Khi các góa phụ trở thành: "Nhà biên soạn"

Thứ Ba, 11/03/2008, 15:00
Họ không phải là nhà văn hay biên tập viên của một nhà xuất bản. Bình sinh họ cũng không mấy dính dáng tới chuyện văn chương. Ấy thế rồi một ngày, dòng tên khiêm nhường của họ được in vào góc nhỏ trong trang đầu của một đôi cuốn sách, kèm đó là dòng chữ "sưu tầm, biên soạn".

Ôi, những nhà "sưu tầm, biên soạn" bất đắc dĩ - trong số  báo kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ này - không dưng tôi lại nhớ về họ với lòng biết ơn và cảm mến. Nếu không có họ, hẳn sẽ còn lâu nữa (hoặc không bao giờ) độc giả có thể có điều kiện tiếp xúc được với những dòng di cảo quý giá của các nhà văn. Họ chính là vợ của các nhà văn quá cố nói trên

Phu nhân của nhà văn Nguyễn Đình Lạp

Người đầu tiên mà tôi thấy cần phải nhắc đến là bà Bạch Liên, phu nhân nhà văn Nguyễn Đình Lạp, tác giả của những cuốn tiểu thuyết đặc sắc viết về cuộc sống người Hà Nội giai đoạn trước tháng 8/1945.

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp ngã bệnh và mất tại Quân y viện 32 ở Thanh Hóa khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 39 tuổi. Do hoàn cảnh chiến tranh ly tán nên nhiều tác phẩm của ông bị thất lạc. Rất nặng lòng với những đứa con tinh thần mà chồng để lại, ngay sau ngày hòa bình lập lại, bà Liên đã sốt sắng lùng tìm những cuốn sách đã được xuất bản của ông.

Hết tìm ở cửa hàng sách, bà lại quay sang hỏi các đồng nghiệp của chồng. Rồi bà vào Thư viện Quốc gia, lại liên hệ cả với những người đi công tác miền Nam. Cuối cùng, qua đường này đường khác, bà cũng có được hai cuốn tiểu thuyết "Ngoại ô" và "Ngõ hẻm" của Nguyễn Đình Lạp. Hai cuốn sách này - qua tay bà - đã lần lượt được NXB Văn học in lại vào các năm 1982, 1990 và cho tới hôm nay cũng đã tới lần thứ ba, thứ tư.

Chưa dừng ở đấy, bà Liên còn nhớ khoảng năm 1950, chồng bà có kể cho bà nghe tấm gương của một phụ nữ đã dũng cảm hy sinh cho cách mạng để đánh đắm một thông báo hạm của Pháp. Và điều này ông đã viết thành truyện vừa "Chiếc vali trên tàu Amyot d'Inville", được Ty Công an Hà Nội cho xuất bản năm 1951. Bà Liên chỉ nghe thế chứ chưa nhìn thấy cuốn sách.

Vậy là bà lại lặn lội tìm đến Sở Công an Hà Nội, đến Phòng lưu trữ của Bộ Công an. Nghe bà trình bày, các đồng chí phụ trách ở đây rất cảm thông, đã hứa tìm hộ bà ở Bảo tàng của Bộ. Rất may, ở đây có một bản lưu cuốn sách. Và thế là, chính bản sách đó đã giúp bà Bạch Liên biên soạn, làm nên bộ sách "Nguyễn Đình Lạp tác phẩm" khá đầy đặn mà nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin đã cho ấn hành quý I - 2003, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn.

Phu nhân của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Cũng tương tự hoàn cảnh của bà Liên, bà Trịnh Thị Uyên - phu nhân của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng đã trở thành góa phụ khi tuổi đời còn rất trẻ (chưa tới 40 tuổi). Là người có tiếng "chiều chồng", thậm chí còn "sùng bái" công việc của ông, nên khi nhà văn mất đi, bà Uyên đã thu gom tất cả những gì chồng để lại, cho vào một cái thùng sắt lớn.

Bà Trịnh Thị Uyên cùng con trai đang đánh máy di cảo của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Trong đó, hơn 40 quyển nhật ký lớn nhỏ được Nguyễn Huy Tưởng viết trong suốt 30 năm đã được bà ưu tiên bảo quản một cách đặc biệt. Bà Uyên đã đọc rất kỹ những trang nhật ký này và mặc dù nội dung của nó không khỏi làm cho bà phải có lúc lo lắng, song vì tất cả những di cảo của chồng đều được bà xem là máu thịt thiêng liêng nên trong những ngày Mỹ giội bom đánh phá miền Bắc, bà đã chuyển tất cả những cuốn nhật ký đó vào một chiếc vali nhỏ, để sẵn bên mình, phòng khi cần sơ tán là có thể mang đi ngay. Chính nhờ nỗ lực bảo quản ấy mà sau này, bạn đọc đã có dịp được tiếp cận với một phần quan trọng trong di cảo mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại.

NXB Thanh Niên khi cho xuất bản bộ "Nhật ký" này (năm 2006), ngoài việc đề tên bà Trịnh Thị Uyên ở phần bìa phụ của sách, còn có những dòng biểu dương: "Như một lẽ đương nhiên mà cũng thật là cảm động, bà quả phụ Nguyễn Huy Tưởng, bên cạnh trách nhiệm thay chồng nuôi nấng các con, đã chăm lo gìn giữ hầu như không suy suyển một mảy may nào những trang di bút đó của ông".

Phu nhân của nhà văn Phùng Quán

Cuối năm 2007 vừa qua, làng văn Việt Nam xôn xao sự kiện cuốn hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" của nhà văn Phùng Quán được NXB Văn nghệ cho ra mắt độc giả. Cùng với tập ký "Ba phút sự thật" xuất bản trước đó, có thể nói cả hai tập sách đều có sự chung tay góp sức của bà quả phụ Vũ Bội Trâm. --PageBreak--

Ở phần cuối của cuốn "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào", bà Trâm đã cho biết khá tỉ mỉ quá trình bà soạn thảo di cảo của chồng. Bà kể: "Mới đây, khi xếp dọn tủ sách, vô tình tôi thấy một quyển sổ đã cũ trong số bộn bề những cuốn sổ tay ghi chép của anh, giở ra đọc thì thấy đó là những trang anh viết về khúc quanh của cuộc đời. Càng đọc tôi càng bị thu hút bởi có những chuyện mà sau bao nhiêu năm chung sống nay tôi mới được tỏ tường, cái bước ngoặt thay đổi cuộc đời từ một người chiến sĩ trở thành một nhà văn".

Với một người đã ở vào độ tuổi "cổ lai hy" như bà Bội Trâm, thì việc luận cho được những trang mà đức ông chồng "viết bằng bút sắt chấm mực trên giấy đen, loại mỏng, nhiều trang theo thời gian chữ đã bị nhòe, có chữ như một cục mực" quả là "một thử thách" (bà Trâm cho biết, mặc dù đã dùng tới kính lúp, song vì bản thảo có những chữ bị nhòe, khó đoán định, đã có lúc bà phải cầu khấn vong linh của chồng giúp cho công việc thuận buồm xuôi gió).

Thế nhưng, bằng tình yêu thương cũng như sự đam mê, háo hức trước việc khám phá thế giới nội tâm của chồng qua từng con chữ, bà Trâm đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa: Hoàn tất việc "dịch" toàn bộ bản thảo của ông sang tiếng… Việt (nói vui vậy chứ nhìn vào ảnh chụp bút tích của Phùng Quán in kèm trong tập sách, ta có thể nhận thấy đó là công việc không hề đơn giản).

Và đâu chỉ có vậy, vì tập bản thảo có nhiều trang Phùng Quán "đang viết câu chuyện này, sự việc này lại chuyển sang viết một việc hoàn toàn khác, sau mới quay lại" và ở phần cuối cuốn hồi ký, ông còn đang viết dở nên công việc của bà Trâm không đơn thuần là "dịch", mà là "biên soạn", ấy là khi bà "đành phải chép ra, lược bỏ những đoạn không liên quan, nắm lấy nội dung chính xem như thế nào rồi mới tìm mạch ý, ghép lại cho hợp lý". Dẫu vậy, bà Trâm cũng biết khi nào thì giới hạn việc làm của mình: "Mọi tình tiết, văn phong của anh, tôi đều tôn trọng". Quả là người vợ rất hiểu công việc của chồng.

Phu nhân của nhà văn Hồ Dzếnh

Và người phụ nữ cuối cùng mà tôi không thể không nhắc tới trong bài viết này là bà Nguyễn Thị Hồng Nhật, quả phụ của nhà văn Hồ Dzếnh. Khi nhà văn Hồ Dzếnh tạ thế, bà Hồng Nhật đã ở tuổi ngoài bảy mươi (bà Nhật hiện đã mất) và sức khỏe không phải là không có vấn đề (Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình - Hồ Dzếnh từng có thơ về vợ như vậy). Nhưng vì được biết bà Hồng Nhật là người rất nâng niu gìn giữ, bảo quản tác phẩm của chồng nên chúng tôi cứ theo đó mà làm việc thẳng với bà, những mong được đưa ra giới thiệu với công chúng ít nhiều phần lai cảo của nhà văn.

Có thể nói, bà Hồng Nhật là người toàn tâm toàn ý với sự nghiệp của chồng. Trước khi kết duyên cùng nhà văn Hồ Dzếnh, bà từng là vợ của cố thi sĩ Trần Trung Phương (ông Phương mất vì đòn tra tấn của thực dân thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám).

Bởi vậy, không chỉ chăm lo cho việc xuất bản sách của người chồng hiện thời, bà Hồng Nhật còn đau đáu một niềm mong mỏi làm sao xuất bản được tập thơ viết cho thiếu nhi của người chồng trước. Gian phòng nhỏ của bà ở góc giao nhau giữa phố Ngô Thì Nhậm và Hòa Mã đầy ắp kỷ vật và bản thảo.

Nhìn người phụ nữ mình gầy vóc hạc, chậm chậm đi lại trong gian phòng, thỉnh thoảng lại rút từ ngăn kéo này hoặc ngăn kéo khác ra những tờ giấy đã ố vàng, rồi cứ thế khẽ khàng vuốt lại cho phẳng, miệng lẩm nhẩm điều gì đó như là khấn niệm trước khi trao chúng cho biên tập viên của một tờ báo hay một nhà xuất bản nào đó, chúng tôi không khỏi dấy lên trong lòng niềm xúc động khôn tả.

Bất giác tôi nhìn ra dòng đời nườm nượp xe cộ bên ngoài khung cửa sổ và nghĩ, nếu như không có những việc làm chừng như  "lẩn thẩn", "cổ hủ" của những người phụ nữ già cả và yếu đuối này, không biết cái phần còn khuất lấp trong tâm thế nhà văn đến bao giờ mới được người đời biết đến

.
.