Kể chuyện vẽ nuy

Thứ Hai, 04/03/2019, 09:16
Trong vai một họa sĩ, nghĩa là cũng cọ cũng toan và chỉ có mỗi cách đó tôi mới “xâm nhập” được vào phòng vẽ nuy. Trong đó đã có ba họa sĩ tuổi lục tuần trông rất nghiêm túc, giá vẽ của họ đã chọn được chỗ thích hợp để đặt. Trên một chiếc ghế đơn không có tựa, một cô gái tuổi ngoài ba mươi ngồi nghiêng theo hướng nhìn của tôi, cô ấy đã nuy trăm phần trăm.


Cảm giác ban đầu trước mẫu nuy?

Đem tâm trạng của mình, tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh. Ơ cái ông họa sĩ thoạt nhìn vẻ bề ngoài cứ tưởng là một vận động viên thành tích cao hóa ra lại còn “nhát” hơn cả tôi. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh nói luôn: “Bác lần đầu như thế là bác có bản lĩnh đấy”.

Sinh ra và lớn lên ở làng Hoàng Mai (nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Tuấn Thịnh bộc lộ năng khiếu hội họa khá sớm. Những bức vẽ thuở học trò từng được bạn bè, thầy cô khen nức nở. Chính bởi những câu động viên ấy mà sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Tuấn Thịnh thi vào Trường Đại học Mỹ thuật, những mong thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh kể: “Lần đầu tiên vẽ mẫu nuy khi được vào học năm thứ nhất Đại học Mỹ thuật, tôi rất phấn khích. Trước đó, khi học luyện thi chỉ được vẽ đến mẫu nam mặc quần đùi. Anh tính, cái thằng con trai mới 17 tuổi dù có theo nghề, biết là công việc nhưng lần đầu thấy mẫu nuy thì thẹn là cái chắc. Tôi vội ra ngoài hành lang đợi bình tĩnh trở lại mới quay vào phòng vẽ”.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh đang vẽ.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh cười ngượng nghịu hệt như cậu bé bị bắt quả tang đang vét nồi cơm nguội và dĩ nhiên lúc quay vào phòng vẽ thì cậu đành phải đặt giá vẽ ở một chỗ không thuận tiện lắm, bởi những học viên khác đã tranh thủ thời gian chiếm chỗ đẹp mất rồi.

Vẽ theo mẫu nuy có khó?

Nghe tôi hỏi, họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh cười, cho biết: “Trong hội họa, khó nhất là vẽ người, bởi khi đứng bên giá vẽ và trước mặt là một con người, cho dù người mẫu đó có thể anh biết rõ họ mười mươi đấy, nhưng để vẽ họ thì không dễ chút nào”. Tôi lắc lắc đầu chưa hiểu. Thấy vậy, họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh đành phải gác cọ để nói cho tôi hiểu.

Thì ra, trong chuyện dạy và học hội họa thì người học bao giờ cũng phải “trải” qua nhiều thể loại là vẽ phong cảnh, vẽ tĩnh vật, vẽ chân dung và vẽ người. Trong vẽ người có vẽ nuy. “Anh biết rồi đấy, vẽ nuy khó lắm. Khó đến mức nhiều thí sinh đã trượt vì… khó. Nên chính vì thế mà trong suốt quá trình học ở trường, sinh viên mỹ thuật được vẽ nuy rất nhiều, bởi ở thể loại này, người vẽ cần phải thể hiện được vẻ đẹp của tạo hóa đã dành cho con người, mà cụ thể là vẻ đẹp với những đường cong cơ thể của người phụ nữ, vì đó là vẻ đẹp hoàn mỹ nhất.

Và vẽ nuy cung cấp cho họa sỹ tương lai tất cả những gì cơ bản về nghề như cách nắm bắt sự vật, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, chất liệu, tinh thần khác nhau trong tự nhiên đã được tổng hợp trong cơ thể người, kiệt tác của tạo hóa”.

Phải nói luôn rằng, vẽ nuy chính là “cảm nhận và cảm xúc” về vẻ đẹp của cơ thể mà người mẫu là đại diện. Theo khoa học hội họa thì đó là sự cảm nhận về “giải phẫu tạo hình”. Nghe đến đây tôi mới ớ ra, nhớ chuyện từ cách đây cả nửa thế kỷ. Số là hồi đó tôi được một người anh họ là họa sĩ tặng tôi cuốn sách “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.

Hồi đó tôi cứ thắc mắc bởi trong cuốn sách đó có nói nhiều về “giải phẫu tạo hình”, nghe cứ ngỡ như đang ở trong bệnh viện vậy. Giờ nghe chuyện tôi mới hiểu thế nào là “giải phẫu tạo hình”, bước đặt vấn đề đầu tiên để một người họa sĩ vẽ một bức tranh nuy.

Sự ước lệ về tỷ lệ và các bộ phận cơ thể người đòi hỏi người họa sĩ phải nắm được về mặt kiến thức khoa học hội họa. Có nắm chắc được khoa học về cơ thể người thì người vẽ mới bắt được cái hồn của mẫu. Sự nắm bắt về mặt khoa học đó trong mỹ thuật gọi là “hiểu”, rồi từ “hiểu” được nó mới chuyển sang “cảm”. Cảm nhận rồi cảm xúc chính là sự tư duy nghệ thuật đã đạt đến mức độ cần đủ.

Vì sao phải vẽ nuy?

Vẽ nuy đó không chỉ là cách tiếp cận với khoa học về cơ thể người (giải phẫu tạo hình) mà đó là “tiêu chuẩn” cho thấy người vẽ đã đạt đến trình độ hội họa nào. Vẽ nuy rất khó nên người theo đuổi vẽ nuy không nhiều. Ngay những người được gọi là chuyên vẽ nuy thì số lượng tranh vẽ nuy cũng khiêm tốn. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh đúc kết: “Vẽ nuy là khó cho nên khi xem một bức tranh nuy thì người ta thấy ở đó đẳng cấp nghề của một họa sỹ”.

Trong vẽ nuy thì quan sát và so sánh như là một yêu cầu nghe có vẻ khắt khe thật đấy, bởi đường nét cơ thể người tuy ở đây mang vẻ “trần trụi” vậy nhưng nó lại cho người vẽ những cảm nhận khác. Đó là sự cảm nhận thông qua mảng sáng tối khi ánh sáng từ ngoài tự nhiên soi rọi vào người mẫu. Qua ánh sáng và qua góc độ quan sát thì từng vị trí trên cơ thể người mẫu cũng sẽ cho ta sự so sánh và đưa tới sự cảm nhận đã hoàn mỹ hơn sự cảm nhận trần trụi.

Tiếp đó là đường nét trên cơ thể, những nét cao nét thấp hay nét cong qua “lăng kính” hội họa sẽ đưa tới những cái nhìn mang tính nghệ thuật vượt qua cái nhìn trần tục. Người họa sĩ khi vẽ nuy theo mẫu là lúc anh “đối diện” với cảm quan khách quan chứ không phải là trực diện với hình ảnh chủ quan. Do đó vẽ nuy luôn đòi hỏi người vẽ phải vươn tới cái đẹp thực sự, cái đẹp của tạo hóa và cái đẹp được toát ra từ chính cơ thể người mẫu.

Một người mẫu có tâm hồn thế nào thì trước người họa sĩ sẽ bộc lộ điều đó. Vậy nên khi vẽ nuy theo mẫu, người họa sĩ còn có “chức phận” làm “thay đổi” tâm hồn của mẫu, nghĩa là anh có nhiệm vụ đưa cái bình thường, thậm chí cái dung tục thành cái đẹp nghệ thuật.

Vẽ nuy có được sáng tạo?

Thực ra mẫu nuy chỉ là “cái cớ” để người họa sĩ tìm đến cái đẹp và đưa cảm xúc của mình vào đó. Sự ham muốn tìm đến cái đẹp thực sự là một lao động căng thẳng. Những đường cong của cơ thể qua góc nhìn và qua ánh sáng cho người họa sĩ một tư duy mới, tư duy sáng tạo. Sự sáng tạo này là kết hợp giữa cái thật trần trụi với cái hư nghệ thuật.

Bức tranh nuy của họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh.

Môn nghệ thuật nào cũng vậy, chính cái hư hư ảo ảo khó diễn đạt và không giải thích được mới làm nên phần hồn cho một tác phẩm nghệ thuật. Vẽ người và nhất là vẽ nuy đòi hỏi người họa sĩ phải “thổi hồn” vào đó. Một bức tranh có hồn là một bức tranh đạt tới độ nghệ thuật bởi sáng tạo chính là tài năng của người làm nghệ thuật.

Do đó khi vẽ người họa sĩ phải vận dụng trí não của mình để thể hiện vào những nét vẽ, những nhát bút, nhằm tạo nên cái đẹp thông qua sự sáng tạo nghệ thuật. Ở mỗi một đối tượng mẫu lại có những nét những vẻ khác nhau. Việc tìm ra cái đẹp và tạo nên vẻ đẹp của một bức tranh nuy không chỉ nằm ở cơ thể người mẫu, đó là căng mẩy hay là gầy guộc, không chỉ nằm ở gương mặt đẹp hay chưa đẹp, không chỉ nằm ở màu da, màu tóc hay ở tuổi tác mà nằm ở chính tâm hồn của người họa sĩ.

Mặt khác, người họa sĩ còn có một lợi thế là anh ta hoàn toàn chủ động được “nội dung” của bức tranh. Ví dụ như người nghệ sĩ nhiếp ảnh sau khi chụp xong bức ảnh thì anh ta không thể can thiệp được vào chi tiết nào đó khi thấy chưa ưng ý (ngoại trừ anh ta photoshop) nhưng đối với người họa sĩ vẽ theo mẫu nuy thì anh ta lại can thiệp dễ dàng khi muốn điều chỉnh chi tiết.

Ví dụ như mẫu có bàn tay gầy chẳng hạn, người họa sĩ có thể vẽ bàn tay đó trở nên ai cũng muốn nắm lấy hoặc về màu da của mẫu cũng có thể làm thay đổi với một chủ ý là để đẹp hơn hay người họa sĩ có thể “điều chỉnh” ánh sáng cho phù hợp hơn với khung cảnh nghệ thuật của bức tranh. Dĩ nhiên anh ta có thể vẽ thêm những chi tiết phụ nhằm đưa mẫu vào một không gian có chủ đích. Đó mới là một bức tranh nuy được vẽ theo mẫu nuy thành công.

Hôm đó buổi vẽ của tôi không thành công cho dù tôi “tốn” khá nhiều mồ hôi. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh cười động viên: “Ngày đầu chưa quen đường cày đâu thẳng ngay”. Tôi lại nghĩ: “Vẽ nuy đúng là khó thật”. Khó nhất là làm sao khi bức tranh được vẽ ra ta chỉ thấy: Đẹp. Chỉ duy nhất Đẹp mà thôi, không ngoài điều gì khác.

Nguyễn Trọng Văn
.
.