Đạo diễn Phạm Đông Hồng

Hơn 20 năm “mua vui” cho thiên hạ

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:08
Theo thông lệ, thời điểm này chính là lúc đạo diễn Phạm Đông Hồng đã rục rịch chuẩn bị "cỗ bàn" cho Tết. Vậy mà người ta vẫn thấy ông ngày ngày post ảnh lên facebook "khoe" trầy mình ra dưới cái nắng thu hầm hập ở nóc tòa nhà 18 tầng. "Tầng 18+" dài những 300 tập chính là bộ phim vị đạo diễn hào hoa đang sản xuất. Đây là Phim sitcom online đầu tiên của ông, và vẫn lại là một sản phẩm hài hước. Vậy là, đã hơn 20 năm Phạm Đông Hồng "mua vui" cho thiên hạ.

Về "Tầng 18+", Phạm Đông Hồng cho biết, dự án này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, ấy là mấy năm gần đây băng đĩa đã đi đến hồi "cáo chung". Rất ít người xem đĩa, mà muốn gì chỉ cần lên YouTube search là có ngay. Như vậy, phim online là một xu hướng tất yếu cần phải hướng đến.

Tuy nhiên, để tránh giẫm vào các lối mòn, Phạm Đông Hồng chia sẻ, phim sẽ không tạo tiếng cười bằng lời nói (trò lời - nhời) mà sẽ tạo nên các tình huống hài, hành động hài. Bên cạnh đó, phim cũng lấy 5 nhân vật làm xương sống, mỗi tập là một câu chuyện với một nhân vật chủ đạo nhưng ngoài ra còn có thể mở rộng ra với những nhân vật vệ tinh xung quanh 5 nhân vật kia như: ông bố, cô ca sĩ, bà mẹ… Phim cũng được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, mở rộng bối cảnh trong khu chung cư: bể bơi, phòng tập Gym, tầng thượng, cầu thang hay spa... chứ không bó hẹp trong một không gian cố định. Chung cư 18 tầng này như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người sẽ mang đến nhiều tình huống của cuộc sống đầy hài hước cho khán giả.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Dài hơi, tốn nhiều công sức, cả sự lo lắng khi lần đầu tiên chuyển hướng làm phim online, đánh dấu sự hợp tác với YouTube của Công ty nghe nhìn Thăng Long nơi ông vừa làm đạo diễn vừa làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiều năm nay, đó là tâm trạng thật của Phạm Đông Hồng lúc này. Hóa ra, đằng sau những tiếng cười mang đến cho khán giả là sự "toát mồ hôi" để "ủ mưu tính kế" của một người kinh doanh nghệ thuật. Bởi như ông nói, mình là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty, mọi quyết sách của mình nếu sai thì mình "có vấn đề".

Tuy nhiên, người ta vẫn nhớ đến Phạm Đông Hồng với những phim hài "Râu quặp", "Thầy rởm", "Giấc mơ của Chí Phèo", "Không hề biết giận", "Chôn nhời 1", "Chôn nhời 2", "Quan trường, trường quan"… Phạm Đông Hồng đến với phim hài đã 20 năm nay.

Kể về cái "duyên" đến với phim hài, Phạm Đông Hồng tâm sự: "Quãng năm 1993 tôi xin Sở Văn hóa Hà Nội mở Trung tâm dịch vụ CD và VCD (tiền thân của Công ty nghe nhìn Thăng Long bây giờ). Hồi đó cơ chế tự làm, tự ăn, hô hào anh em đóng góp sức lực, kinh phí. Tuy  nhiên, bí lắm, cứ như bị dồn vào chân tường vì không biết làm cái gì. Rồi nghĩ quanh quẩn, đi ra ngoài đường thấy người ta hay xem các tiểu phẩm hài trên tivi một cách hả hê. Thế là tôi nghĩ hay làm theo hướng này. Phim đầu tiên tôi làm đó là "Râu quặp" năm 1994. Đó cũng chính là bộ phim hài đầu tiên đánh dấu tên tuổi tôi với khán giả. Tính đến nay đã hơn 20 năm rồi".

"Râu quặp" đến bây giờ vẫn được mọi người tìm xem trên mạng. Đạo diễn Phạm Đông Hồng nhớ rõ, thời đó trung tâm mới thành lập, vẫn còn yếu kém, tiền bạc không có, phải đi chạy vốn nhưng việc làm phim rất thuận lợi, giá thành cũng rẻ hơn, diễn viên, cả đoàn làm phim đều ao ước được làm việc. Làm xong phim "Râu quặp" vào dịp gần Tết, đĩa CD chưa được in đúc công nghiệp như bây giờ. Cả trung tâm phải huy động nhau mua các cây máy tính về, đút từng cái phôi đĩa vào, in xong, nhả ra, in cả đêm cả ngày.

Đưa ra các cửa hàng phát hành đĩa, không ngờ đến đâu hết đến đấy. Vì thời đó các phương tiện giải trí chưa có nhiều, bỗng dưng có một sản phẩm hài ra vào đúng dịp Tết, người ta đổ xô vào mua. Chọn đúng điểm rơi, "Râu quặp" chỉ dài 53 phút nhưng khán giả đón nhận nhiệt tình đến mức cả trung tâm bò ra làm ngày làm đêm vẫn không đủ đáp ứng cho người tiêu dùng. Bên ngoài là khách hàng chờ chực, in được đĩa nào là người ta tranh nhau lấy luôn. Các cửa hàng băng đĩa tự dán đề can, tự dán mác "Râu quặp" và mang về bán ngay cho khác đang chờ ở cửa hàng. Tuy nhiên, do thời đó chưa có công nghệ in đến hàng vạn bản như ngày nay nên thu hoạch về cũng chả đáng bao nhiêu.

Song, thành công vượt mức mong đợi của "Râu quặp" đã mang đến cho ông một gợi ý, một phát hiện vô cùng đắc địa, đó là thị trường rất cần hài dân gian. Cứ mỗi năm Tết đến xuân về, người ta về quê, sum họp gia đình, không gì bằng một sản phẩm mang màu sắc văn hóa dân gian, cổ truyền. Cốt chuyện các chương trình Tết đều lấy từ các câu chuyện dân gian, biến tấu đi, thổi hơi hướng hiện đại vào để trở nên vừa sống lại những giá trị của dân gian vừa không bị lỗi thời. Từ đó đến nay, năm nào cũng thế, ông đều cho ra 1, 2 sản phẩm phim hài vào dịp Tết. Tiếp đó rồi đến các phim "Thầy rởm", "Lên voi", "Tiền ơi"… Cả những phim hài Tết của Xuân Hinh cũng gắn với tên đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Tuy nhiên, làm phim hài, nhất là hài dân gian có muôn vàn khó khăn, từ bối cảnh cho đến diễn viên, kinh phí… Nếu làm phim hiện đại chỉ hết 5 đồng thì phim dân gian phải hết đến 10, 15 đồng nên nhiều nhà sản xuất "né tránh". Để kiếm được một đề tài dân gian mà bây giờ vẫn hấp dẫn thực rất khó. Làm hài lại càng khó hơn những thể loại khác. Bây giờ, món ăn tinh thần quá nhiều. Phải đưa ra món ăn độc, lạ, ngon mà các phương tiện truyền thông khác ít có khả năng thực hiện thì mới thu hút được khán giả. Thế là ông xác định kiên trì theo đuổi con đường riêng, tạo dựng khán giả riêng của mình.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng đang chỉ đạo diễn xuất phim “Chôn nhời 2”.

Bao giờ cũng vậy, các phim sản xuất trong năm đều có kế hoạch đàng hoàng. Mất gần 3 - 4 tháng để chọn đề tài. Bàn nát nước ra từ đầu năm, viết, sửa, mãi mới ra một kịch bản ưng ý để cho khán giả có một món ăn tinh thần mới. Rồi đến bối cảnh. Ở miền Bắc này tìm được các bối cảnh phù hợp với phim cực khó vì tốc độ đô thị hóa chóng mặt.

Xem phim, thấy một ngôi nhà hoàn thiện đẹp long lanh từ cổng tới sân nhưng ít ai biết rằng có khi cổng phải quay ở một làng khác, tỉnh khác, còn ngôi nhà thì lại ở một tỉnh khác nữa. Việc chọn diễn viên cũng khó. Diễn viên hài ngôi sao đếm chưa đủ đầu ngón tay. Diễn viên chọn không hợp thì kinh doanh kém đi. Trong khi đó, khán giả lại yêu thích những diễn viên tên tuổi. Mà ông làm hài đến hơn 20 năm nay rồi, không tránh khỏi những lúc lặp lại về diễn viên, về kịch bản…

Dù vậy, ông tâm sự nghề này vất vả, cực nhưng vui vì mang được tiếng cười cho thiên hạ nên ông vẫn đam mê, theo đuổi. Có những diễn viên ông xây dựng từ khi khán giả hầu như chưa biết đến tên tuổi họ. Như nghệ sĩ Quốc Anh từ chèo chuyển sang đóng "Râu quặp" vai Lý lác, giờ nổi tiếng với vai hài hơn vai chèo và gần như bị "đóng đinh" với vai diễn này. Các băng rôn quảng cáo chương trình hài đều "bay" mất tên Quốc Anh mà chỉ còn "Lý lác". Hay các nghệ sĩ khác như Xuân Hinh, Xuân Bắc, Tự Long, Trung Hiếu đều do con mắt xanh của ông phát hiện… Đó chính là niềm vui của ông.

Đi đến đâu ông cũng được khán giả biết đến. Nhất là thời buổi facebook phát triển như hiện nay, có những hôm cả đoàn phim không quay nổi vì dân làng vây lấy, chụp ảnh cùng nghệ sĩ để post lên facebook. Có những phim ông phải bỏ ra đến 8 triệu tiền thuê bảo vệ một ngày mà cũng vẫn không quay nổi vì người dân cứ ào vào. Những lúc đó cũng phải cười mà chiều người hâm mộ thôi. Vì họ có xem phim của mình mới hâm mộ đến thế.

Hai năm trước, phim "Chôn nhời" do ông đạo diễn thành công vượt mong đợi, đó là động lực để "Chôn nhời 2" ra đời vào năm ngoái. Phạm Đông Hồng khẳng định mỗi năm sẽ lại "chôn" một lần. Vì những bức xúc trong gia đình, xã hội không giải quyết được sẽ được "xổ" vào chum và sẽ còn gây nên tiếng cười sảng khoái mỗi dịp Tết đến xuân về, như một sự giải tỏa để đón chờ một năm mới đầy hanh thông, thuận lợi. "Chôn nhời" cũng sẽ trở thành "thương hiệu" của Phạm Đông Hồng cũng như của Thăng Long AV trong lòng người hâm mộ.

Cẩm Tú
.
.