Họa sĩ Tôn Đức Lượng: Người âm thầm chép sử bằng tranh

Thứ Hai, 30/12/2013, 08:00

Họa sĩ Tôn Đức Lượng đã sắp bước sang tuổi chín mươi nhưng khi trò chuyện với ông, chúng tôi vẫn bắt gặp ở ông sự nhanh nhẹn, hoạt bát, đặc biệt là trí nhớ và sự mẫn tiệp đáng khâm phục. Hơn nửa thế kỷ cầm cọ, gia tài của ông là hàng trăm bức ký họa lịch sử giá trị, nhiều tác phẩm hội họa ở các thể loại sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ…Những tác phẩm của ông, ở khía cạnh nào đó giống như con người ông vậy, không phô trương, ồn ã mà giản dị, khiêm cung nhưng vẫn bừng sáng những giá trị nội tại.

Cách đây hơn một năm, từ ngày 1 đến mùng 5/11/2012, một cuộc triển lãm tranh ký họa với cái tên giản dị "Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử" đã được nhà sưu tập tranh người Thái Lan Tira Vanich Theeranont tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó là cuộc triển lãm tại Tp HCM từ ngày 11 đến ngày 21/1/2013 đã khiến nhiều người yêu mỹ thuật ngỡ ngàng. Hàng trăm bức ký họa được treo trang trọng trong bảo tàng. Có bức bị ố vàng, thậm chí bị mối xông nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị của mỗi bức tranh mà ngược lại, như một sự khẳng định giá trị lịch sử, dấu ấn thời gian và sự kiêu hãnh qua từng nét vẽ.

Cũng tại triển lãm này, một cuốn sách cùng tên dày gần 300 trang in với hơn 200 bức ký họa, một số bức sơn dầu và khắc gỗ của họa sĩ Tôn Đức Lượng lần đầu ra mắt công chúng. Tôn Đức Lượng không chỉ vui mừng khi những tác phẩm của mình được giới thiệu tới rộng rãi công chúng mà còn hạnh phúc tột cùng bởi có những bức, ông đã tưởng mãi mãi không còn tìm lại được sau khi thất lạc vì cho mượn.

Nhà sưu tập tranh Tira Vanich Theeranont chia sẻ, ông vô tình bắt gặp và bị cuốn hút vào những bức ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Sau đó, ông đã quyết tâm đến Việt Nam để tìm gặp tác giả của những bức ký họa này.

Theo ông, điểm mạnh trong những bức tranh ký họa của họa sĩ Tôn Đức Lượng chính là những nét vẽ phóng khoáng luôn tươi mới và mang hơi thở thời đại. Quả thật, với những nét vẽ giản dị nhưng giàu cảm xúc, những bức tranh "Đường về xóm cũ", "Khu kinh tế thanh niên", "Đỉnh Đèo Ngang", "Đập thủy nông", "Mở đường", "cô gái Mường", "Mấy phút nghỉ tay", "Chiến sĩ thanh niên xung phong", "Gác đường" "Lấy đá hộc"… đã khiến cho người xem như được sống lại bầu không khí hào hùng của cuộc sống, chiến đấu, lao động của thanh niên Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của họa sĩ Tôn Đức Lượng cũng không giấu được sự ngỡ ngàng trước tài năng và sức lao động bền bỉ của tác giả.

“Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” - một trong những tác phẩm của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh năm 1925 trong một gia đình nề nếp, có điều kiện học hành. Ngay từ nhỏ, Tôn Đức Lượng đã có niềm đam mê với hội họa. Khi mới 9, 10 tuổi, trong túi xách cậu bé lúc nào cũng có quyển sổ tay để trên đường đi học ở Sơn Tây hay những ngày nghỉ hè về quê ngoại ở Chí Linh, Hải Dương, cậu có thể vẽ những gì bắt gặp trên đường.

Có năng khiếu thiên bẩm và mong muốn trở thành họa sĩ để "không phải làm đầy tớ cho Tây" nên sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất, Tôn Đức Lượng đã quyết tâm thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Dù không một ngày học dự bị nhưng Tôn Đức Lượng lần lượt vượt qua các vòng thi để trở thành sinh viên khóa 18 (khóa cuối cùng của trường), cùng khóa với các họa sĩ nổi tiếng sau này như Dương Bích Liên, Nguyễn Như Huân, Phan Kế An… Mãi sau này ông mới biết, vì nhận ra năng khiếu thiên bẩm của người học trò khi được điểm cao nhất bài thi trang trí nhưng tổng số điểm lại đứng thứ 15 nên các thầy trong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã quyết định "phá lệ", tuyển sinh 15 người chứ không phải 10 người như thông lệ.

Dù chỉ được học tại trường có một năm nhưng Tôn Đức Lượng may mắn được sự chỉ dạy bởi họa sư Nam Sơn - người cùng với họa sĩ người Pháp Victo Tardieu đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong ký ức của họa sĩ Tôn Đức Lượng, họa sư Nam Sơn là người rất kỹ lưỡng. Ông giảng cho sinh viên cặn kẽ về hình họa, bí quyết để luyện nghề. Không chỉ truyền dạy kiến thức, những buổi thầy trò cùng đạp xe từ Văn Miếu (Sơn Tây) là nơi học về thị xã, thầy Nam Sơn còn căn dặn, khuyên bảo Tôn Đức Lượng nhiều điều trong cuộc sống.

Một trong những điều góp phần làm nên những giá trị to lớn của ký họa Tôn Đức Lượng chính bởi ông may mắn là nhân chứng lịch sử của hai cuộc kháng chiến. Cuộc đời ông đã hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc. Cùng với niềm đam mê hội họa, họa sĩ Tôn Đức Lượng là cán bộ tiền khởi nghĩa, là một trong những người đứng ra tổ chức cướp chính quyền tại tỉnh Sơn Tây, tham gia vẽ cờ đỏ sao vàng... Năm 1946, ông là thành viên đội Công an mật của Nha Công an Trung ương, làm việc dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Giám đốc Lê Giản. Một trong những nhiệm vụ của đội Công an mật khi đó là bí mật bảo vệ đồng chí Võ Nguyên Giáp từ nơi làm việc trong nội thành về nơi ở tại Cầu Mới, Hà Đông.

Một điều dễ nhận thấy: Đối tượng chính trong những bức ký họa khỏe khoắn của họa sĩ Tôn Đức Lượng là thanh niên. Điều đó không có gì khó hiểu bởi gần như toàn bộ sự nghiệp cầm cọ của ông gắn bó với tuổi trẻ. Sau một năm làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Đại Phúc, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, ông lên công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên ở Việt Bắc, là họa sĩ minh họa cho các báo như Xung phong, Sức trẻ. Ông cùng với họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là đồng tác giả của tấm huy hiệu Đoàn mà sau khi ra đời đã được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lấy làm biểu tượng chính thức của Đoàn Thanh niên. Năm 1953, họa sĩ Tôn Đức Lượng là một trong 6 người sáng lập tờ báo Tiền Phong và là người vẽ măng sét cho số báo đầu tiên. Ông cũng gắn bó với công việc họa sĩ minh họa báo cho đến khi nghỉ hưu.

Dù là một công chức nhà nước nhưng niềm đam mê lớn nhất của họa sĩ Tôn Đức Lượng vẫn là những chuyến đi thực tế sáng tác. Thu xếp được thời gian là ông lại vác balô lên đường. Nơi ông đến là Mỏ than Cổ Kênh (Chí Linh, Hải Dương), là Đội thanh niên xung phong ở khu 4 với nhiệm vụ mở đường tiếp tế cho miền Nam, là nông trường Mộc Châu, là khu kinh tế ở Đồn Vàng, Thanh Sơn, Phú Thọ…

Ông nhớ chuyến đi theo đoàn thanh niên xung phong vào Hà Tĩnh. Thời điểm đó, máy bay Mỹ bắn phá rất ác liệt. Ông vừa vẽ vừa lo chạy bom. Cả người phải hóa trang đen đúa và thường xuyên phải ngụy trang giấy vẽ nếu không muốn bị giặc Mỹ phát hiện. Hiện thực đời sống và cảm xúc của mỗi chuyến đi được ông gửi gắm trong 5 bộ ký họa đồ sộ. Những bức ký họa hay sơn dầu của ông phảng phất chất thơ, chất sử thi trong những nét vẽ khỏe, nhanh và động, chất hiện thực ngồn ngộn qua từng chi tiết.

Một điều làm nên sự độc đáo của họa sĩ Tôn Đức Lượng, khiến nhiều nhà phê bình trong nước và quốc tế ngạc nhiên, đó là thay vì vẽ bằng chì than hay bút lông, ông vẽ bằng chiếc bút máy Waterman cải tiến. Ông bảo, chiếc bút giúp ông vẽ được cả những chi tiết nhỏ nhất, những động tác khó nhất. Sáng kiến độc đáo này mang lại cho ký họa của Tôn Đức Lượng những nét vẽ vừa cứng cỏi lại vừa mềm mại, dịu dàng, vừa thanh thoát lại vừa sắc nét. Mới gần đây, một giáo sư người Anh không hề quen biết ông, vô tình được tặng sách tranh của ông đã gửi về tặng ông một chiếc bút Waterman từ bên kia bán cầu xa xôi.

Mặc dù giành được nhiều giải thưởng về ký họa từ những năm 1967, 1968 và có những bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội và nhiều phòng tranh trong nước, quốc tế, song với Tôn Đức Lượng, niềm hạnh phúc lớn nhất là tác phẩm được nhiều người biết đến. Căn nhà nhỏ của ông ở phố Hàng Trống hiện không còn giữ được nhiều tranh. Ông bảo, nhà mình chật hẹp, ẩm mốc, không giữ được tranh, chi bằng họ giữ cho mình thì tranh của mình còn mãi.

Gần 90 tuổi, niềm vui của lão họa sĩ là ngày ngày ngắm Hồ Gươm thơ mộng, là những buổi trò chuyện với bạn bè yêu mến thường xuyên ghé thăm, là buổi họp mặt của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài định kỳ tại "Trụ sở nhà cụ Lượng" như nhà văn Hồ Phương vẫn nói đùa. Và với hội họa, ông đã dành một tình yêu trọn vẹn như cách nói của nhà báo Xuân Ba: "Âm thầm gom từng miligam thuốc nổ để tạo nên một big bang cuộc đời…"

Thảo Duyên
.
.