Họa sĩ của những bức tranh... vuông

Thứ Năm, 29/03/2012, 08:00
Tôi quen họa sĩ Mai Hương dễ đã hơn hai mươi năm. Là cộng tác viên của Nhà xuất bản Thanh Niên, nơi Mai Hương đang công tác, chúng tôi thường gặp nhau để bàn về một bìa sách mới chị vừa thiết kế. Mới đây, gặp nhau ở cầu thang máy, thấy chị có vẻ vội, tôi hỏi, mới hay chị đang chuẩn bị tranh để dự triển lãm vào ngày 8/3. Tôi buột miệng: "Lại vuông chứ?". Chị bật cười, gật đầu: "Anh nhớ nhỉ! Vẫn tranh khổ vuông".

Tôi rất ấn tượng với triển lãm riêng của Mai Hương mở cách đây hai năm. Tranh của chị chủ yếu… hình vuông và đều có kích cỡ lớn (100cmx100cm). Bức "Giấc phiêu" của chị làm tôi nhớ tới những bài thơ theo phong cách trừu tượng độc đáo của các nhà thơ trẻ hiện nay. Đồng cảm với cô học trò của mình, nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn đã nhận xét: "Khi chị vẽ là tự khai phá, thức dậy, tìm về ánh sáng bên trong hiện hữu lòng mình để cân bằng, giải thoát, rồi phiêu du khỏi cuộc tồn sinh thế tục…".

Biết tôi muốn xem một số bức tranh mới, "không biết nó có còn chất phiêu của hai năm trước không", họa sĩ Mai Hương tỏ ra rất vui. Chị rút từ trong ngăn kéo ra một bức ảnh chụp tác phẩm có tên là "Nhịp sống". Tôi giật mình bởi sự chuyển động như sóng của những tấm vải màu chàm sắc xanh trên thảm hoa rừng. Chị nói đó là hình ảnh phơi vải của người dân tộc chị ghi được trong chuyến đi thực tế vẽ ở Lai Châu cùng với đồng nghiệp. Đây đó là những họa tiết thổ cẩm phảng phất hiện lên tạo cảm giác cho người xem đó là những vạt áo thiếu nữ. Họ đang bước lên nương hay đi vào lễ hội vậy? Tôi hình dung trước mắt mình không còn là những tấm vải phơi nữa mà là những cánh buồm đang bay trong không trung. Để hoàn thành tác phẩm, Mai Hương đã mất hàng tháng trời lao động, để "Nhịp sống" được ưng ý nhất…

Có thể nói, chất "phiêu" của Mai Hương trong "Nhịp sống" đã thực sự ám ảnh tôi. Không chỉ có vậy. Một lần, bất ngờ Đài truyền hình phát bài hát "Tigôn" do NSƯT Đức Long biểu diễn. Giọng trầm ấm, Đức Long đã cất lên bản tình ca mong manh nhưng ẩn chứa ngọn lửa khao khát tình yêu. Tôi  nghe nói trước đây mấy năm, sau khi xem bức "Tigôn" của Mai Hương, một chàng thi sĩ đã viết tặng chị một bài thơ. Sau đó nhạc sĩ Duy Quang đã phổ thành ca khúc cùng tên "Tigôn" và ca khúc đó thường được phát vào những ngày Valentine, ngày lễ Tình yêu.

Ngay trong cuộc trưng bày tranh hồi tháng 10/2010, họa sĩ Mai Hương cũng đã được nhạc sĩ Xuân Cửu đến tận nơi để tặng một ca khúc sau khi ông xem triển lãm của chị. Ông còn thể hiện bài hát ngay tại chỗ với tình cảm nồng ấm, lời ca lãng mạn. Đến nay, họa sĩ Mai Hương đã được không ít bạn bè viết tặng nhiều bài thơ và bài hát sau khi họ xem tranh của chị.

Họa sĩ Mai Hương bên tác phẩm "Giấc mơ" được trưng bày tại triển làm tranh Nữ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 (2012).

Cụ thân sinh của họa sĩ Mai Hương là họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân, người từng được Đài Truyền hình Việt Nam dựng một bộ phim trong chương trình "Tác giả - tác phẩm". Trong đại gia đình của họa sĩ Mai Hương, có tới ba thế hệ theo ngành hội họa. Ba người con và ba người cháu nội của họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân đều là họa sĩ. Đáng chú ý là tất cả đều theo học ngành đồ họa. Riêng họa sĩ Mai Hương còn ham mê sáng tác cả hai lĩnh vực, tranh và đồ họa. Trước khi mở triển lãm tranh đầu tiên, chị đã đoạt tới 10 giải thưởng, trong đó có giải nhất cuộc thi vẽ biểu tượng APAN - ASIAN (năm 1993); giải nhì triển lãm mỹ thuật Nữ tác giả (năm 1989) và hai giải nhì cuộc thi vẽ Quốc tế ở Ba Lan và CHLB Đức…Riêng trong lĩnh vực trình bày bìa sách - công việc chính của chị ở Nhà xuất bản Thanh Niên - chị cũng đã có những đóng góp đáng kể.

Với chị, mỗi bìa sách phải hướng tới tiêu chí của một ấn phẩm nghệ thuật. Do vậy, chị đã vẽ tới hàng trăm bìa sách với sự đầu tư bố cục như một tác phẩm đồ họa thực sự. Chị có những bản vẽ bìa khá ấn tượng với bạn đọc như bìa các cuốn: "Nêrô nhà thơ bạo chúa", "Những ngôi sao thành Êghe", "Nguyễn Khắc Phục - Kịch tuyển chọn"… Kết quả không phụ lòng người, họa sĩ Mai Hương đã đoạt giải bìa sách đẹp do Cục Xuất bản trao tặng năm 2002, đoạt Huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004…

Họa sĩ Mai Hương tiết lộ, chị đang có dự án bày tranh tại một ngôi chùa bên kia sông Đuống. Chị bảo, hiện chị đã vẽ được gần một nửa số tranh định bày cùng với một họa sĩ khác tại chùa Phúc Lâm. Chị lấy giấy phác họa cho tôi hình dung ra không gian sông nước, vườn cây cùng ngôi chùa cổ. Đây là ngôi chùa có dấu tích của dòng họ Lý, mà cha chị là hậu duệ đời thứ 30 của vua Lý Thái Tổ và hậu duệ đời thứ 13 của Hoàng Giáp Trung Thần Lan quận công Nguyễn Thực. Người bạn cùng bày tranh với chị đã từng có thời đi… tu, sau đó trở về với cuộc sống để vẽ những điều mình chiêm nghiệm.

Họa sĩ Mai Hương kể, nét vẽ đầu tiên chị thực hiện là do cha mình cầm tay chỉ bảo. Cô bé Mai Hương biết vẽ từ khi chưa học chữ. Đó là những bông hoa, con bướm với những đôi cánh nhiều sắc màu bay chập chờn trong những giấc mơ trở về bến quê, con sông, đồng lúa. Rồi chị lại nhớ khi khai mạc cuộc triển lãm đầu tiên, một người thầy dậy vẽ đã mang đến cho chị một món quà. Đó là bức tranh chị vẽ từ hồi lên 7, khi cùng lớp đến chùa Thầy. Cả lớp cùng vẽ và sau đó nộp lại cho thầy Thúy. Sau gần 40 năm, thầy vẫn còn giữ được những bức tranh ấy để rồi… tặng lại cho cô học trò đã trưởng thành của mình. Đó quả là món quà vô giá đối với Mai Hương. Một kỷ niệm thật khó quên. Chị đã treo bức tranh như một kỷ niệm đáng trân trọng. Chị còn cho con gái mình theo học thầy Thúy tại Nhà Văn hóa Ba Đình, như chị từng học ngày nào ở Cung Văn hóa Thiếu nhi.

Cũng trong buổi trò chuyện với tôi, họa sĩ Mai Hương cho hay: Để chuẩn bị cho dự án mới của mình, chị đã xác định vị trí những cây cau nào trước sân chùa chị sẽ treo tranh. Rồi bức "Giấc mơ 2" sẽ được treo bên cây hoa đại cổ ra sao… Chị muốn người xem trở về với tâm thế tĩnh lặng và bình yên nhất trong cõi vô thường để tìm lại mình như một bản ngã hồn nhiên, chân thiện.

Nghe Mai Hương tâm sự, tôi sực nhớ tới "Tìm" và một số bức tranh khác của chị. Nó thể hiện sự ước ao "Bứt thoát" để tìm về "Miền đến", qua sự mạnh mẽ của từng nhát dao, vết bay đậm màu, gắt sắc của nữ họa sĩ. Họa sĩ Phạm Công Thành quả là có lý khi đã nêu bật đặc điểm tranh của Mai Hương với ba từ "Trẻ - Đẹp - Mới".

Ngoài các bức đã được tận mắt thưởng lãm, tôi còn được họa sĩ Mai Hương gửi mail cho mấy bức tranh mới mà chị dự định sẽ bày ở vườn chùa. Vẫn cữ vuông (100cmx100cm) với sự khắt khe về hình, đường nét. Tôi ngồi lặng ngắm bức "Dệt" cùng bức "Tơ 2" và thấy họa sĩ Lê Quốc Bảo đã có lý khi nhận xét rằng, ánh sáng là "nhân vật chính" trong tranh của Mai Hương…

Vương Tâm
.
.