Đọc "Thao thức với phần đời chiến trận" - Tập phê bình, tiểu luận của Ngô Thảo, NXB Quân đội nhân dân, 2009)

Khi chiến tranh là một phần cuộc đời

Thứ Tư, 16/06/2010, 15:38
Đây là đầu đề của một bài viết được in trong tập sách này và tôi muốn mượn lại nó để đặt tên cho bài viết mới nhất của nhà văn Ngô Thảo

Có thể nói, "Thao thức với phần đời chiến trận" vẫn tiếp nối mạch nguồn các tác phẩm phê bình văn học đã ra đời trước đây của Ngô Thảo. Ngay trong Lời đầu sách, tác giả cho biết cuốn sách "tập hợp một số bài viết về tác giả và tác phẩm để bạn đọc có dịp tiếp cận ở một tầm gần hơn hoạt động sáng tác của các nhà văn về đề tài chiến tranh và quân đội.

Chỉ 20 năm mặc áo lính trong cuộc đời sắp bước vào tuổi 70 mà cho đến hôm nay hình như mọi suy nghĩ, bài viết của tôi đều chỉ trở đi trở lại trong một đề tài hẹp, với ao ước ngày càng có nhiều hơn những tác giả và tác phẩm có tầm vóc viết về con người Việt Nam trong thời khắc sáng chói nhất của lịch sử dân tộc".

Sách dày 325 trang, được chia làm 3 phần. Phần I gồm hơn hai chục bài viết về các tác giả và tác phẩm. Phần II tập hợp gần hai chục bài bàn về những vấn đề chung trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Phần III gồm các bài trả lời phỏng vấn và một số bài phê bình về các tác phẩm của Ngô Thảo.

So với công việc nghiên cứu, lý luận thì phê bình văn học trong phạm vi tác giả, tác phẩm cụ thể có cái khó riêng. Nó dễ trở thành bình tán chung chung, nặng về cảm nhận trực giác mà ít phần khái quát, sâu sắc. Nhưng ở đây, Ngô Thảo đã tránh được lối mòn này nhờ vào năng lực cảm thụ tinh nhạy và sự hiểu biết cặn kẽ về tác giả, không loại trừ cả những chuyện bếp núc trong sáng tác và những chi tiết đời tư đầy uẩn khúc.

Anh đã kết hợp được một cách nhuần nhuyễn giữa phê bình và thưởng thức, giữa lý trí và tình cảm. Anh kể lại nồng nhiệt và đầy cảm hứng với người đọc về những cảm nhận và hiểu biết của mình về tác phẩm và tác giả. Nhiều vấn đề được soi chiếu bằng cái nhìn của một người bám sát đời sống văn học, lại từng trải qua môi trường sống của người chiến sĩ trong những năm chiến tranh.

Trong cuốn sách này, ở phần viết về tác giả tác phẩm, tôi rất ấn tượng với bài viết của Ngô Thảo về tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao" của Mạc Can và cuốn "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt" của PGS Cao Xuân Hạo. Một đằng là tác phẩm văn học, một đằng là tiểu luận khoa học về ngôn ngữ nhưng đã được phân tích một cách khá sắc sảo và thấu đáo.

Bài viết có dung lượng ngắn, chỉ khoảng 4 trang nhưng đã chỉ ra được chính xác cái thần của tác phẩm và ưu thế cũng như hạn chế của tác giả một cách đầy thuyết phục. Nó có sức nặng hơn nhiều những bài viết tràng giang đại hải mà tôi đã từng đọc.

Nói chung, cách viết phê bình của Ngô Thảo thoải mái tự nhiên, không bị chi phối bởi những quy phạm và lý luận giáo điều, khô cứng. Anh đã đi từ thực tế tác phẩm, tác giả và thực tiễn sáng tác văn học để rút ra những vấn đề của lý luận - phê bình. Do đó những ý kiến nhận xét, đánh giá trở nên gần gũi, sinh động với người đọc và cả người sáng tác.

Ở phần II của cuốn sách, diện "phủ sóng" của nhà phê bình có phần rộng rãi hơn. Các lĩnh vực được mở ra nhiều hướng. Và cũng có thể thấy tinh thần phản biện xã hội được thể hiện rõ rệt hơn với hàng loạt những kiến nghị và giải pháp trong các lĩnh vực văn hóa xã hội.

Hàng loạt bài viết như: "Bàn thêm về những hình thức khen thưởng"; "Hãy biến đường Trường Sơn thành bảo tàng sống về thời đại Hồ Chí Minh"; "Khi cái bình thường trở nên phổ biến"… đã thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm của một người lính - nhà văn đầy tâm huyết với cuộc đời và sự phát triển bền vững của văn hóa.

Từ chỗ đứng của một người làm công tác nghiên cứu văn học, nhiều năm chú ý sưu tầm, giới thiệu tiểu sử và tác phẩm của các nhà văn đã hy sinh qua hai cuộc kháng chiến, hơn ai hết, Ngô Thảo nhận thức được giá trị và sức mạnh to lớn của phần nhật ký, thư từ, ghi chép của họ khi công bố. Trên cơ sở đó anh đã đề nghị việc sưu tầm di bút các liệt sĩ với các bước tiến hành rất cụ thể.

Một số vấn đề quan thiết trong đời sống văn học của đất nước cũng đã được anh nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, mạnh bạo, không né tránh, có thể "trái tai" những người không thích "thuốc đắng giã tật" nhưng lại được sự ủng hộ của những người tâm huyết với sự phát triển của nền văn học nước nhà (Nâng cao địa vị của nhà văn, Phê bình không phải một thể loại văn học độc lập!, Văn hóa đọc trong thời đại nghe nhìn, Văn chương thời kinh tế thị trường: Sự lựa chọn khó khăn…).

Đánh giá về vị thế và tình hình phê bình văn học thời gian qua, anh có nhận xét khá xác đáng: "Có được thực trạng văn học đáng mừng như hiện nay không thể không thấy vai trò mới, rất mới của các nhà phê bình văn học. Những năm qua cùng với sự xuất hiện của xã hội dân sự, dân chủ, trong văn học hôm nay đã hoàn toàn vắng bóng các nhà phê bình học phiệt, phê bình quan chức, phê bình quyền lực" và "Mặc dầu vẫn có những sự không chuẩn xác trong bình giá tác giả và tác phẩm, phê bình văn học vẫn luôn đồng hành cùng sáng tác và giúp bạn đọc hiểu đúng, yêu mến văn học".

Phê bình thời sự - tham gia trực tiếp vào đời sống văn học đương thời là một cách lựa chọn của nhà phê bình Ngô Thảo. Ở đây, tác giả đã ghi được những dấu ấn riêng, thể hiện tâm huyết, bản lĩnh của một ngòi bút phê bình có phong cách. Tuy nhiên, không khó để chúng ta nhận thấy những hạn chế nhất định của cuốn sách, như sự trùng lặp ở một vài luận điểm trong các bài viết; kiểu phê bình trực chiến báo chí lấn át tính khái quát, hàm súc của lý luận; việc nhập cuộc với đời sống phê bình qua tác phẩm cụ thể còn ít, chưa tiêu biểu...

Lưu Khánh Thơ
.
.