Kẻ Giàng ngã ba sông

Thứ Hai, 15/07/2019, 08:37
Kẻ Giàng là vùng đất kỳ lạ. Nó ở ngay ngã ba Đầu (TP Thanh Hóa), nơi hai con sông Mã, sông Chu giao nhau. Những câu hò sông Mã được hình thành từ miền kẻ chợ này. Bởi cách đây hàng ngàn năm, Kẻ Giàng đã hình thành trung tâm thương mại trên sông Mã, gọi là Tư Phố...


Cảnh sơn thủy hữu tình đẹp tựa gấm hoa. Trên bến dưới thuyền. Phố nhà chật chội. Người người mua bán suốt ngày đêm. Thế mới có câu: "Làng Giàng trên chợ, dưới sông. Vui người vui cảnh, đến không muốn về"...

Tư Phố và những điệu hò sông Mã

So với những địa danh như Đại Phố (Mỹ Tho), hay Cù Lao Phố (Đồng Nai), hoặc Hoài Phố (Hội An)… thì Tư Phố được hình thành lâu đời nhất (năm 116 TCN). Tư Phố còn được nhà Hán xây thành lũy. Họ đặt bộ máy cai trị hành chính, dựng trung tâm trị sở quận Cửu Chân (Thanh Hóa xưa). Bởi lẽ từ ngã ba Đầu, thông qua sông Chu, sông Mã, tàu thuyền đi về mọi ngả. Ngàn năm trước, nền kinh tế giao thương chỉ trông cậy vào đường thủy, nên tàu thuyền tấp nập cập bến. Trấn thành Tư Phố thu hút khách hàng từ khắp nơi đổ về. Sông Chu, Sông Mã ăm ắp tàu thuyền. Cánh thương hồ đợi gom hàng quanh năm vào ra.

Nay đất Kẻ Giàng không còn là Tư Phố nữa. Từ thời nhà Nguyễn, trấn thành được chuyển về làng Thọ Hạc (thành phố Thanh Hóa ngày nay). Tuy vậy dấu tích của một miền đất cổ Tư Phố không bao giờ mất đi. Bởi ở đây, những di chỉ được khai quật và bảo tồn với nhiều giá trị lớn từ thời Vua Hùng. Bên cạnh đó còn nhiều di sản theo các mộ táng thời Hán. Tập trung một khu trú đặc biệt từ thời Bắc thuộc. Ngã ba Đầu vẫn tồn tại bến sông nhộn nhịp thuyền phà cùng những câu hò sông Mã vang lên ngày đêm.

Lễ hội ở làng Giàng thành phố Thanh Hóa.

Di sản văn hóa ở đây luôn được tôn trọng. Hàng trăm điệu "Hò sông Mã" không bao giờ mất đi. Chúng được bảo tồn và luôn luôn sáng tạo trong tâm hồn người dân Thanh Hóa. Ngay khi đến bến ngã Ba Đầu, chúng tôi đã được nghe một chàng thương hồ đang chống con sào hò câu rất hài hước: "Vắng cơm một bữa chẳng sao. Vắng em một bữa lao đao cả ngày".

Giờ tàu thuyền đều có máy chạy thay sức người. Nhưng mỗi khi gặp ghềnh thác, nước xoáy sâu chảy xiết phải trông cậy vào sức mạnh và trí tuệ của con người. Đôi mắt tinh khôn cùng sự kiên cường của thương hồ chèo lái vượt thác ngược dòng. Khi ấy những chàng trai và cô gái cùng cất vang lời "Hò Vượt thác" hay "Hò Đò Ngược".

Người chèo lái lĩnh xướng. Người đi cùng hát xô theo (hò đế). Có những điệu hò thích ứng với từng trường hợp đi đường như "Hò Đò xuôi", "Hò Nhịp đôi một", "Hò Cầu Chúa", "Hò Mắc cạn", "Hò Rời bến", rồi cả "Hò Cặp bến", "Hò Đường trường", "Hò Vác thuyền"… Mỗi tình huống trên sông nước đều gắn với một điệu hò cùng với bao lời ca của mỗi vùng miền trên sông Mã.

Thật thú vị. Đúng lúc có con thuyền chở hàng cho khách cập bến. Một chàng trai đánh thức khách hàng sau chuyến đi suốt đêm trên sông qua câu hò: "Thuyền đã đến bến ai ơi. Sao mình chẳng dậy mà coi lấy hàng… Hò ơ ớ ơ". Một tiếng hò xô. Hai tiếng hò xô… Người người tỉnh ngủ bật dậy. Hoặc có anh còn hò khi vợ đứng trên bến chờ mình. Một lời hò tình tứ mênh mông: "Thuyền anh thấp thoáng bên sông. Thấy cô ngồi bến đứng trông anh về. Ơ… hò ơ ờ… hò".

Một thương hồ kể, trên đường sông khi hai thuyền đò gặp nhau họ cũng hò gửi gắm tâm tình. Hoặc đôi khi bày tỏ tấm lòng như: "Vắng em chỉ một phiên đò. Trầu ăn chẳng có, chuyện đò thì không". Nỗi cô đơn thương hồ trên sông nước được thể hiện qua những câu hò rất độc đáo. Nhưng có lẽ "Hò Đường trường" là vui nhộn nhất.

Người lái đò cất tiếng dẫn nhịp. Mọi người hò theo thật dạt dào không khí: "Anh tài đạp lái, chúng tôi cầm chèo. Phách nhất chèo mở mái ra. Phách nhì chân giậm, phách ba reo hò". Cứ thế mọi người vừa hát vừa lái tay chèo. Theo đúng nhịp điệu đưa cho thuyền vượt dòng sông Mã lên miền Tây.

Những người hùng Kẻ Giàng

Làng Giàng nay là Dương Xá, xã Thiệu Dương thuộc thành phố Thanh Hóa. Khi đổi tên Dương Xá thêm một lần khẳng định nơi đây là đất tổ họ Dương, quê hương anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ. Ông là võ tướng và làm hào trưởng lừng danh cõi ngã ba Đầu. Vào đầu thập kỷ 900, Dương Đình Nghệ đầu quân chiến đấu cùng với Khúc Hạo, con trai của Khúc Thừa Dụ chống quân nhà Đường. Họ giành được giang sơn (907-917).

Sau khi Tiết độ sứ Khúc Hạo mất, tướng Dương Đình Nghệ tiếp tục trở thành trụ cột của Khúc Thừa Mỹ. Tuy nhiên Khúc Thừa Mỹ chưa được Nhà Hán chính thức công nhận là Tiết độ sứ. Thấy thái độ Khúc Thừa Mỹ không chịu khuất phục, vua Nam Hán cho bắt giữ cầm tù. Họ phong chức cho Dương Đình Nghệ nhưng lại đưa về cai quản đất Cửu Chân (Thanh Hóa).

Để thay Khúc Thừa Mỹ, nhà Hán đưa Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu và cắt cử Lý Khắc Chính sang giữ thành Tống Bình (Hà Nội xưa). Đất nước tiếp tục bị giặc phương Bắc thống trị.

Dương Đình Nghệ một lòng phục thù chống giặc ngoại xâm. Ông bí mật kêu gọi các tướng lĩnh giỏi đầu quân và tập hợp lực lượng. Ngày đêm nghĩa quân chuẩn bị tấn công thành Đại La. Ngã ba Đầu chính là nơi Dương Đình Nghệ tập hợp được 3.000 quân, dưới danh nghĩa ông nhận làm con nuôi để che mắt giặc.

Làng Giang nơi ngã ba sông Mã và sông Chu.

Sông Mã, sông Chu chính là nơi tập hợp các chiến thuyền chất dần lương thực vũ khí chiến đấu. Dưới trướng ông còn nhiều tướng lĩnh xuất chúng khác như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha… Từ đó làng Giàng trở thành căn cứ địa kháng chiến. Nghĩa quân củng cố lực lượng và luyện tập suốt 9 năm trời (923-931). Hay tin Dương Đình Nghệ chuẩn bị khởi binh, Lý Tiến báo về Nam Hán điều quân tấn công vào đất Cửu Chân.

Biết rõ âm mưu địch, Dương Đình Nghệ đã đưa quân tấn công giặc sớm hơn dự định. Ông chém đầu Lý Khắc Chính và chiếm được thành Đại La. Tướng Lý Tiến phải tìm đường tháo chạy về nước. Quân giặc tiếp viện không kịp còn bị chặn đánh từ xa thua tan tác. Quân sĩ Nam Hán khiêng xác nhau trở về phương Bắc.

Từ đó đất nước hoàn toàn độc lập dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ. Ông tự xưng là Tiết độ sứ. Có thể coi ông là vua đầu tiên nước ta. Bởi từ đây đất nước chấm dứt sự áp bức bóc lột của giặc ngoại xâm. Tuy nhiên ông trị vì đất nước chỉ được 6 năm. Ông bị chính con nuôi Kiều Công Tiễn giết hại. Con trai ông, Dương Tam Kha cùng với anh rể là Ngô Quyền kế thừa sự nghiệp.

Ngô Quyền đã giết Kiều Công Tiễn và chặn đánh quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Đó là trận chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 938. Một chiến thắng tưng bừng với trận địa cọc nhọn bịt sắt đánh tan quân giặc ngoại xâm. Tên tướng chỉ huy Hoằng Tháo bị chém chết ngay trên chiến thuyền. Giặc Nam Hán thu tàn quân thất bại trở về.

Ngô Quyền xưng Vương đóng đô ở thành Cổ Loa (năm 939). Thời kỳ độc lập của đất nước tiếp tục giữ vững. Đó là sự tiếp nối từ ngày khởi binh dựng nước của Dương Đình Nghệ. Thời kỳ mở đầu cho đất nước do người Việt Nam được làm chủ chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!"

Sông Mã được hình thành từ các nguồn suối ở vùng biên giới Việt Lào. Trong đó có Nậm Nứa giáp Điện Biên. Dòng sông chảy xuôi về Tuần Giáo, Sơn La rồi quay sang Lào (cửa khẩu Chiềng Khương). Sông nhận thêm nước phụ lưu khác rồi mới quay lại Việt Nam. Bắt đầu từ Mường Lát, sông Mã chảy về Thanh Hóa. Đến ngã ba Đầu nhận thêm dòng nước sông Chu rồi chảy ra biển Đông.

Trong bài thơ "Tây Tiến" của cố thi sĩ Quang Dũng nhắc đến những địa danh mà sông Mã đã chảy qua. Đến ngã ba sông này, ai nấy đều nhớ tới câu thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi".

Hình ảnh sông Mã cuồn cuộn xiết dòng hướng về quá khứ hào hùng. Nó chảy từ rừng núi Điện Biên, khởi đầu cho cuộc hành quân lịch sử của đội quân Tây Tiến tiến về Sầm Nứa (Lào). Những câu thơ Quang Dũng vẫn còn âm vang nơi đầu sóng: "Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi".

Đó là khúc ca bi tráng gắn liền với sông Mã. Bởi khi ngược sông Mã tới chiến trường biên giới năm xưa, những chiến binh trở lại không khỏi bùi ngùi: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Vương Tâm
.
.