Hoang tưởng hay háo danh?

Thứ Năm, 03/01/2008, 13:30
Ngày nọ tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì cây bút lý luận - phê bình X ghé qua chơi. Trò chuyện được dăm câu, ông với tay mở chiếc cặp to đùng để rút ra một xấp giấy, miệng thì thào: "Tôi có bài rất "chiến" mới đăng ở tạp chí Y, đưa ông một bản đọc để biết". Té ra xấp giấy kia gồm mấy chục bản photocopy bài báo, chắc là ông đang đi phân phối cho anh em. Thấy vậy, tôi nói luôn: "Em đọc rồi bác ạ, cũng chẳng ghê gớm lắm đâu".

Nghe tôi nói, ông có chiều chưng hửng, uống xong chén nước là cáo từ. Kể thì cũng tội, có bài in ở cái tạp chí mỗi số mấy trăm bản, đang sống lay lắt ở hải ngoại, mà hồ hởi như có bài đăng ở tạp chí tầm cỡ quốc tế, không biết là ông hoang tưởng hay háo danh?

Mà sơ sơ trong văn giới nước Nam bây giờ, người như ông X cũng đếm được tới quãng chục vị. Nên thi thoảng lại thấy có người kể ông A, bà B rỉ tai có bài đăng ở tạp chí C hay trả lời phỏng vấn của website D... ở nước ngoài, cứ như là đang lo người đời không biết đến!

Mà cũng lạ, ý kiến và bài vở của các vị này thường được tác giả tự quảng bá là rất "có vấn đề", rất sâu sắc, phải bản lĩnh lắm mới nói được như thế... Nhưng khi đọc thì tôi thấy phần lớn là buồn cười vì cái sự non kém về tri thức, hời hợt về suy tư, và tôi còn nhận thấy dường như tỉ lệ tác giả thành thạo "phong cách kền kền" hơi bị cao, hễ thấy có sự vụ gì mới xảy ra ở trong nước là lập tức xăng xái đưa tin hoặc bình luận như để tấm lòng đau đáu có thêm... chiều sâu!

Còn lạ hơn là khi có người ngoại quốc viết bài tấn công một số học giả trong nước, xuyên tạc lịch sử dân tộc thì không biết có hẹn nhau hay không mà họ cùng im thin thít, nhất là với mấy vị vẫn khoe mình là học trò của thầy này thầy khác?

Vâng, nếu cái sự phê phán kia có liên quan tới quan điểm chính trị thì bảo là khó trả lời hay e bị liên lụy, đằng này người ta mang các tên tuổi lớn của nền khoa học nước nhà ra để giễu cợt, mang truyền thống của cha ông ra để xuyên tạc... vậy mà mấy vị "hảo hán" lại im lặng.

Phải chăng đấy là điều không làm cho họ bức xúc, hay đó không phải là "cơ hội" để họ thi thố tài năng?

Ấy là chưa kể có vị mỗi khi có mặt trên các diễn đàn hải ngoại là tìm thấy khoái cảm trong việc "sám hối", "tố khổ" hay "đánh bóng quá khứ", cố moi trong quá khứ xem có việc làm nào chứng tỏ mình là người nhìn xa trong rộng, "đổi mới từ trước đổi mới"... nên mới phải chịu oan trái.

Họ khoe khoang mấy tác phẩm mà chỉ tác giả là thấy hay ho, dù ký ức công chúng cùng thời cũng chẳng biết tác phẩm đó là gì. Họ nhấm nháp sự sáng suốt của bản thân rồi khoác cho nỗi "oan trái" vài ba sự tích kỳ khôi.

Tỉ như có ông kể sau khi ông công bố mấy bài thơ: "Người ta nói với tôi một cách rất "công bằng" là: Có hai phương án, một là ông ra khỏi quân đội, hai là xuống đơn vị làm phó trung đoàn trưởng, còn nếu ông muốn ở lại quân đội làm văn nghệ thì chúng tôi không thể bảo vệ được ông".

Ô hô, tin theo lời ông thì quân đội ta có tiêu chuẩn sử dụng cán bộ quá rộng rãi, vì ông nhà thơ vừa có thể phải "ra khỏi quân đội" lại vừa có thể "làm phó trung đoàn trưởng". Nói thế mà không biết ngượng mồm, kể cũng đáng phục! Một ông nhà thơ khác mới "kinh".

Ông này khoe mãi không biết chán về một bài thơ mà theo ông là từng làm cho ông khốn khổ, gần đây cũng liên quan tới bài thơ đó, ông trình ra một tình huống có tính chất sinh - tử, ông kể: "Tôi lắp đạn vào cả hai khẩu súng, trải khăn trắng lên gối, nằm dài trên chiếc giường cá nhân.

Tôi nằm ngửa, kê hai khẩu súng vào hai bên thái dương. Tôi nghĩ mình làm thơ là để nói lên những cảm nghĩ trung thực của mình. Thế mà họ lại đàn áp một nhà thơ trung thực, mà lại là nhà thơ bộ đội, thì thà chết mẹ nó đi còn hay hơn"...

Tiếc thay ông đã không bóp cò. Nếu ông bóp cò, hẳn là thi ca nước nhà đã có một "vị thánh tử vì thơ". Song cũng tiếc thay, bởi ông là "nhân chứng duy nhất" cho cái quyết định "hai tay hai súng" bi tráng và thanh khiết kia, nên tôi thấy có cái gì đó rất... đáng ngờ (?!)

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có quyền được lựa chọn một quan điểm sống, một cách sống cho riêng mình. Tuy nhiên quyền đó chỉ trở nên chính đáng khi được sử dụng để làm cho mỗi người trở nên đáng trọng hơn, trong sáng hơn, không nên vì nó mà trở nên thiếu xứng đáng với cái danh "trí thức" mà người ta cố khoác lên mình.

Cứ nghĩ đến mấy trò lố mà có người đang diễn, tôi lại thấy buồn và tự hỏi: Không biết người ta diễn vì hoang tưởng, vì cơ hội hay vì háo danh?

Nguyễn Hòa
.
.