Hội chứng kỳ nhông

Thứ Năm, 23/02/2012, 08:00

Chao ôi là sự chê - khen. Tại sao cũng cùng một người mà lúc chê, chê hết lời, lúc khen, khen hết mức như vậy?! Đã thế còn không có một lời xin lỗi tác giả nọ, cứ làm như mình là người "vô can", còn "tội lỗi" kia là của ai đó, ở đâu đâu...

Nhiều người đã biết, kỳ nhông là một loại bò sát thuộc họ kỳ đà, có khả năng đổi màu sắc rất nhanh theo môi trường. Chính khả năng "thích nghi" này đã giúp nó tránh được sự phát hiện, săn lùng của các đối thủ. Văn hào Nga Anton Tsekhov có một truyện ngắn rất nổi tiếng (từng được dịch giả Phan Hồng Giang dịch sang tiếng Việt) lấy tên là "Con kỳ nhông", với nội dung phê phán loại người "gió chiều nào che chiều ấy", phát ngôn liên tục thay đổi, tiền hậu bất nhất, cốt để vừa lòng những người mà mình cần tới. Bởi vậy, nói hội chứng kỳ nhông ở đây là tôi muốn nói tới một hiện tượng mang yếu tố tiêu cực: "Nói rồi lại nói ăn lời được ngay". Điều đáng buồn là trong làng văn, hiện tượng này đang xảy ra ngày một nhiều.

Có thể, ai đó sẽ cho rằng, một người khi nhận thức có chuyển biến, thì việc họ có những thay đổi trong đánh giá, nhận xét người này người khác cũng là điều bình thường.

Nhưng, có thật là bình thường không, khi - một vị giáo sư, trong lời giới thiệu tập thơ của một tác giả từng dính "phốt" trong quá khứ, đã cho rằng người này một thời gian dài từng "bị lên án, mạ lỵ bằng những "câu nói" được tách ra khỏi văn cảnh, những câu thơ bị giải thích một cách tùy tiện, bị cắt xén, rút tỉa, lìa khỏi đoạn thơ, bài thơ" và bây giờ là lúc "văn học cách mạng Việt Nam được trả lại một nhà văn tài năng", trong khi trong quá khứ, chính vị giáo sư nói trên lại là một trong những người cùng tham gia vào việc "lên án, mạ lỵ" tác giả nọ. Thậm chí, ông còn gọi thơ của tác giả nọ là nọc độc không dễ gì tẩy sạch.

Chao ôi là sự chê - khen. Tại sao cũng cùng một người mà lúc chê, chê hết lời, lúc khen, khen hết mức như vậy?! Đã thế còn không có một lời xin lỗi tác giả nọ, cứ làm như mình là người "vô can", còn "tội lỗi" kia là của ai đó, ở đâu đâu.

Ngoài trường hợp trên, cũng xin được nhắc một chút tới trường hợp của một vị giáo sư khác, người từng để nổi trôi trên mạng một tập bản thảo với những lời nhận định gây xôn xao dư luận, trong đó có đoạn về thơ Tố Hữu: "vì sao thơ ông không có giá trị lâu dài? Có lẽ vì ông chọn cho mình con đường làm thơ chính trị". Trong khi, đọc một cuốn sách của chính vị giáo sư này được tái bản trước đó mấy năm, bạn đọc lại ngỡ ngàng gặp những dòng nhận xét khác hẳn về sức mạnh của thơ Tố Hữu: "Thơ Tố Hữu cũng là sự chứng minh hùng hồn cho ý kiến của Sóng Hồng: Thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác. Bởi vì Tố Hữu làm thơ chính trị theo đúng quy luật nghệ thuật, nghĩa là bằng trái tim náo nức của mình... Đọc thơ ông, nhiều khi như nghe thấy cái réo rắt, ngọt ngào của Kiều, Chinh phụ, của ca dao, dân ca..." và "Với thơ ông, tính thời sự không hề mâu thuẫn với tính nghệ thuật và giá trị lâu dài của tác phẩm văn học". Chao ôi, chẳng lẽ chỉ trong có mấy năm mà người ta có thể có quan điểm quay ngoắt đến 180 độ như vậy sao. Có người khi đọc hai nhận xét trái ngược nói trên, đã buông một câu: "Không thể hiểu nổi".

Đúng là "không thể hiểu nổi"!

Sinh thời, nhà phê bình văn học lỗi lạc Hoài Thanh từng đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: "Có tình cảm đúng mới mong nhìn đúng, hiểu đúng trong các vấn đề khoa học xã hội. Riêng trong vấn đề văn học nghệ thuật lại cần phải có tình cảm đúng".

Tôi xin không bình luận thêm về nhận xét này. Thiết nghĩ, tự nó đã nói với chúng ta nhiều điều…

Trần Hữu Thanh
.
.