Hồn Việt trong âm nhạc đương đại

Thứ Tư, 03/12/2008, 14:15
Gần đây trong đời sống âm nhạc xuất hiện khái niệm nhạc dân gian đương đại. Đó là cách hiểu các ca khúc dân ca hay ca khúc mang âm hưởng dân ca được hát theo phong cách đương đại. Thật ra, cách thức này không có gì mới.

Trước đây, đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng từ cách vận dụng vốn cổ truyền trong sáng tác của mình. Cách đây nửa thế kỷ, các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy đã chuyển tải chất liệu dân ca vào dòng tân nhạc. Chất liệu âm nhạc dân gian đã và đang được khai thác triệt để, càng đi sâu tìm hiểu âm nhạc dân tộc càng thấy được trữ lượng nội dung mênh mông, nhiều tầng vỉa của kho tàng này.

Hiện tại, một số nhạc sĩ trẻ cũng đã tìm về cội nguồn dân tộc với những ca khúc, những bản hòa âm đầy màu sắc mới tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. "Đường xa vạn dặm" của Quốc Trung và "Gió bình minh" của Đỗ Bảo là sự kết hợp giữa cái nền hiện đại đặt dưới những bài dân ca cổ, những làn điệu cổ. Họ đã giới thiệu được cho người nghe trong và ngoài nước cái tuyệt diệu ở những giai điệu hoặc sự tinh tế của âm thanh qua các nhạc cụ.

Với Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An, Giáng Son... đã làm khán giả bất ngờ bởi lối hòa âm đơn giản về nhạc cụ nhưng phức tạp về giai điệu trong những ca khúc mà lời ca thật mộc mạc, bình dị...

Chính những âm hưởng dân gian như ca trù, chèo, tuồng, quan họ, trong giai điệu cũng như hình ảnh thân quen chòm xóm chứa đựng trong mỗi bài hát đã thấm vào lòng người nghe, người cảm. Dòng nhạc này hấp dẫn còn bởi chất hiện đại của nhạc phương Tây, tạo ra một âm hưởng vừa cũ, đủ để quen thuộc với khán giả nhưng cũng vừa mới lạ để tạo hứng thú.

Giờ đây bên cạnh các nhạc sĩ sử dụng chất liệu dân gian trong ca khúc, một số nghệ sĩ trẻ cũng đã biến tấu tìm tòi những cách thể nghiệm mới bằng việc sử dụng nhạc cụ dân tộc để chơi pop, rock, jazz, dance.

Đáng ghi nhận là ban nhạc "Mặt trời mới" gồm 6 cô gái vừa xinh đẹp và tài năng đã xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình truyền hình Tết Bính Tuất làm khá nhiều người phải ngỡ ngàng.

Với phong cách biểu diễn hiện đại, họ đã trình bày những bài hát quen thuộc như "Trống cơm", "Lý ngựa ô", "Xe chỉ luồn kim"... một cách đầy phấn khích và biểu cảm. Xen lẫn giữa những nét nhạc dân tộc là cả đoạn diễn xướng rap hay acapella vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, cuốn hút người nghe.

Ban nhạc còn trình bày cả những ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca như "Mái đình làng biển", "Chuyện tình trên thảo nguyên", "Nắng có còn xuân"... hay nhạc nước ngoài như "Tự do", "Thế giới là cả một rừng hoa". Bên cạnh giọng ca chính Hoài Phương với giọng soprano trong trẻo đầy ấn tượng thì điểm nhấn chính là những đoạn độc tấu ngắn của các nhạc cụ dân tộc một cách điêu luyện.

Nhóm "Cỏ lạ" cũng với hướng đi này đã kết hợp 7 cô gái với các nhạc cụ chính là đàn tranh, đàn bầu, sáo, tam thập lục, đàn nhị, tỳ bà. Ban nhạc còn kết hợp cả hát múa và cả những vũ điệu Tây Ban Nha bốc lửa mỗi khi biểu diễn.

Nhóm nhạc dân tộc tuổi teen "Pha lê xanh" cũng tìm được hướng đi riêng của mình khi mạnh dạn làm lại những tác phẩm nổi tiếng được biểu diễn bằng các nhạc cụ phương Tây chuyển sang biểu diễn bằng các nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam. Những bản nhạc của "Pha lê xanh" trong sáng, tươi vui rất phù hợp với giới trẻ.

Trong bối cảnh hội nhập, việc vận dụng chất liệu dân gian trong âm nhạc giúp ta dễ được nhận ra khi đứng chung với âm nhạc thế giới. Đó là cái bản sắc, cái đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Nói như cách của nhạc sĩ Nguyễn Cường là giờ đây ta phải biết lặn ngụp vào trong đó, phải thăng hoa cùng cả dân tộc ấy, âm nhạc là phần hương mà mỗi bông hoa cống hiến đời

Lan Hương
.
.