Hoạ sĩ Đỗ Phấn: Nhiều việc "vô tăm tích" hơn viết văn

Thứ Sáu, 02/08/2013, 08:00
"Con mắt rỗng" là tiểu thuyết hư cấu tuy có dùng đến tên thật của nhiều họa sĩ thành danh quá cố và đương đại. Thế nhưng đời sống nghệ thuật hiện nay theo quan sát của tôi quả là nghèo nàn và mông muội trống rỗng. Nó vẫn chấp chới ở giữa ranh giới một nghề thủ công với một loại hình nghệ thuật bác học. Điều này cần được cải thiện trước hết là từ phía người thưởng thức...

Đỗ Phấn quả là một "ca" khó trong đời sống văn học. Vừa tháng trước gặp ông hỏi chuyện về cuốn tiểu thuyết mới được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, có tên "Gần như là sống", thì nay gặp đã thấy ông tặng một cuốn tiểu thuyết mới toanh có tên là "Con mắt rỗng", in ở Nhà xuất bản Văn học. Ngay cả người viết chuyên nghiệp nhìn sức viết của nhà văn "tay ngang" Đỗ Phấn cũng ngại ngần. Không chịu bất kỳ áp lực gì trong việc viết, Đỗ Phấn viết chỉ để tìm kiếm niềm vui, một niềm vui hết sức riêng tư, như ông bộc lộ. Nhưng tôi đồ rằng, niềm vui mà ông tìm kiếm ấy, trong việc viết, là rất khó. Vì văn ông càng đọc càng buồn. Và bởi, nếu ông thực sự đã tìm thấy niềm vui rồi, thì việc viết chắc đã không ào ạt thế...

- Liên tiếp những cuốn tiểu thuyết trình làng trong vài ba năm trở lại đây, chỉ nhìn số trang in thôi đã thấy sức làm việc của ông lớn thế nào rồi. Ngoài đời thì vẫn thấy ông trong các cuộc vui bạn bè, nhàn tản, tự do. Rất tò mò muốn biết ông thường viết khi nào?

+ Thời gian biểu làm việc của người lớn tuổi như tôi hoàn toàn ngẫu hứng, cho nên chính tôi cũng không biết mình viết vào lúc nào. Có thể buổi sáng, buổi chiều, cũng có lúc là đêm. Những lúc bia bọt bạn bè cũng có khi là đang viết. Tôi quan niệm, khi đã để tâm suy nghĩ vào chuyện gì đó thì tức là đang viết rồi. Những ý nghĩ hay ho với tôi thường đến bất chợt. Việc còn lại chỉ là lôi nó từ bộ nhớ trong đầu ra bàn phím. Giờ thì cái đầu cũng không nhớ được nhiều nữa nên thường phải viết nó ra ngay lập tức. Vụn vặt, riêng lẻ, chẳng ăn nhập vào đâu. Nó chỉ có ích khi ngồi tĩnh tâm chắp nối lại. Ở tuổi tôi thì cũng không còn băn khoăn nhiều về kĩ thuật viết hay cách tân nữa. Tôi chọn cách viết đơn giản, đại chúng.

- "Con mắt rỗng"- cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, viết về đời sống của giới họa sĩ. Nếu nói một cách ngắn gọn, thì ông muốn độc giả hiểu những gì về đời sống của người làm hội họa, nó có gì khác so với đời sống chung của các nghệ sĩ ở ta?

+ Hội họa là nghề đã có mặt ở Việt Nam gần một thế kỉ theo đúng nghĩa hàn lâm của nó. Thế nhưng thành tựu mà nó đạt được lại không tương xứng so với các nước trong khu vực. Cuốn sách của tôi đề cập đến những điều mà bất cứ họa sĩ nào cũng bắt gặp trong đời cầm bút lông của mình. Không có tham vọng giải đáp những thắc mắc ấy nhưng tôi nghĩ, đặt ra những câu hỏi cũng là một cách cho mọi người cùng suy nghĩ. Câu hỏi ở đây là cách thức đào tạo, chiến lược lâu dài và tập trung đến đỉnh cao hay dàn trải? Với khoảng 20 trường mỹ thuật trên cả nước và hàng ngàn người học vẽ ra trường mỗi năm, có phải là một lựa chọn đúng đắn? Nên nhớ rằng thời Pháp thuộc, cả xứ Đông Dương chỉ có một trường đào tạo hơn chục người mỗi năm. Và những họa sĩ tên tuổi nhất của Việt Nam thì vẫn nằm trong số người được đào tạo ngày ấy. Đời sống của những họa sĩ đương đại đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Do ảnh hưởng của thông tin toàn cầu một phần và phần lớn do cuộc khủng hoảng chung của mỹ thuật thế giới. Chúng ta có nên kì vọng vào mỹ thuật nhiều đến mức ấy không?

- Vì sao cuốn sách viết về các họa sĩ lại được lấy tên là "Con mắt rỗng"? Đó là một trạng thái của Thiền, hay là một ám dụ về đời sống nghệ thuật nghèo nàn và nhiều hệ lụy ở ta, thưa ông?

+ Tôi không có tham vọng mon men đến trạng thái "Thiền". Vừa xa xôi và cũng vô bổ với tôi. "Thiền" là thứ đòi hỏi con người ta vừa có căn cơ cốt cách lại vừa minh mẫn trí tuệ, không phải cứ học là được. Như bạn đã biết Lục Tổ Huệ Năng chỉ là người quét chùa bổ củi gánh nước. Thậm chí còn không biết chữ. Nhưng cốt cách của ngài rất xứng với ngôi vị Tổ thứ sáu của Thiền Trung Hoa.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Con mắt rỗng" của Đỗ Phấn.

"Con mắt rỗng" là tiểu thuyết hư cấu tuy có dùng đến tên thật của nhiều họa sĩ thành danh quá cố và đương đại. Thế nhưng đời sống nghệ thuật hiện nay theo quan sát của tôi quả là nghèo nàn và mông muội trống rỗng. Nó vẫn chấp chới ở giữa ranh giới một nghề thủ công với một loại hình nghệ thuật bác học. Điều này cần được cải thiện trước hết là từ phía người thưởng thức. Giống như nói đến ẩm thực thì cần nhiều người biết ăn chứ không phải người biết nấu. Người biết ăn sẽ biết quyết định mình nên ăn gì. Khán giả quyết định sự ra đời của những phòng tranh như hiện nay chứ không phải họa sĩ. Vì thế theo tôi nên chuyển những trường đào tạo họa sĩ thành ra trường đào tạo người xem tranh thì có lẽ tương lai sẽ đáng để hy vọng hơn.

- Những trang viết của ông, dù tản văn hay truyện ngắn hay tiểu thuyết, đều trong không gian của một đời sống đô thị hiện đại. Ông cũng cho hay, mình có thể viết song song nhiều cuốn sách cùng một lúc. Tôi băn khoăn tự hỏi, trong cùng một không gian như vậy, có khi nào câu chuyện, nhân vật trong các cuốn sách của ông bị trùng lặp chăng?

+ Tôi cố gắng tránh sự trùng lặp bằng cách viết vài cuốn một lúc. Đó là một nhược điểm chứ chẳng phải tài giỏi gì. Tuy nhiên, tránh được là không dễ. Bởi vì chỉ viết về một không gian thì đôi lúc mình vẫn có những mặc định về những địa danh cụ thể. Hoặc là những chuyện mình chỉ biết ở mức tương đối ít thí dụ như sex chẳng hạn. Có thể câu chuyện và nhân vật rất khác nhau nhưng vấn đề tôi muốn nói hình như chỉ có một. Đó là sự tha hóa của đô thị, hệ lụy của sự phát triển thiếu kiểm soát. Nếu hiểu rằng tôi chỉ viết một cuốn sách thôi thì cũng không có gì sai.

- Thông thường người ta chán việc nọ thì quay đi làm việc kia. Một họa sĩ danh tiếng như anh phải chăng đã chán việc vẽ mà quay sang viết không ngừng vậy?

+ Thực ra thì tôi không bao giờ dám "chán" việc vẽ. Nó không những là niềm đam mê mà còn là phương tiện kiếm sống lâu dài. Viết văn như bạn biết, ở nước ta chỉ vài người lay lắt sống được. Mê nó lắm thì cũng có chừng mực thôi. Với riêng tôi, một thày giáo nghỉ dạy học đã 24 năm rồi thì việc làm thế nào để tiêu hết khoảng thời gian đó là hết sức gian nan. Không thể chơi bời lêu lổng vì tiền bạc và sức khỏe rất có hạn. Chẳng lẽ cứ vẽ mãi cho chật nhà? Tôi phải chuyển nhà bốn lần cũng vì quá chật chội. Viết văn ít nhất cũng không làm ngôi nhà của tôi chật chội thêm. Mỗi cuốn sách của tôi chỉ từ sáu đến mười vạn chữ. Máy tính tậm tịt cũng có thể chứa vài trăm cuốn như vậy. Hơn nữa, những thứ viết ra chẳng bao giờ mất đi đâu cả, ít nhất khi mình còn sống. Tranh vẽ ra thì không được như vậy. 24 năm tôi đã làm khá nhiều việc vô tăm tích hơn viết văn. Và bây giờ chính là lúc dùng trải nghiệm ấy vào việc viết.

- Ở tuổi của ông, danh tiếng đã không còn quan trọng, kiếm tiền bằng việc viết lại càng không. Vậy, ông viết để "tìm kiếm" điều gì cho cá nhân mình?

+ Niềm vui. Có thể chắc chắn trả lời ngay như vậy. Tôi vui và cũng mong bạn đọc vui với những gì tôi viết ra. Dù sao thì ngôn ngữ loại hình này cũng đông người thưởng thức hơn hội họa. Có rất nhiều điều nếu như nói bằng văn chương chỉ mất vài dòng nhưng với hội họa thì không thuận tiện như vậy. Tất nhiên hai ngôn ngữ là khác nhau nhưng cái đích đến của tôi chỉ có một. Đó là cái đẹp. Tôi băn khoăn nhiều nhất với bức tranh xấu và câu văn dở. Đã xấu và dở thì chẳng nói lên điều gì ngoài việc "nổi tiếng".

- Ngay sau khi cầm trên tay cuốn sách ông vừa xuất bản, bạn đọc lại đặt câu hỏi, ông sắp cho họ đọc tiếp cuốn gì đây. Cuốn sách sắp tới của ông vẫn còn trong ngăn kéo, hay đã nằm trên bàn của người biên tập rồi, ông có thể chia sẻ với bạn đọc chăng?

+ Cũng chẳng có gì bí mật cả. Có vài cuốn tiểu thuyết, truyện dài và tạp văn đã nằm ở nhà xuất bản từ khá lâu rồi. Việc nó được in ra lúc nào thì tôi không thể biết. Mong là sẽ sớm thôi. Có thể cuốn truyện cho thiếu nhi sẽ ra sớm nhất. Chẳng cần tiết lộ thì bạn đọc cũng biết rằng tôi chỉ viết về đô thị. Cụ thể hơn là Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Dĩ nhiên là những thứ tôi biết về nó kỹ nhất.

- Xin cảm ơn họa sĩ Đỗ Phấn

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.