Học làm MC

Chủ Nhật, 18/02/2007, 08:30
Nghề MC không phải chỉ cần ngoại hình và giọng nói dễ nghe mà đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực: tiếng nói sân khấu, diễn xuất, nhạc lý cơ bản, lịch sử các loại hình nghệ thuật, hiểu biết về chính trị, văn hóa, xã hội, và đặc biệt là biết tạo hiệu ứng tình cảm cho người xem, đối đáp linh hoạt, uyển chuyển, hóm hỉnh...

Các chương trình truyền hình phát triển liên tục từ âm nhạc đến gameshow cộng thêm các liveshow ca nhạc nên nhu cầu về MC rất lớn. Nhiều chương trình phải mời các diễn viên, ca sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoa hậu, người mẫu... sang làm MC. Điều đó tạo nên bức tranh sinh động nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, bởi những MC thực sự giỏi thì rất hiếm. Hầu hết các MC hiện nay thường là dựa vào khả năng ăn nói khéo léo cộng thêm chút nhạy bén chứ không được đào tạo trường lớp.

Để có được một MC chuyên nghiệp quả rất khó bởi chúng ta hiện chưa có trường lớp nào đào tạo về nghề này. Nghề MC không phải chỉ cần ngoại hình và giọng nói dễ nghe mà đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực: tiếng nói sân khấu, diễn xuất, nhạc lý cơ bản, lịch sử các loại hình nghệ thuật, hiểu biết về chính trị, văn hóa, xã hội, và đặc biệt là biết tạo hiệu ứng tình cảm cho người xem, đối đáp linh hoạt, uyển chuyển, hóm hỉnh... Sẽ có những tình huống bất ngờ ngoài kịch bản đòi hỏi người làm MC phải bộc lộ bản lĩnh, cá tính. Chính điều này tạo nên phong cách riêng cho từng người.

Nhiều MC đã để lại những dấu ấn đậm nét như nghệ sĩ Thanh Bạch với các chương trình: “Siêu thị may mắn”, “Nốt nhạc vui”, “Chuyện nhỏ”, “Đi tìm ẩn số”... anh đã được VTV chọn là gương mặt truyền hình yêu thích của năm và kiêm luôn danh hiệu “Người dẫn nhiều chương trình giải trí truyền hình nhiều nhất Việt Nam”. Thành công của anh cũng là nhờ những năm tháng học đạo diễn tạp kỹ Đại học sân khấu quốc gia Liên Xô.

Diễm Quỳnh cũng in đậm dấu ấn là một MC chuẩn trong phát âm, tung hứng ngoạn mục và biết làm duyên đúng lúc. Diễm Quỳnh được đào tạo 7 năm chuyên ngành văn hóa Trung Hoa rồi lại đi làm báo, nên nhờ vậy mà cô biết chọn lọc ngôn từ trước khi nói. Xuân Bắc cũng là một trong những MC xuất thân từ diễn viên, nhưng thành công ngày hôm nay của anh cũng là nhờ 10 năm làm “speaker” cho “Vọng quán”...

Tuy nhiên, cũng khá nhiều MC do thiếu kỹ năng nên thường chỉ làm mỗi nhiệm vụ cầm giấy và... đọc. Nói lắp, nói ngọng, quên bài là những lỗi MC hay mắc phải. Trong đêm chung kết “Người dẫn chương trình truyền hình 2006” vừa qua, có thí sinh đã nhiều lần gọi nhầm tên MC Quỳnh Trâm thành Quỳnh Hoa. Hay nhầm lẫn câu nói: “Hãy nhằm quân thù mà bắn” của Nguyễn Viết Xuân thành Nguyễn Văn Trỗi.

Việc quên tên nhân vật mình định giới thiệu là “tai nạn” phổ biến nhất của MC. Trường hợp này được nhiều MC “chữa cháy” kiểu như: “Và sau đây là… là… Là ai nào? Vâng có lẽ các bạn đã biết đó là ai. Xin quý vị cho một tràng pháo tay để chào đón tiếng hát của anh... (nhân vật xuất hiện)”. Nhiều MC lại hay huơ tay múa chân, “nhí nhảnh” thái quá. Có người lại dùng câu cú không đầu không đuôi, chỉ làm sao để không nói vấp, cuối cùng dắt khán giả vào mớ ngôn từ lộn xộn.

Mới đây trong chương trình “Chào Xuân”, do ca sĩ “chạy sô” chưa đến kịp mà một MC đã phải trổ hết các tài lẻ để kéo dài thời gian chờ đời như: hát, kể chuyện, phỏng vấn khách mời, đóng tiểu phẩm hài... kéo dài hơn 45 phút. Những tình huống trên có thể xảy ra ngay cả với những MC làm việc lâu năm nhất.

Rất nhiều bạn trẻ cho rằng nghề MC còn nhanh nổi tiếng hơn cả ca sĩ, mà tuổi thọ của nghề lại dài. Họ bắt đầu từ việc làm MC ở các nhà hàng, phòng trà, quán bar, vũ trường, quán cà phê hoặc ở các siêu thị, trung tâm mua sắm hay đám cưới, hội nghị khách hàng hay thậm chí cả lễ mừng thọ, lễ tân gia... Nhiều bạn đến đăng ký học làm MC tại các nhà văn hóa và để trang bị thêm kỹ năng nói trước công chúng. Không chỉ có bạn trẻ mà còn có cả những doanh nhân có tuổi cũng tham gia những khóa học này.

Tại TP Hồ Chí Minh, các bạn trẻ muốn học làm MC thường phải tìm đến những MC có tiếng để xin học theo kiểu truyền nghề chứ chưa có cơ sở đào tạo nào bài bản. Một vài công ty cũng đã có kế hoạch mở lớp đào tạo MC quy mô lớn nhưng vẫn phải đợi thủ tục. Ngoài Hà Nội thì chỉ có lớp đào tạo MC ở Cung Văn hóa Hữu nghị và Công ty Sao Việt. Nhưng đều chưa có giáo trình, dạy kiểu truyền miệng, ngẫu hứng. Do không có yêu cầu sơ tuyển nên số bạn tham gia lớp đào tạo MC ở Cung Văn hóa Hữu nghị khá đông. Tại đây cũng mời gọi được nhiều thầy cô có tiếng của các đoàn nghệ thuật và trường Sân khấu Điện ảnh, một số người đã từng làm MC. Nhưng bài giảng ở đây còn khô cứng, thiếu sáng tạo, lại không có cơ hội cho học viên đi thực tế, nên hầu như những người tốt nghiệp sau khóa học chỉ là thêm một lần hiểu mình, còn khả năng đứng trên sân khấu ... vẫn “run”, chưa nói gì đến việc dẫn chương trình. Công ty Sao Việt là công ty đa chức năng, nên có thêm phần tổ chức sự kiện, học viên của họ có cơ hội cọ sát thực tế. Tuy nhiên, vì địa điểm còn hạn chế nên số học viên khá khiếm tốn.

Người dẫn chương trình là một nghệ sĩ thật sự, có sự giao thoa với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác: ngâm thơ, hát chèo, khiêu vũ và ca hát, hùng biện. Cần mở khoa đào tạo MC tại các trường nghệ thuật hoặc ít ra là thêm tiết học về hùng biện cho sinh viên, học sinh. Hiện nay học sinh, sinh viên không biết diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc, suôn sẻ nên ra trường các em thiếu tự tin, dễ mất bình tĩnh khi nói trước đám đông. Càng nhiều bạn trẻ có khả năng hùng biện giỏi thì dễ phát hiện ra những MC cá tính, có phong cách riêng cho sân khấu, truyền hình.

MC Vũ Thanh Hường – Chương trình “Ở nhà chủ nhật” (VTV3)

Đời sống đương đại mở ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ, tuy nhiên nó lại không phản ánh chất lượng của các MC hiện nay. Nhiều MC ngoại hình và giọng nói đạt “chuẩn” nhưng còn non về nghề, thiếu bản lĩnh sân khấu. Các MC trên thế giới thường ít người trẻ, bởi họ coi trọng sự hiểu biết và độ chín của nghề nghiệp, còn ở Việt Nam, thường công chúng chuộng những MC trẻ, đẹp và ngoại hình dễ bắt mắt.

Tất nhiên, với mỗi thể loại chương trình khác nhau cần những gương mặt MC khác nhau, nhưng đây quả là một nghề đòi hỏi sự khổ luyện. Khó khăn đầu tiên là sức khỏe. Nếu bạn là MC chuyên nghiệp thì chuyện phải làm việc liên tục trong thời gian dài là khó tránh khỏi.

Cường độ làm việc cũng làm cho sắc đẹp... phai tàn và cần có thời gian để “chỉnh trang” lại. Việc nói nhịu, nói vấp, nói dài dòng và huyên thuyên có thể khó tránh khỏi nếu bạn bị căng thẳng... Với bản thân mình thì việc tai nạn cũng chưa có gì sâu sắc lắm, trừ một vài lần kẹp gót giầy cao gót ở khe sàn sân khấu...

Việc học hỏi về nghề là bản năng, mình luôn quan sát các đồng nghiệp làm việc để tiếp thu và rút kinh nghiệm cho bản thân, luôn xem lại băng hình đã làm để tự rút kinh nghiệm và đặc biệt là học hỏi từ các MC nổi tiếng thế giới qua các kênh truyền hình nước ngoài. Theo mình muốn làm một MC giỏi trước tiên phải là một phóng viên giỏi.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật - Chương trình “Vui - khỏe - có ích” (VTV3)

Tôi thích giao tiếp với công chúng nên cũng tham gia làm truyền hình một cách tài tử. Nhưng làm MC theo đúng nghĩa chắc là phải có tố chất gì đó. MC là chữ viết tắt của từ Master of Ceremony, đã có nghĩa là dẫn dắt, điều khiển chương trình. Và do vậy MC phải là người có cộng hưởng sâu sắc với tác giả kịch bản, có khả năng biến báo một cách sinh động mà vẫn giữ vững tuyến mạch đã dự liệu ban đầu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng kiến thức văn hóa, khả năng nắm bắt tâm lý khán giả, trong đó có tâm lý lứa tuổi của khán giả là rất quan trọng.

Tất nhiên các khả năng khác trong giao tiếp như giọng nói, cử chỉ, phản ứng nhanh nhạy là những cái bắt buộc phải có. Đã có những lần tôi làm việc với Lại Văn Sâm hay Tạ Bích Loan, tôi thấy họ dường như có sẵn các tố chất ấy trong máu. Hồi làm chương trình “Bút tre” ghi hình ở Việt Trì, Sâm và tôi chỉ nhìn nhau đoán ý định mà phản xạ chứ không cần đến sự trao đổi ý tưởng.

Đội ngũ MC của ta hiện nay rất khá. Những người như Diễm Quỳnh, Hồng Cư thì nổi tiếng lâu rồi. Bây giờ có một số anh chị còn rất trẻ, thậm chí đang là sinh viên tham gia dẫn mà rất chuyên nghiệp. Chúc họ ngày một thành công hơn trên các chương trình khác nhau trên màn ảnh nhỏ.

Ông Dương Mạnh Cường - Giám đốc Công ty Sao Việt

Làm MC phải biết mạnh dạn nói ra những gì mình suy nghĩ và đừng bận tâm tính toán xem nói những điều đó ra sẽ vừa lòng ai, mất lòng ai. Có một tư duy riêng, cách nghĩ riêng, người làm MC sẽ có một phong cách riêng biệt và có được vị trí trong lòng khán giả. Tuy nhiên, MC của ta bị đánh giá là thiếu cá tính, nhưng phải xét trên toàn diện, họ toàn tự mày mò học, lại do cơ chế bị đóng khung trong kịch bản, thiếu môi trường làm việc để phát triển, nên khi dẫn chương trình bị cứng, mất phong thái riêng.

Thời gian tới, Công ty Sao Việt chúng tôi cũng sẽ kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ và Trung tâm Nghệ thuật sinh viên mở thêm 2 cơ sở đào tạo MC, trang bị thêm cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất để các học viên thực hành.

Các bạn trẻ hiện nay thiếu sự cọ xát với sân khấu nên khi xuất hiện trước khán giả dễ lúng túng, mất bình tĩnh. Nếu muốn đạt kết quả cao, các bạn nên tập làm quen với sân khấu từ những chương trình nhỏ, hay tập làm MC từ lúc còn đi học. MC giỏi là người thà nói ít chứ không nói sai. Cần bình tĩnh, tự tin khi đứng trên sân khấu. Có như thế, người MC mới kiểm soát được lời nói, tránh trường hợp nói mà không biết mình đang nói gì, dễ dẫn đến việc phát ngôn sáo rỗng

Lan Hương
.
.