Hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình, thêm một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Năm, 31/08/2017, 12:21
Tính phổ biến dân dã là đặc biệt rộng lớn, hầu như người dân Lệ Thủy nào cũng biết hò hoặc ít nhất là xố theo các mái hò quen thuộc. Khả năng tiếp thu, đồng hóa trong giao lưu của Hò khoan là rất lớn. Những phẩm chất đẹp đẽ của dân ca Bình Trị Thiên sẵn sàng được chuyển hóa một cách nhuần nhị và tạo nên sắc thái của Hò khoan Lệ Thủy. Đây là một minh chứng về cốt cách vững bền và mạnh mẽ của dân ca này...


I. Ngày 8-5-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là điều mà nhân dân Quảng Bình nói chung và nhân dân Lệ Thủy nói riêng mong đợi bấy lâu. Trong những ngày Tháng Tám này. Khắp các câu lạc bộ, trường học… các nghệ nhân, học sinh đều khẩn trương luyện tập của cho Lễ đón nhận và vinh danh Hò khoan Lệ Thủy sẽ được tổ chức vào ngày 31-8-2017 gắn liền với Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm.

Mảnh đất Lệ Thủy được hình thành vào thế kỷ XI dưới triều đại nhà Lý trong công cuộc mở cõi quốc gia Đại Việt ngày càng rộng lớn. Đến đời Trần, nơi đây đã là nơi tụ cư đông đúc và phồn vinh của người Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông trong cuộc du hóa phương Nam năm 1301 đã lập am Tri Kiến bên dòng Kiến Giang để quảng hoằng Phật pháp.

Dương Văn An (1514-1591), quê ở thôn Tuy Lộc (Lệ Thủy) – người đã viết Ô Châu cận lục (1553), một cuốn địa lý văn hóa lịch sử thuộc loại đầu tiên của vùng Ô Lý - đã cho chúng ta thấy muôn mặt của đời sống cư dân nơi đây. Đặc biệt ông đã cung cấp cho chúng ta sự phổ biến của các lễ hội đua thuyền, đưa linh chèo cạn, ca bài chòi… những sinh hoạt văn nghệ dân gian đến nay vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt hát Hò khoan. Ông còn viết thổ âm vùng này cũng giống như thổ âm vùng Hoan Ái. Thổ âm là chất liệu hàng đầu làm nên đặc sắc của dân ca, điều này chứng tỏ mối quan hệ của văn nghệ dân gian của vùng Thanh - Nghệ với Hò khoan nơi đây.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam mở cơ đồ chúa Nguyễn, đóng dinh gần 10 năm ở Ái Tử (Quảng Trị), chính mảnh đất này đã là nơi cung cấp chủ yếu nhân tài vật lực cho sự nghiệp đó. Trong đó, chắc chắn có ảnh hưởng của dân nhạc từ đây tràn vào phía trong.

Chúa Nguyễn Phúc Chu - đời chúa thứ 6 - đã tặng chùa Hoằng Phúc nơi đây đại tự mang 4 chữ “Vô song phúc địa” thừa nhận mảnh đất này là tiền tiêu của chính quyền Đàng Trong.

Hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình giao lưu với Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh trên sân khấu ca nhạc.

Năm 1802, Nhà Nguyễn được nước, đóng đô tại Thuận Hóa, xây dựng nền văn hóa cung đình tụ hội những tinh hoa dân gian đến bác học. Văn hóa cung đình lại có dịp tỏa rộng ra chốn dân gian. Chắc chắn thời gian này, Hò khoan Lệ Thủy đã tiếp thu những tinh hoa văn hóa đó để làm phong phú các lối mái của chính mình. Tổng thể các mái hò dần dần được định hình và mang sắc thái địa phương một cách rõ rệt. Có thể nói, thời Nguyễn là thời gian bừng nở và ổn định hệ thống Hò khoan Lệ Thủy.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Hò khoan Lệ Thủy mang một sứ mệnh mới: Tuyên truyền yêu nước chống Pháp. Những giai thoại của nhiều nghệ nhân yêu nước đối đáp đấu tranh với quân giặc còn lưu truyền đến ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám thành công và sau đó là 9 năm kháng chiến trường kỳ, Hò khoan Lệ Thủy xứng đáng là một vũ khí tham gia kháng chiến kiến quốc thành công. Mảnh đất nơi đây mang danh Bình Trị Thiên khói lửa, Hò khoan Lệ Thủy ngân vang tiếng hát cùng dân ca Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trong mối giao hòa nghệ thuật.

Sau Hiệp định Geneva 1954, đất nước tạm chia làm hai miền, cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Đất Quảng Bình lại được mệnh danh là tuyến lửa. Đoàn văn công Bình Trị Thiên được thành lập nơi đây mà thành phần chủ yếu là những trai thanh gái lịch Quảng Bình mang đậm trong lòng truyền thống dân ca xứ sở. Hò khoan được từng bước sưu tầm, phát triển và trình diễn trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” cũng xuất phát từ nơi đây.

Sau chiến thắng Mùa Xuân 1975, đất nước bước vào thời kỳ hậu chiến gian khó nhưng tiếng hát Hò khoan vẫn phát triển phục vụ các nhiệm vụ xây dựng cuộc sống mới.

Công cuộc đổi mới không chỉ đưa đất nước phát triển về kinh tế mà văn học nghệ thuật cũng có những bước phát triển khởi sắc, phong phú. Hò khoan Lệ Thủy được các cấp chính quyền quan tâm và nhân dân gìn giữ.

Có thể nói, Hò khoan Lệ Thủy trong thời kỳ hiện đại hoàn toàn có thể tự hào rằng đã hoàn thành tốt nhất sứ mạng nghệ thuật, sứ mạng chính trị của một dân ca trước nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng quê hương, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

II. Trên thực trạng hiện nay về mặt dân nhạc, Hò khoan Lệ Thủy là một hệ thống gồm 9 mái hò chính. Mỗi mái là một làn điệu tự thân mang cấu trúc âm nhạc riêng dù nằm trong một tổng thể có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tính đến một số làn điệu có mối quan hệ chặt chẽ như hát ru, kể vè… Bộ phận quan trọng nhất là các mái hò khu vực đồng bằng trung tâm: Mái dài, mái nhì, mái chè, mái ba, mái xắp, mái nện. Sáu mái hò này được diễn xướng phổ biến trong đời sống nông nghiệp và ở vùng sông nước đồng bằng. Bộ phận tiếp theo là mái hò Lĩa trâu ở vùng đồi núi. Bộ phận thứ ba là hai mái hò ở vùng biển: Hò khơi và Nậu xăm. Như vậy, quan sát tổng quan, đại đồng tiểu dị, ta có thể coi Hò khoan Lệ Thủy gồm 9 mái hò tách biệt.

Đua thuyền trên sông Kiến Giang.

Di sản Hò khoan Lệ Thủy được nhìn nhận như là một hệ thống riêng đóng góp những đặc sắc văn hóa của mình cho kho tàng dân ca nói chung. Những đặc sắc đó có thể nhận ra qua các phương diện sau:

Sự gắn bó còn tươi ròng của nó với đời sống thực tiễn, đời sống tinh thần của người lao động. Hầu như lĩnh vực lao động nào cũng có mặt Hò khoan: Đẵn gỗ, chèo thuyền, đi đường, đập đất, cày ruộng, cấy hái, thu hoạch, nện nền, cất nhà, đẩy đò, ra khơi, vào lộng, kéo lưới… Trong tổng thể dân ca các vùng miền không nơi đâu yếu tố hò lại tập trung đậm đặc như nơi đây.

Dù gắn với lao động trực tiếp nhưng tính chất trữ tình lại hoàn toàn nổi trội trong Hò khoan Lệ Thủy. Nhân dân gửi gắm vào đó tâm tư tình cảm, khát vọng, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Tính phổ biến dân dã là đặc biệt rộng lớn, hầu như người dân Lệ Thủy nào cũng biết hò hoặc ít nhất là xố theo các mái hò quen thuộc. Khả năng tiếp thu, đồng hóa trong giao lưu của Hò khoan là rất lớn. Những phẩm chất đẹp đẽ của dân ca Bình Trị Thiên sẵn sàng được chuyển hóa một cách nhuần nhị và tạo nên sắc thái của Hò khoan Lệ Thủy. Đây là một minh chứng về cốt cách vững bền và mạnh mẽ của dân ca này.

Tùy theo hoàn cảnh diễn xướng, phong cách diễn xướng mà Hò khoan Lệ Thủy rất uyển chuyển trong khả năng biểu hiện. Hơn nữa, từ trong truyền thống, tổ hợp các mái hò đã tự nhiên hình thành làm cho Hò khoan Lệ Thủy có một sự biểu hiện hết sức đa năng, không gò bó trong một khuôn sáo nhất định.

Trong thời kỳ hiện đại, Hò khoan Lệ Thủy mở rộng dung lượng để phản ánh được các vấn đề thực tế của đời sống là chính nhờ sự phong phú đó.

Hò khoan Lệ Thủy còn lại chất liệu âm nhạc thuận tiện cho việc sáng tác những ca khúc mới mang âm hưởng dân ca mà tác phẩm Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân là một minh chứng tiêu biểu nhất.

III. Sự công nhận ở cấp Quốc gia một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm trách nhiệm của thể chế văn hóa về việc thấu hiểu, bảo lưu, phát triển và quảng bá di sản đó. Ý thức về những nhiệm vụ này từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lệ Thủy lần thứ XXII (2010 - 2015) và lần thứ XXIII (2015 - 2020) đã nêu rõ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy Hò khoan.

Các câu lạc bộ đã được thành lập, kiện toàn, phong trào hát Hò khoan trong nhà trường đã được phổ biến và tiến hành các cuộc thi hằng năm cho các cấp học. Với sự công nhận Di sản văn hóa, Hò khoan Lệ Thủy đang bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy khởi sắc.

Hoa Khai
.
.