Khi các nguyên mẫu phải ra toà

Thứ Tư, 01/08/2007, 14:30
Ngày 22/6/2007, một phiên tòa mở tại một vùng hẻo lánh của nước Pháp đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới cũng như các văn nhân: nhà văn Pierre Jourde nhờ công lý phân xử về vụ gia đình ông bị chính những người cùng làng “nghênh tiếp” bằng vũ lực…

Năm bị can đã phải ra hầu tòa ở Aurillac (cũng thuộc tỉnh Cantal), riêng một bị can khi tham gia sự kiện vẫn còn nhỏ thì sẽ bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa riêng dành cho trẻ vị thành niên.

Nhà văn Pierre Jourde – hiện là giảng viên văn học của Đại học Tổng hợp Valence sau một thời gian giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Grenoble – đã phát đơn kiện vì bị họ tấn công hồi mùa hè năm 2005.

Chuyện xảy ra tại Lussaud – một làng quê nhỏ bé ở miền Bắc tỉnh Cantal với vài chục nóc nhà, mấy khu trại trên độ cao 1.000 mét. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của Pierre Jourde.

Vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, ông thường xuyên về thăm quê, nơi còn căn nhà hương hỏa và một trang trại đang hoạt động. Từ tình yêu, từ tinh thần trách nhiệm, Pierre Jourde đã viết tác phẩm “Miền lánh khuất”, trong đó ông kể về những con bò, những chiếc xe bò, những người đàn ông say bí tỉ và những mùa đông dài lê thê nhàn cư vi bất thiện, về mối quan hệ huyết thống, những chuyện, những vụ phản bội đầy bí mật mà cả làng Lussaud vẫn rõ tỏng tòng tong…

Cuốn “Miền lánh khuất” do Nhà xuất bản L’Esprit ấn hành năm 2003 đã thu hút một số nhà phê bình văn học ở Paris, nhưng để lại những điều hậm hực trong các cư dân ở làng Lussaud.

Người nào trong làng cũng thấy bóng dáng mình trong sách, cũng có cảm giác là đã bị nhà văn dùng làm nguyên mẫu để dựng thành những nhân vật phản diện gây cười… Nỗi bực dọc cứ nung nấu âm ỉ trong đầu, chỉ chực tìm chỗ để xì ra.

Ngày 31/7/2005, khi cùng vợ con trở về quê, nhà văn thấy đập vào mắt mình tấm biểu ngữ: “Chào mừng Charletu”. Charletu – đó là “nhà thơ bị cả làng rủa cho chết đi”. Cả làng đều biết hôm nay Pierre Jourde sẽ lại về, bởi vì bà lão coi trang trại đã vén các rèm cửa sổ theo thông lệ.

Nhưng nhà văn chưa kịp về tới nhà, chưa kịp tháo dỡ hành lý, đột nhiên đã có hai chiếc xe xịch đến ngáng đường. Họ gồm sáu hay bảy người gì đó xông tới chửi rủa, hăm dọa, xô đẩy nhà văn. Đấy có phải người quen của ông?

“Tất cả bọn họ đều có đến nhà tôi chơi hồi lễ Giáng sinh năm 2000 - Nhà văn kể - Thậm chí có một người tôi đã từng đến bệnh viện thăm nom khi ông ta bị ốm. Vâng, tôi rất quen họ. Ở đây tất cả mọi người đều quen biết nhau cả. Họ nói những gì tôi nghe không rõ. Tôi bảo một người khi đó đã bảy chục tuổi rằng nếu họ không dừng tay, tôi sẽ đánh lại đấy. Nhưng họ không chịu dừng. Tôi có nện cho ông ta một quả”.

Người nhà Pierre Jourde đã may mắn thoát khỏi cuộc ẩu đả. Đám người kia thuộc ba gia đình Magne (người gốc Dominique), Anglade và Rongier. Họ đã ném đá vào tác giả, một hòn đá làm vỡ kính cửa xe, mảnh văng ra gây thương tích cho đứa con út của nhà văn mới mười lăm tháng tuổi.

Một đứa con vùng chạy, mẹ nó vội vàng chạy theo giữa trận mưa đá. “Họ chửi bới đứa lớn hơn là đồ Arập bẩn thỉu - Pierre Jourde thuật lại – Rốt cuộc chúng tôi cũng chui được vào xe để chạy tháo thân”. Chuyện đó xảy ra cách đây hai năm, trong thời gian đó, không ai trong gia đình Pierre Jourde ló mặt về quê nữa.

Thật khó hình dung nổi chuyện nhà văn Victor Hugo bị nhân vật Thénardier trong “Những người khốn khổ” cho ăn một nhát dao găm? Tương tự - Emil Zola bị Rougon-Macquard bám riết? Liệu đến bây giờ, tác giả Pierre Jourde có giận các nhân vật của mình?

Bất luận thế nào thì ông cũng mang một nỗi bực vì là nhà văn mà không được viết theo ý muốn, vì con cái của mình bị đối xử bất công, vì còn nhiều vùng, kể cả ngoại vi thành phố, kể cả các vùng nông thôn hẻo lánh… vẫn nằm ngoài pháp luật.

Ngày 5/7 này tòa mới ra phán quyết

Đăng Bảy
.
.