Hữu xạ tự nhiên hương

Thứ Sáu, 20/02/2009, 15:00
Trong lĩnh vực nào trẻ và già cũng có sự khác biệt nhau. Tuổi trẻ thường năng nổ, hăng say, sức làm việc lớn, nhưng cũng bồng bột, dễ sơ suất. Tuổi già thường chín chắn hơn, đằm sâu, nhưng ít năng động, sức làm việc hạn chế. Ông cha ta đã đúc kết: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, những văn nghệ sĩ trẻ và văn nghệ sĩ cao tuổi cũng mang theo những đặc điểm đó, nhưng cũng có nét riêng.

1. Tuổi trẻ và sáng tạo văn chương

Văn chương nghệ thuật là một lĩnh vực sáng tạo. Nó rất phù hợp với tuổi trẻ. Trong lịch sử văn chương, nhiều nhà văn, nhà thơ thường nổi tiếng từ rất sớm. Không kể những thần đồng, những nhà thơ nhà văn lớn viết những kiệt tác cũng thường chỉ trên dưới ba mươi tuổi.

Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định: Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" khi mới ngoài ba mươi; Đoàn Thị Điểm dịch "Chinh phụ ngâm", Hồ Xuân Hương viết những bài thơ còn lưu truyền khi chưa đến ba mươi tuổi. Thế hệ các nhà Thơ Mới được Hoài Thanh và Hoài Chân tập hợp trong "Thi nhân Việt Nam" phần lớn đều dưới tuổi ba mươi. Chế Lan Viên viết "Điêu tàn" ở tuổi 17.

Còn Hoài Thanh khi đó mới ở tuổi 32. Riêng trong lĩnh vực văn xuôi, nhà tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng với những kiệt tác "Giông tố", "Số đỏ", khi mất mới có 27 tuổi. Nhóm Tự lực văn đoàn nổi đình nổi đám đầu thế kỷ trước cũng tập hợp toàn những tài năng tuổi rất trẻ, nhà văn Thạch Lam khi mất mới 32 tuổi.

Thế hệ các nhà thơ nhà văn chống Mỹ: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Đỗ Chu, Bùi Bình Thi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Thị Ngọc Tú... lúc viết sung sức nhất các anh các chị cũng chỉ ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Ba mươi tuổi là độ chín của sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Thế thì tại sao, những người viết văn trẻ hôm nay lại chưa làm được những việc như các thế hệ nhà văn nhà thơ trẻ trước đây đã làm? Có phải họ kém tài năng hơn hay do văn giới chưa chú ý đến họ? Tài năng cũng giống như người đẹp, như ngọc quý không ai có thể giấu được, tự nó sẽ lộ ra.

Ông cha ta thường nói: Hữu xạ tự nhiên hương đấy là gì! Tôi đồ rằng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ những năm qua có phần nào bị chếnh choáng bởi cơ chế thị trường. Hoàn cảnh tác động đến con người là một quy luật tất yếu. Sự chuyển đổi sang cơ chế thị trường với những quy luật tưởng chừng lỏng lẻo mà lại rất khắc nghiệt đã tác động mạnh đến giới văn nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm, nên họ bị rung động mạnh nhất. Điều này không thật phù hợp đối với những người sáng tác, bởi những người sáng tác cần phải có tâm tĩnh.

Nhà Phật có câu: Tâm tĩnh tất minh là thế! Thực ra, cũng có một số cây bút trẻ nổi lên, cả trong lĩnh vực thơ và văn. Nhưng vì tâm không tĩnh, họ đã viết vội vã và cũng được vội vã đẩy lên. Mầm chồi chưa thành cây đã bị bão gió, kiểu nào mà chẳng tan tác, dù gặp gió lành đi chăng nữa!

Ông cha mình luôn răn dạy rằng: Giục tốc bất đạt đấy thôi! Có thể cần thời gian dài hơn, phải vài chục năm nữa, khi kinh tế thị trường đã trở thành quen rồi. Thế hệ nhà văn lúc ấy sẽ tĩnh tâm hơn trước bão gió của thị trường, văn chương mới có thể lắng đọng mà kết ngọc, mà tỏa sáng chăng?

Những năm vừa qua cũng có một số tác giả trẻ viết văn làm thơ tự mình phô diễn và được đẩy lên. Tiếc rằng, lĩnh vực văn chương không giống như lĩnh vực ca sĩ, người mẫu. Ca sĩ, người mẫu rất cần những ông bầu, được lăngxê để đánh bóng tên tuổi. Thế mà một số tác giả viết văn làm thơ và một số cây bút phê bình lại ứng xử giống như thế! Các ca sĩ, người mẫu có thể nổi tiếng bằng những vụ scandal, nhưng những người viết văn thì ngược lại. Sự nhầm lẫn chết người này đã giết chết một số cây bút trẻ.

Văn chương thời nào cũng cần những nhà văn đích thực, vì nó không phải chỉ như gió thoảng qua, chỉ nghe chỉ nhìn như ca sĩ, người mẫu. Nó là văn bia, là giấy trắng mực đen mà!

2. Độ chín của mỗi nhà văn

Mỗi nhà văn có một đặc điểm khác nhau. Sự phát triển và độ chín của đời văn mỗi người cũng khác. Người chín sớm, người chín muộn, thời gian vào độ chín ngắn hoặc kéo dài cũng mỗi người một khác. Thực ra thì các nhà thơ, nhà văn cũng rất ít khi để ý đến điều này. Cảm xúc cứ đến thì họ viết.

Nhưng những người viết văn có ý thức tự giác thì cũng nên biết khi nào đời văn của mình vào độ chín. Khi ấy, nhà văn nên dẹp tất cả mọi thứ để tập trung vào trang viết. Bởi vào độ chín thì hoa sẽ đậu quả rất nhiều và những quả đậu thường là rất chắc mẩy. Giai đoạn chín của đời văn có thể có những bất thường, biết đâu lại có được những trái lạ đặc biệt.

Vậy thế nào là đời văn đang vào độ chín? Thường thì đó là lúc hội tụ các yếu tố một cách đặc biệt. Cảm xúc thì đang tươi mới mà trí tuệ thì đã nhận biết được nhiều điều, vốn sống thực tế đã giàu có, ý thức về bản thân thì đang vững tin nhất, cảm hứng sáng tác thôi thúc hệ thống hình tượng chuyển động... Những yếu tố này mà hợp thành thì nhà văn không viết ra không chịu nổi.

Nên nhiều nhà thơ nhà văn nói quá trình sáng tạo để giải tỏa là vì thế. Tất nhiên không phải ở nhà thơ nhà văn nào vào độ chín thì tất cả các yếu tố liên quan đến sáng tạo cũng nhất loạt quy tụ. Có thể ở người này chỉ là sự gặp gỡ của vài ba yếu tố, ở người khác các yếu tố hội tụ nhiều hơn.

Rồi trong quá trình hội tụ và chuyển động của các yếu tố nó lại thu hút hoặc sinh ra những yếu tố khác đẩy độ chín tăng thêm. Thời điểm hội tụ của các yếu tố như thế thì tác phẩm thường hoàn thiện vượt ra ngoài sự mong muốn của chính tác giả, và có thể có những đột biến.

Vũ Trọng Phụng tài năng vào độ chín khá sớm nên đã kịp để lại cho đời những kiệt tác, chứ nếu không ông chết ở tuổi 27 thì sẽ là sự thiệt thòi rất lớn cho nền văn chương nước nhà. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tuy đời văn vào độ chín muộn hơn (ông bước vào văn đàn ở tuổi gần bốn chục), nhưng độ chín lại kéo dài được đến chục năm nên sự nghiệp văn chương cũng khá vững chãi, dù sau đó anh viết đuối sức và nhạt hẳn.

Nguyễn Khắc Trường thì làm lính tập ở thao trường khá dài, nhưng khi chín thì "Mảnh đất lắm người nhiều ma" cũng là bõ công sức luyện tập. Từ đó đến nay đã gần hai thập kỷ rồi, nhiều người đoán già đoán non về những tác phẩm mới của anh; nhưng theo tôi thì không hứa hẹn một điều gì lớn, bởi anh đã cách nhật quá lâu rồi, "sinh nở" rất khó...

Nói vậy, chứ sáng tạo văn chương nghệ thuật là điều khó đoán định nhất. Mọi người thường nói thơ đi liền với tuổi trẻ mà cụ Tam nguyên Yên Đổ về hưu cảm hứng sáng tạo văn chương mới sầm sập đổ về. Bài nào làm cũng như làm chơi thôi mà rồi người đời cứ truyền mãi. Nguyễn Bính thì thời trẻ ở quê chưa được học hành mấy, viết một loạt thơ chân quê có đến mươi bài mang dấu hiệu của thiên tài.

Thế rồi, anh ra thành phố có không khí văn chương, có bạn bè, kiến thức cao thêm, tầm nhìn mở rộng, nhưng độ chín của thơ thì lại đã qua rồi... Nàng thơ chàng văn thường đỏng đảnh rất khó mà nắm bắt níu giữ. Nên ai đó chưa đẻ mà đã cục tác thì tôi thường không tin. Bởi muốn đẻ được thì phải chuẩn bị. Mà đẻ một đứa con tinh thần đâu có dễ như đẻ một đứa con thực trong đời sống.

3. Thời nào văn ấy

Trước đây khi nói về văn chương mọi người thường nhắc tới câu: Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại? Từ khi Đổi mới, không thấy mấy người nói như thế nữa. Hình như người ta sợ nói như thế là cũ, là thuộc phái bảo thủ, không đổi mới.

Thực ra thì câu ấy đúng đấy chứ! Đã đúng thì không thể là cũ. Câu nói trên khác với câu Văn chương phản ánh hiện thực. Phản chiếu thời đại khác với phản ánh hiện thực. Phản ánh hiện thực là vật chất hóa, còn phản chiếu thời đại là hồn, là tinh thần. Đánh giá về đại văn hào L.Tônxtôi, V.I. Lênin gọi tác phẩm của ông là "tấm gương phản chiếu cách mạng Nga".

Dù Lênin đã mất rồi và Liên bang Xôviết không còn thì lời nhận định ấy vẫn đúng. Đúng bởi tất cả tác phẩm của L.Tônxtôi là phản chiếu thời đại của ông, nước Nga cuối thế kỷ XIX, một nước Nga đang chuyển động, đêm trước cuộc cách mạng tháng Mười. Lịch sử đã diễn ra rồi, không ai có thể phủ nhận.

Văn chương là tấm gương phản chiếu thời đại nên thời nào văn ấy. Lịch sử văn chương nước nhà đã minh chứng rất rõ điều này. Thời đại Lý - Trần - Lê với những chiến thắng hào hùng chống xâm lược Tống - Nguyên - Minh đã ra đời những thiên cổ hùng văn mà tiêu biểu là "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", và "Bình Ngô đại cáo".

Từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, đất nước bi thương bởi chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, chế độ xã hội thối nát, đời sống nhân dân cực khổ đã sản sinh ra những tiếng kêu đứt ruột: "Chinh phụ ngâm", "Truyện Kiều", "Vũ Trung tùy bút"...

Thế kỷ XX, văn chương nước nhà bắt đầu nhịp bước cùng thế giới, chứ không phải bây giờ chúng ta mới mở cửa giao lưu đâu. Tất nhiên bây giờ chúng ta mở rộng hơn và thúc đẩy giao lưu mạnh hơn. Nền văn chương nước nhà đầu thế kỷ XX đã nói về cái tôi cá thể rồi.

Thì Thơ Mới và văn của Tự lực văn đoàn đấy thôi, đâu phải đến bây giờ người viết thế hệ 7X, 8X, 9X mới đi tìm! Có điều, thế kỷ XX lịch sử dân tộc tập trung vào hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ, nên văn chương mang âm hưởng anh hùng ca, mà tôi dám khẳng định là âm hưởng ấy còn vang vọng đến mai sau, dù bây giờ có một số người không muốn nói thế.

Còn bây giờ đổi mới rồi, thời đại bây giờ là thời đại Đổi mới thì văn chương cũng đang đổi mới. Nhưng để có được những tác phẩm lớn thời đổi mới thì hãy viết nên những tấm gương phản chiếu thời đại thời cơ chế thị trường, chứ chỉ những thứ vụn vặt của góc khuất tâm hồn, hay những trò chơi phô diễn chữ thì e rằng nó thực sự là một trò chơi vô tăm tích.

Nhìn ra thế giới, văn chương của các dân tộc, cũng thời nào văn ấy cả. Nhà thơ trữ tình, mặt trời thi ca nước Nga thế kỷ XIX A. Puskin cũng từng viết trong bài "Nhà tiên tri": Hãy bay đi khắp thế gian/ Mà đem lời nói đốt tim muôn người, dẫu ông chỉ cổ vũ cho những nhà cách mạng dân túy.

Ô.Banzắc của Pháp (1799-1850) với nhiều tác phẩm đâu chỉ là người thư ký trung thành của thời đại, mà những tác phẩm ấy đều là tấm gương phản chiếu, là hồn của thời đại ấy, thời tích lũy tư bản chủ nghĩa bẩn thỉu…

.
.