Khẩu tan

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:32
Tôi xoay xoay trên tay cái "cóm khẩu" đan bằng mây và to hơn cái bát ăn cơm. Hình thù gần giống cái giỏ đựng cá… để đựng "Khẩu tan". Bữa cơm hằng ngày nếu không có cơm tẻ mà "kin khẩu tan" thì mỗi người có một cóm khẩu và ăn… bốc. Còn khi đi làm nương rẫy, lên rừng thì mang theo cóm khẩu để ăn trưa. 

Khẩu tan của người Thái Tây Bắc sánh với nếp cái hoa vàng ở dưới xuôi. Nó hiếm và quý lắm. Chiếc chõ đồ khẩu tan trên bếp lửa hồng, hơi bốc lên từ chõ hương thơm tỏa khắp ngôi nhà và lan ra cả không gian vườn cây quanh nhà.

Bản làng người Thái ở vùng thấp bên những dòng suối, xung quanh là những cánh đồng lúa nước. Vùng Tây Bắc có những cánh đồng lúa rộng lớn. Nổi tiếng là cánh đồng Mường Thanh, rộng đến 5km và trải dài đến trên 20km, một màu xanh của lúa, ngô, đỗ trải rộng mênh mông. Nên có câu: "Nhất Thanh nhì Lò". Tức là Mường Thanh ở Lai Châu và Mường Lò ở Nghĩa Lộ là hai vựa lúa nước lớn nhất của Tây Bắc.

Người Thái ở trên những nếp nhà sàn cao ráo. Nền nhà được kê trên những hòn đá cuội to trông rất chênh vênh, thế mà giông bão vẫn đứng vững như những chàng trai mạnh mẽ vùng sơn cước…

Mâm cỗ ngày Tết của đồng bào Thái trắng ở Tây Bắc.

Tôi đến chơi nhà anh bạn người Thái trắng. Ngôi nhà sàn bên dòng suối trong xanh nước chảy rì rào như khúc nhạc chiều, thơ mộng làm sao! Xung quanh là cánh đồng lúa bát ngát đang vào mẩy vàng ánh lên trong buổi chiều tà. Mùi thơm của khẩu tan trên đồng quyện theo người ra thăm lúa. Hoàng hôn dần buông, những tia nắng cuối cùng hắt lên bầu trời từ bên kia dãy núi màu huyết dụ rồi chuyển dần sang màu tím, bóng tối bao trùm núi rừng. Ông trăng từ từ nhô lên trên đỉnh dãy núi phía đông. Trăng thu sáng lắm, nhất là những đêm trăng tròn. Trai gái tìm nhau ra đầu bản trên bãi đất phẳng, họ cầm tay nhau xòe và những bước đi trong điệu dân vũ dịu dàng uyển chuyển.

Trong ngôi nhà sàn sáng lên dưới ngọn đèn măng xông. Cô gái bưng vào nhà thau nước mời khách rửa tay và trao chiếc khăn bông khô để khách lau tay. Chủ mời khách vào bàn "kin lẩu". Bữa ăn đãi khách có cá suối nấu măng chua; gỏi cá suối chấm "nậm pịa"; thịt gà luộc và không thể thiếu chai rượu, men làm bằng những thứ thuốc là lá rừng… bày trên chiếc bàn thấp chân. Trên mâm còn có đĩa bày chiếc đầu gà và đôi chân, ngầm thông báo cho khách biết rằng: đãi khách bằng gà nhà chứ không phải gà rừng. Trên mâm bày 3 chiếc chén nhỏ xíu rót rượu đầy, để tưởng nhớ ông bà cha mẹ… khi đãi khách quý. Mọi người ngồi trên những chiếc ghế tròn đan bằng song mây.

Chủ nhà nâng bát rượu mời khách, đôi bên chúc nhau với những lời tốt đẹp. Mời cán bộ kin lẩu tự nhiên nhé, tùy tửu lượng. Đến khi khách đã ngà ngà, chủ hỏi khách có vợ chưa? Có mấy con? Nếu khách "khai thật" là có mấy người… Chủ rót ra bấy nhiêu chén rượu đầy - nếu uống bằng chén, còn uống bằng bát thì rót vơi. Đây là những chén rượu mời những người nhà của khách. Chủ mời khách "kin mết" thay những người thân ở nhà! Dù có thoái thác rằng tửu lượng kém cũng không xong. Và tôi đã ngất ngây lên mây lên gió giữa rừng núi bao la… bao năm không nhớ!

Buổi tối trai gái kéo đến chơi. Tay trong tay với điệu xòe uyển chuyển quanh bếp lửa hồng giữa nhà với những làn điệu dân ca Thái. Chàng trai hát: "Em về đường nước hay đường ruộng?". Cô gái hát đối đáp "Em về đường ruộng sẽ kể anh nghe về khẩu tan; còn về đường nước sẽ kể anh nghe về cá anh vũ để mai này anh và em cùng hưởng chung"… những lời hát sao mà tình tứ và cứ làm cho người nghe cũng phải nao nao!

Áo cóm con gái có hàng cúc bướm bằng bạc sáng lấp lóa và đeo sà tích bạc bên sườn, váy đen dài chấm gót. Riêng con gái Thái đen còn có chiếc khăn piêu đội đầu.

Mùa xuân hoa ban nở trắng rừng. Thấp thoáng sơn nữ Thái trong rừng ban, ta ngỡ "tiên nữ giáng trần", ẩn hiện lãng đãng trong làn mây bồng bềnh trên sườn núi cao… Kin khẩu tan nhớ hoài em gái Thái/ Đóa ban nào trắng muốt núi đồi/ "Lẩu noọng" chuốc trời nghiêng đất ngả/ Chia tay rừng nhớ mãi khôn nguôi!" 
Phạm Bá Dực
.
.