Họa sĩ của những đam mê kỳ lạ

Thứ Năm, 11/08/2011, 08:10
Tôi gặp "hắn" trong một cửa hàng bán trà. Nom "hắn" ngầu cùng với hàng ria tỉa tót rất nét. Tôi chợt nhận ra và xướng cái tên rất độc, gắn với "hắn" từ dăm năm nay. Đó là biệt danh Dân "dây điện", mặc cho tên "hắn" đầy đủ là Nguyễn Ngọc Dân...

Có người gọi tắt là Dân "điên nặng", tức Dân điện, bởi lẽ "hắn" dành đến cả 5 năm trời để chỉ vẽ toàn dây điện, cột điện, loa phường và đèn giao thông. Tôi có xem triển lãm tranh và sắp đặt, với tiêu đề "Vắt qua phố" của "hắn" từ cái đận 2007. Toàn là dây điện thật. Tôi bắt tay hỏi "hắn" dạo này còn mê dây điện không, thì "hắn" mở ngay một tập bản thảo toàn tranh mới với tiêu đề "Vắt qua phố 2", sẽ in trong thời gian tới và khoe: Đến ngày 9 tháng 9 này, "hắn" sẽ tham gia một triển lãm với 5 tác phẩm, cũng lại về... dây điện.

Nặng lòng với biển…

Thật ra trước đó, Nguyễn Ngọc Dân rất mê biển và vẽ nhiều tranh về biển. Nghe nói từ khi tốt nghiệp khoa sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996 cho đến năm 2002, anh chuyên vẽ biển, và dành một thời gian dài sống ở Hạ Long để vật lộn với đời sống biển cả, chiêm nghiệm và vẽ. Triển lãm "Chân dung - Biển" (năm 2003) của Nguyễn Ngọc Dân đã nói lên điều đó. Là người con được sinh ra từ đất cảng Hải Phòng nên Dân khá nặng lòng với biển.

Khi đó, ở tuổi 30, việc mở triển lãm chuyên đề như vậy đã thể hiện ở Nguyễn Ngọc Dân một sự... dũng cảm. Người xem có thể điểm ra một số tác phẩm tạo nên sự bất ngờ như: "Trăng biển", "Mưa biển", "Biển đỏ", "Biển vàng", "Cuồng phong"… Với cách thể hiện lạ trong nét vẽ, màu sắc và tạo hình, tranh của Nguyễn Ngọc Dân đã đưa người xem đến với hình ảnh người phụ nữ chờ chồng về từ trùng khơi; hình ảnh những cô bé đi bắt sò cô đơn trước biển; hình ảnh biển náo nức với đội thuyền vượt sóng mà tác giả đã vẽ với tâm trạng đầy khắc khoải. Bạn bè thân thiết với Nguyễn Ngọc Dân từng chứng kiến cảnh anh đã đốt đi hàng chục bức tranh khi cảm thấy không hài lòng. 

Vậy là sau khi vẽ hàng ngàn bức tranh về biển, Nguyễn Ngọc Dân mới chọn ra vài chục tác phẩm để "trình làng". Ấy thế rồi bức "Sóng bạc đầu" được bán đấu giá ở Hội đồng Anh, tại Bảo tàng Lịch sử để làm từ thiện (năm 2007). Cùng trong năm, Nguyễn Ngọc Dân cho in sách, rồi vác tranh sang Hà Lan mở triển lãm.   

Đến nay, tranh về biển của Nguyễn Ngọc Dân vẫn được các nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm. Hỏi bán tranh thế nào, Dân cười: "Ai biết thì đến mà mua, chứ chẳng bao giờ tôi gửi các cửa hàng ngoài phố". Hỏi tại sao, Dân nói: "Sợ chụp giật, sao chép lắm". Vậy là anh cứ ngày đêm vẽ và mơ màng cùng biển…

"Loa phố" - Tranh của Nguyễn Ngọc Dân.

Say mê vẽ tranh chân dung

Tranh chân dung cũng là một mảng mà Nguyễn Ngọc Dân say mê từ khi còn trẻ. Đó là chân dung những người thân trong gia đình; chân dung bạn bè đồng nghiệp và cả những người tình cờ gặp gỡ. Có lần, khi còn là sinh viên, Dân đã bất ngờ gặp một ông lão có khuôn mặt và bộ râu đẹp đi ngang qua phố Yết Kiêu, gần trường học. Gương mặt và bộ râu của ông lão đã làm Dân ngẩn ngơ và anh ước được vẽ chân dung người này. Nhưng thời gian trôi qua, anh cất công tìm khắp đây đó mà không thấy.     

Rồi anh lấy vợ, sinh con, ở hẳn Hà Nội. Và, đúng như các cụ nói, có duyên thì sẽ gặp lại: Một lần, đi ngang qua Lăng Bác, Dân đã gặp ông cụ đẹp lão đó đang đạp xe trên đường. Gương mặt không thể quên được, vậy là anh  quay xe lại làm quen, rồi đi theo ông cụ về tận nhà để… xin vẽ. Đó là cụ Cầm, nhà ở ngoại ô Hà Nội. Xem tranh Dân vẽ ông cụ, quả là như thần vậy. Nhìn thật đến nỗi - như các họa sĩ vẫn nói là "Cực thực". Dân xử lý những khoảng trắng của giấy vẽ tạo nên những mảng không màu khá huyền ảo cho bộ râu dài và gương mặt. Riêng đôi mắt của cụ Cầm toát lên vẻ tự tin, lạc quan và đầy trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là sự ung dung tự tại, thể hiện một tính cách đã từng vượt qua bao nỗi đời dâu bể.

Nếu với chân dung cụ Cầm, Nguyễn Ngọc Dân vừa vẽ vừa run rẩy vì niềm vui sáng tạo bao nhiêu thì khi vẽ chân dung bố, mẹ vợ tương lai, anh lại càng căng thẳng bấy nhiêu. Anh vẽ chân dung hai người bằng chất liệu sơn dầu, to như người thật nên khá công phu và hồi hộp vô kể. Anh kể lại chuyện này mà vẫn hổn hển như tác phẩm mới hoàn thành hôm qua vậy. Vợ Dân cũng là một họa sĩ, hồi đó còn làm ở Báo Hoa Học Trò.

Cùng năm ấy, Nguyễn Ngọc Dân thực hiện bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chất liệu sơn dầu rất đẹp. Bức họa có kèm chữ ký của Đại tướng vào dịp xuân Ất Dậu để làm kỷ niệm. Với bức chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Dân lại dùng chất liệu bột màu. Bức tranh thể hiện nổi bật gương mặt hiền lành với đôi mắt ẩn chứa nét hóm hỉnh thật đáng yêu của nhà thơ.

Ngoài mảng tranh sơn dầu, Nguyễn Ngoc Dân còn có nhiều tranh thực hiện bằng mực nho. Nhiều bức giàu tâm cảm như: "Ông già hút thuốc lào", "Bố tôi", "Cụ Phan Văn Chức", "Họa sĩ Phan Cẩm Thượng", "Ký họa tre"… Riêng với các bức vẽ bằng than, anh dành nhiều cho việc thể hiện chân dung những người lao động vùng mỏ…

Nguyễn Ngọc Dân là mẫu họa sĩ vẽ nhiều và có thể sống được với nghề của mình. Tuy vậy, có những bức tranh anh bán đi rồi, nhưng vì những kỷ niệm khó quên,  anh lại phải đi chuộc lại để treo ở nhà.

…và vẽ dây điện

Ấy là chuyện từ hồi 2004. Duyên cớ do những chuyến đi đón vợ mà thành. Trong lúc chờ đợi, Nguyễn Ngọc Dân nhìn vẩn vơ lên cao và bất ngờ phát hiện ra đường dây điện tạo nên đường nét khá… ấn tượng, mặc dù với cách nhìn thông thường thì đó chỉ là những mớ dây rối rắm, cũ nát, cứng queo, đen sì. Lại còn cái loa phóng thanh của phường nữa chứ. Lồ lộ, xấu xí, oang oang tiếng nói. Nhưng điều bất ngờ là trong con mắt của nhà họa sĩ trẻ, anh tưởng tượng ra cái loa chính là đầu rồng, còn các bó dây kéo dài uốn lượn như mình rồng đang múa. Vậy là từ đó, anh quyết định vẽ dây điện như một sự phát hiện đề tài độc đáo của mình.

Anh sướng với ý tưởng này đến nỗi, suốt ngày mơ về dây điện, với các hình tượng khác nhau. Đến đi chơi anh cũng chỉ nhìn dây điện. Rồi anh vẽ. Nhiều đêm anh lang thang trong mưa để xem dây điện "ngậm" nước như thế nào; hay có đêm đông anh đi coi có núm điện nào bị vỡ không. Anh tự hào rằng, mình thuộc từng cột đèn của mỗi con phố Hà Nội, hay thuộc cụm dây ở phường nào to nhất và nhiều mình "rồng" đẹp nhất. Thế đó, anh miệt mài tạo nên những ý tưởng mới với cảm xúc về phố Hà Nội qua những chùm dây điện và loa truyền thanh.

Bởi lẽ sau những chùm dây điện là nụ cười cùng ô cửa sổ của ngôi nhà cổ. Sau bao sợi dây nhằng nhịt là cây bàng đang trút lá; là mái ngói rêu phong đang rơi từng giọt mưa lạnh lẽo; và đó còn là những bóng dáng người liêu xiêu trong tiếng đàn thánh thót và giai điệu của câu ca trù ngân lên lảnh lót, làm say đắm bao lữ khách. Dường như Nguyễn Ngọc Dân vẽ dây điện để mô tả về con người sống ở phố. Một đời sống của Hà Nội ở… trên cao.

Một diện mạo phố được hiện lên âm thầm, ghi dấu ấn về công nghệ thông tin một thời. Với bức tranh "Loa trên phố" (được Bảo tàng Mỹ thuật mua), “Cao tốc” (giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010), "Còn đó một khoảng trời xanh", "Một góc ngã tư", "Nốt son trên khuông nhạc", "Đường điện nào đến nhà tôi", "Đèn giao thông đỏ", "Nguồn sáng thông tin"… hẳn anh muốn gửi gắm nhiều tâm sự của thời cuộc.

Có thể nói, Nguyễn Ngọc Dân là người đầu tiên chuyên vẽ… dây điện ở nước ta. Tính đến nay, dễ đã 7 năm anh gắn bó với công việc "chăng" dây điện vắt qua phố như thế. Chính cái sự hồ hởi đến "điên nặng" ấy mà anh tạo nên một phong cách tạo hình riêng trong lớp họa sĩ trẻ ở Thủ đô. 

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã đúng khi nhận xét họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Dân là "một tay bút táo bạo hiện nay", người "không có ý định khoan nhượng" trong nghiệp vẽ của mình

Vương Tâm
.
.