạn của tác giả, của một thời điểm đang sống và không nên so sánh nó với những thời điểm khác. Mọi sự so sách đều khập khiễng mà. Tôi là người luôn hướng về phía trước chứ không phải kẻ hoài vọng vào quá khứ!

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.