Họa sĩ Nguyễn Cao Tuấn: Không tuổi nào là muộn

Thứ Hai, 19/12/2011, 08:00
Người ta bảo, đàn ông tuổi 40 chưa giàu nghĩa là chẳng bao giờ giàu, chưa thành danh nghĩa là chẳng bao giờ thành danh. Cái lý thông thường ấy Cao Tuấn chẳng quan tâm...

Anh 53 tuổi và bắt đầu công việc vẽ, lần đầu tiên triển lãm tranh của chính mình ở số nhà 29 Hàng Bài - nơi anh quen thuộc đi về mưa nắng trong suốt hơn 30 năm qua trong vai một công chức mẫn cán của ngành triển lãm mỹ thuật. Triển lãm được Cao Tuấn xem như một món quà dâng tặng người cha thân yêu - nhà văn Văn Tâm, người mà lúc sinh thời đã luôn đau đáu trông mong con trai mình đi theo con đường sáng tạo nghệ thuật.

Từ nhỏ, Nguyễn Cao Tuấn đã được ở gần những người danh tiếng trong làng văn nghệ, là những người bạn quý của cha mình. Nhà văn Văn Tâm nổi tiếng là người quý bạn, yêu chiều bạn, nên ngôi nhà 13 Phan Bội Châu của ông là chốn vui vầy, tụ tập của nhiều văn nghệ sĩ từ văn chương đến âm nhạc, hội họa. Văn Tâm, ngoài vai trò nhà văn còn là một thầy giáo nức tiếng. Ở Hà Nội một thời, chỉ cần nói ai đó là học trò cưng của thầy Văn Tâm nghĩa là đủ hiểu người đó giỏi văn cỡ nào. Thầy Văn Tâm cũng nổi tiếng khắc nghiệt trong việc dạy con. Một chi tiết nhỏ: Mặc dù Cao Tuấn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp rồi, vậy mà khi về nhà, gặp bạn của bố vẫn phải khoanh tay chào lễ phép. Nội điều ấy đủ biết Văn Tâm nghiêm khắc mức nào.

Cao Tuấn chưa bao giờ là một học sinh giỏi văn. Anh là nỗi "thất vọng lớn" của cha mình. Điểm văn thời đi học của anh bao giờ cũng thấp lè tè. "Kinh dị" nhất là chi tiết đến năm Cao Tuấn học lớp 10, nghe bố hỏi "Truyện Kiều" là của ai, Cao Tuấn đứng im không trả lời được. Chuyện này nhà văn Nguyễn Quang Lập đã kể trong cuốn "Bạn văn", thoạt nghe thấy khó tin quá. Hỏi Cao Tuấn, anh nói chuyện này có thật. Bố anh đã ném vỡ cái ấm nước, đập bàn quát: "Mày có thể không biết bố mày là Văn Tâm, nhưng mày phải biết Truyện Kiều là của Nguyễn Du, rõ chưa?".

Tuy không thích những bài giảng văn, sách giáo khoa văn, nhưng Cao Tuấn lại mê tranh từ nhỏ. Anh mê nhất là bức tự họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng cha mình có chữ ký rất đẹp treo trên tường. Ngày bố sắp qua đời, trong rất nhiều tài sản, Cao Tuấn chỉ xin bố cho mình bức tranh này. Dường như đến giây phút ấy, nhà văn Văn Tâm mới thực sự cảm thấy yên tâm về cậu con trai của mình, rằng nó đã có một vốn liếng văn hóa riêng, và việc nó khước từ những dạy dỗ của ông không ngăn nó trở thành một "chân giá trị giữa đời". Văn Tâm mong rằng con trai ông sẽ không rời bỏ con đường nghệ thuật, biết tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời và nhận diện cái đẹp của cuộc sống bằng nghệ thuật.

Một họa phẩm về hoa của hoạ sĩ Nguyễn Cao Tuấn.

Nhưng có những mong muốn trong đời phải trải qua rất nhiều năm tháng mới trở thành hiện thực. Tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, Cao Tuấn về làm việc tại Trung tâm triển lãm của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nhiều người cho rằng anh may mắn hơn bạn bè khi ra trường có công việc làm ngay, lại thuộc biên chế của ngành Văn hóa. Và anh cần mẫn với công việc của mình suốt 30 năm có lẻ: căng dây, đóng đinh, treo tranh cho hàng trăm cuộc triển lãm của bạn bè hội họa. Được gọi là họa sĩ nhưng Cao Tuấn vẽ tranh rất ít. Anh thừa hưởng ở cha phẩm chất thịnh tình, chu đáo với bè bạn. Vì thế anh có rất nhiều bạn. Ngoài công việc tranh pháo ở cơ quan ra, anh chủ yếu tiêu pha thời gian của mình cho bạn, như một mối bận tâm không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Hơn nữa, Cao Tuấn lại được điều kiện cuộc sống yêu chiều. Anh có vợ đẹp, làm bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt, chị hiểu anh đến nỗi chả bao giờ thèm ngó ngàng đến mấy đồng lương còm của chồng. Thỉnh thoảng chị còn lén bỏ tiền vào túi áo, phòng khi chồng ra đường gặp bạn mà trong túi hết tiền mời bạn cà phê thì ái ngại quá.

Mẹ anh, bà Cao Xuân Cam, ái nữ của GS Cao Xuân Huy cũng không kém phần tâm lý. Hễ cứ có bạn của con tới nhà là bà đon đả chuyện trò tiếp đón đến mức khách chả muốn về, hệt như khi xưa bà tiếp đón các bạn quý của chồng vậy. Hiếm có gia đình nào như gia đình của Cao Tuấn, luôn xem tài sản lớn nhất trong cuộc đời chính là những người mà mình gặp gỡ, yêu quý.

Quay lại chuyện hội họa. Một ngày đẹp trời Cao Tuấn chợt nhận ra mình cần phải trả nợ những năm tháng rong chơi, lãng tử đã qua bằng sắc màu. Và cuộc "đòi nợ" của bản năng nghệ sĩ bất thần như một cơn mưa đổ về. Tuấn vẽ ào ạt. Như thể những bố cục, hòa sắc đã chất chứa trong anh từ lâu lắm, nay đòi phải có hình hài trên khung vải. Hiên nhà, nơi có giàn hoa giấy lãng mạn, góc khuất lặng lẽ nhưng lại là nơi có thể nhìn ra sự ồn ào của phố xá bỗng nhiên trở thành một xưởng họa bất đắc dĩ của Cao Tuấn. Bà Xuân Cam không giấu được niềm vui khi nhìn con "nhập đồng" bên giá vẽ. Khi Cao Tuấn công bố anh sẽ trưng bày một triển lãm cá nhân thì bạn bè ai cũng ngạc nhiên. Và ngạc nhiên hơn nữa khi được tận mắt thưởng ngoạn những họa phẩm của anh, với nhiều sắc màu được dồn nén trong bút pháp của sự say đắm.

Phố và hoa là chủ đề chính trong tranh của Cao Tuấn. Họa sĩ vẽ hoa thì quá nhiều rồi, và phố cũng vậy. Nhưng Cao Tuấn vẫn cho người xem thấy những thú vị riêng trong cách anh nhìn phố và hoa. Có cảm giác như, hoa của Cao Tuấn là những loài không có tên, được nở từ tâm tưởng, từ ký ức hay từ hoài niệm xa vắng nào đó. Nó làm nao lòng người xem, nhất là phụ nữ. Còn phố của anh thì lạ ở chỗ, chỉ với hai màu đen trắng đối lập, Cao Tuấn gọi ta trở lại những giấc mơ của ngày xưa cũ, với nỗi niềm mà chỉ những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như anh mới tinh tế cảm nhận hết. Nhận xét về tranh của Cao Tuấn, họa sĩ Đỗ Phấn viết: "Thế giới trong tranh Nguyễn Cao Tuấn cuốn hút người xem ngay từ phút đầu bước chân vào phòng triển lãm. Nó cách xa lối học hàn lâm bao nhiêu thì cũng là xa với hồn nhiên thơ trẻ ngần ấy. Lấy hòa sắc làm cứu cánh và đối tượng để tìm kiếm nhưng rõ ràng những hòa sắc chói chang mạnh bạo ấy đã nhất quán trong một ngôn ngữ của đam mê. Điều đó lại một lần nữa chứng minh rằng chẳng cứ hội họa mà bất kỳ nghệ thuật nào cũng cần đến đam mê như một kim chỉ nam. Cứ nương theo nó mà làm việc. Tùy trình độ tay nghề và hiểu biết mà thành công ở những mức độ khác nhau. Dĩ nhiên chỉ với những ai được học hành nghiêm chỉnh. Hội họa không có thần đồng. Không bao giờ có tranh trẻ em trong các bảo tàng".

Được học hành nghiêm chỉnh, lại có một khoảng thời gian dài liên tục làm việc trong môi trường liên quan đến đời sống hội họa, tiếp xúc với nhiều xu hướng nghệ thuật hội họa mới, nhìn ra cái hay, cái dở của từng bức tranh, từng tác giả - đó là một lợi thế của Cao Tuấn. Để một ngày anh bắt tay vào vẽ, thì đã ngay lập tức bỏ qua được những lóng ngóng ban đầu mà cư xử với sắc màu, đường nét, hòa sắc với tư cách của một người chuyên nghiệp. Kỹ thuật ở độ ấy, nhưng tâm trạng lại ở những phút đầu tiên của một người "lâm tình huống yêu" với hội họa, tranh Cao Tuấn đã tạo nên một hiệu quả bất ngờ. Nó đến với người xem một cách tự nhiên. Cảm giác này có được nhờ chủ nhân đã hoàn toàn vẽ trong say đắm, trong bùng nổ của cảm xúc, trong im lặng của tuôn trào. Xem tranh Cao Tuấn là lắng nghe những bước chân của một người trên hành trình dằng dặc cuộc đời, đến một thời điểm nào đấy thì ngoái lại và cảm nhận, rồi quyết liệt đi tìm mình ở những tháng năm đã mất. Và dường như đã tìm thấy mình.

Cao Tuấn nói, anh tin rằng "cơn điên" với hội họa của anh trong thời gian qua có sự sắp xếp nào đó của vong linh người cha đã khuất. Mọi chuyện đã xảy ra rất suôn sẻ và thuận lợi. 53 tuổi, quá muộn để kiếm tiền hay kiếm danh bằng việc vẽ. Nhiều họa sĩ bạn bè của Cao Tuấn thậm chí đã chán cả với việc xuất hiện trước công chúng, thậm chí đã buông bút quay sang làm việc khác, thậm chí đã nhận ra hội họa và giá vẽ chỉ là những sai lầm cần phải sửa chữa trong cuộc đời. Cao Tuấn rất hiểu điều này. Anh không định nghĩa được mình liệu có phải đang ở điểm bắt đầu hay không. Và anh cũng không có bất kỳ mục tiêu gì cho việc vẽ. Có chăng thì chỉ một mục tiêu duy nhất, là giữ lại những giây phút thăng hoa rực rỡ vốn ít ỏi trong đời người, làm phong phú bảo tàng ký ức…

Bình Nguyên Trang
.
.