Khách văn trên vùng ngựa xe đất võ

Thứ Năm, 23/01/2014, 08:00
Con ngựa và cỗ xe ngựa Bình Định, nay hầu như vắng bóng trên các làng quê và phố thị. Nếu thời Lê Quý Đôn viết "Phủ biên tạp lục" thấy được hàng trăm hàng ngàn dấu mã trong hang núi Quy Nhơn thì đến thời điểm hiện nay, không ngọn núi nào còn dấu ngựa rừng. Ngựa nhà cũng trở nên ít ỏi, những ai duyên nghiệp gắn bó, tức còn nhớ nghề, còn mộ ngựa, mua tận phương xa về nuôi, chạy vài cuốc để… giữ không khí!..

Gạch đá Đồ Bàn hoang phế đã hóa thân thành thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn năm 1776.  Nhưng không dừng lại ở đây, vài ba thập kỷ sau, con tạo lại làm cuộc chuyển đổi khác, địa điểm khác, cách đó khoảng 3 km về phía Nam, từ kinh kỳ của trung ương hoàng đế thành tỉnh lỵ của địa phương - thành Bình Định. Cuộc thịnh suy hưng phế của lịch sử đặt tang thương lên cảnh vật và thẩm thấu trong trắc ẩn của hồn người, đến đầu thế kỷ XX đã vang bóng trong hồn của một nhóm bạn thơ, để lại trên thi đàn Việt một cái tên lay động: Nhóm "Bàn Thành tứ hữu", với Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn), Phụng (Chế Lan Viên).

Tôi có niềm yêu mến đặc biệt với vùng đất "lối xưa xe ngựa" này và tôi luôn khao khát truyền cảm hứng ấy cho khách văn chương bốn phương trời! Để liên kết với khách văn từ Hà Nội đến, từ Sài Gòn ra, khi được yêu cầu, đôi khi người bản địa cũng tung tẩy vài chuyện giải khuây về hành trình văn hóa Thăng Long - Đồ Bàn trong những thế kỷ xa xưa, khi vết chân ngựa của Lý Trần Lê vào tận kinh thành Phật Thệ. Đặc biệt, con "Song Vỹ Hồng" của danh tướng Lý Thường Kiệt và con "Nê Thông" của Hoàng đế Trần Duệ Tông là hai con "thần mã" lẫy lừng trong lịch sử Đại Việt, từng ruổi rong thiên lý chạm chân đến đế đô hoa lệ Vijaya chốn này.

Chẳng thế mà vùng ven thành Hoàng Đế, có phiên chợ Gò Găng nổi tiếng mặt hàng nón ngựa Phú Gia. Hình ảnh giới vương tôn công tử ngồi trên lưng ngựa đội những chiếc nón ngựa bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh thỉnh thoảng xuất hiện trong làng quê cổ truyền, dấy lên chút không khí quyền uy. Không rõ các giáo sĩ phương Tây trong đó có bậc tiên khởi của chữ Quốc ngữ là Alexandre de Rhodes dùng phương tiện gì để vào phủ Quy Nhơn trong cái thời sách "Chinh phụ ngâm" gọi là "bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền"? Sự thực là, đến tận nửa sau thế kỷ XX, trừ những cuộc đua, ít thấy người ngồi trên lưng ngựa. Song vẫn còn phổ biến loại hình khác: Con ngựa kéo theo một cỗ xe bình dân, kèm âm điệu tiếng lục lạc ánh ỏi, phương tiện vận tải đắc dụng cho người và sản vật quê nhà.

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng trên chuyến xe ngựa về Gò Găng.

Hồi năm 2000, vào thăm thành Hoàng Đế, Giáo sư, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Nguyễn Xuân Kính có nói với tôi rằng xe do ngựa kéo là từ Nhật du nhập vào ta từ năm 1886. Trong Thiên du ký của Phạm Quỳnh đăng trên Nam Phong tạp chí từ 1918, Nam Bộ còn có xe kiếng, kiểu xe Ấn Độ, xung quanh gióng mặt kiếng, do ngựa hoặc lừa kéo đi.

Kinh thành Hoàng Đế gắn liền với những làng nghề: làng trống làng chiêng, làng tiện, làng đúc, làng rèn… và một làng làm rung môi bốn phương là làng rượu! Có làng rượu ở phía Nam, lại có chợ rượu ở phía Đông, ngựa xe tấp nập, trên bến dưới thuyền là văn nhân thi sĩ thực khách tửu đồ! Điều này gây chú ý cho chuyến xe lữ hành ẩm thực xuyên Việt từ Nam ra của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn và người cầm lái không ai khác là nhà thơ Nguyễn Duy!

Nhớ thời hai mươi, vào Bạc Liêu, xuống Cà Mau tìm xe kiếng không còn, bèn đi "xe vua" - tiếng thông dụng người bản địa gọi xe lôi - dốc cạn hồ trường với thi sĩ Nguyễn Trọng Tín, đã đời với tuổi trẻ ham chơi ham thiết kế những ý tưởng mới lạ trong chén rượu giang hồ. Điều đó còn gây chú ý cho một chuyến xe lữ hành khác, từ Bắc vào, người điều hành là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên với những lữ khách trăm loại ngôn ngữ Nga, Pháp, Anh, Hoa Tiệp, Ba Lan, Rumani… Tôi cũng ấn tượng với chuyến xe đưa các bạn văn Tp HCM tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định...

Những chuyến ghé lại, ngoài thành Đồ Bàn - Hoàng Đế, nhiều khách văn nhất định không bỏ qua làng rượu. Có hẳn một cơ quan trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam đóng tại thành Bình Định. Hôm nhà thơ Trần Đăng Khoa vô, lại đưa các sơn nữ Tây Bắc tham quan, chính quyền địa phương tổ chức đón mừng hoành tráng. Cuộc này các em gái Sơn La mang rượu thổ sản ra đối lưu với Bàu Đá, ông đã ứng tác bài thơ ngất ngưởng "Gái Sơn La mời rượu trai Bình Định".

Con ngựa và cỗ xe ngựa Bình Định, nay hầu như vắng bóng trên các làng quê và phố thị. Nếu thời Lê Quý Đôn viết "Phủ biên tạp lục" thấy được hàng trăm hàng ngàn dấu mã trong hang núi Quy Nhơn thì đến thời điểm hiện nay, không ngọn núi nào còn dấu ngựa rừng. Ngựa nhà cũng trở nên ít ỏi, những ai duyên nghiệp gắn bó, tức còn nhớ nghề, còn mộ ngựa, mua tận phương xa về nuôi, chạy vài cuốc để… giữ không khí! Cho nên hôm đầu tháng Chạp, ngay ngày chợ phiên Gò Chàm (chợ Bình Định), chúng tôi qua lại mãi một ngày người buôn bán tập trung cao điểm thổ sản địa phương mà đếm mãi cũng không quá vài ba cỗ xe ngựa từ Đập Đá vào.

Xe ngựa đường quê ngày càng vắng bóng.

Nhớ năm xưa, với gợi ý của nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi và nhà thơ Lê Văn Ngăn đã lên tận bến hợp đồng khoảng ba chục cỗ xe ngựa chở trăm hội viên Hội Nhà văn ở miền Trung đi ngoạn cảnh xưa Thượng hoàng Trần Nhân Tông xa giá vân du Đồ Bàn, tiếp đến Huyền Trân công chúa về làm dâu Chiêm Thành. Tiếc rằng cuộc ấy không thực hiện được, phải nhường tỉnh khác đăng cai vì Bình Định chuyển trời, sầm sập bão mưa!

Tôi nhớ hai chuyện nhà thơ Quách Tấn kể trên chuyến đi xe ngựa về chốn cũ, hồi 1988. Chuyện thứ nhất, là con ngựa Xích Kỳ. Con ngựa quý này là giống hãn huyết, mình đỏ rực đuôi đen tuyền, mồ hôi có màu máu, vua Miên tặng Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Nhân vi hành Quy Nhơn, Quốc chúa bị "Kinh Kha" Nguyễn Văn Tuyết mưu hành thích, nhưng không thực hiện được vì quân lính canh gác quá kỹ. Tráng sĩ Tuyết hết cách, bèn nhảy lên lưng Xích Kỳ phóng tuốt!

Tôi phục tráng sĩ quá giỏi, vì có câu "ngựa ai người nấy cưỡi", nó không phải xe hơi đời mới, người không "chính chủ" cứ mở được khóa là vọt lẹ, mà nó là con vật với đầy đủ ái ố hỉ nộ, nhiều con lại trung thành tận tụy đầy ân nghĩa với chủ, lơ mơ nó đá hậu là dập… bộ phận tăng dân số! Cũng may cho tráng sĩ, hồi ấy không cần… giấy tờ ngựa, không có cơ quan sát hạch việc cưỡi ngựa, như kiểu đăng ký ôtô và thi bằng lái như bây giờ, ra đường lại không có đèn xanh, đèn đỏ cũng như cảnh sát giao thông kiểm soát, nên tráng sĩ từ phủ đường Quy Nhơn lướt gió về Tây Sơn thượng đạo nhẹ nhàng. Nghe nói con ngựa này về sau đã cùng tráng sĩ, lúc này là có hàm Đô đốc Tuyết, ra đánh đuổi quân Thanh trong trận Đống Đa, làm nên nhiều kỳ tích động trời nữa.

Không biết có thần dân nào gọi ngựa của vua là "chuyên mã" giống như bây giờ ta gọi "chuyên cơ" của nguyên thủ hiện đại hay không? Thực ra, theo sử sách, ngày xưa các triều đại đã đặt ra Viện Tượng Chính và Mã Chính là hai cơ quan chăm sóc, huấn luyện voi, ngựa. Thời Lê đặt hai Giám ti Ngự Tượng và Ngự Mã; thời Nguyễn có quy chế cụ thể về Mã Chính bao gồm ngạch ngựa, chăn nuôi ngựa, kén chọn ngựa, diễn ngựa, trang sức cho ngựa, có cả y sinh chữa bệnh cho ngựa. Và người ta đã phân biệt đẳng cấp ngựa dành cho vua, cho tướng, các loại ngựa chiến, ngựa thồ…

Nói chung, cũng là phôi thai các hình thức chuyên cơ, chuyên xa, công xa, chiến xa bây giờ. Trong tàu ngựa Minh Mạng, lại có con Thiên Mã thuộc giống ngựa Trung Đông thuần chủng Ả rập. Sử cũ cũng cho biết, trước đó, các triều vua Lý cũng nhận cống vật là ngựa trắng của Chiêm Thành hoặc triều Trần cũng từng nhận ngựa Java, tức Indonesia bây giờ. Nhìn chung, các cống phẩm giá trị ấy, quy ra bây giờ cũng là một loại… siêu xe ngoại!

Bây giờ, ở thời buổi "lên máy bay xuống taxi" hoặc "lên xe buýt xuống xe ôm" hay "lên tàu lửa xuống xích lô" gì gì đó vân vân, đột nhiên việc "lên voi xuống ngựa" thành "siêu xe", thành đặc sản chốn đường sá. Ở vùng này, ngọn cỏ quá thơm trên môi những con ngựa truyền thống, nào ngựa vua, ngựa quan, ngựa tướng, ngựa binh, ngựa thồ, ngựa trạm...

Hình như chưa có nhà văn, nhà sử học danh tiếng nào của bản địa không nhắc tới ít nhất một lần, hình ảnh con ngựa trong trước tác của mình. Giở lại những tác phẩm của Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, Phạm Hổ... quả đúng thế thật. Con ngựa góp công sức không ít cho cuộc định danh đất võ, con ngựa cũng xuất hiện không ít trong cỗ xe văn chương, và nó trở thành hình ảnh không thể thiếu ở vùng thành Đồ Bàn - Hoàng Đế, như những nhân chứng đầy gợi cảm về một quá khứ đầy trân trọng.

Tôi hy vọng trong hành trình văn hóa du lịch quê hương, những bạn văn bốn phương trời sẽ còn được thưởng thức tiếng nhạc ngựa, ngồi trên cỗ xe nghêu ngao với hồ rượu dân dã, nghe những tiếng vọng ngàn xưa trầm tích trong một không gian "Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng mầu áo ngọc lưu ly..." (thơ Yến Lan)

Nguyễn Thanh Mừng
.
.