Hồn nhiên "cầm nhầm" để thể hiện tài năng?!

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:01
Sử dụng tác phẩm của người khác để thi thố mà không xin phép, không trả tiền tác quyền đã phổ biến ở gameshow tới mức người trong cuộc coi đó là chuyện mặc nhiên. Thậm chí đến cả cách diễn cũng bị thí sinh sao chép một cách trắng trợn rồi được tung hô là tài năng (!).


Tối 6-7, trong chương trình "Sao nối ngôi", nghệ sĩ Gia Bảo trình làng tiểu phẩm chủ đề dân ca gồm hai bài hát "Mình ơi", "Lý son sắc" kèm phần kịch để tranh tài. Phần kịch là đoạn độc thoại đầy tâm trạng giống y đoạn độc thoại của ông Tư Chơn do NSƯT Thành Lộc thủ diễn trong vở "Tía ơi má dìa" ở Sân khấu Idecaf.

Ngay sau đó, Gia Bảo bị tố là bê nguyên xi đoạn độc thoại mà không xin phép. Thay vì lập tức xin lỗi, Gia Bảo lại quanh co. Lúc mới bị phát giác, nhà sản xuất nói rằng phía Gia Bảo có văn bản xin phép ekip của "Tía ơi má dìa" hẳn hoi. Nhưng sau đó, văn bản này chẳng thấy đâu. Mà làm gì có khi cả ekip của vở kịch nói nổi tiếng này gồm nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh, nghệ sĩ Thành Lộc, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Idecaf đều không hay biết cho đến khi có người báo tin. Các nghệ sĩ đều choáng váng, đặc biệt Thành Lộc tỏ ra rất bức xúc trước kiểu ăn cắp trắng trợn này.

Bí thế, ngày 12-7, Gia Bảo tung clip xin lỗi trên fanpage "Sao nối ngôi". Anh thừa nhận mình đã sai vì sử dụng kịch bản vở kịch khi chưa được sự đồng ý. Còn lý do không xin phép thì Gia Bảo phân bua rằng thời gian chuẩn bị thi thố khá gấp rút, với lại nghĩ sân khấu Idecaf và mình đã quá thân thiết nên anh không nói tiếng nào.

Lời xin lỗi của Gia Bảo là ngụy biện vì sau cùng, anh vẫn khăng khăng rằng do mình quá hâm mộ chú Thành Lộc nên lối diễn xuất của Thành Lộc vô tình ăn vào máu khiến khán giả hiểu lầm. Còn nhà sản xuất thì bảo trích đoạn của Gia Bảo chỉ là cảm tác từ vở kịch "Tía ơi má dìa" chứ không phải là sao y nguyên tác.

Gia Bảo lên tiếng xin lỗi vì tùy tiện sử dụng kịch bản "Tía ơi má dìa" của Sân khấu Idecaf để thi "Sao nối ngôi" mà không xin phép.

Giới chuyên môn không thể chấp nhận được lý giải này vì cảm tác thường chỉ bắt nguồn từ một tứ, một ý của tác phẩm gốc rồi khai triển ra thành kịch bản, tác phẩm riêng. Ở diễn xuất cũng vậy, nếu đã cảm tác từ nhân vật thì cách diễn xuất của Gia Bảo cũng phải khác đi chứ không thể giống từ âm nhạc đến lời thoại, nét diễn sáng tạo, riêng biệt của Thành Lộc đến 90% như vậy. Hơn nữa, khi cảm tác người ta cũng ghi rõ nguồn mình cảm tác từ đâu, đằng này mọi thứ im thin thít đến khi bị phát giác.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong các gameshow truyền hình lĩnh vực sân khấu. Sự việc của Gia Bảo chỉ là giọt nước tràn ly khiến giới làm nghề và khán giả chịu không thấu, buộc phải lên tiếng. Khi các gameshow về ca nhạc, hài hước, nhảy nhót... đã trở nên bão hòa và không còn mới mẻ thì sân khấu truyền thống, kịch nói trở thành đặc sản lạ miệng cho gameshow. Các nhà sản xuất được tiếng vừa bảo tồn, tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc, vừa thu hút đông đảo lượng người xem để tìm kiếm lợi nhuận. Thí sinh thì đua nhau dàn dựng, háo hức vì có cơ hội thể hiện tài diễn xuất, khả năng ca cải lương, hát chèo, tuồng…

Ăn khách là vậy nhưng không dễ dựng một kịch bản sân khấu ra ngô ra khoai bởi không phải ai cũng là soạn giả giỏi. Các kịch bản mới xuất hiện khá khiêm tốn, non tay và chủ yếu thiên về hài hước, ca nhạc lồng vào cải lương. Do đó, để bổ sung, nghệ sĩ liền khai thác vở diễn nổi tiếng. Trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh" mà Hoài Lâm hóa thân thành cố nghệ sĩ Thanh Nga đã đưa anh trở thành quán quân "Gương mặt thân quen" mùa hai.

Đây cũng có thể coi là phát súng mở đầu cho trào lưu đưa các trích đoạn sân khấu nổi tiếng vào gameshow. Ngay sau đó, lần lượt trích đoạn cải lương, sân khấu kinh điển trong vở "Kiều Nguyệt Nga", "Đời cô Lựu", "Lá sầu riêng", "Tô Ánh Nguyệt", "Phụng Nghi Đình"… được tung ra và ít nhiều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

Nghệ sĩ Kim Tử Long thừa nhận từ ngày gameshow ưu ái đến sân khấu cải lương, đời sống của nghệ sĩ cải lương được cải thiện đáng kể, các vở nổi tiếng gợi lại qua các trích đoạn dự thi khiến khán giả trẻ quan tâm và tìm xem. Thế nhưng, việc khai thác vô tội vạ đã khiến sân khấu đối mặt với nhiều cái hại hơn cái lợi. Trước hết đó là vấn đề bản quyền. Tình trạng các nghệ sĩ trẻ hoặc thí sinh mới toanh "xài chùa" kịch bản vở cải lương, kịch nói nổi tiếng để thi thố ở gameshow diễn ra nhan nhản. Họ tha hồ lấy nó để diễn một trích đoạn, làm biến đoạn, cách tân hoặc tệ hơn là bóp méo bằng cách hài hóa (tiểu phẩm "Tô Ánh Nguyệt remix" của Trấn Thành hay trích đoạn "Đời cô Lựu" trong chương trình "Hội ngộ danh hài" là một ví dụ) nhằm phù hợp với luật chơi thiên về giải trí của chương trình. Nó rất nguy hiểm vì khiến khán giả nhận thức sai lệch, không thấy được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Một dòng đề tên tác giả gốc cũng không có chứ đừng nói đến chuyện xin phép tác giả hay xa xỉ hơn là trả tiền tác quyền. Nhiều người cho rằng mình đã cảm tác, phóng tác thì kịch bản đã thêm thắt khác xa bản gốc, mắc mớ gì phải xin phép với đề tên tác giả gốc cho rắc rối. Số khác  viện lý do không liên hệ được với tác giả dù nhiều người vẫn còn sống và hoạt động trong giới nghệ thuật.

Cũng không hiếm trường hợp sợ xin phép thì nhiều soạn giả, nghệ sĩ không đồng ý nên cứ làm đại trước rồi xin phép sau, tác giả có giãy nảy thì sự đã rồi. Đơn cử như từ vụ lùm xùm với NSƯT Thành Lộc, thiên hạ mới ngã ngửa khi biết, dù nhận được cái lắc đầu của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Gia Bảo vẫn cố tập trích đoạn trong vở "Bí mật vườn Lệ Chi". Đến khi việc vỡ lở, anh mới hủy tiết mục đang tập được 50%.

NSND Thanh Tòng và NSƯT Hoa Hạ từng từ chối thẳng thừng trước những ai ngỏ ý xin lấy các tác phẩm của họ để đi thi gameshow. Họ lo ngại sự cẩu thả, tùy tiện khiến đứa con tinh thần của mình bị biến dạng. Là một người dễ tính khi sẵn sàng gật đầu cho sinh viên dùng kịch bản của mình miễn phí để dựng vở tốt nghiệp nhưng soạn giả Hoàng Song Việt cũng phải kêu trời trên Facebook trước độ tàn phá của gameshow với tác phẩm của anh. "Tôi không muốn tác phẩm của mình xuất hiện trên game show thêm lần nào nữa" - anh quả quyết.

Tiểu phẩm "Nợ sữa" của đạo diễn Vũ Trần được đánh giá cao trong chương trình "Kịch cùng bolero". Tuy nhiên, tác giả Xuyên Lâm cho rằng Vũ Trần đã lấy kịch bản mà anh dày công chuyển thể từ tác phẩm "Hiu hiu gió bấc" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để dự thi mà không xin phép. Đặc biệt, cái tên "Nợ sữa" ý nghĩa cũng do anh vắt óc suy nghĩ nên không thể có chuyện Vũ Trần đã xin phép Nguyễn Ngọc Tư thì có quyền hồn nhiên mượn cái tên "Nợ sữa" của anh vì quá thích mà không nói một lời.

Dựa dẫm vào kịch bản của người khác chứng tỏ anh lười sáng tạo, kéo nghệ thuật xuống đáy. Dựa dẫm mà không thèm nói tiếng nào với tác giả thì khác nào anh là phường ăn cắp chất xám. Tệ hơn nữa, đã lấy kịch bản của người ta, còn bắt chước y nguyên cách diễn của diễn viên. Nếu các gameshow thiên về tiêu chí thử tài bắt chước thì chuyện thí sinh diễn giống y chang nghệ sĩ bản gốc không cần phải bàn cãi. 

Nhưng ở các chương trình so kè tài năng diễn xuất, dàn dựng của thí sinh (dù vẫn vui là chính) như "Ngôi sao phương Nam", "Đường đến danh ca vọng cổ", "Sao nối ngôi"... thì không thể có chuyện bê nguyên xi cách diễn xuất của bậc tiền bối. Vậy mà dàn giám khảo ở các gameshow này vẫn khen thí sinh nức nở, nào là "tài năng diễn xuất của em khiến chúng tôi nổi da gà", nào là "em là ngôi sao kịch nói, danh ca cải lương trong nay mai".

Những lời khen có cánh vô tình hay hữu ý càng khiến tình trạng chôm chỉa thêm trầm trọng. Nghệ sĩ được tiếng là tài năng còn nhà sản xuất, nhà đài thì hốt bạc trong khi các tác giả kịch bản bị ngó lơ, khán giả bị lừa lọc. Đến khi bị phát giác, tác giả gốc làm to chuyện thì các bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trong đó, thí sinh là người lãnh đủ.

Các nhà biên kịch chỉ được biết đứa con tinh thần của mình đang bị sử dụng ở chỗ này, chỗ kia nhờ xem tivi, nghe báo chí phản ánh hoặc người khác nói lại. Đó là những người còn siêng xem truyền hình, giao lưu nghe ngóng. Với các tác giả đã già yếu, ít giao du thì gần như "chịu chết". Lúc đó họ chỉ biết trông đợi vào lương tâm, ý thức của người làm nghệ thuật. Mà hai chữ "ý thức" mới xa vời làm sao.

Phan Thi Uyên
.
.