Hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền: "Vô chiêu" với nghệ thuật

Thứ Hai, 23/06/2008, 11:00
Tôi gặp chị trong một buổi chiều bình yên tại ngôi nhà nhỏ thân yêu của cha chị, cố nhà văn Kim Lân. Chị và các em vừa hoàn tất xong việc đưa cha về quê nhà, nằm bên cạnh mẹ. "Thế là cha mẹ tôi lại được ở gần nhau"- Chị nói. Thấm thoát đã một năm trôi qua, đã đến ngày giỗ đầu của tác giả "Lão Hạc". Quá nhiều tâm sự trong lòng chị, một người đàn bà gắn bó với hội họa tới nửa thế kỷ.

Câu chuyện về người cha, cảm thức về thời gian, về cuộc đời vẫn là để nói về con đường nghệ thuật mà chị đã chung tình, đau đáu...

-Sinh thời, nhà văn Kim Lân là người vô cùng yêu hội họa. Dường như trong thẳm sâu ông cũng khát khao được trở thành một họa sĩ. Việc thành danh của chị và nhiều thành viên khác trong gia đình ở lĩnh vực hội họa phải chăng cũng chính là để cụ thể hóa những ước mơ của cha mình?

+ Câu nói này rất đúng, ở một vế nào đó. Cha tôi có một tình cảm đặc biệt với hội họa. Những người bạn lớn của ông phần lớn đều là nhà văn và họa sĩ. Đối với riêng tôi, và cả các em tôi nữa, thì ngoài ý nghĩa người cha, cha tôi còn là một người thầy.

Tất nhiên, "thoạt khởi thủy" tôi đã được sống trong môi trường nghệ thuật. Suốt tuổi thơ của tôi, gia đình tôi sống trên "quả đồi văn nghệ" ở vùng Yên Thế. Tôi được tiếp xúc với các nghệ sĩ lớn ngay từ khi còn rất nhỏ. Rồi tôi vẽ. Cha tôi nhìn ra khả năng ấy của tôi và ông có ý thức chăm chút cái đốm sáng bé nhỏ ấy trong tôi. Nhưng ông không bao giờ áp đặt. Ông động viên và khuyến khích. Ông giúp tôi định hướng tốt con đường đi của mình.

- Nhìn lại toàn bộ cuộc đời của cha mình, với những vật lộn, đau đớn mà ông từng phải trả giá để làm nghệ thuật, chị thấy bài học nào là thấm thía nhất đối với mình?

+ Bài học lớn nhất tôi thu nhận được từ cha tôi là bài học "đừng bao giờ đánh mất mình". Tuy nhiên cái "Mình" ở đây phải là cái “Tôi” vô tư nhất, nguyên thủy nhất, trong sáng nhất. Ngay cả sự im lặng của cha cũng là một bài học đối với chị em chúng tôi. Tinh thần của ông là chống lại những xiêm áo, thương mại và thời thượng trong nghệ thuật. Ông sống chân thực và bình dị. Và cho dù con tạo có xoay vần đến đâu, ông vẫn là chính mình.

- Câu nói nào của cha, về phương diện nghệ thuật, là quan trọng nhất đối với chị?

+ Khi tôi vào trường học mỹ thuật, cha tôi dặn: "Con đã đi học thì những bài bản về kỹ thuật con phải là người giỏi nhất. Con phải tuân thủ những chuẩn mực và học hành nghiêm túc. Nhưng khi sáng tác, con phải là người tự do nhất". Câu nói đó là kim chỉ nam cho tôi trong suốt cuộc đời làm hội họa. Nó là một nguyên tắc làm nghệ thuật của tôi. Cũng giống như một người học võ. Anh phải giỏi tất cả các chiêu thì đến một ngày anh mới "vô chiêu" được.

- Chị được đánh giá là một người đặc biệt xuất sắc ở mảng tranh chân dung. Chị đã vẽ chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia. Theo chị, để dựng được chân dung một người nào đó thì điều gì là khó nhất?

+ Cái khó nhất là mình phải "gọi" được tâm hồn của người đó ra. Mà tâm hồn là thứ vô hình lắm, chúng ta không kể nó bằng màu sắc cụ thể được. Trong hội họa, khi ta vẽ một ai đó "giống" chính họ, thì cũng không có ý nghĩa là "sao chép". Cái đẹp của hội họa khác hẳn với cái đẹp mà người ta vẫn hình dung bên ngoài đời sống. Tôi từng viết: "Vẽ chân dung là một hướng đi vào chiều sâu thực tại".

- Ở câu trả lời trước, chị có nhắc đến hai chữ thương mại trong nghệ thuật. Riêng lĩnh vực hội họa, hôm nay chúng ta đang nhìn thấy xu hướng thương mại rất rõ ở một số họa sĩ trẻ. Điều này liên quan đến phẩm chất nào của người làm nghệ thuật: tài năng hay bản lĩnh, thưa chị?

+ Tôi cho rằng đó là câu chuyện của bản lĩnh nghệ sĩ. Một người làm nghệ thuật đích thực cần phải rèn một bản lĩnh để biết từ chối những "mời mọc" hấp dẫn của cuộc sống. Phải biết nói “Không” với những điều mà mình biết chắc là nó có thể mang lại nhiều mối lợi, nhưng chắc chắn là sẽ làm tổn hại mình, về phương diện nghệ thuật.

- Người ta nói nhiều về tính dân tộc trong tranh. Theo chị, làm thế nào để nhìn ra tính dân tộc trong một tác phẩm hội họa đương đại?

+ Tôi thấy rằng đặt vấn đề tính dân tộc như vậy là rất chung chung. Chúng ta hãy tự hỏi xem tính dân tộc là gì? Nó chắc chắn không phải chỉ là những mô thức, những quy ước kiểu như tính dân tộc nằm ở áo dài, khăn đóng hay nón quai thao. Tính dân tộc, theo tôi, nằm sâu trong tâm hồn của mỗi con người. Nó ở trong dòng máu của mình. Dù anh đi cùng trời cuối đất, bất cứ nơi đâu, anh vẫn là người Việt Nam, không thể khác.

Vậy thì, với một người họa sĩ, họ có thể tiếp nhận mọi thứ từ đời sống, trong thế giới, họ "xào, xáo, nấu, nướng" đến một mức độ nào đó cho nhuyễn và chắt lọc thành những cái của riêng mình rồi thể hiện trên tác phẩm. Khi họ  gọi cái thẳm sâu trong tâm hồn họ ra, đó chính là dân tộc.

- Một gia đình có quá nhiều người theo đuổi một niềm đam mê, là hội họa, mỗi thành viên trong gia đình chị làm thế nào để không ảnh hưởng lẫn nhau?

+ Rất nhiều người hỏi chúng tôi điều này. Vì trong gia đình tôi có nhiều thành viên làm hội họa lắm: tôi, Thành Chương, Mạnh Đức, em dâu tôi, con gái tôi, con rể tôi, cháu tôi...đều vẽ cả. Tất nhiên, chung một dòng máu, chung một môi trường thì không thể không có sự giao thoa.Nhưng công việc sáng tạo vốn mang nặng tính cá nhân. Khi mình là chính mình, không vay mượn ai, thì nhất định mình không thể giống ai, dù là người thân nhất, gần gũi nhất. Nên chúng tôi không bị "đau đầu" với câu hỏi này.

- Chị là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời trưng bày triển lãm tại Canada hồi đầu năm nay. Trong  những chuyến "mang tranh đi triển lãm xứ người", chị nhận thấy thế giới nhìn về mỹ thuật Việt Nam ra sao?

+ Thực tế là tranh của họa sĩ Việt Nam mới được ra nước ngoài nhiều từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi chúng ta mở cửa và hội nhập với thế giới. Theo như những gì tôi thu lượm được, thì thế giới người ta rất ngỡ ngàng về hội họa Việt Nam. Họ nhận xét Việt Nam có nhiều họa sĩ tài năng. Cho dù có nhiều năm tháng chúng ta không giao lưu với bên ngoài, rồi chiến tranh, nhưng tranh của các họa sĩ truyền thống nhất cũng đầy tính đương đại.

- Chị hay dùng khái niệm "Dòng chảy" để nói về con đường nghệ thuật của mình. Một cách cụ thể hơn, chị hàm ý điều gì?

+ Tôi luôn ý thức mình là một dòng chảy xuyên suốt. Luôn hướng về về phía trước. Cho dù dòng chảy ấy có lúc ào ạt, có lúc lên thác xuống ghềnh, có lúc gặp những khúc quanh số phận, có lúc phải chắt chiu từng giọt, nhưng lúc nào cũng ý thức mình phải “Chảy”.

Chảy, có nghĩa là không bao giờ dừng lại, không bao giờ có điểm cuối cùng, không bao giờ được phép nghĩ mình đã xong mọi việc. Chảy cũng có nghĩa là đang tiếp tục. Tôi là một dòng chảy sẵn sàng bỏ lại phía sau những bức tường mình đã vượt qua, những thành công mình đã có: Một tuổi thơ được xem như thần đồng, nhiều giải thưởng mỹ thuật, hàng ngàn bức minh họa trên báo chí, hàng trăm bức tranh đã vẽ và đã được bán đi, và cả những lời khen ngợi. Tôi bỏ lại để nhẹ nhàng chảy về phía trước, với ý nghĩa thanh sáng nhất, không mang gánh nặng gì trừ gánh nặng sáng tạo trong tự do của chính mình. Cố nhiên, tôi không chảy một cách vô vọng. Tôi ý thức được mình phải chảy đi như thế nào.

- Là một phụ nữ, chị thấy mình phải hy sinh những gì, để trọn vẹn với nghệ thuật?

+ Những hy sinh của một người phụ nữ làm nghệ thuật, không phải là một chút ít đâu, mà luôn luôn là rất nhiều. Như một tất yếu, niềm đam mê của ta càng lớn, thì ta càng phải hy sinh nhiều. Là một phụ nữ, trong những khó khăn của đời sống thường nhật, mình phải có lúc quên đi nhiều thứ để quay về một gia đình và thực hiện các bổn phận. Trên con đường mình đi với người bạn đời của mình, nếu chẳng may họ vấp ngã, mình phải làm thế nào?

Lựa chọn của tôi trong những thời điểm như thế là lùi về, "thu" mình lại, sẵn sàng làm một chỗ dựa cho người thân. Tôi đã từng có hàng chục năm im lặng. Im lặng đến nỗi người ta hiểu sai mình. Vì khi đó tôi muốn người thân mình an tâm với vai trò người phụ nữ bình thường của tôi. Nhưng thực ra tôi vẫn âm thầm lao động. Tôi vẫn “chảy”. Nhưng không mấy người hiểu điều đó. Có những điều mình đã chấp nhận rồi thì mình không bao giờ nói ra.

- Một người đàn bà vẽ ở tuổi 60 như chị, giờ đây điều gì là quan trọng nhất?

+ Khi tôi ôm bình tro của cha tôi, tôi cảm nhận rõ rệt về thời gian và sự quý giá của đời sống. Chúng ta mỗi ngày đều tiến gần hơn một bước đến cái chết của mình. Nhưng mầm sống thì vẫn tiếp tục sinh sôi. Đó là quy luật cuộc đời. Vậy hãy nâng niu từng phút. Vì mỗi phút cộng lại làm nên đời chúng ta. Hãy chọn những sự  bận rộn đích đáng để làm việc, trong muôn vàn những công việc ở đời. Sẽ đến một ngày ta thấy, ta đã dành quá nhiều thời gian cho những bận rộn vô ích.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.