Học viết văn thời mở cửa

Thứ Năm, 18/06/2009, 11:00
"Có hay không việc có thể đào tạo được nhà văn" vẫn là một vấn đề được bàn đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Nếu như ngày xưa, mỗi lần đi đâu, gặp một học viên được đào tạo từ "lò" viết văn, mọi người thường trầm trồ thán phục, thì ngày nay, cùng với sự tuyển sinh hàng năm, hàng đợt, cộng với chất lượng thực tế không đồng đều của nó, "học viết văn" dần trở thành một cụm từ quen thuộc như bao nhiêu ngành học khác được đào tạo ở các trường ĐH mà ta vẫn thường nghe đến.

Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) đang chiêu sinh khóa 3 và sẽ khai giảng vào trung tuần tháng 6 tới đây. Hỏi chuyện nhà văn Nguyên An, Phó Giám đốc Trung tâm sau khi kết thúc khóa 2, ông khả quan nói: "Trên thực tế là tôi đã thở phào nhẹ nhõm sau ngày kết thúc khóa học. Phải nói rằng, điều hành một lớp học toàn những người "không ai chịu ai" quả là không đơn giản.

Nhưng tôi rút ra kết luận: Nếu mình biết dĩ hòa vi quý, tôn trọng từng cá nhân trong lớp học, có vấn đề gì cần giải quyết nên gặp riêng để thủ thỉ thì mới… yên chuyện. Biết được "gu" của họ rồi thì thấy cũng không "nan giải" như nhiều người vẫn tưởng".

Theo như hồ sơ đăng ký thì khóa 3 có những người tuổi đã ngót … thất thập, có những cây bút đã làm đến chức Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh như anh Đoàn Hữu Nam (Lào Cai), có những người đã tham gia cả 2 khóa trước như chị Kim Anh… Tổng số người đăng ký khóa học này đã lên tới con số 60.

Lễ bế giảng (khóa 6) Trường viết văn Nguyễn Du.

Vẫn theo nhà văn Nguyên An cho biết, khóa học này, Trung tâm sẽ chỉ tuyển trên dưới 30 học viên. Bởi vấn đề khó khăn trước mắt đối với Trung tâm vẫn là chỗ ăn ở của anh em học viên tỉnh xa. Đợt trước, ngoài số tiền học phí 1.500.000 đồng, Trung tâm đã từng bị "kêu ca" để học viên thuê phòng trọ ở Đại Lải với mức phí quá cao (150.000 đồng/ 1 ngày đêm) đã khiến nhiều học viên chao đảo, phải… đi ở nhờ.

Trên thực tế, cho dù họ đã là những cán bộ của Hội Văn học địa phương được cử đi học nhưng cơ quan chủ quản vẫn không đủ hào phóng trích từ số kinh phí đào tạo dành riêng cho một cá nhân.

Rút kinh nghiệm, khóa học này, Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du biết tận dụng thời gian nghỉ hè của học sinh Khoa Sáng tác - lý luận và phê bình văn học (thuộc Trường Đại học Văn hóa) để mượn ký túc xá sinh viên với giá khá rẻ: 700.000 đồng/ 1 phòng/ 1 tháng cho 4 người ở.

Giải pháp này đã khiến nhà văn Nguyên An, người tiếp tục được tín nhiệm giao quản lý lớp học thở phào nhẹ nhõm. Anh cho rằng, "an cư thì mới lạc nghiệp". Vấn đề cần lo lắng bây giờ là vận hành cho lớp học chuyên ngành sáng tác này xuôi chèo mát mái.

Trước sau anh vẫn khẳng định: "Tổ chức lớp lý luận thì khó, nhưng sau đó vận hành thuận, còn tổ chức lớp sáng tác thì dễ nhưng vận hành nó lại rất khó khăn. Bởi xét cho cùng, những người sáng tác họ lắm tài nhiều tật, không ai chịu ai là "chiến tranh" xảy ra".

Khác với Trung tâm Bồi dường viết văn của Hội Nhà văn, Khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học cứ "đến hẹn lại lên", tuyển sinh theo chương trình tuyển sinh của Bộ Giáo dục &  Đào tạo.

Những khóa trước, Khoa này được tổ chức thi vào một đợt riêng, sau khi đợt tuyển sinh các khối trường Đại học Văn hóa đã kết thúc. Nhưng năm nay, trường đã quyết định thi 2 môn văn - sử chung với đề thi Đại học khối C, chỉ thi riêng môn năng khiếu.

Theo thông tin từ Giáo vụ khoa, trong số hơn một trăm hồ sơ nộp vào khoa, qua 2 vòng sơ tuyển và chung tuyển năm nay, khoa chỉ "tinh lọc" và tuyển khoảng 25 thí sinh cho khóa 12. Bởi vì trên thực tế thì số hồ sơ có chất lượng là không nhiều. Những sinh viên ở đây chủ yếu vừa rời ghế nhà trường phổ thông và bắt đầu những tiếp nhận đầu đời với chân trời sáng tác bất tận của cõi văn chương.

Nhà văn Văn Giá, Chủ nhiệm khoa cho rằng, dù sinh viên được tuyển vào trường phần lớn là học sinh PTTH, nhưng Nhà trường sẽ giúp họ có được cái phông tri thức cần thiết. Hơn nữa, tiêu chí dạy văn nhưng vẫn hướng tới nghề báo của khoa đã có tín hiệu tốt, vì hầu hết  sinh viên ra trường đã xin được việc ở các tòa soạn báo, các Nhà xuất bản, các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Tin vào "tiềm lực" của lực lượng nhà văn quân đội nên Khoa Viết văn của Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội đi theo mô hình của lớp viết văn Nguyễn Du thuở sơ khai: 4 năm mới tuyển một khóa (dưới 20 học viên) và các học viên thì được bao cấp chỗ ở, tiền học phí… thậm chí, học mỗi chuyên ngành nhỏ (như ký, truyện ngắn hay thơ) thì các học viên được Trường tạo điều kiện bao cấp hoàn toàn việc đi thực tế ở những vùng miền xa xôi như Phú Quốc, Tây Nguyên… Nhà trường cho học viên vay tiền để mua máy tính phục vụ việc học tập và sáng tác. Trong 2 năm qua, sinh viên của khoa này đã có nhiều tác phẩm được đăng tải trên báo chí, cũng như có sách xuất bản.

Dự định sau khi khóa I ra trường, Khoa viết văn trường Đại học Nghệ thuật Quân đội sẽ tiếp tục tuyển khóa mới. Nguồn tuyển sinh không chỉ trong quân đội, các vùng dân tộc thiểu số mà còn trên toàn quốc. Thậm chí, nếu phát hiện ra những cây bút tài năng, Khoa sẽ mời về học và đài thọ toàn bộ kinh phí. Với những tiềm lực vốn có của mình, Khoa này đang có những bước đi "chậm mà chắc".

Tuy nhiên, nói đi rồi phải nói lại, vấn đề mở trung tâm, mở lớp học viết văn, không đồng nghĩa với viết cố gắng để in vài truyện ngắn, vài bài thơ, hay giản đơn hơn, vài bài báo để có thể có một chỗ làm khi rời ghế nhà trường.

Trên thực tế, những người quản lý trung tâm viết văn, các lớp viết văn ấy cũng đang có những nỗ lực để vực dậy những tài năng văn chương còn trong trứng nước, song việc đào tạo nhà văn dẫu có nỗ lực đến bao nhiêu thì cũng chỉ như muối bỏ bể, bởi thực tế thì trường đời mới là một trường học lớn. Hy vọng, với cái "khung" mà các học viên viết văn tiếp nhận được ở các khóa học, nó sẽ là công cụ hữu hiệu để cho họ tỏa sáng mai sau

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi có tham gia các lớp giảng dạy đầu vào và đầu ra ở các nơi đào tạo viết văn. Tôi thấy hầu hết là có tiến triển tốt. Tốt so với lúc các em vào học. Dẫu sao thì đó cũng là những nơi mà các em được học một cách bài bản từng đường đi nước bước con đường sáng tác, chứ thời của chúng tôi tự mày mò nên chín muộn. Khi mình có nghề thì cũng là lúc mình đã già mất rồi. Những em có năng khiếu, đi đúng ngạch, vào học ở đó rồi cũng sẽ có một cái tên. Những em không phát triển theo đường văn chương thì cũng được trang bị những kiến thức tối thiểu về văn học, rộng hơn là văn hóa hay tri thức về khoa học xã hội để vào nghề văn, nghề báo mà không hụt. Đó là bước khởi đầu để có những luống cày chuyên biệt cho công việc mai sau. Tôi biết, hiện này có người còn mở trường tư và đang có ý định đưa vào chương trình đào tạo viết văn. Như vậy là viết văn vẫn còn trong tiềm thức của nhiều người yêu văn chương và chúng ta nên mừng vì điều đó. Còn làm được đến đâu còn là một câu chuyện dài...

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Thời gian trước tôi vẫn tham gia đọc bài cho Khoa Sáng tác - lý luận và phê bình văn học (Đại học Văn hóa) nhưng nay thì tôi từ chối. Phần vì bận, với lại thực tế thì làm một gì việc quá lâu cũng trở nên mòn, cũ kỹ. Trên thực tế, việc đào tạo nhà văn là việc nên làm, chẳng cần kỳ vọng nhiều, một lớp vài chục học viên mà ra trường có được 2-3 tác giả là mừng rồi. Nhưng nói gì thì nói, học viết văn hay học bất cứ ngành gì cũng phải nghiêm khắc. Nói về việc này thì Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói đúng: "Trong nhà trường nên tuân theo kỷ luật và bảo thủ". Thời của chúng tôi, học ra học, chơi ra chơi, quy củ lắm. Mặc dù hồi đó 1/3 lớp đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hầu hết học viên đã có các đầu sách và đã là những tác giả. Các lớp viết văn bây giờ chủ yếu là tuyển học sinh phổ thông, các em chưa có nghề, nhưng dẫu sao trường học vẫn là nơi hội tụ cho các em những bước cơ bản đầu tiên để bước vào ngưỡng cửa văn chương mênh mông này.

Song Kim
.
.