(Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du, 18/11/1979 - 18/11/2009)

Hồi ức trường Văn

Thứ Năm, 10/12/2009, 11:00
Lớp bồi dưỡng viết văn mở ở Quảng Bá những năm sáu mươi của thế kỷ trước, sau này gọi tắt là Trường Quảng Bá, là mơ ước cho những người viết trẻ hồi ấy. Khóa đầu tập trung những cây bút chủ lực của lớp trẻ, có người mới được phát hiện qua các cuộc thi thơ, thi truyện ngắn ngay sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cũng có nhiều anh chị đã viết từ trong chiến khu.

Ban giám hiệu của trường là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, giàu kinh nghiệm viết và say sưa truyền nghề. Đội ngũ giảng viên cũng là những nhà văn tiêu biểu. Khi ấy tôi đang là sinh viên Trường Y, mỗi lần đi qua đê Quảng Bá nhìn xuống khuôn viên trường, mấy nếp nhà tranh nứa giữa um tùm cây cối, tôi cảm giác đấy là một chốn tuyệt vời, ai qua đấy sẽ thành nhà văn. Tôi vốn mê truyện, mê thơ nên rất kính phục các nhà văn. Cho nên thích ngôi trường lạ ấy chứ không tìm hiểu gì về nó.

Sau khi tốt nghiệp y khoa, do đăng vài bài thơ mà được quen biết mấy bạn viết cùng lứa tuổi, trong đó có người theo học ở đây, tôi mới có dịp vào tận trong trường. Được ngồi lẫn với các học viên, được nghe, được thấy các nhà văn, nhà thơ mà mình đã từng say mê tác phẩm của họ như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lân, Đỗ Quang Tiến, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu, Tế Hanh… tôi thích thú như gặp người trong chuyện cổ tích.

Tôi mong được theo một khóa học. Nhưng không dám đặt ra. Vì chắc khó mà được nhận vào. Hơn nữa, lúc đó tôi là bác sĩ làm ở Bộ Y tế, được giao nhiệm vụ xây dựng tuyến cấp cứu phòng không cho các nông trường, lâm trường, xí nghiệp từ Thanh Hóa trở vào đến Vĩnh Linh. Mỹ thì đang đánh phá leo thang ra miền Bắc. Công việc chúng tôi khá căng mà không có người làm thay. Tự thấy việc xin đi học làm thơ lúc này nghe nó chướng quá.

Khi tôi chuyển từ nghề y sang nghề văn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thời gian có rộng hơn thì lại phải gấp gáp học việc các đồng nghiệp, vì nghề biên tập "Tiếng thơ" với tôi là nghề hoàn toàn mới, nên việc theo lớp bồi dưỡng viết văn đành gác lại. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, Trường Quảng Bá thành Trường Viết văn Nguyễn Du ở Đê La Thành, học theo chế độ đại học, mỗi khóa bốn năm, thì ý định vào trường của tôi đành chấm dứt. 

Rốt cuộc, cái vốn văn chương để tôi theo nghề viết vẫn chỉ là kiến thức trung học. May là ở trung học, tôi được học nhiều thầy là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như các thầy Hoài Việt, Nguyễn Xuân Huy, Trần Lê Văn, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Uyển Diễm, Nguyễn Đình Phong, Đoàn Nồng, Đái Xuân Ninh, Bạch Năng Thi. Nhờ vậy tôi cũng hiểu ít nhiều cách làm thơ hay kỹ thuật cân đo tài sắc của văn chương mà tự học. Rồi quanh co thế nào mà cái mộng làm học viên chưa thành thì lại được trường gọi vào làm giảng viên thỉnh giảng, lẽo đẽo nhiều năm.

Trường Viết văn Nguyễn Du khi về tá túc ở trường Đại học Văn hóa thì trực thuộc bộ Văn hóa. Nhưng Hội Nhà văn chịu trách nhiệm giảng dạy. Công việc trôi chảy nhịp nhàng. Ông Hiệu trưởng đầu tiên Nông Quốc Chấn là Thứ trưởng bộ chủ quản lại là nhà thơ, thành viên ban lãnh đạo Hội Nhà văn. Trường chuyển dần vào hệ đại học. Tốt cho học viên là có bằng cấp, lúc ra trường dễ xin việc, xếp lương. Nhưng thi vào và chương trình học, thời gian học lại ít phù hợp với người viết văn chỉ muốn vào trường để nâng tay nghề hoặc bổ sung kiến thức còn trống.

Giao lưu thơ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường viết văn Nguyễn Du.

Khi tôi tới giúp cho bộ môn sáng tác thơ, anh Khái Vinh đang làm Hiệu trưởng. Cơ sở ban đầu của trường còn là mấy nếp nhà tranh nằm sâu phía trong. Vào trường còn phải qua vạt sân đất rộng, qua những bờ ao. Đã có chuyện hai nữ nhà văn tương lai không biết tranh luận về nhân sự ái tình thế nào mà lại… hạ nhiệt bằng cách đẩy nhau xuống ao.

Những năm khó khăn của thời bao cấp, sinh viên văn chương, dù là cán bộ đi học, cũng gieo neo lắm. Chỉ thích là phố xá khi ấy còn thông thoáng. Quanh Trường Văn hóa và dọc hai bên đường lên tới Cầu Giấy hay xuống Ô Chợ Dừa còn liên miên hồ đầm, bờ đê và các bãi đất trống. Nhà, xóm tuềnh toàng, nghèo nàn nhưng trời đất thoáng đãng. Bụng dạ có thưa vắng đạm, đường, mỡ, nhưng tâm trí thì dư dật không gian. Cảm hứng học viên thường xuyên bát ngát.

Nhà thơ Phạm Hổ và tôi được trường giao nhiệm vụ giúp sinh viên bộ môn thơ. Một tuần có vài buổi đến nghe các bạn bàn luận về tác phẩm của nhau. Chúng tôi góp ý, cũng có khi trình bày một vấn đề học thuật, truyền thụ kinh nghiệm. Người học gọi người giảng bằng thầy nhưng thật ra chỉ là thợ cũ kèm nghề thợ mới. Mà nhiều lúc thợ mới mải tán nhau, không nghe.

Anh Phạm Hổ, người nghiêm cẩn, thấy thế thì buồn và lo âu. Tôi thì thấy bình thường. Ai nghe thì nghe. Không nghe thì… mình nghe họ. Nữ có vẻ "bướng" hơn nam. Thầy Hổ nhận xét thế. Tôi nghĩ không phải. Hình như bọn nam nó nhường thầy, không cãi. Nữ thì quen được chiều, không thua ai, kể cả thầy. Mà nhiều thầy cũng thích thua các cô. Thời kỳ đó tôi đang làm Trưởng ban Tuyển tập của nhà xuất bản Văn học, thường phải làm việc với các cây đa cây đề của làng văn, nên tôi nhịn đã quen.

Bác Xuân Diệu đến giảng, giờ giải lao hết lâu rồi mà học viên cứ ngồi chè nước, quên hẳn việc vào lớp. Nhà văn "thì tương lai" nó hay trái khoáy, bác Xuân Diệu chưa quen, nên bực. Nghe đâu lần ấy ông Hiệu trưởng Khái Vinh phải đến xin lỗi nhà thơ già. Kể ra thời buổi này, để tăng cường đoàn kết thầy trò thì cũng nên phiên phiến một chút.

Tôi có nhận xét: Những anh lười học lại thường lý sự hay. Tôi thích nghe họ nói hơn là nói cho họ nghe. Nhưng anh Pham Hổ thì cứ áy náy băn khoăn. Làm người có trách nhiệm cao như anh cũng khổ thật. Tôi lo cơ sự này kéo dài có khi anh Hổ sinh bệnh tâm thần. Tôi bàn với anh: Cả hai anh em ta nên thư giãn một thời gian. Chúng tôi xin tạm nghỉ. Hiệu trưởng Khái Vinh không vui. Anh không trách anh Phạm Hổ mà chỉ trách tôi, cứ như tôi đầu têu. Tôi chẳng dám nói gì vì vốn đã coi anh Khái Vinh là bậc đàn anh thân tình. Xem anh ấy cáu cũng thích.

Anh Khái Vinh là nhà sư phạm nghiêm túc, tận tình với công việc và hay nói thẳng. Mà công việc ở trường bồi dưỡng nhà văn thì nhiều thứ "phức tạp" lắm. Hồi đó quanh danh hiệu "học sinh trường Nguyễn Văn Du" nhiều giai thoại vui lắm. Anh Khái Vinh phải chấn chỉnh học trò luôn. Anh bảo: "Các cậu học hành thế này thì không ai người ta buồn dạy". Anh bực thì nói thế chứ không phải thế. Không phải người ta "không buồn dạy" mà là người ta sợ không làm tròn trách nhiệm. Các môn kiến thức thì còn dạy được chứ môn sáng tác, nó là năng khiếu, dạy thế nào được. Thực chất chỉ là cung cấp những gợi ý, những kinh nghiệm tham khảo. Không hợp ý nhau thì cũng khó mà nghe nhau.

Dạy thì thế, nhưng chơi với học viên Trường Nguyễn Du thì ai cũng thích. Thường xuyên có các nhà văn trẻ la cà ở ký túc xá sinh viên. Họ thích nhau vì những nhận xét thông minh, bất ngờ, hợp gu. Thích vì có thể quan sát các kiểu phát lộ tài năng, rồi đoán già đoán non hậu vận cô này cậu kia trong văn giới. Hồi có các anh Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư, trường làm những hội thảo tác giả khá đình đám, góp phần tạo dựng dư luận trong giới văn chương. Học viên có người vừa ra trường đã thành nhà văn thực thụ. Có người trong quá trình học đã có độc giả. Có thể nói là chính nhà trường đã phát hiện ra họ, giúp họ bộc lộ và hoàn thiện tài năng.

Cô Thu Nguyệt từ Đồng Tháp ra học, còn lơ ngơ lắm, chưa lấy chồng mà, nhưng làm thơ nhớ bố, nhớ nhà chữ nghĩa cứ mộc mạc mà xúc động lắm, sâu sắc nữa. Tôi khen trước lớp, lại còn biểu dương trong bài viết tựa cho tập thơ về phụ nữ của một nhà xuất bản lớn. Có cô Hà Nội chê tôi gà mờ, "thầy Phương cùng quê nên mới khen thơ cái Nguyệt". Thu Nguyệt không học hết khóa. Tôi rất tiếc, hỏi tại sao. Các bạn đồng khóa trả lời: "Nó về lấy chồng".

Ít lâu sau đọc thơ Thu Nguyệt gặp nhiều bài hay. Cái giọng Nam Bộ để mộc dân dã, lại tếu táo mà sâu sắc, thâm trầm, bắt đúng mạch cảm xúc. Thu Nguyệt thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khá sớm. Vợ chồng về TP Hồ Chí Minh làm xuất bản. Nguyệt thành bà mẹ hai con, khá đảm. Có lần tôi vào TP Hồ Chí Minh, được vợ chồng Nguyệt đón đi chơi. Đi cả Sở thú, lên cả đu quay và xem kịch thể nghiệm. Nguyệt chỉ dẫn giảng giải cho tôi tỉ mỉ như hướng dẫn ông già ở quê lên tỉnh chơi, rất cảm động.

Thu Nguyệt hôm nay đã là một tên tuổi. Thơ Nguyệt có giọng và chất Nam Bộ hiện đại rất quý. Chồng Nguyệt mất vì tai nạn giao thông. Nguyệt can đảm nuôi dạy con, làm thơ, nghiên cứu Thiền, có thêm những ý thơ thâm trầm u ẩn. Viết tản văn có nhiều nhận xét xã hội rất sắc và giọng kể tự nhiên, chủ động của một người từng trải. Còn tôi, đọc Thu Nguyệt bây giờ lại nhớ về Trường Nguyễn Du năm ấy. Năm tháng chưa nhiều mà đã thành thăm thẳm...  

Những nếp giảng đường tranh tre của trường được hỗ trợ của Công ty Thủy điện Sông Đà đã thành nhà gạch. Một tầng thôi nhưng khá khang trang. Mấy năm sau, nhà nước cấp kinh phí, thành nhà ba tầng như bây giờ. Vốn là trường bồi dưỡng viết văn, khá linh hoạt trong cấu tạo chương trình đáp ứng nhu cầu tức thời của người viết, của từng giai đoạn xã hội, nay thành trường đại học. Chính quy, hiện đại, nhưng không còn phù hợp với tính chất thiếu đâu học đó của giới nhà văn. Rồi trường nhập vào Đại học Văn hóa, thành một khoa. Tên trường, Nguyễn Du, được đưa về Trung tâm Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn mới vừa thành lập lại. Trung tâm mới mở các lớp ngắn ngày, và trụ sở thì còn lưu động vì đất Quảng Bá của trường xưa, sau khi xây lại, đã mang công dụng khác

Vũ Quần Phương
.
.