Hoạ sĩ Trần Nhật Thăng và cuộc triển lãm chưa từng có ở Trường Sơn

Thứ Ba, 16/04/2013, 08:12

Sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình mà người cha từng là quay phim chiến trường, họa sĩ Trần Nhật Thăng luôn giữ trong tâm thức một "món nợ" với các liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ. Đã 2 lần đến nghĩa trang Trường Sơn (NTTS), anh sẽ lại có mặt tại đây ngày 6/4 để thực hiện cuộc triển lãm chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Trường Sơn là một trong những danh từ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, vọng vang lịch sử. Trường Sơn điệp trùng đại ngàn núi dải, là đường mòn kỳ diệu lưu hàng triệu dấu chân người lính. Trường Sơn là tên nghĩa trang lớn nhất Việt Nam, nơi có hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ. Bởi thế, Trường Sơn thành động từ, tính từ ngân vang khảm khắc thời hoa lửa vào các thế hệ đi qua và sau cuộc chiến. Đã có nhiều tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật sáng tác về Trường Sơn, lấy Trường Sơn làm đề tài, đã có một số  chương trình ca nhạc, gặp gỡ của chiến binh quay tại NTTS được truyền hình trực tiếp trên VTV, nhưng chưa bao giờ có một triển lãm mỹ thuật tại nơi này. Một triển lãm quá cảm động vì người xem là các liệt sĩ! Người có ý tưởng đặc biệt này là họa sĩ Trần Nhật Thăng, con trai đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, đạo diễn đã có nhiều bộ phim tài liệu xuất sắc làm trong chiến tranh, về chiến tranh, nhưng ông không hề gợi ý cho con trai. Bởi Trần Nhật Thăng tự nung nấu dự án từ 1993 đến Xuân 2013 anh mới quyết tâm thực hiện, khi đủ độ chín về nghề sự trải nghiệm. Sinh ra lúc chiến tranh, lớn lên trong thời bình, Thăng cho rằng, thế hệ nghệ sĩ 7X, 8X và 9X và sau này không được phép lãng quên những người đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.

Anh đã có hai lần đến NTTS, lần đầu, năm 2007, khi cùng Đoàn làm phim của bố đi quay phim về nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), lúc về có ghé vào thắp hương khu mộ Hà Nội ở NTTS. Lần hai, năm 2010, họa sĩ đi cùng vợ chồng võ sư Lê Công (Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Karate Việt Nam, vốn là người lính mặt trận Quảng Trị năm nào cũng trở lại NTTS thăm đồng đội).

Là một họa sĩ theo phong cách trừu tượng, Trần Nhật Thăng không kí họa trong sáng tác, anh kí họa bằng trí nhớ.

Hình ảnh những ngôi mộ trùng trùng điệp điệp ám ảnh Thăng phải làm gì đó không chỉ là nhớ ơn, ngợi ca trong các dịp kỷ niệm vài lần trong năm, mà nghĩ về thiệt thòi của những người lính bậc cha chú mình. Thời ấy, ngoài việc thỉnh thoảng được xem văn công, nghe đài, hiếm lắm có tờ báo, cuốn sách, đời sống tinh thần của các chiến sĩ thiếu thốn lắm. Chắc đa số họ chưa từng xem triển lãm nào. Trần Nhật Thăng tin vào sức sống của linh hồn. Các chú sẽ được bù đắp. Đã và quá chậm khi làm cuộc trưng bày này và anh thầm mong, đây là cuộc khởi xướng mở đầu cho các triển lãm, sự kiện nghệ thuật tiếp theo, không chỉ được thực hiện tại Quảng Trị như bối cảnh, mà làm vì các liệt sĩ.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng và một tác phẩm sẽ được triển lãm tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trần Nhật Thăng trình bày dự án với họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, được ông ủng hộ ngay. Cục gửi công văn tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị. Dự án nghệ thuật tâm linh này quả là đột phá. Nó hội tụ nhiều tài năng các thế hệ, là cơ hội cho các họa sĩ, nhà điêu khắc có dịp biểu tỏ niềm kính trọng, biết ơn các liệt sĩ ở Trường Sơn.

Ngay khi công bố dự án mời họa sĩ cả nước tham gia qua www.soi.com.vn (mạng được giới mỹ thuật hay vào trao đổi thông tin nghề nghiệp, chia sẻ), Thăng đã nhận được sự cổ vũ của đông đảo đồng nghiệp.

Người lính xe tăng Quảng Trị hơn 40 năm trước - họa sĩ Lê Trí Dũng lập tức gửi 4 tranh. Không chỉ là sự tự nguyện, phi lợi nhuận, các họa sĩ đồng ý cho "hóa" tất cả tác phẩm triển lãm để "gửi" các liệt sĩ. Tranh vẽ trên giấy, chất liệu tùy tác giả. Họa sĩ Lê Trí Dũng dùng chì, than, bút dạ, vẽ "O du kích Gio Linh", "Sen quê nhà", "Chân dung người lính" (mũ tai bèo đặt trên ba lô, bên cây súng AK), "Cánh rừng dioxin" (rừng Quảng Trị bị vật chất độc da cam). Nữ nghệ sĩ Dương Thị Thu Hương (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) hưởng ứng sớm, song chị để sát ngày nộp mới vẽ, vì muốn suy nghĩ kỹ về đề tài. Các họa sĩ: Đinh Quân, Đỗ Minh Tâm, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Lê Thị Minh Tâm, Quách Đông Phương, Đặng Phương Việt rất tâm huyết, lần lượt gửi tranh cho họa sĩ Trần Nhật Thăng. Họa sĩ Nguyễn Sơn từ Tp HCM cũng tham gia, lại có cụ ông 96 tuổi và một người Mỹ gửi 7 tranh. Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ, Nguyễn Tuấn sẽ làm tượng giấy chở vào Quảng Trị bằng xe tải. Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ mực nho trên giấy. Chiều 28/3, họa sĩ Trần Nhật Thăng hoàn thành bức tranh thứ ba của cụm tác phẩm vẽ sen bằng chất liệu acrylic. Sen là loài hoa có tinh thần Phật giáo. Anh hướng tâm linh vào loạt sáng tác này, cùng đồng nghiệp cầu siêu cho anh linh những người lính mãi yên nghỉ.

Từ ngày 1 đến 7/4/2013, tại nơi linh thiêng này sẽ diễn ra lễ Cung nghinh phật ngọc tượng đá Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam và cầu siêu cho các liệt sĩ. Theo Trần Nhật Thăng, quyên góp làm bức tượng nay là nhóm doanh nhân Tp HCM. Họ âm thầm làm, không công bố danh tính. Thượng tọa Thích Quảng Thiện, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Trị, Phó Ban tổ chức lễ cung nghinh cầu siêu cùng Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng biên tập Báo CAND rất ủng hộ triển lãm. Nhiều nhà khoa học cũng đánh giá cao ý tưởng của Trần Nhật Thăng. Vì thế với Thăng, cuộc triển lãm này hội tụ anh em giới mỹ thuật cả nước, có cả bạn bè quốc tế, chính là dịp kết nối, dịp đánh thức ký ức và trách nhiệm nghệ sĩ với quá khứ. Ký ức ấy không chỉ của mỗi cá nhân trải qua, mà cá nhân nghệ sĩ nắm bắt sự rung cảm trong ký ức dân tộc. Các nhiếp ảnh gia Xuân Bình, Xuân Trường, Na Sơn sẽ tới NTTS dịp này. Hạn chót nhận tranh là sáng 4/4, gửi về họa sĩ Trần Nhật Thăng (điện thoại 0913205379) để anh kịp làm bo tranh, đóng gói và lên tàu tối 5/4. Ba con gái nhỏ của anh được chia ra gửi ông bà nội và bà ngoại. Vợ anh, Hoàng Lê Thùy Chi đi cùng Thăng, giúp chồng lo mâm lễ đầy đủ xin phép các liệt sĩ vào 6/4. Những bức tranh bo đen hoặc trắng sẽ được buộc dải lụa trắng, treo lên các thân cây quanh khu nghĩa trang chính. Hành lý của vợ chồng Thăng sẽ là tranh, dây thép, đinh, búa, kéo, kìm. Anh và họa sĩ Phạm Trần Quân sẽ lo việc trình bày triển lãm. Khai mạc sáng 7/4, cuối chiều 7/4, tranh sẽ "hóa" tại khu vực đốt tiền vàng mã của NTTS.

Nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh đều là vì con người, cho công chúng hôm nay và ngày mai. Nhưng người xem đặc biệt của triển làm tranh, điêu khắc giấy do Trần Nhật Thăng khởi xướng là người của quá khứ. Đề tài mở: Quê hương, phong cảnh, thiếu nữ, tĩnh vật, các họa sĩ vẽ dành riêng cho một vạn liệt sĩ các sáng tác nghệ thuật mới. Những tác phẩm ghi lại một đời sống nhiều tươi đẹp mà bao người lính phải chia lìa; nếu họ còn sống, nay sẽ ở độ tuổi 60-70. Hy sinh lúc trẻ trai, những chàng trai anh dũng ấy ngưng lại thanh xuân mà trong họ, nhiều người chưa hề biết yêu, chưa có lúc nào được thư  thả ngắm các nàng thiếu nữ. Trần Nhật Thăng và các đồng nghiệp muốn bù đắp cho họ, dù rất nhỏ, được ngắm nhìn "Việt Nam thu nhỏ" trong một cuộc trưng bày chưa từng có ở đất nước mình. Những người làm triển lãm tin hàng vạn linh hồn các liệt sĩ đang chu du khắp non sông trong thời bình sẽ gọi nhau, gọi đồng đội từ các nghĩa trang, cả nhiều nơi lưu lạc, hội tụ về NTTS xem tranh, tượng. Và đó là điều mà các họa sĩ xúc động muốn khóc, không chỉ bằng nước mắt

Vi Thuỳ Linh
.
.