Họa sĩ Trương Hán Minh: Vó ngựa trời Nam nét mực tàu

Chủ Nhật, 02/02/2014, 08:00
Khi tôi ghé thăm Nghệ Uyển trên đường Minh Phụng, quận 11, họa sĩ Trương Hán Minh đang tiếp vị khách người Hoa đến xin chữ. Bức tranh vẽ ngựa đang dở dang trên bàn. Dịp Tết đến xuân về, họa sĩ Trương Hán Minh bận rộn hơn với đơn đặt tranh, xin chữ dày đặc của khách hàng. Thế nhưng ông vẫn dành chút góc riêng cho mình để phóng ngọn bút, chấm phá những dáng ngựa chợt vụt qua trong tiềm thức, trong những đêm mất ngủ.

1. Người Hoa thường treo tranh ngựa trong nhà dịp Tết, bởi năm mới họ thường lấy câu "Mã đáo thành công" để chúc nhau. Do vậy năm nào họa sĩ Trương Hán Minh cũng tất bật với những tranh về ngựa. Nhưng ông bảo vẫn thích vẽ theo cái hứng sáng tạo của mình. Xuân Canh Ngọ 1990, chùm tranh thủy mặc về ngựa của Trương Hán Minh đã gây tiếng vang lớn. Bởi trước đó, tranh thủy mặc về ngựa rất hiếm. Bằng nét mực tàu phóng khoáng, tung tẩy, chùm tranh nhanh chóng bán hết. Các cuốn sách in lại chùm tranh gồm 2.000 cuốn và sau đó in thêm cũng bán hết nhanh chóng mà đến giờ chính tác giả cũng không sở hữu được cuốn nào.

Trương Hán Minh bảo vẽ ngựa thấy dễ nhưng rất khó để thể hiện cái thần, sự phóng khoáng, dũng mãnh và hoang dã của nó. "Ngựa trong tranh thủy mặc so với những loại tranh khác mang nét khoáng đạt, tung tẩy hơn. Vẽ tranh thủy mặc phải kiên trì rèn luyện, đặc biệt người vẽ phải dày công tập luyện cho đến khi bút pháp bắt kịp với cảm hứng sáng tác thì mới thành công.

Tranh thủy mặc gồm năm yếu tố chính: Bút, mực, hình, thần và màu. Mực của tranh thủy mặc là mực nho mài, mực dính đến đâu là "chết" đến đó, không sửa chữa được. Hình là cái cốt để gửi ý, trước khi hạ bút phải biết mình vẽ cái gì, gửi gắm điều gì, vì thế phải học thuộc, phải luyện bút pháp. Thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Màu là chỉ trong một nét mực đen nhưng nếu là cao thủ thì phải thể hiện được bảy màu. Giấy vẽ tranh thủy mặc là loại giấy xuyến chỉ rất mỏng, rất dễ rách, dễ lem dễ thấm, khi vẽ mặt trước thì cũng thấm ra mặt sau nên chỉ được vẽ một nét không sửa chữa. Quan trọng nhất của tranh thủy mặc là thần khí, vẽ cái gì xuất thần thì mới hấp dẫn được người xem.

Với tranh thủy mặc, chỉ cần vài nét bút là phải tạo ra cái thần của nó. Bờm phải vẽ sao, chân tung lên như thế nào. Do vậy vẽ ngựa  tuy đơn giản tốn rất nhiều "nội công" so với tranh phong cảnh" - Họa sĩ Trương Hán Minh cho biết.

Họa sĩ Trương Hán Minh bên bức tranh "Chí tại thiên lý".

Để thể hiện sự tự do, vẻ khoáng đạt hoang dã của từng con ngựa, họa sĩ Trương Hán Minh phải dùng tới phương pháp phóng đại. Vẽ một đàn ngựa đang phi nước đại trên cánh đồng hoang, để tăng thêm hiệu ứng về tốc độ, sự dũng mãnh, ông vẽ cái đuôi của con ngựa thành một vệt dài. Những bức độc mã cất tung vó, bút pháp ông thể hiện giống như thư pháp. Đây là bút pháp gọn gàng không có tái bút và sửa chữa, hạ bút xuống là vẽ xong nên chỉ dành cho bậc cao thủ thể hiện. Riêng Trương Hán Minh - để hoàn thành một bức tranh ngựa đơn ưng ý, ông thường mất khoảng hai, ba ngày, thậm chí cả một tuần.

Thưởng thức tranh ngựa của Trương Hán Minh mới thấy nét vẽ của ông rất sinh động. Ngựa ông vẽ có cả đàn, có đôi, nhưng đa số là ngựa đơn. Cả đàn thể hiện sự đoàn kết, hoạn nạn có nhau; đôi ngựa tượng trưng cho tình bạn hay uyên ương, còn ngựa đơn lại thể hiện khí phách riêng của mỗi con ngựa. Để có những bức tranh thể hiện tinh thần như thế ông đã tiếp xúc với chúng, cưỡi thử để hiểu tính nết loài thú này. Ông đi khắp mọi miền đất nước để hiểu về loài ngựa từng vùng miền. Tranh ngựa thường dễ lặp về cách vẽ. Do đó, ông thường xem xét ngựa từ nhiều góc độ.

Bức "Chí tại thiên lý" vẽ đôi ngựa của miền núi Tây Bắc đang thong thả dừng chân bên đồi. Xa xa là núi non trùng điệp, mây trắng vờn quanh. Nhiều người hỏi tại sao họa sĩ không thể hiện đàn ngựa đang chạy mà lại vẽ cảnh chúng uống nước yên ả như thế. Ông nói đơn giản, vẽ khi ngựa uống nước mà cũng thể hiện được sự tự do tự tại, dũng mãnh của nó thì đã là một thành công rồi. Đó là những vó ngựa trời Nam, tuy nhỏ bé, dân dã nhưng mang đậm chí khí, không chịu khuất phục bất cứ uy quyền nào.

Một số bức tranh thủy mặc về ngựa của họa sĩ Trương Hán Minh.

2. Không chỉ có những bức tranh về ngựa, về những con giáp vào dịp Tết đến xuân về, họa sĩ Trương Hán Minh còn có nhiều bức tranh về các con vật khác như cá, chim, tôm, sư tử, nai… Tuy nhiên, sở trường của Trương Hán Minh vẫn là những bức tranh về phong cảnh, hoa - điểu… Một trong những bức tranh hoa - điểu hữu tình và đẹp nhất của ông mang tên "Phú quý trường xuân" dài 4,1 mét, cao 1,25 mét đã được Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất".

62 năm gắn bó với tranh thủy mặc, họa sĩ Trương Hán Minh là người đã gây dựng nên dòng tranh thủy mặc mang đậm cốt cách, tinh thần văn hóa Việt Nam. Những bức tranh phong cảnh của ông mang đậm hồn cốt Việt, từ Tây Bắc với ruộng bậc thang đến miền Tây sông nước miên man cánh cò. Từ núi non hùng vĩ đến đầm sen đồng bằng êm ả gió chiều. Từ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, thác Bản Giốc đến những cây đước Cần Giờ, sếu Đồng Tháp…

Ông tâm sự: "Tôi là người Việt gốc Hoa sinh trưởng ở Chợ Lớn - Sài Gòn. Nghiệp vẽ tranh đã ăn vào máu tôi từ nhỏ. Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, thân thuộc và đầy tình thương mến. Đi qua những miền đất nước, cảnh sắc của quê hương khiến tôi không thể không cầm bút mà họa lại để thể hiện tình yêu vô bờ bến đó của mình".

Đã hơn 60 mùa xuân trôi qua cuộc đời ông, nhưng có lẽ mùa xuân năm Canh Dần 2010 để lại trong ông nhiều xúc cảm khó quên. Ngày ra thăm Hà Nội, ông vui mừng khôn xiết khi đại diện bên Thông tấn xã Việt Nam tặng văn bản "Chiếu dời đô" bằng tiếng Hán của Vua Lý Thái Tổ. Về Tp HCM, đêm nào ông cũng gối đầu lên món quà quý giá đó.

Thao thức hằng đêm, ông mong có thể hấp thụ được tinh hoa của những ngôn từ cao siêu mà viết nên bức thư pháp. Nhưng viết xong rồi lại bỏ, hàng chục bức thư pháp bị thải loại. Ông vò đầu bức tóc khi con chữ của mình không thể hiện được tinh hoa trong lời truyền dạy của một đấng minh quân. Đúng khoảnh khắc giao thời, trong tiếng pháo hoa giòn giã, trong hương trầm thơm nồng thiêng liêng, ông vội vã cầm bút, chấm mực tàu và viết không ngơi nghỉ. Bức thư pháp trích trong "Chiếu dời đô" ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy đã trở thành bức thư pháp mà ông tâm đắc nhất. Cũng bởi yêu nước Việt mà ông đã họa lại bằng thư pháp cũng như vẽ tranh minh họa cho một số bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời cầm cọ, Trương Hán Minh luôn lấy câu "con đường sáng tạo là con đường khổ luyện" để răn mình. Dù đã là bậc thầy của dòng tranh thủy mặc, luôn bận rộn với công việc thỉnh giảng ở các trường đại học và công việc của Hội Mỹ Thuật thành phố, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (mà ông là hội viên), nhưng hễ rảnh rỗi, ông lại về ngoại ô, cùng với giấy, với mực để họa lại cảnh sắc quanh mình như một cậu học trò cần mẫn. Bởi với người được  xem như đi đầu của dòng tranh thủy mặc Việt Nam, việc học không bao giờ ngơi nghỉ, như vó ngựa cất trên thảo nguyên lộng gió…

Nguyễn Trang (Xuân 2014)
.
.