Hiện tượng đặt trùng tên sách: Người nổi tiếng cũng khó…tránh

Thứ Sáu, 04/12/2009, 14:00
Gần đây, đọc trên một số trang web, thấy các bạn viết nhắc nhiều tới cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Tự dưng trong ký ức gợi lên một nét gì quen quen. Hình như cái tên "Phiên bản" này đã được dùng làm tiêu đề cho một cuốn sách của ai đó xuất bản cách đây đã lâu.

Bất chợt một ngày phải "à" lên: Đó cũng là tên một tập thơ của nữ tác giả Đặng Thanh Hương. Tập thơ "Phiên bản" của Đặng Thanh Hương được Nhà xuất bản Văn học ấn hành cách đây dễ đã 15, 16 năm. Bỗng dưng nảy ra một ý: Thử tìm hiểu xem việc trùng tên sách ở văn đàn Việt Nam xảy ra có nhiều?

Trong làng văn Việt Nam, nếu kể một người rất khó tính trong việc chọn đặt tên sách bao giờ tôi cũng nhớ tới nhà thơ Tô Hà. Khi tập thơ "Sóng giữa lòng tay" (NXB Văn học, 1990) của anh còn nằm trên bàn biên tập, thoạt tiên anh đặt cho nó cái tên "Gió không mùa". Tô Hà đã chuẩn bị cho cái tên này khá công phu. Chữ phải in màu gì. Cái vinhét in kèm phía dưới ra sao vv và vv...

Thế nhưng, có ai đó "mách" với nhà thơ rằng, cái tên ấy nghe cũng quen quen, hình như có ai đã dùng rồi, hoặc không thì cũng gần với Nguyễn Bùi Vợi (nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có phần thơ in chung trong tập "Vầng trăng bạc" lấy tên là "Nỗi nhớ không mùa"). Thế là Tô Hà phải thay đổi ý định của mình.

Và tập thơ được thay bằng cái tên rút ra từ một câu thơ của anh: "Chấm buồm xa". Tập thơ sắp sửa đến nhà in thì một sự cố nảy sinh: NXB Lao động cho ra mắt bạn đọc tập thơ "Cánh buồm xa" của Trần Ngọc Thụ. Thế là lại phải đổi. Cuối cùng, Tô Hà quyết định dừng ở cái tên "Sóng giữa lòng tay".

Nhưng theo tôi thì Tô Hà cũng sẽ không thật vừa lòng với tên tập thơ của mình nếu như anh biết rằng, trước đấy, NXB Quân đội nhân dân đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ của Tô Nhuần, tập "Sóng có từ đâu" - một cái tên về âm hưởng nghe cũng hao hao như tên tập thơ của anh (cũng cần nói thêm là, cái tên sách "Gió không mùa" mà Tô Hà đã "né" từ năm ấy thì đến năm 2000, đã được nhà thơ Nguyễn Bạch Dương dùng để đặt cho một tập thơ của mình).

Có thể nói, trong các nhà thơ, Trần Ninh Hồ là tác giả có một số tên sách nghe khá gợi. Năm 1990, anh cho xuất bản tập thơ "Viết cho một người". Tập thơ này đã vào tới vòng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn (1991) rồi mới chịu...dừng lại. Một sự trùng hợp khá kỳ lạ, là trong năm 1990, nhà thơ Lê Thị Mây cũng cho xuất bản một tập thơ lấy tên là "Tặng riêng một người" (nghe không khác mấy so với tên sách của Trần Ninh Hồ), và tập thơ này, may mắn hơn tập thơ của Trần Ninh Hồ, không chỉ lọt vào vòng chung khảo mà còn đoạt Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm ấy.

Trước sự kiện này, có người đã đùa trêu Trần Ninh Hồ: "Viết cho" thua "tặng riêng" là đúng rồi, còn buồn gì nữa?

Nói vậy song cũng có khi, cả hai tập sách có cái tên na ná nhau và cùng... gặp hên. Ấy là khi tập thơ "Thấp thoáng trăm năm" của Trần Ninh Hồ được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1996) và tập tiểu thuyết "Trăm năm thoáng chốc" của nhà văn Vũ Huy Anh được tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2005).

Tất nhiên, có những cái tên sách khi được sử dụng ở thể loại này, và ở tác giả này thì không hẳn đã "phát huy tác dụng", song khi vào tay tác giả khác, và ở thể loại khác, lại tạo hiệu quả bất ngờ. Như năm 2000, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh ở Hội Văn nghệ Phú Thọ từng đặt tên cho tập thơ của mình là "Thăm thẳm cõi người". Đến năm 2007, nhà văn Đỗ Chu đặt tên cho tập tùy bút của mình là "Thăm thẳm bóng người" và đây được coi là một cái tên sách khá ấn tượng, rất hợp với nội dung cuốn sách.

Lẽ thường, có những tên sách nghe ra chỉ hợp với văn xuôi, như tên "Bất khuất" từng được bạn đọc một thời biết đến rộng rãi qua cuốn tiểu thuyết tư liệu của đồng chí Nguyễn Đức Thuận. Vậy nhưng, xem trong kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007), mới thấy cả cánh làm văn lẫn cánh làm thơ đều không dưới một lần dùng cái tên này đặt cho sách của mình.

Nếu như từ năm 1963, nhà văn Lê Phương đã đặt cho bộ tiểu thuyết 2 tập của mình là "Bất khuất", thì năm 1965, nhà thơ Văn Công cũng đặt tên cho tập thơ của mình là "Bất khuất". Có lẽ, ở thời điểm ấy, văn hay thơ đều gặp nhau ở một điểm: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" nên những cái tên sách "cứng cỏi" như vậy đều có thể được "dùng chung" chăng?--PageBreak--

Cũng trong cuốn kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại", tôi còn nhận thấy  nhiều nhà văn rất thích đặt tên sách là "Ảo ảnh", trong khi nhiều nhà thơ lại thích đặt tên sách là "Lời yêu". Cái tên "Nước mắt của đá" nghe khá khơi gợi không chỉ được nhà thơ Ngô Minh đặt cho tập thơ của mình (năm 1991), mà 14 năm sau, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh cũng lại dùng nó để đặt tên cho một tập truyện ngắn.

Không chỉ trở đi trở lại trên mặt báo, cái tên "Một thời để nhớ" cũng được dùng nhiều làm tên sách. Nếu như từ năm 1994, nhà văn Bá Dũng ở Nghệ An đã có tiểu thuyết "Một thời để nhớ", thì năm 2001, nhà văn Nguyễn Đình Chính lại có tiểu thuyết "Một thời để nhớ". Và đến năm 2006, nhà văn Tô Đức Chiêu cũng lại có tiểu thuyết "Một thời để nhớ".

Ấy là chưa kể, trước đó, từ năm 1990, nhà văn Đặng Thư Cưu đã có tiểu thuyết "Một thời để nhớ để quên". Đọc những cái tên sách nói trên, có thể có người bật cười mà rằng: Các nhà văn vốn là những người giàu cảm xúc, nên đối với họ, thời nào mà chẳng là "thời để nhớ", "Thời đáng nhớ"...

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa từng có lần tâm sự với tôi rằng: Trong việc đặt tên sách, thì mảng sách lý luận, phê bình văn học là khó đặt tên nhất. Làm sao phải để cho nó vừa không quá khô khan, lại vừa hợp với nội dung, lại không trùng lặp. Đây là những yêu cầu xem ra dễ mâu thuẫn với nhau.

Và anh nêu ví dụ: Nhà phê bình Lại Nguyên Ân đặt tên cho tập sách của mình là "Sống với văn học cùng thời" (năm 1997), thì đến năm 2000, nhà phê bình Phạm Quang Trung lại đặt tên cho tập sách (cũng lý luận phê bình) của mình là "Sống với văn chương cùng thời", như vậy thì có gì khác nhau? Tôi tán thành quan điểm này của Nguyễn Hòa, song nhìn vào thực tế mới thấy, việc để có những cái tên sách độc đáo, không chút "gợi nhớ" tới bất cứ cái tên sách nào khác của ai đó quả là một việc cực kỳ khó khăn.

Ví như, năm 1995, nhà thơ Ngô Xuân Hội có tập thơ "Những con chim kêu đêm" thì sau đó ít năm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho xuất bản một tập thơ với tên gọi "Bài ca những con chim đêm".

Năm 1975, nhà văn Nguyễn Đức Hiền cho xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử "Sao Khuê lấp lánh" (viết về Nguyễn Trãi) thì tới năm 1998, nhà văn Lê Nguyên Ngữ cũng lại cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Sao mai lấp lánh" (tôi chưa được đọc cuốn này nên không rõ tác giả viết về ai).

Năm 1987, nhà văn Chu Lai cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết lấy tên là "Gió không thổi từ biển" thì tới năm 2006, nhà thơ Trần Quốc Minh ở thành phố biển Hải Phòng lại đặt tên cho tập trường ca của mình là "Gió thổi từ biển". Năm 2000, nhà thơ Trần Nhương cho xuất bản tập thơ "Gió tháng ba vẫn thổi" thì gần đây, tôi lại đọc thấy nhà thơ Tô Nhuần đặt tên cho tập thơ mới xuất bản của mình là "Gió triền sông vẫn thổi".

Như vậy, về âm vận, tên các cuốn sách nói trên nghe na ná nhau, nhưng về ngữ nghĩa lại có chỗ khác nhau. Biết đâu đấy lại là chủ ý của các tác giả chứ không phải chỉ vô tình là sự trùng hợp?

Lại có trường hợp, như vào năm 1989, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt tên cho một tập thơ mới xuất bản của mình là "Lúc ấy, biển". Năm 2007, nghĩa là gần 20 năm sau, nhà thơ Vũ Quần Phương lại có tập thơ "Chỗ ấy, sóng...". Không biết ông có nghĩ tới tên tập thơ của Nguyễn Thụy Kha khi đặt cho tập thơ của mình cái tên này không? Chỉ biết rằng, khi có người hỏi đùa: "Chỗ ấy là chỗ nào?" thì tác giả đã cười mà rằng: "Chỗ ấy là...chỗ ấy chứ còn chỗ nào nữa?".

Ngoài việc trùng tên (toàn bộ, hoặc một phần) với các tên sách trong nước, còn có trường hợp trùng tên với những cuốn sách nổi đình nổi đám của các tác giả nước ngoài, như trường hợp tập thơ "Lá cỏ" của nhà thơ Tạ Vũ (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001).

Cái tên của tập thơ khiến bạn đọc liên tưởng tới tập "Lá cỏ" của thi hào Mỹ Walt Whitman. Điều lạ là ở ngoài mặt bìa chính của cả hai tập thơ đều không có hình thù gì ngoài hai chữ Lá cỏ được các họa sĩ trình bày cách điệu, gợi hình những lá cỏ. Được biết, tác giả Tạ Vũ không phải là người "sính ngoại" nên việc ông đặt tên tập thơ như vậy chỉ có thể giải thích đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên...

Như vậy, qua những dẫn chứng trên, bạn đọc có thể thấy rằng, trong cái bể sách mênh mông này, để tìm ra được một cái tên sách vừa ấn tượng vừa không trùng lặp với bất kỳ một cuốn sách nào đã xuất bản trước đó là một điều vô cùng khó khăn. Nói thế để chúng ta thông cảm cho nỗi nhọc nhằn chữ nghĩa của các nhà văn

Nguyễn Trường Văn
.
.