Khát vọng và chia sẻ

Thứ Ba, 24/10/2006, 14:00

Một tập thơ gói trọn lại 30 năm sáng tác không thể không có nhiều trải nghiệm. Nhưng cái trải nghiệm của Trần Thị Nương vẫn rất đáng yêu vì nó rất hồn nhiên, tự tuôn chảy, tự đúc kết, không hề có dấu hiệu làm dáng, dù vẫn đủ độ chín làm ta ngậm ngùi.

Mỗi nhà thơ đích thực, khi đi đến tận cùng mọi cảm nhận và suy nghĩ, đều trở lại với những đợi chờ phấp phỏng trong cõi tâm linh đầy lo âu và cô đơn của riêng mình. Đấy là tất yếu của một người suốt đời đi kiếm tìm sự hài hòa và cái đẹp, hạnh phúc và chân lý.

Trần Thị Nương đã đi một chặng đường thơ 30 năm của mình, cũng có một phút chững lại sững sờ: Về đâu ngọn gió của tôi/ Nao nao tím nửa khoảng trời ngát hương/ Đắm chiều lửa ngút trong sương/ Lại hun hút một chặng đường hư vô.../ Chợt không chợt có sững sờ/ Mong manh vẫn khắc khoải chờ ngàn năm (Gió tím).

Nếu còn những giây phút tự hoài nghi và day dứt như thế là còn thơ. Hình như thơ không bao giờ dành cho những người tự thỏa mãn. Cái hữu hạn của đời người, nỗi khắc khoải mong manh của trái tim thi sĩ được trải dài ra mãi, với những khát khao vô tận của kiếp người, có lẽ không bao giờ lấp đầy được. Và chúng ta bỗng hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Trần Thị Nương đặt tên tuyển tập thơ của mình là “Sóng khát”. Khát vọng trong cuộc sống, khát vọng trong tình yêu đã làm ý nghĩa của cuộc đời. Hãy nghe chị bộc bạch: Trái tim không còn yêu nữa/ Đời người sống cũng như không (Yêu).

Chúng ta dễ dàng cảm nhận một Trần Thị Nương quyết liệt và tràn đầy lòng yêu đời, hồn nhiên và tự tin trong thơ: Vần thơ đọng mấy kiếp người/ Tiếng sét thì vỡ nụ cười thì nguyên, hoặc Đợi xuân cả giữa chiêm bao.

Chúng ta còn bất ngờ hơn khi đọc những câu thơ chị thể hiện sự phóng khóang và bao dung trọn vẹn trong tình yêu đối với con người, biết tôn trọng người mình yêu lên đến độ lý tưởng mà không hề sáo rỗng: Mẹ cho con/ người đàn ông đích thực/ con được làm người/ vừa đi bộ vừa bay ... (Mẹ đã cho con).

Biết yêu con người hồn hậu và quả đoán như thế cũng là biết yêu mình, biết sống rộng rãi và tin yêu người cao thượng đến thế thì bản thân mình cũng không thể là người nhỏ nhen, ích kỷ. Phẩm chất ấy làm nhiều bài thơ của Trần Thị Nương thăng hoa dù cách nói rất giản dị, khiêm nhường.

Như triết lý “cần và đủ” cho một cây xương rồng: Trời còn ánh sáng còn mình nở hoa. Như một chút ví von đùa cợt khi quan sát một nhánh trúc rừng: Em có rỗng đâu... mà làm sáo trưa hè. Rất hồn hậu, nhưng không phải là không triết lý!

Nhận ra mình, nhận ra người, nhận ra sự phù hợp tương hỗ giữa mình và người mình gặp, từ đó tạo ra lòng yêu đời một cách thật sự tự nhiên, hồ hởi, đó thật sự là một “bí quyết sống” hài hòa đã được Trần Thị Nương diễn tả hết sức kiệm lời và dung dị trong thơ: Sông mơ hẹn với biển rối/ Ai không chảy ngược thì tôi đón về. (Tiếng gọi).

Và không phải là với triết lý ấy, thì lúc nào cuộc đời mình cũng suôn sẻ. Vẫn có những lỡ làng, hối tiếc bất cập trong đời. Nhưng chúng ta không thể không mỉm cười thông cảm khi Trần Thị Nương biết cách viết về những lỡ làng và hối tiếc như thế bằng một lối nói kiệm lời, nhẹ nhõm, cứ như không: Tiếc giây phút phải tầm phào/ Cho khuây nỗi nhớ/ thanh cao dịu dàng/ Tiếc sao tạo hóa vội vàng/ Lá anh rụng trước/ là nàng rụng sau. (Tiếc).

Ở đây có gì như gặp lại một câu thơ quen thuộc ngày trước Võng anh đi trước, võng nàng theo sau. Nhưng chúng ta dù ngậm ngùi mà vẫn phải mỉm cười vì sự lỗi nhịp, sự trớ trêu và không may của số phận đã làm cho “anh” và “nàng” không thể có nhau trong câu thơ tưng dửng đùa mà lại biết giấu kín nỗi đau một cách rất vô tình của Trần Thị Nương. Những câu thơ như thế có khá nhiều trong tập sách và làm nên ý vị vừa hồn nhiên vừa sâu sắc của thơ chị, nó cũng đồng thời làm nên cái  “chất văn hóa” của thơ chị.

Tôi nói như thế vì sực nhớ đến một định nghĩa thú vị về văn hóa mà tôi đã được đọc từ thời còn trẻ, đến bây giờ vẫn nhớ, đó là người ta quan niệm rằng văn hóa là cái còn lại sau cùng khi người ta đọc tất cả, học tất cả và cũng đã kịp quên đi tất cả! Cách nói của Trần Thị Nương gợi tôi nhớ lại cách định nghĩa đó.

Ví dụ, một cách nói rất Phú Thọ khi chị tỏ tình với Huế: Bao giờ được về với Huế/ Cho tôi gọi má bằng bầm. Ví dụ, khi chị đi đến Lạng Sơn ngắm nàng Tô Thị: Một vùng xứ Lạng mênh mang/ Rưng rưng hồn đá thấm sang hồn người.... Ví dụ khác, một chút ví von về lời nói con người: Lời người như lưỡi dao cau/ Bổ mớm còn lõi, bổ đau còn cùi.... Hay ví dụ một chút cảm nhận về đất mẹ: Đã tàn bao cuộc chiến tranh/ Vẫn nghe ruột đất nấc thành tiếng đau...

Một tập thơ gói trọn lại 30 năm sáng tác không thể không có nhiều trải nghiệm. Nhưng cái trải nghiệm của Trần Thị Nương vẫn rất đáng yêu vì nó rất hồn nhiên, tự tuôn chảy, tự đúc kết, không hề có dấu hiệu làm dáng, dù vẫn đủ độ chín làm ta ngậm ngùi. Chị viết về bạn học trường cũ: Cái thời trang vở trắng phau/ Mắt đen lay láy nhìn nhau ngỡ ngàng/ Cái thời đèn sách đa mang/ Bỏ không hoa phượng cháy ngang bầu trời/ Gặp nhau một thoáng bên đời/ Giật mình - đã nửa kiếp người trôi qua (Chiều Hậu Bổng).

Nói đến chiêm nghiệm cũng là bao hàm  sự từng trải. Có người thể hiện sự từng trải bằng cách nói gân guốc, xù xì. Có người thể hiện nó bằng những triết lý rối rắm, cao siêu, những đúc kết nặng nề, day dứt. Trung thành với những quan niệm sống và cách cảm, cách nghĩ hồn nhiên riêng của mình, Trần Thị Nương có những câu thơ đúc kết mà vẫn không cần đúc kết, từng trải mà không muốn mình tỏ ra từng trải: Đá già nua, em mười bảy tuổi/ Mưa cứ rơi ngô cứ trổ mầm/ Đá cứ lạnh và em cứ ấm/ Sương cứ trời và đá cứ non (Đá núi).

Những chữ “cứ” lặp đi lặp lại như một điều tâm niệm trong khát vọng sống của chị, được thể hiện nhất trong tập thơ.

Thơ Trần Thị Nương đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội, luôn luôn hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Chúc mừng chị đã thu hoạch khá phong phú và đầy đặn sau một chặng đường thơ và chúc chị đi tiếp với những đợt “Sóng khát” mới, mãnh liệt và tự tin hơn, cao thượng và quảng đại hơn, vô tận vô cùng trong trái tim nhỏ bé nhưng tràn đầy một tình yêu lớn của một người phụ nữ biết yêu Đời và yêu Thơ như một mối tình duy nhất

Bằng Việt
.
.