Kẻ đa tài chậm bước

Thứ Tư, 23/01/2008, 14:30

Nguyễn Kế Nghiệp có thể trở thành một nhà văn "tầm cỡ" hơn, nhiều cống hiến hơn cái anh đang hiện có. Nhưng sự ham vui đã kéo kẻ đa tài đi chậm bước. Và Nguyễn Kế Nghiệp, nói như thi sĩ Tản Đà đã là kẻ "giang hồ ham chơi quên quê hương" và bao giờ cũng lỗi nhịp!

Năm 1965, tôi là học viên lớp biên kịch của Trường Điện ảnh Việt Nam. Đồng môn với tôi có Lâm Quang Ngọc. Trong câu chuyện thường ngày anh hay kể cho tôi nghe về một người bạn, mà theo lời anh thì rất tài hoa nhưng đang kẹt trong những định kiến nặng nề của thời bấy giờ.

Anh nói nhiều về Nghiệp, thương Nghiệp nhiều lắm, đến nỗi tình yêu của anh lây cả sang tôi, và từ lúc nào đó Nghiệp đã đi vào trái tim tôi như một người bạn thực sự. Tôi cũng vui buồn theo Ngọc, cùng băn khoăn trăn trở khi người bạn xa xôi nơi xứ Đoài mây trắng này gặp chuyện chẳng lành, mà chuyện chẳng lành đối với một người thuộc diện "không cơ bản", lại ở nơi tỉnh nhỏ thì đó là "chuyện thường ngày ở huyện".

Trong cuộc đời cũng như trong văn chương không thiếu những chuyện chưa gặp nhau mà đã là bạn và khi gặp nhau rồi thì không thể rời nhau ra được nữa. Thật khó lý giải, đó là duyên đời, duyên văn chăng?

Một ngày Ngọc vui hớn hở, anh kéo tôi ra ngồi ở mép giếng nơi sơ tán nói với tôi:
- Nó được đi dạy học rồi mày à.
- Thế à?

Lá thư Nghiệp viết cho bạn còn trên tay Ngọc. Tôi cầm lá thư dưới ánh trăng trong dù xanh ngắt không đọc được gì, nhưng hình dung ra các con chữ đang nhảy reo vui.

Tôi hình dung ra ở một nơi nào đó thuộc tỉnh Sơn Tây, anh giáo Nguyễn Kế Nghiệp đang quần áo chỉnh tề lên lớp, chắc là anh vui lắm. Không vui sao được, bởi có một công việc như thế này anh đã phải thân chinh viết thư nhờ người trao tận tay cho đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm.

Nguyễn Kế Nghiệp tốt nghiệp phổ thông nhưng không được đi học đại học vì một lý do mà chẳng bao giờ anh biết được. Anh xin đi học 10 + 1 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp xong, mãi mà chưa được phân công công tác, anh trở lại quê nhà. Anh học trò thư sinh đi làm thợ rèn, thợ sắt ở HTX.

Nhưng có một tấm lòng vàng, cảm thương anh học trò vô tội đã gợi ý Nghiệp viết thư cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Liêm và chính tay ông mang bức thư đó trao tận tay cho vị Thứ trưởng. 15 ngày sau anh có quyết định đi dạy học. Từ đây nhà báo, nhà văn tương lai đã có một nghề để sống và ấp iu hy vọng văn chương.

Cái phố Làng nơi anh hàng ngày vẫn đạp xe qua, hiu hắt như Yến Lan tả trong bài thơ "Tỉnh nhỏ" bỗng trở mình, bừng thức, xáo động trước một thử thách lớn đặt ra trước dân tộc: Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ý thức và trách nhiệm công dân đã làm cho người phố Làng xích lại gần nhau, sẻ chia, đồng tâm, đồng cảm ấm cúng trong nghĩa tình đồng bào. Với sự tinh tế, nhạy cảm, Nguyễn Kế Nghiệp đã khắc họa thành công cái phố Làng vốn rất gần gũi với mọi người chúng ta đi vào cuộc chiến với những hình ảnh gần gũi, thân quen mà xao động lạ kỳ.

Truyện ngắn này in trên Văn nghệ Quân đội năm 1966 và là một truyện ngắn hay của tạp chí vào những năm đó.

Tôi đã cầm cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội trong tay và ngồi đọc "Phố Làng" dưới tán cọ trung du của huyện Phù Ninh - Phú Thọ. Có gì đồng cảm, đồng điệu như thể văn bạn cũng là văn mình.

Xuân 1967, tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc gặp gỡ cuối năm.

Tôi và Lâm Quang Ngọc đều được mời dự cuộc tao ngộ này. Tại đây, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Nguyễn Kế Nghiệp. Anh đúng như tôi hình dung, một con người nhu mì, ăn nói có duyên và lịch lãm.

Hồi đấy ngoài Đỗ Chu đã có "Mùa cá bột", "Hương cỏ mật", Vũ Quần Phương có "Phanxipăng ta lên đến đỉnh", chúng tôi vẫn chỉ là một "lũ nhóc con" đứng rất xa mà ngắm nghía, mà thần thánh cái lâu đài văn chương.

Tôi, Nghiệp, Ngọc, Tô Hoàng, Nghiêm Đa Văn ngồi líu ríu một góc trong ngôi nhà số 4, phố Lý Nam Đế mà ngắm nghía những đàn anh của mình. Chúng tôi thấy anh Thanh Tịnh, anh Nguyễn Khải, anh Hồ Phương, anh Nhị Ca, anh Nguyễn Minh Châu, anh Từ Bích Hoàng là những ông thánh và rất vui khi được các anh sà xuống bắt chuyện.

Sau cuộc vui đó chúng tôi còn đi với nhau suốt đêm. Khi có tiếng gà cất lên chúng tôi kéo nhau về nhà Lâm Quang Ngọc ở phố Phan Bội Châu nấu mì sợi ăn và lại cùng nhau đàm đạo văn chương cho tới sáng.

Trong những cuộc cãi vã bất phân thắng bại về chuyện đời, chuyện văn này, Đỗ Chu bao giờ cũng là người "to miệng", rồi đến Nghiêm Đa Văn, còn Nghiệp thì ngồi yên lặng lẽ. Cuộc đời đã dạy anh quá nhiều bài học về sự thu mình lại. Chính vì thế bạn bè lại càng yêu, càng quý anh và khi gặp nhau, nếu không có anh mọi người đều cảm thấy thiếu vắng.--PageBreak--

Năm 1983, anh giáo tỉnh lẻ rời xứ Đoài để trở thành "nhà báo Trung ương". Nghiệp đời là vậy. Nó chính là quy luật của "Tái ông thất mã". Từ nay ở vị trí nhà báo Người Công giáo Việt Nam, cánh buồm Nguyễn Kế Nghiệp rong ruổi khắp muôn phương. Anh đi rất nhiều nơi, có mặt ở khắp các vùng công giáo, trao đổi và đàm đạo với các vị giám mục, ban hành giáo, các tỉnh và đội ngũ giáo phẩm.

Trong một thời gian rất ngắn, anh đã hòa nhập vào giới truyền thông và văn hóa kinh kỳ… Nơi anh làm việc trở thành điểm đến, điểm hội tụ của đủ các loại câu lạc bộ: văn học có, âm nhạc có, điện ảnh có, doanh nhân có, khoa học có… thôi thì đủ cả. Nguyễn Kế Nghiệp dung hòa được hết. Điểm mạnh này đã trở thành điểm yếu của anh, anh bị phân thân và như một bàn tay xòe ra cả năm ngón.

Anh không đủ tâm sức để dồn vào một công việc nào đó cho có ngọn ngành, đến nơi đến chốn. Sự ham vui đã dẫn anh sang các mê lộ tai hại. Anh có thể trở thành nghệ sĩ sân khấu nếu anh toàn tâm bởi anh đã từng trúng tuyển diễn viên kịch cùng với Đức Trung mà chính người tuyển anh là đạo diễn Trần Hoạt.

Anh có thể trở thành ca sĩ bởi anh có một giọng hát vàng mà đến tài tử Ngọc Bảo cũng phải ngợi khen. Anh có thể trở thành người ngâm thơ có hạng ở Việt Nam nếu anh đi riêng vào con đường đó. Với các bài "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Màu tím hoa sim", cho đến nay rất ít người ngâm vượt được anh.

Anh có thể trở thành một nhà văn "tầm cỡ" hơn, nhiều cống hiến hơn cái anh đang hiện có. Nhưng sự ham vui đã kéo kẻ đa tài đi chậm bước. Và Nguyễn Kế Nghiệp, nói như thi sĩ Tản Đà đã là kẻ "giang hồ ham chơi quên quê hương" và bao giờ cũng lỗi nhịp!

Nhưng mà thôi Nghiệp ơi! Mỗi một cá nhân trong cát bụi vũ trụ này nói một giọng riêng mình, múa một điệu của riêng mình chẳng giống ai và chính thế, dù là một hạt sương, một bông hoa đồng nội khiêm nhường, họ vẫn để lại cho dương thế những gì không thể thay thế được.

Hai tập truyện ngắn "Hoa mận và Chim anh vũ" và "Rong ruổi dặm trường" là món quà nhỏ anh gửi tặng lại cuộc đời. Nó có thể đứng hững hờ trên giá sách kia hoặc lặng lẽ trong tủ sách thư viện, những mong có một bàn tay nào đó cầm lên, vào một thời gian xa xôi nào đó, nó sẽ lập tức cất lên tiếng nói của riêng mình.

Một tiếng nói dịu dàng, dung dị, một thứ văn chương thời Tự lực văn đoàn và ai đó kia sẽ lặng im để nghe một lời tâm sự của kẻ xa xôi vọng về. Thế đấy, văn chương là thế đấy. Với một nhà văn dù trường cổ đại thanh hay véo von tiếng sáo, hay dịu dàng như tiếng mưa vẫn là của riêng họ và có sự đồng điệu của riêng họ, mà chỉ ở họ mà thôi!

Ấy nói là ham vui nhưng cái ham vui văn chương vẫn là cái Nguyễn Kế Nghiệp tâm huyết nhất. Nếu không có một vài sự lỗi nhịp thì anh đã trở thành phóng viên báo CAND từ năm 1983 rồi. Nhưng không là nhà báo Công an, Nghiệp vẫn là một người cầm bút dành nhiều trang viết cho Lực lượng Công an, mà là những trang viết rất giàu cảm xúc.

Anh viết kịch bản phim "Xứ đạo bình yên" cho Xưởng phim CAND. Biết tin trại sáng tác văn học do Báo CAND mở tại Vũng Tàu năm 2005, mặc dù đã ung thư đại tràng di căn, Nguyễn Kế Nghiệp vẫn hăng hái xin đi và ở trại sáng tác Vũng Tàu, anh đã quên bệnh tật và sống như một chiến sĩ công an thực thụ.

Đi thực tế ở đâu anh cũng có ghi chép tìm hiểu, cặn kẽ và viết ngay tại trận. Con người nhà báo trong anh luôn thường trực. Đến trại Z30D, anh viết luôn một bút ký rất hấp dẫn về cải tạo phạm nhân. Anh cũng là một nhà văn trại viên hoàn thành nhiều truyện ngắn nhất ở trại. Một số trong truyện này đã in trên Văn nghệ Công an như "Tượng đồng" và "Bức tranh để lại".

Một điều đặc biệt mà tôi thấy lạ là con người ham vui vốn có thói quen coi các ràng buộc luật lệ như một thứ rườm rà này lại là một người chăm chỉ và đề cao ý thức tổ chức kỷ luật. Đến nỗi Tô Hoàng, Trần Quốc Toàn nói với tôi là: "Nghiệp dở chứng!".

Mà thật vậy thay. Nghiệp đã dở chứng rồi. Không dở chứng mà sao đang yên đang lành lại nảy ra cái u bướu ở đại tràng để đến nỗi luôn luôn phải đeo một bao vệ sinh bên mình!

Những ngày này quanh giường anh bạn bè đông lắm, bạn văn, bạn nhạc, bạn kịch, bạn điện ảnh, Chi hội Nhà văn Công an. Ai cũng muốn được nắm tay một con người đang ngày đêm vật lộn với tử thần.

Nhà thơ Băng Sơn đã có lần viết về Nguyễn Kế Nghiệp với đầu đề rất hay: "Nguyễn Kế Nghiệp - cánh buồm rong ruổi".

Phải rồi, suốt cuộc đời anh là những chuyến đi, chuyến xê dịch bất đắc dĩ, những cánh buồm rong ruổi của một số phận đa đoan, tài và mệnh xung khắc. Chỉ có điều đến bây giờ anh nằm im tại chỗ như thế kia để chuẩn bị cho chuyến rong ruổi cuối cùng.

Buồn quá - Nghiệp ơi!

Nếu mua được một vé tàu để quay lại cái ga đầu đời xuất phát thì Nghiệp sẽ trở lại hành trình như thế nào? Chắc anh sẽ đi lại cái lộ trình mà anh đã đi qua trong 65 năm của đời mình mà chẳng làm khác được

Mai Vũ
.
.