Hương cốm vùng trà đồi son

Thứ Ba, 09/10/2018, 08:23
Bố tôi thường ngâm mấy câu thơ mỗi khi ông pha trà, đại để rằng: “Nửa đêm ba chén rượu. Sáng sớm một chén trà. Ngày nào cũng như thế. Thày thuốc chẳng tới nhà”. Tôi cũng nghiện trà từ đó.

Mới đây, nhà báo trẻ Trần Dương rủ tôi lên vùng chè Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên để xem hội thi sao chè (2018), và thưởng trà ngay tại chỗ. Hội thi toàn những người đẹp tham gia. Nghe sao rưng rưng hứng thú. Thế là chúng tôi lên đường.

Những búp tay thơm 

Quả như nhà báo Trần Dương nói, mỗi xưởng trà gia đình trong xóm đều cử các cô gái giỏi nghề ra thi chế biến chè, từ lúc mới hái về cho đến khi lên hương pha trà. Cuộc thi diễn ra ngay trung tâm văn hóa trà của ba xã ở Tân Cương. Hàng chục ô cửa hàng san sát, gắn với các tên tuổi trà ngon trong vùng được trưng bày khá vui mắt. Mỗi xóm một lò sao trà. Tiếng cồng vang lên và những ngọn lửa đã sẵn sàng. Các cô gái chỉ dùng tay sao, vò, chỉnh củi lửa, chứ không đưa các thiết bị, công nghệ hỗ trợ.

Hái chè ở Tân Cương.

Đây là cuộc thi chính danh của những người thợ thủ công hoàn toàn. Ngon hay không là biết tay nhau ngay. Khéo tay, hay làm là đây. Cái thẩm hương tài hoa là đây. Ngay đến ngọn lửa cũng phải biết cần nóng bao nhiêu độ trên chảo gang. Bàn tay các cô gái phải cảm được thế nào là vừa đến lúc sao chín, sao khô, tạo mốc, lên hương. Đó là những điều tôi được nghe từ chiếc loa chỉ dẫn trước khi bắt đầu vào cuộc thi.

Các cô gái được chọn, kể cả các mẹ được đưa vào phụ bếp cũng đều đẹp, nhanh nhẹn. Bởi vì sểnh một chút là chè bị khét ngay. Dân làng chê thối mũi. Họ tập trung làm khẩn trương, mặc dù mỗi khâu đều chờ cho những búp chè hồi lại, phải tơi, phải thở, phải mềm mới đi tiếp được các bước tiếp theo. Vội cũng chả được. Nhìn những giọt mồ hôi đọng trên vầng trán, gò má, cô nào cô nấy đều ửng hồng, xinh đẹp.

Trần Dương giới thiệu tôi làm quen với thí sinh tên Hạnh, một trong những người thể hiện tài sao chè hôm nay. Hạnh tươi cười hồ hởi, nhưng chỉ gật đầu chào chúng tôi, rồi lại cắm cúi với mẻ chè trên chiếc chảo gang. Bàn tay búp măng của cô đang khua trong những cọng chè. Những ngón tay phải ngửi được hương đến độ nào đó, rồi mới đưa mẻ chè ra vò; nào là vò nắm; Lại có khi phải vò vòng tròn trong lòng bàn tay; đến khi trà xoắn hình thành những cọng chè hình móc câu. Khi ấy mới đến độ sao khô…Nghĩa là cả chục khâu để tạo được hương trà đượm mùi thơm cốm non.

Lúc đó mới gọi là thành công và dám đưa ra cho khách thưởng thức và đánh giá. Trước mắt tôi là những búp tay thơm của các cô gái, các mẹ, các chị như đang múa trên ngọn lửa. Hương đang lên dần. Mỗi nhà một đất. Mỗi đất một người chăm. Mỗi người một cách lên hương. Đến đây tôi mới ngỡ ra, vì sao nói chung là trà Tân Cương, nhưng các cửa hàng (nhãn hiệu) trong vùng đều có hương vị của riêng mình. Như các cô gái vậy. Mỗi cô mỗi duyên. Trà cũng có sức quyến rũ kỳ lạ.

Những người nghiện trà cũng có cái “gu” riêng của mình. Được hương mà không đậm đà cũng không ưng. Đậm chát và ngọt hậu đấy nhưng hương không thoảng lên mũi cũng làm cụt hứng. Họ chép chép miệng mà chả thấy chát sít lưỡi cũng chán. Nghĩa là thưởng trà mỗi người một nét tài hoa. Trà cũng có phận hữu duyên là vậy. Đó chính là những điều tâm sự của anh Ngô Mạnh Hinh, người làm trà ở thôn Hồng Thái, chỉ dẫn cho tôi qua từng lò sao. Tôi nghe như sướng cái lỗ tai, vì những điều mà chưa bao giờ hình dung nổi, qua mỗi cọng chè thơm.

Chuyện tình đẫm lệ sau cọng trà

Anh Hinh dẫn chúng tôi vào không gian văn hóa trà Tân Cương kế bên. Tôi sững sờ, bởi nhìn thấy ngay trước ngôi nhà truyền thống của xã là bộ ấm chén sứ màu khổng lồ, được dựng trong một bể nước khá rộng. Chiếc ấm lớn có độ dung chứa đến cả vài trăm lít nước. Có lẽ đó là chiếc ấm sứ màu lớn nhất nước.

Tôi đã từng chứng kiến, xã còn có chiếc ấm đất kỷ lục, được đặt ở phía trước công ty trà Hoàng Bình; hay trong Lễ hội trà Thái Nguyên có chiếc ấm được thiết kế bằng cây xanh khổng lồ. Nhưng ấm trà được nung bằng sứ mầu đẹp và lớn nhất thì chỉ có ở nơi đây, trong không gian trà Tân Cương này. Khi đứng ở trên tầng cao, anh Hinh chỉ về hướng dãy núi Cốc nối tiếp với dẫy Tam Đảo phía trước, và kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tình đẫm lệ của nàng Công và chàng Cốc đã làm nên hương vị chè Tân Cương. Họ đã yêu nhau nhưng không lấy được nhau.

Chàng trai ngày đêm thương nhớ trong sầu não và hóa đá thành núi Cốc. Còn người đẹp khóc lóc xót đau, thật bi thương, chết đi hóa thành con sông Công. Chính nỗi sầu muộn trớ trêu đó, sông Công và núi Cốc đã tạo nên không gian mênh mông, chan chứa tình yêu, ôm ấp những đồi chè. Đó cũng chính là bí ẩn của hương vị trà móc câu Tân Cương.

Cảnh trong cuộc thi sao chè.

Chuyện ngỡ như hoang tưởng, nhưng khi nghe anh Hinh kể lại thấy gắn kết đến kỳ lạ. Anh nói, những ngọn đồi của Tân Cương đều được phù sa sông Công tạo nên, hàng ngàn năm qua. Đó là loại đất sỏi cơm màu đỏ son. Cây trà trồng ở đây có chất nhựa khác hẳn ở mọi vùng khác.

Hơn nữa đất còn được pha đất sét nhẹ, nghĩa là có độ xốp, hơi bị chua dễ thoát nước hơn đất sét thịt. Chính cái độ hơi bị chua đó, đất là tạo được vị chát đượm cho cây trà. Nên trà Tân Cương có độ ngọt hậu là vì vậy. Nhất là khi vò chè làm dập các cọng non và lá chè, chất nhựa chảy ra phủ lên mặt lá. Khi sao lần hai, nhựa chè khô dần tạo màu trắng phơn phớt như lớp phấn mốc của cây cau, chính vì thế mới có tên chè mốc cau (hay móc câu).

Khi ấy vị cốm đã hình thành. Riêng cái hương cốm non cũng chỉ có người làm chè ở Tân Cương mới làm ra được. Đó là cái tinh túy của thiên nhiên ban cho, ngoài cái đất son, còn cái nắng dịu nhẹ được dãy núi Tam Đảo che chở cho các đồi chè, và độ ẩm của dòng sông Công ngày đêm điều hòa. Đó là cả một câu chuyện dài tạo nên vị thế “Đệ nhất danh trà” cho đến nay.

Vũ trụ thu về một chén con

Sau khi lễ hội thi trà công bố, chúng tôi ngồi cùng nhau thưởng những ấm trà của Hạnh vừa sao được. Khi nâng chén trà lên tôi bỗng nhớ đến câu thơ của một thiền sư viết: “Trong một chén trà thơm có hồ sen bát ngát. Trong một làn gió mát có muôn vạn trùng dương. Trong trang giấy bình thường có cổ kim nhân loại”. Tôi cũng mơ màng nhận ra trong hương vị chén trà hương cốm của Hạnh có cả sương gió của một đời người, trong sương gió ấy có cả vũ trụ thu về trong một chén con này.

Khi anh Hinh nhắc, tôi mới giật mình đặt chén trà đã cạn lên chiếc khay, để người pha trà đổi lấy một chén mới. Sau đó một trà khách dâng chén lên mời mọi người, rồi đọc mấy câu thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Giọng ông ta thật ấm và gợi cảm làm sao: “Chén trà trong hai tay. Chánh niệm nâng tròn đầy. Thân và tâm an trú. Bây giờ và ở đây”. Không khí trở nên tĩnh lặng mơ mộng hẳn. Ai nấy cùng nâng chén trà lên, thưởng thức cái hương vị trời ban, thơm thảo tình người.

Bất ngờ một người xin đọc mấy câu thơ vừa ứng tác, tặng riêng cho Hạnh, người đoạt giải nhất và cũng là người dâng trà. Tất cả như ngồi thiền trong hơi thở tĩnh lặng, lắng nghe: “Xanh đã xanh nghiêng phương trời xa. Vàng đã vàng thơm hương vị trà. Vị cốm ai trao ngày tôi đến. Búp tay người ríu rít lửa hoa”. Trên trán cô gái xinh đẹp kia lại lấm chấm mồ hôi, hai gò má ửng hồng, ngại ngùng.

Lúc này tôi mới nhớ ra, vì sao bố mình thường ngồi im lặng ngoài hiên nghe tiếng chim hót, buổi sớm mai khi uống trà. Có lần ông còn tặng tôi mấy câu đúc kết cả một đời uống trà của mình. Đến nay tôi vẫn nhớ câu thơ mang triết lý mang sắc thái buổi thiền trà như hôm nay: “Ngẫm nỗi buồn, vui, sinh, tử, mộng. Tan biến trong hương một chén trà”

Anh Hinh kéo tôi ra khu vườn phía sau đồi. Anh bảo hãy hít thở cái không khí của thiên nhiên đã nuôi dưỡng cây trà ra sao. Những đám mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi Tam Đảo. Chung quanh những đồi trà vừa trổ búp nõn sau vụ thu hái. Ánh nắng dịu dàng rải tấm khăn voan chùm lên vùng đồi xanh non. Thiên nhiên hòa trong bản hợp ca tình yêu. Mỗi ngọn cỏ, mỗi hạt sỏi cơm và bàn tay con người làm nên sự ấm áp cuộc đời, với tâm trạng: “Uống trà trong nắng sớm. Vườn tâm đầy hương hoa” (Thiền sư Viên Ngộ).

Cảnh Linh
.
.