Hình tượng người chiến sĩ an ninh trên kịch trường Hà Nội

Thứ Năm, 26/10/2006, 15:00

Hình tượng người chiến sĩ an ninh trên kịch trường Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng về số lượng và nổi bật, sâu sắc về chất lượng. Những hình tượng ấy làm thành một hệ thống nhân vật có sự phát triển nội tại cả về nội dung diễn tả và thi pháp nghệ thuật. Hệ thống hình tượng người chiến sĩ an ninh trên kịch trường Hà Nội phát triển theo hai chiều: rộng và sâu.

Về chiều rộng, hệ thống này được hình thành từ một số vở xây dựng hình tượng người chiến sĩ an ninh trong cuộc đối đầu với kẻ thù của dân tộc, tức là trong tình huống xung đột mang hình thái địch - ta như giới sân khấu thường nói. Và từ việc diễn tả cuộc đối đầu địch - ta trong hoạt động của các chiến sĩ an ninh, các vở kịch đã triển khai ra cuộc “đối đầu nội bộ” trong hoạt động phức tạp, khó khăn và đầy nguy hiểm của các chiến sĩ an ninh.

Cuộc “đối đầu nội bộ” - tôi tạm gọi như vậy - phần nhiều được diễn tả trong các vở kịch thời kỳ sau này, tức là thời kỳ đối thủ trực tiếp hiện diện của các chiến sĩ an ninh sẽ không còn chỉ là địch, là đế quốc nham hiểm và Việt gian phản động nữa, mà còn là những đồng đội, chiến hữu, là những người thân yêu ruột thịt của mình. Các vở kịch của Hữu Ước, Xuân Cải và một số tác giả khác đều là những vở như thế.

Trong nhiều vở kịch của Hữu Ước đã được dàn dựng và xuất bản, tôi đánh giá cao nhất là vở “Vòng xoáy”. Vì sao? Vì hình tượng những chiến sĩ an ninh ở đây được diễn tả trong một hình thái xung đột mới có những giá trị phản ánh những nét mới của hiện thực xã hội. Các nhân vật như Thiếu tướng Bảy Thắng, Hoàng Lê, Hoàng Dũng và nhất là Hoàng Dũng được ném vào một tình huống có vẻ rất đời thường nhưng lại rất có tính kịch. Tác giả đã nhìn thấy tính chất căng thẳng đến quyết liệt trong cuộc sống và cuộc đấu tranh, trong cuộc đời và sự nghiệp, trong đời thường và trong những biến cố của các chiến sĩ an ninh. Từ một cán bộ cao cấp trong ngành an ninh, Trung tá Tư Hoàng đã trở thành một nhân vật phản diện  thực thụ. Đứng trước Tư Hoàng, các nhân vật Sáu Quýt - trùm xã hội đen, Mỹ Uyên - người tình của Sáu Quýt chỉ còn là những cái bóng mờ nhạt. Ấy thế mà Tư Hoàng, một cán bộ chỉ huy cấp cao  của các chiến sĩ an ninh, lại phải quị lụy, lại phải nghe theo chúng, bị chúng chi phối để trở thành tay sai cho chúng. Sự nghịch thường này có thể đang được bình thường hóa trong đời sống chúng ta. Với con mắt nhà văn, Hữu Ước đã nhìn thấy cái tính nghịch thường đó và xung đột hóa nó trong vở kịch của mình.

Cuộc đương đầu của Thiếu tướng Bảy Thắng, của Hoàng Dũng, của Hoàng Lê do đó là cuộc đương đầu trong vòng xoáy, đương đầu với kẻ thù trong chiến hữu… nó vô hình nhưng vì thế mà rất nguy hiểm. Xung đột kịch được đẩy lên đỉnh điểm khi chính chiến hữu của mình lại giết mình. Có hai cảnh mà những chiến hữu dùng để giết nhau: Một là trao vũ khí cho kẻ sát nhân (như tên Vương chủ trong vở kịch “Lãng quên tên Êrôstrat” đã trao con dao cho tên tội phạm để nó đâm chết viên pháp quan anh minh); hai là tước vũ khí của đồng đội. Cách thứ hai này dã man hơn và cũng nguy hiểm hơn. Khi thấy Hoàng Lê - một trinh sát hình sự - phát hiện ra các âm mưu của bè lũ Sáu Quýt, Mỹ Uyên, những kẻ mà Trung tá Công an Lê Hoàng đã vì tiền và gái mà trở thành tay sai, Tư Hoàng đã tước vũ khí của Hoàng Lê để cho bọn chúng dễ dàng giết anh một cách uất hận. Đây là một lớp hay của vở kịch, bởi vì hình tượng người chiến sĩ an ninh được khắc họa trong một tình huống xung đột không cân sức đến mức dã man do chính những chiến hữu của anh tạo nên.

“Bóng đen 1: Mày còn lạ gì chúng tao. Mặt tao đây, mày nhìn rõ chưa, cái thằng đã có lần mày kề súng vào mang tai, mày không nhớ à?
Hoàng Lê: Tao nhớ rồi, hôm đó mày lạy van tao. Xin tao tha.
Bóng đen 2 (cười đểu cáng): Hôm nay người xin tha không phải là chúng tao. Mà là mày.
Hoàng Lê: Không đời nào (…) (Như một phản ứng tự nhiên đặt tay vào hông tìm súng - cả bọn phá lên cười).
Bóng đen 1: Mày tìm cái gì vậy con! Súng à? Thằng thầy mày đã tước mất của mày rồi, mày không nhớ à!…”.
Chúng xông vào đâm Hoàng Lê cho đến chết.

Một cảnh trong vở "Vòng xoáy".

Ở vở này, Hữu Ước đã có sự chuẩn bị chu đáo cho một tình tiết xung đột căng thẳng. Sự “treo súng” của anh đã có mục đích  để “súng nổ” ở một tình huống vừa bất ngờ vừa hợp lý trong tiếp nhận của người xem.

Một hình thái xung đột khác được các nhà viết kịch sử dụng để xây dựng hình tượng người chiến sĩ an ninh trong cuộc sống hiện nay. Đó là xung đột giữa những người thân yêu ruột thịt, hình thái mà Arixtốt cho là có kịch tính rất cao và đặc biệt có khả năng gây lo sợ và thương cảm cho người tiếp nhận tác phẩm.

Thực tế, hình thái xung đột gia đình trong đời thường đã là minh chứng cho sự mở rộng của kịch về hình tượng người chiến sĩ an ninh trong thời gian gần đây. Đó cũng có thể coi là một bước phát triển mới của kịch về đề tài an ninh, ít nhất là trên phương diện phản ánh hiện thực đời sống. Bởi vì, người chiến sĩ an ninh, ngoài môi trường công việc còn những mối quan hệ của đời sống hàng ngày như quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, yêu đương, nghĩa là tư cách người cha, người chồng, người anh, người bạn, người yêu v.v… Và hơn nữa, đôi khi hoạt động an ninh lại thâm nhập cả vào những mối quan hệ ấy.--PageBreak--

Vở “Phía sau vụ án” của Vũ Xuân Cải đã diễn tả hình tượng người chiến sĩ an ninh qua câu chuyện một đại úy cảnh sát kinh tế trong quá trình khám phá vụ trọng án đã vấp phải một trở ngại lớn là chính người vợ của mình. Cô ta đã chạy theo lối sống tiền và tình, một “mốt thời đại” hiện nay, để tiếp tay cho bọn xấu mà đứng đầu là một giám đốc thoái hóa. Hơn thế, cô ta còn phụ bạc chồng, trao thân cho kẻ thù của chồng - đối tượng mà công an kinh tế truy lùng. Xung đột kịch càng trở nên căng thẳng hơn, khi trung tá phòng cảnh sát kinh tế chính là cha đẻ của cô và chiến sĩ cảnh sát tham gia phá án lại chính là em ruột cô. Cái hình thức xung đột đan chéo, xoắn bện nhiều tuyến từ những mối quan hệ gia đình đời thường này đã làm cho tình huống kịch đôi lúc trở nên hết sức phức tạp và căng thẳng, đồng thời qua đó một nét sâu đậm nào đó của hiện thực cuộc sống hôm nay đã được tô đậm.

Ở vở “Khoảnh khắc mong manh” của Hữu Ước, một vở kịch hay, hấp dẫn, hình tượng người chiến sĩ an ninh đã được khắc họa trong hình thức xung đột đời thường. Chuyện kể về hai đối thủ không đội trời chung, nhưng lại có khả năng trở thành hai thông gia, khi mà con trai người này (thiếu tá công an) lại đi yêu con gái người kia (trùm maphia). Cái khả năng ấy được xung đột hóa, nó đã trở thành yếu tố thi pháp của kịch - yếu tố nguy cơ, cái nguy cơ treo lơ lửng trên cả hai đối thủ mà một khoảnh khắc mong manh, tức khoảnh khắc thăng hoa đột xuất từ phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ an ninh mới có thể triệt tiêu được. Sự hy sinh của Thiếu tá Hoàng Đảm trong cái khoảnh khắc mong manh đó đã đẩy hình tượng người chiến sĩ an ninh lên đài vinh quang.

Bây giờ xin chuyển sang một câu hỏi: Cái gì làm nên chiều sâu của hình tượng văn học nói chung và hình tượng kịch nói riêng? Câu trả lời ở đây thật không đơn giản, nhưng cũng có thể nói: chiều sâu ấy ở hành động bên trong của kịch, nó là nguyên nhân tạo nên các hành động bên ngoài mà ta hằng chứng kiến ở các nhân vật kịch. Chiều sâu ấy là chiều sâu của nội tâm nhân vật, nó cũng có thể là ngọn nguồn sâu xa của bề mặt sự việc mà nhân vật tiến hành. Và cả cái hành động bên trong, cái nội tâm nhân vật ấy đều là sự thể hiện của nội dung nhân bản và tinh thần nhân đạo, cái cơ thể và linh hồn muôn đời của văn học nghệ thuật.

Tôi xin mời các bạn nghe lại lớp kịch ở đỉnh điểm của mối xung đột giữa hai chiến hữu vào sinh ra tử để bây giờ một người đang đứng ở phía bên kia chiến tuyến của người chiến sĩ an ninh.

“Hoàng Dương: Mày có giỏi thì mày đánh tao đi. Mày căm giận bởi vì tao nói đúng tim đen của mày (gạt tay Tư Hoàng ra). Mày đã không còn là bạn tao, mày đã không còn là thằng Hoàng ngày nào. Và mày cũng không còn là người chiến sĩ công an nữa rồi. Mày đã quên đi quá khứ nghèo khổ nhưng trong trẻo của mày ngày xưa, và mày đã đánh mất truyền thống của một gia đình cách mạng mà bố mày đã phải hy sinh.
Tư Hoàng (gào lên): Câm! Câm ngay!
Hoàng Dương (càng nói càng hăng): Mày sợ sự thật phải không? Sự thật là sự thật, không ai có thể đổi trắng thay đen. Với mày, mày quá biết mày. Bàn tay của mày đã dính vào tội ác. Với cương vị của phó thủ trưởng cơ quan điều tra, mày đã làm ngơ và bảo kê cho tội ác ở cái thành phố này hoành hành. Mày đã để cho bọn tội phạm kiếm những đồng tiền nhơ bẩn trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của dân. Tệ hơn thế, mày đã để cho chúng nó, lũ mặt người dạ thú chém giết đồng đội, lính tráng và em út của chính mày. (Nỗi đau đớn hiện lên trên nét mặt, mãi Hoàng mới nói tiếp được): Mày và tao sáng nay đã phải chứng kiến nỗi đau khổ của anh Bảy. Tao hỏi, tao hỏi (túm cổ áo Tư Hoàng): Mày nghĩ gì? Mày nghĩ gì  khi một vị tướng công an đã phải bất lực như thế trước tội ác, hử, hử…”.

Đây là tình tiết lấp lánh (brilland) của vở kịch, nó đưa nhân vật vào cõi hồi ức suy tưởng và huyền thoại để cho mọi hành động bên ngoài trở nên không còn đáng kể nữa, để cho cái thế giới bên trong, hành động bên trong các nhân vật từ một luồng sâu nào đó nổi cuộn thành những đợt sóng, những con sóng của đại dương tình cảm tâm hồn con người.

Cũng theo cái xu thế đi sâu ấy mà vở kịch “Đám cưới trong đêm mưa” của Vũ Xuân Cải đã làm cả Hội thi sân khấu nhỏ 1996, tổ chức tại Ninh Bình, mà tôi ngồi ghế giám khảo, phải xúc động.

Tôi mới vỡ lẽ ra rằng, nguyên nhân sâu xa nhất giúp người chiến sĩ an ninh đến những hành động dũng cảm phi thường, đến những chiến công hiển hách, thầm lặng… đến những mất mát hy sinh và đến những niềm vui, nỗi buồn, đến những nỗi đau đớn và niềm hạnh phúc… chính là ở các anh đã ngấm vào máu thịt một chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam đích thực, và hình tượng về các anh càng trở nên cao đẹp hơn, chính là vì trong những hành động ấy đã tiềm ẩn những nội dung nhân bản

Tất Thắng
.
.