Phim chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:

Khán giả chờ đến bao giờ?

Thứ Ba, 21/09/2010, 11:33
Ngày Đại lễ đã cận kề nhưng chưa bộ phim nào chính thức được phát sóng. Nhiều người cho rằng, đây là thời điểm không sớm để trình chiếu những bộ phim này nữa. Hầu hết đây là phim truyền hình dài tập, nếu tới Đại lễ mới phát sóng thì sau đó khán giả sẽ phải xem liên tục những bộ phim cùng đề tài thì khó có thể thu hút được công chúng?

Dù đã hoàn thành và dự định phát sóng vào cuối tháng 9 nhưng bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" vẫn đang ở trong tình trạng chờ được cấp phép vì phải chỉnh sửa, thay đổi khá nhiều. Tiến độ làm phim "Khát vọng Thăng Long" vẫn trong vòng... bí mật. "Thái sư Trần Thủ Độ" chưa biết sẽ phát sóng trước hay sau Đại lễ. "Huyền sử thiên đô" đã ra mắt nhưng chưa có lịch phát sóng cụ thể... Như vậy, chỉ còn gần một tháng nữa, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra nhưng công chúng vẫn chưa được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh nào - lĩnh vực có khả năng đến được với đông đảo công chúng nhất -  về đề tài này.

Sau khi dự án phim truyện nhựa rầm rộ và tốn kém khá nhiều thời gian, tiền bạc là "Thái tổ Lý Công Uẩn" chính thức "đổ bể", nhiều khán giả lo ngại sẽ không có bộ phim nào được làm để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, khi quá khó để làm phim nhựa, các hãng phim nhanh chóng quay sang sản xuất phim truyền hình. Một loạt phim về Lý Công Uẩn ồ ạt sản xuất dẫn đến từ chỗ "khát" phim về Lý Công Uẩn, cả báo giới và công chúng "rối tung" trước sự xuất hiện của không chỉ một mà đến 4 bộ phim.

Khi bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn"... chìm xuồng, dư luận đổ dồn vào bộ phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ". Đây là phim được Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long -  Hà Nội đặt hàng Hãng phim truyện I với kinh phí trên dưới 50 tỉ đồng cho 30 tập phim truyền hình. Quá trình thực hiện bộ phim gặp phải khá nhiều lùm xùm, rắc rối như sự cố hủy vai diễn Trần Thị Dung của Á hậu Thiên Lý, chuyển sang cho Lã Thanh Huyền; việc Thu Hà "thế chân" Minh Hương ở những tập sau của phim… Theo đạo diễn Tất Bình - Giám đốc Hãng phim truyện I, đó không phải là nguyên nhân để tiến độ làm phim giãn ra mà vì phim sẽ được chiếu sau những bộ phim làm khác có cùng chủ đề về vua Lý Công Uẩn.

Dàn diễn viên chính tham gia phim "Huyền sử thiền đô".

Cùng là phim chào mừng Đại lễ nhưng "Thái sư Trần Thủ Độ" được coi như không có "đối thủ". Ba bộ phim còn lại là "Huyền sử thiên đô", "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" và "Khát vọng Thăng Long" đều có nhân vật chính là vị vua tài danh này. Trong đó, "Huyền sử thiên đô" là bộ phim dài hơi nhất, với 70 tập (tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn; đạo diễn Tất Bình, Thanh Phong), được coi như bộ phim công phu, hoành tráng, có tới 127 nhân vật được đặt tên và hàng trăm nhân vật khác trong các vai quần chúng. Vai Lý Thái Tổ được giao cho diễn viên trẻ Công Dũng. Ngoài ra còn có sự tham gia của một loạt các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trọng Khôi, các nghệ sĩ Hà Xuyên, Giáng My, Bá Anh, người mẫu Bebe Phạm, Rich - Ting…

Với "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Huyền sử thiên đô", Hãng phim truyện I được coi như khá tích cực trong dịp này. Khác với "Thái sư Trần Thủ Độ", suốt cả quá trình làm luôn được "trống dong cờ mở" tưng bừng thì "Huyền sử thiên đô" lại khá im lặng. Phía nhà sản xuất đưa ra lý do "quá nhiều việc", hơn nữa, họ không muốn những thông tin thực giả lẫn lộn làm ảnh hưởng tới bộ phim… Tất cả các bối cảnh của "Huyền sử thiên đô" đều được thiết kế, tạo dựng trong nước. Các địa điểm quay chính dàn trải từ Cổ Loa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Sơn La, cho tới Huế, Bình Thuận…

Một phim về chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long được coi là lạ lùng và "bí hiểm" nhất là phim truyện nhựa "Khát vọng Thăng Long" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Cho tới thời điểm này, bộ phim họp báo đúng một lần vào tháng 2-2010. Sau đó, mọi thông tin về đoàn làm phim hoàn toàn được giữ bí mật. Đây là dự án đạo diễn Lưu Trọng Ninh ấp ủ từ nhiều năm qua với tên cũ là "Chiếu dời đô". Sau rất nhiều khó khăn tưởng như phải bỏ cuộc, bộ phim bất ngờ được thực hiện nhưng toàn bộ thông tin chỉ dừng lại ở đó. Nội dung phim, diễn viên tham gia, đơn vị sản xuất vẫn đang được các nhà làm phim giữ im lặng tuyệt đối.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ: "Với tôi, để sản xuất bộ phim đáp ứng được yêu cầu về mặt lịch sử và Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội giống như việc bước ra pháp trường đối mặt với hàng trăm họng súng. Vì vậy chúng tôi xin phép giữ bí mật". Tuy nhiên, vị đạo diễn cá tính này cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, phim sẽ ra mắt đúng dịp Đại lễ. Việc phim có ra mắt đúng hẹn hay không thì chỉ trời... mới biết. "Khát vọng Thăng Long" cũng chỉ lấy bối cảnh trong nước tại 3 địa điểm là Hà Nội, Hoa Lư (Ninh Bình) và Huế. Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, thách thức lớn nhất với đoàn làm phim là được khán giả công nhận là phim lịch sử Việt Nam. Do đó, cầu ao, làng nghề, thôn xóm trong phim phải mang đậm nét làng quê xưa.

Một bộ phim đang gây xôn xao dư luận dù chưa được công chiếu là "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long". Không họp báo ra mắt, không công bố kế hoạch làm phim, báo chí chỉ biết đến bộ phim đã hoàn thành. Thông tin bên lề cho biết, bộ phim được thực hiện với kinh phí khổng lồ: khoảng 9 tỉ cho một tập và mức đầu tư toàn bộ lên tới 100 tỉ đồng. Điều đặc biệt ở dự án phim này là ngoài dàn diễn viên là người Việt Nam thì hầu như toàn bộ ê kíp là người Trung Quốc với đạo diễn Cận Đức Mậu - người từng nổi tiếng với phim "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên". Kịch bản phim được viết bởi một người "tay ngang" là ông Trịnh Văn Sơn, sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa chuốt lại. Toàn bộ cảnh quay cũng được thực hiện tại Trung Quốc, thuê may gần 700 bộ trang phục, thuê diễn viên đóng thế và hàng trăm diễn viên quần chúng của Trung Quốc. Dù đã hoàn thiện nhưng "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" chưa được phát sóng vào tháng 9 như dự kiến vì đang gặp phải những trục trặc không nhỏ.

Như vậy, hiện chỉ duy nhất phim hoạt hình "Người con của rồng" "cán đích" sớm nhất, còn những bộ phim kia vẫn chưa tiệm cận tới khán giả.

Điều khiến công chúng lo ngại là chúng ta có tới 3 bộ phim về vua Lý Thái Tổ mà các phim này đều tập trung khai thác thời điểm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Tài liệu về vua Lý Thái Tổ lại khá ít ỏi, liệu có sự trùng lặp, na ná nhau trong các bộ phim?

Nhưng xem ra, điều lo ngại này còn… xa vì khán giả vẫn chưa có cơ hội để thưởng thức, so sánh. Ngày Đại lễ đã cận kề nhưng chưa bộ phim nào chính thức được phát sóng. Nhiều người cho rằng, đây là thời điểm không sớm để trình chiếu những bộ phim này nữa. Hầu hết đây là phim truyền hình dài tập, nếu tới Đại lễ mới phát sóng thì sau đó khán giả sẽ phải xem liên tục những bộ phim cùng đề tài thì khó có thể thu hút được công chúng?

Trở lại với những dích dắc liên quan tới bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", khiến cho con đường đến với khán giả của bộ phim còn… xa hơn nữa. Hiện nay, các đơn vị chức năng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cấp phép phổ biến bộ phim hay không vì đang ở quá trình xét duyệt. Trước những băn khoăn về màu sắc... nước ngoài đậm nét trong bộ phim, có nhiều khả năng bộ phim sẽ phải chỉnh sửa khá nhiều. Ai cũng biết, việc chỉnh sửa với một tác phẩm điện ảnh đã hoàn chỉnh không hề đơn giản.

Theo các cơ quan chức năng, một số nội dung mà bộ phim sẽ phải thực hiện như cắt bỏ một số cảnh quá quen thuộc của Trung Quốc dễ gây hiểu lầm cho khán giả như cảnh vua đi lại ở cầu dích dắc trên mặt hồ, một số cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc với trang phục Trung Quốc. Một số vấn đề liên quan đến quan điểm lịch sử, lời thoại của nhân vật cần sửa lại… Thiết nghĩ, công việc này dù mất thời gian nhưng cần thiết vì đây là phim nói về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Đây có lẽ cũng là bài học cho các nhà làm phim khi bắt tay vào thực hiện những bộ phim lịch sử. Để có thể đến kịp với công chúng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng và công phu từ trước

Khánh Thảo
.
.