Hội hoạ Hữu Ước: Ấm áp một chữ tình

Thứ Tư, 10/07/2013, 08:00

Đối với Hữu Ước, vẽ là một cuộc chơi, giống như rất nhiều cuộc chơi trước đó ông đã tham gia vào, như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn học. Nhưng để đi hết nghĩa của chữ Chơi trong nghệ thuật, đâu phải chuyện giản đơn. Nó là mồ hôi, nước mắt, đau khổ, dằn vặt, đam mê quyết liệt và điều không thể thiếu là tài năng. Ông mở một triển lãm tranh ấm cúng tại nơi mình làm việc, mời bạn bè đến thưởng ngoạn. Toàn những người bạn làm nghề, thuyết phục họ đâu dễ. Vậy mà ông thuyết phục được họ, làm họ rung động. Ngoài câu chuyện tài năng, tất cả còn nằm ở một chữ Tình.

Trong hội họa Hữu Ước, dưới mỗi bức là một chữ Tình ấm áp. Ông vẽ những gì ông cảm nhận, yêu thương hay nổi giận, những trải nghiệm trong bão táp cuộc đời mà ông đi qua. Từ những bức vụng về đầu tiên, cho tới những bức nhuần nhuyễn về bút pháp sau này, mỗi bức tranh của ông đều tỏa ra một sự ấm áp của lửa. Ông vẽ vòng xoáy cuộc đời, cái cây, tảng đá buồn, con chim ngây thơ, dáng ngồi của một người đàn bà, hay một bông hoa, chiếc lá, đều trĩu nặng yêu thương, ân cần. Người ta nói, đọc một bài thơ, xem một bức tranh, là cảm nhận tâm hồn người sáng tạo ra nó, là lắng nghe những ưu tư, chia sẻ của người viết. Chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn, nội tâm của Hữu Ước qua mỗi bức tranh của ông. Nhìn thấy  những biến cố trong đời ông đã trải và cả những yêu thương ông trao tặng. Ông vẽ người vợ tảo tần hôm sớm của mình, với một dáng ngồi vừa khiêm nhường vừa lo âu. Trong những ô màu trầm buồn của chiếc ghế màu xanh, của chiếc khăn màu đen, là tình cảm thiết tha ông dành cho người đàn bà của đời mình. Rồi một lúc khác, vẫn dáng hình người đàn bà ấy ngồi bên vực thẳm. Như một lời hàm ơn cất lên trong im lặng, về người đàn bà đã chênh chao suốt một đời, đi bên cạnh, làm chỗ dựa tinh thần, cứu chuộc đời sống quá nhiều sóng gió của người đàn ông mà số mệnh bắt lúc nào cũng phải đi ra ngoài biển lớn. Vẽ trong sự hồi tưởng, xót xa, sau ngày bà đã rời bỏ ông đi về cõi khác.

Hoa gạo - Sơn dầu trên vải.

Có một mảng đề tài không nhỏ mà Hữu Ước thường hay vẽ trong tranh ông, tạm gọi là thế sự. Ông vẽ mà như kể chuyện với chúng ta, về những mỏm đá kiên cường trong cuồng nộ thác lũ, chiếc ghế và bàn cờ trong từ trường của "Quyền lực", cái cây trong bão, con chim và chiếc lồng, Cá và kiến, Rắn lửa, Đôi mắt nhìn đời… Người không hiểu về ông có thể sẽ hỏi sao ông lại vẽ như vậy. Còn người hiểu ông thì ngộ ra rằng, ông đang kể một cách ý tứ, nhuần nhị về đời sống của chính ông, những thái độ sống, trạng huống sống, và những lựa chọn. Ngay cả trong một câu chuyện gai góc nhất bằng màu, thì thông điệp của ông vẫn đầy chất nhân văn, như tiêu chí sống, tiêu chí làm báo mà ông chọn.

Núi lở - Sơn dầu trên vải.

Hữu Ước cũng dành một sự ưu tiên không nhỏ của mình để kể chuyện đàn bà. Những bức tranh "người đàn bà yêu" cho ta một cảm nhận dạt dào, rằng ông rất trân trọng phụ nữ. Nếu trong văn xuôi ông yêu quý phụ nữ bằng cái nhìn thân phận, thì trong hội họa, là tôn vinh vẻ đẹp của họ. Ông cũng không ngại xông thẳng vào lối vẽ "nude", lối mà ngay cả những họa sĩ đã vẽ rất nhiều, rất nghề cũng còn e ngại. Vốn là nhà văn, nên tranh nude của ông gợi nhiều hơn tả. Ông là người biết làm khó người xem, bằng cách truyền cho họ những rung cảm đẹp bởi chữ Tình dào dạt…

Những bức vẽ mới nhất của Hữu Ước gần như không thuộc đề tài thế sự nữa. Ông vẽ đàn bà, vẽ cây, và đặc biệt là vẽ rất nhiều hoa. Có tới vài chục bức tranh hoa, và không hiếm bức làm ngạc nhiên người xem vì vẻ đẹp rất lạ, rất riêng. Nếu thực sự xem tranh là tấm gương phản chiếu xúc cảm của người cầm cọ, thì có thể thấy Hữu Ước đang sống trong những ngày tháng mà bao nhiêu cuồng nộ, bão táp, bao nhiêu sóng gió, khổ đau, mất mát đã ở đằng sau, đã lắng xuống, như phù sa của một dòng chảy. Ông đã biến tất cả những thứ trải nghiệm ấy thành tài sản, thành chất liệu cho con đường sáng tạo phía trước, hoặc có thể chỉ là cất giữ cho riêng mình. Hiện tại, ông đang an nhiên. Cái an nhiên của một người vượt thác. Đã hiểu độ cao của thác và chiều sâu của nước. Tranh hoa của ông, nghe đâu đó có hơi hướng của Thiền. Một sự Rỗng của người đã biết quay về với ấu thơ, vụng dại, đã hồn nhiên như mắt nhìn một đứa trẻ. Tôi cứ ngắm mãi bức tranh màu xanh có bố cục rất chặt có tên "Cây xương rồng" của ông và trộm nghĩ thế...

Quyền lực - Sơn dầu trên vải.

Mong ông tiếp tục cuộc "nghịch màu" (chữ của nhà văn Đỗ Chu) thú vị này. Tiếp tục những bức tranh và những câu chuyện kể, dù về bất cứ điều gì, thì vẫn chữ Tình ăm ắp. Dù ông không tự nhận mình là họa sĩ, ông chỉ bước vào hội họa trong tâm thế của một người Chơi thôi, thì cũng là ông đã Chơi một cuộc sang trọng. Với màu!

Bình Nguyên Trang
.
.