“Hiếm” nhưng chưa “quý”

Thứ Năm, 10/12/2009, 11:00
Cách đây quãng hai mươi năm, anh đoạt giải nhất một cuộc thi thơ bằng một bài lục bát. Sau khi đoạt giải, nghĩ mình là người có sở trường về thơ lục bát, có đẳng cấp trong thơ lục bát, anh liền tập trung vào viết thơ lục bát và chỉ có thơ lục bát thôi. Anh tự cho thơ lục bát của mình là số một trong thiên hạ. Anh khai thác chất ngụ ngôn, viết về vật để nói về người. Bài thơ nào của anh cũng dài lê thê.

Để giúp bạn đọc nắm bắt được cái cốt yếu trong sự "cách tân" của anh, chúng tôi xin trích dẫn mấy "khẩu" lục bát mà anh là tác giả và anh cho là thành công nhất.

"Khẩu" thứ nhất:

Chó đực đang sủa gâu gâu
Vừa thấy chó cái ngây râu ra nhìn.

"Khẩu" thứ hai:

Vịt đực đứng ở bờ ao
Vừa thấy vịt cái, nôn nao cả người.      

"Khẩu" thứ ba:

Gà trống đứng trên đống rơm
Thấy ả gà mái mắt lườm đăm đăm.

Mấy"khẩu" thơ này ngây ngô, kỳ cục và buồn cười như thế nào, xin dành bạn đọc đánh giá. Riêng tôi thì tôi tin vào lời kể của một nhà thơ có tuổi:  "Thấy tay ấy đọc thơ mà tôi không nhịn được cười, có lúc còn cười ra nước mắt nữa kia. Buồn cười nhất là hai câu: Gà trống đứng trên đống rơm/ Thấy ả gà mái mắt lườm đăm đăm".

Sau khi đoạt giải, tự cho mình là kẻ đại tài, anh bèn nhìn mọi người bằng nửa con mắt. Đang là bác sĩ của một bệnh viện tỉnh hẳn hoi, vậy mà anh cũng viết đơn xin từ nhiệm.

Có người bảo:

- Thì vừa là bác sĩ, vừa là nhà thơ, cũng được chứ sao!

Anh đáp lại, giọng giật cục như súng AK bắn tắc cú:

- Sao tôi không hiểu nhà thơ là nhà thơ, bác sĩ là bác sĩ. Nhưng tôi muốn tách tất cả ra, chỉ để làm thơ thôi. Đấy là cách hành xử của một kẻ “tử vì đạo”. Mà ở đời, không sống hết mình vì cái gì thì đến bao giờ có cơ hội trở thành cái gì được.

- Nhưng tôi chưa thấy ở nước ta, có ai sống bằng thơ được.

- Thì tôi sẽ chứng minh cho anh thấy, mọi người thấy.

- Nhưng dẫu có làm thơ hay thì cũng chỉ giải quyết được cái danh thôi, không giải quyết được cái lợi đâu!

- Thế ở đời, danh quan trọng hay lợi quan trọng?

- Cái gì cũng quan trọng cả. Nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ" đâu!

Rồi, bỏ mặc mọi lời khuyên can, anh vẫn khăng khăng giữ vững chủ ý của mình. Rồi, trong khi người ta bỏ rừng ra phố thì anh lại bỏ phố lên rừng, mưu sinh bằng nghề bốc thuốc.

Sau hai mươi năm được coi là "tử vì đạo" theo quan niệm của mình, tôi thấy đời sống của anh và cả gia đình anh ngày một khó khăn. Và cũng trong hai mươi năm ấy, tôi không thấy anh có một bài thơ nào thực sự gây ấn tượng. Tóm lại, anh vẫn không vượt nổi mình, vượt nổi cái ý thơ "Màu xanh cùng với chân trời nhú ra" ngày nào. Hình như sự trả giá này không gặt hái được kết quả như mong muốn thì phải.

Tôi không biết đánh giá về anh thế nào cho phải, chỉ dám nghĩ: Dù sao anh cũng là một người lạ lẫm, là một kẻ yêu thơ khờ khạo, là một kẻ đáng yêu trong làng văn. Nhưng, dù có thế nào thì người như anh cũng là người hiếm. Còn hiếm có dẫn đến quý không, lại là một việc hoàn toàn khác

Đặng Huy Giang
.
.