Họa sĩ và gallery: Nước lên thì thuyền lên

Thứ Sáu, 31/08/2007, 16:00
Họa sĩ xưa nay vẫn ví mối quan hệ của họ với các chủ gallery gắn bó với nhau như nước với thuyền, nếu "nước lên thì thuyền lên" và ngược lại.

Các họa sĩ cũng như các chủ gallery ở nước ta đang có xu hướng mở rộng mối quan hệ với các chủ gallery, nhà sưu tập tranh, công ty bán đấu giá ở nước ngoài như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp…

Họ đã lập những website dành riêng cho gallery, công ty của họ để bán tranh trên thị trường quốc tế. Giữa người bán và người mua đều thông qua dịch vụ ngân hàng nhà nước để đảm bảo việc mua bán uy tín và thanh toán tiền hàng, người bán sẽ chuyển tranh qua bằng đường bưu điện...

Mỗi phòng tranh đều có những cách tiếp thị riêng nhưng nhìn chung họ đều đặt uy tín với sự nhiệt tình lên hàng đầu mới giữ được thương hiệu của mình, như: đúng hẹn, không ép người mua với giá cao hơn bên ngoài thị trường, hợp đồng ký gửi tranh với các họa sĩ đúng nguyên tắc hai bên đã thỏa thuận, đối với tranh sao chép cũng theo quy định quốc tế là không nhái chữ ký tác giả, chép phải khác kích thước và chép lại những tác phẩm của các danh hoạ đã mất trên 100 năm...

Chủ những gallery cao cấp về tranh nghệ thuật này họ nuôi luôn họa sĩ của họ và trả lương (tất nhiên không phải là những họa sĩ  lừng danh trên thế giới), mua hết toàn bộ những sáng tác của họa sĩ được độc quyền.

Chính họ sẽ tổ chức triển lãm tranh cho người họa sĩ này, tự đi tìm nhà tài trợ, khách mua tranh, kết hợp với những công ty bán đấu giá để thẩm định giá tranh, tên tuổi của họa sĩ  này và so sánh mức độ dao động giá tranh của các họa sĩ  khác trên thị trường quốc tế.

Họ còn tổ chức những cuộc hội thảo và quảng bá tên tuổi họa sĩ cùng với thương hiệu gallery của họ để mong đạt được kết quả cao trong kinh  doanh.

Điều này tạo ra một sự an tâm. Các họa sĩ không phải bận tâm về chuyện kiếm sống hàng ngày. Họ chỉ cần tập trung tư duy, khơi nguồn cảm hứng để vẽ càng nhiều càng tốt, vì đã có người mua hết cho mình.

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế nếu người chủ phòng tranh bắt họ phải vẽ bao nhiêu bức trong 1 tháng, hay sáng tác theo một khuôn khổ về thể loại, đề tài mà thị trường đang ưa chuộng. Hoạ sĩ không được tặng tranh hoặc tham gia triển lãm tự do cho các gallery khác, không được bán tranh cho thị trường ở nước khác nếu không có sự đồng ý của người chủ này.

Theo họa sĩ  Nguyễn Thành: "Nếu có những gallery độc quyền hoạ sĩ theo những cách như vậy thì người họa sĩ không khác gì "nô lệ" vì họ không được tự do vẽ theo suy nghĩ riêng của mình, có quyền vẽ ít hay nhiều... Theo tôi thì họa sĩ cần người tài trợ mình triển lãm nhiều hơn là độc quyền trong những ràng buộc mất tự do, cảm hứng sáng tác".

Họa sĩ Uyên Huy - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - nhìn nhận: "Hiện thời, ở Việt Nam khó có thể duy trì những dạng gallery chuyên nghiệp như ở nước ngoài. Vì ngoài việc chưa đủ vốn đầu tư mạnh thì hệ thống gallery chưa chuyên nghiệp do thiếu trường lớp đào tạo về loại hình kinh doanh này và chưa có người thẩm định giá tranh nghệ thuật...".

Gần đây, có dư luận cho rằng các chủ gallery và họa sĩ đã cùng nhau đẩy giá tranh lên cao, tạo ra "giá ảo" so với chất lượng bức tranh của họ bán. Thực hư như thế nào?

Họa sĩ Uyên Huy cho biết: "Hiện tượng bán tranh "giá ảo" có 2 dạng: một số họa sĩ không bán được tranh mà đi khoe với đồng nghiệp là bán được để họ chú ý đến mình, làm cho bản thân tăng giá trị lên; còn dạng khác là có những họa sĩ cũng bán được tranh vài trăm đô/ bức nhưng nói với mọi người lên đến vài ngàn đô/bức hoặc bán được mấy bức thì nói bán cả mấy chục bức..."

Đa số họa sĩ không sống được bằng nghề sáng tác tranh, họ sống bằng thu nhập từ nhiều nguồn, nghề khác nhau. Ngay cả danh họa Van Gogh lúc sinh thời tranh không bán được...

Chỉ sau khi ông mất những bức tranh của ông mới được giới sưu tập tranh chú ý, thẩm định. Ngày nay, tranh của họa sĩ  thiên tài Van Gogh bán được hàng chục triệu đô la. Thế mới thấy nghệ thuật thật vô chừng và việc bán tranh cũng tùy vào giai đoạn

Đỗ Thiên Hương
.
.