Hoạ sĩ Còm đam mê hí hoạ

Thứ Sáu, 02/02/2007, 08:00

Sau chân dung nghệ sĩ, Hữu Khoa sẽ tiếp tục hí họa chính khách, và sẽ thực hiện dự án mỗi năm một triển lãm hí họa tại Việt Nam. “Hí họa đang là niềm đam mê số một của tôi” - Hữu Khoa nói.

Hoạ sĩ Còm chính là Nguyễn Hữu Khoa - người khá nổi tiếng ở thể loại tranh biếm họa với hai bút danh: Khoái và Còm. Với bút danh Khoái thì không nói ra, hẳn ai cũng ngầm hiểu ý nghĩa của nó rồi. Khoái, đương nhiên là… khoái(!). Còn Còm thì sao? Vì Hữu Khoa vốn người tương đối còm nhom; sinh năm 1973 mà vóc dáng phảng phất nét của một cụ đồ nho, gầy yếu, xưa cũ. Nói là nói vui vậy, thật ra Hữu Khoa là một họa sĩ rất tươi trẻ, năng động.

Anh đích thực là con người của “nhịp sống số” hôm nay, cùng một lúc chạy đua với ba niềm đam mê… theo thứ tự. Mê nhất: hí họa; mê nhì: điêu khắc; mê ba: thiết kế bìa sách. Tất nhiên, ngoài ba niềm đam mê trên, Hữu Khoa còn mê nhiều thứ “lung tung” khác. Nhưng, tựu trung những đam mê khác cũng quay lại “phục vụ” ba niềm đam mê được đánh số thứ tự trên.

Hữu Khoa vốn là họa sĩ trình bày của báo Sinh viên, Hoa học trò trong suốt hơn 10 năm. Sau đó, vì muốn quay trở lại với sáng tác, dành thời gian cho nó nhiều hơn, anh đã xin nghỉ công việc ở tòa báo. Hữu Khoa có cổ phần ở Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam, đồng thời kiêm luôn công việc họa sĩ thiết kế bìa sách.

Thời gian tương đối thong thả, anh tập trung cho sáng tác, điêu khắc. Thế nhưng, vào khoảng năm 2003, Hữu Khoa bất ngờ nhận được lời mời vẽ tranh hí họa cho trang mục “Hầu chuyện VIP” của báo Lao Động. Đây là cách làm tương đối mới của tờ báo, thay vì in ảnh chân dung thì bức chân dung đó sẽ được Hữu Khoa thể hiện dưới dạng tranh hí họa.

Hữu Khoa cho biết: “Thật ra trước đó tôi cũng đã có thời gian dài cộng tác với nhiều tờ báo ở thể loại tranh biếm họa với hai bút danh đồng thời là Khoái và Còm. Hí họa là một mảng nhỏ trong biếm họa, chủ yếu là đặc tả chân dung với thủ pháp khuếch trương, bóp méo… Nói chung làm chân dung đó “biến dạng” đi với một vẻ hài hước, ấn tượng. Tất nhiên, “bóp méo” không thôi chưa đủ mà phải cài đặt vào đó ý tưởng để bộc lộ được chân dung của từng nhân vật…”.

Từ một công việc “đánh thuê” đó, Hữu Khoa càng làm càng mê. Anh mê bởi càng làm… càng thấy khó, chứ không đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Qua một tấm ảnh chân dung, có thể thực hiện ngay một bức hí họa trong vòng một giờ đồng hồ. Nhưng, quả thật, những tấm ảnh “động” không lột tả hết được hồn vía của một con người. Muốn có một bức hí họa đẹp, có hồn thì tác giả phải gặp gỡ nhân vật đó nhiều lần, ngắm nhìn từ nhiều góc độ, chộp được cái khoảnh khắc thể hiện trạng thái tình cảm của nhân vật đó một cách sinh động nhất.

Nghệ sĩ Thuý Nga, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Đỗ Trung Quân qua nét bút của Hoạ sĩ Còm.

Hữu Khoa bảo đó là điều anh cảm thấy chưa hài lòng khi thực hiện những tác phẩm hí họa, bởi không phải người nổi tiếng nào cũng dễ dàng tiếp cận, với lại nhiều khi thời gian không cho phép. Dù vậy, Hữu Khoa vẫn cố gắng thực hiện những chân dung hí họa một cách hoàn hảo nhất, không chỉ dừng lại ở vị trí một bức minh họa mà đẩy lên thành tác phẩm hội họa.

Hí họa 1 là cuộc triển lãm đầu tiên của Hữu Khoa tại Mai’s Gallery (16 A, Nguyễn Huệ, TP HCM, từ ngày 5/1 đến 26/1/2007) với sự “hiện diện” của 25 gương mặt văn nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng của Việt Nam.

Chọn nghệ sĩ  để mở màn cho triển lãm hí họa, bởi Hữu Khoa hiểu nghệ sĩ vốn cởi mở và có phần… dễ tính. Trên thực tế, hí họa ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ, nếu không quen, nhiều người sẽ “dị ứng”, thậm chí sẽ “nổi khùng” khi nhìn chân dung hí họa của mình.

Xem Hí họa 1 của Hữu Khoa là “gặp” một nhà thơ Đỗ Trung Quân với gương mặt “xí trai thường trực” và cái bụng là một… quả bom nổ chậm. Đây là một Đỗ Trung Quân “khoái nổ” khi gặp bạn bè và luôn trong tâm trạng muốn… bùng nổ. Sau cái bụng bom của Đỗ Trung Quân lại gặp đạo diễn Doãn Hoàng Giang với cái bụng… mang bầu(!).

Sao kỳ vậy? Hữu Khoa tiết lộ: “Tôi biết ông đạo diễn này rất ít, lại không thích xem kịch. Nhưng tôi ấn tượng bởi câu nói của ông. Ông từng nói: “Nếu tôi là phụ nữ, suốt đời tôi sẽ… chửa hoang vì tính cả nể”.

Còn nhà thơ - dịch giả Dương Tường thì là một gương mặt… treo trên giá thơ; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cầm một “dụng cụ” mà một đầu ngòi bút, đầu kia cây cọ; nhà văn Lê Lựu thì đang cởi giày đưa tất… lên ngửi; nhà văn Tạ Duy Anh thì tay cầm bút, cưỡi trên mình một… con ngan; nhà văn Nguyễn Quang Lập khoe cái bụng bự trên màn hình một cái tivi v.v…

Xem tranh hí họa của Hữu Khoa nói chung là… khoái(!). Người Việt nói chung là có tính hài hước, nhưng thông thường thích ghẹo người khác chứ ít ai thích bị ghẹo. Nhưng, nghệ sĩ thì có khác, họ biết tự giễu mình. Cho nên, khi “gặp lại mình” ở phòng tranh này, nhiều người không kiềm được tiếng cười. Và, Hữu Khoa lại có thêm những “đơn đặt hàng” mới.

Sau chân dung nghệ sĩ, Hữu Khoa sẽ tiếp tục hí họa chính khách, và sẽ thực hiện dự án mỗi năm một triển lãm hí họa tại Việt Nam. “Hí họa đang là niềm đam mê số một của tôi” - Hữu Khoa nói. Và, tôi thấy những “nghệ sĩ trên tường” như đang nheo mắt nhìn anh… tủm tỉm cười(!)

Trần Nhã Thuỵ
.
.