Hệ thống bảo tàng Mỹ: Chứng nhân sống động của lịch sử

Thứ Năm, 01/11/2012, 08:10
Nước Mỹ là một quốc gia có hệ thống bảo tàng phong phú nhất trên thế giới với 17.000 cơ sở. Hầu như thành phố nào, tiểu bang nào của Mỹ cũng có bảo tàng. Riêng Thủ đô Washington D.C, một phức hợp bảo tàng đồ sộ, mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách trên khắp thế giới tới thăm và nghiên cứu...

Washington D.C là nơi tập hợp những công trình kiến trúc đồ sộ, vĩ đại và giàu ý nghĩa nhất nước Mỹ như: Nhà Quốc hội; Đài tưởng niệm George Washington - Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ; Nhà tưởng niệm Tổng thống thứ ba nước Mỹ Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập lừng danh thế giới với những tư tưởng tiến bộ mà nhiều quốc gia khác trích dẫn lại trong tuyên ngôn của mình. Cuối không gian quốc gia là nhà tưởng niệm Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ, người có công giải phóng nô lệ; cạnh đấy là bức tường hình chữ V nổi tiếng khắc tên 58.209 người Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam...

Trong số phức hợp bảo tàng quanh The National Mall, lừng danh nhất là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ và bảo tàng Hàng không và Không gian Hoa Kỳ - những địa chỉ thu hút khách thăm quan nhiều nhất trong 364 ngày mỗi năm (các bảo tàng chỉ nghỉ 1 ngày Lễ Giáng sinh).

Bảo tàng Hàng Không và Không gian Hoa Kỳ trưng bày theo hai nội dung. Hàng không dân dụng gồm một bộ sưu tầm khổng lồ cùng một khối tư liệu đồ sộ về sự hình thành và phát triển của ngành Hàng không thế giới kể từ khi con người bay lên khỏi mặt đất. Ở đây còn giữ được mô hình chiếc máy bay đầu tiên do anh em họ nhà Wright chế tạo và cất cánh lên được 852 feet trong 59 giây ngày 17 tháng 12 năm 1903 tại Kitty Hawk, North Carolina đánh dấu việc con người đã thành công trong giấc mơ bay lên khỏi mặt đất.

Ở nội dung chinh phục không gian và các loại máy bay quân sự, vũ khí chiến đấu của không lực Hoa Kỳ, du khách say mê, thán phục trước các loại tên lửa không gian, các phi thuyền đưa người vào vũ trụ. Du khách được sờ tận tay hòn đá mặt trăng, chiếc xe, quần áo, lá cờ Mỹ... mà nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng mang về. Ông còn là người nổi tiếng thế giới với câu nói: "Đây là bước đi nhỏ của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại". N. Armstrong qua đời  vào ngày 25/8/2012 ở Mỹ, thọ 82 tuổi và được an táng theo hình thức thủy táng tro cốt trên Đại Tây Dương. Bảo tàng lịch sử Hàng không và Không gian được mở cửa vào ngày 1/7/1976, nhân 200 năm thành lập Hoa Kỳ.

Một gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.

Cách đó không xa là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Đây là bảo tàng Tự nhiên lớn nhất trên thế giới với hàng trăm triệu mẫu vật được chia làm 12 khu trưng bày rất lớn. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ mở cửa từ ngày 17 tháng 3 năm 1910. Đây còn là nơi nghiên cứu, làm việc hằng ngày của 185 nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Mỗi năm bảo tàng đón tiếp gần 8 triệu lượt du khách tham quan. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ được đánh giá là có những bộ sưu tập về các loại đá lớn nhất và quý hiếm nhất thế giới chia ra thành: 15.000 mẫu vật về các loại đá quý; 350.000 mẫu vật về khoáng vật, 300.000 mẫu quặng; 35.000 mẫu thiên thạch... Nó là hình ảnh đầy sống động về sự hoạt động của trái đất, lịch sử hình thành và vận động của núi lửa; sự chuyển dịch và đứt gãy của các lục địa... Hiện vật tiêu biểu phải kể đến là viên kim cương Hope nổi tiếng thế giới làm say lòng bao nhiêu du khách. Hope là 1 trong số 11 viên kim cương lừng danh thế giới về trọng lượng và kích thước, nhưng Hope còn hấp dẫn du khách bởi biết bao huyền thoại bao phủ lên thân phận nó. Nặng 45,52 cara, dài 25,6mm, rộng 21,78mm và cao 12mm sau khi chế tác, Hope có một màu xanh tím rất bí ẩn. Nó được tìm thấy ở mỏ Kollur, Ấn Độ và gắn với nó là câu chuyện đầy kỳ bí.

Chuyện kể rằng, Hope vốn là của hồi môn của vợ thần Rama trong truyền thuyết Hindu giáo. Do biến đổi của thời cuộc, nó lưu lạc trên giang hồ. Một thương gia người Pháp mua được nó từ châu Âu. Lúc ẩn lúc hiện, năm 1669, nó thuộc về Vua Pháp Loui XIV và truyền nhau trong hoàng cung Pháp qua các đời Loui XV, XVI. Năm 1792, cuộc cách mạng Pháp nổ ra, Hope lại biến mất và xuất hiện trở lại ở London, Anh năm 1812. Điều kỳ lạ là hầu như tất cả những ai thuộc Hoàng gia Pháp, Hoàng gia Anh, vợ các thương nhân giầu có trên thế giới... từng sở hữu Hope đều gặp tai họa trong đời. Đầu thế kỷ XX, viên kim cương Hope xuất hiện trở lại tại một hiệu kim hoàn ở thành phố New York, Mỹ. Ông chủ hiệu tên Hary Winston đã đem viên kim cương Hope tặng cho Bảo tàng Lịch sư Tự nhiên Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington D.C, từ đó nó mới hết gây ra tai họa cho người sở hữu.

Tác giả bài viết và một lão thổ dân Người Da Đỏ trong vườn hoa trước cửa Nhà Trắng.

Thông qua hệ thống bảo tàng đồ sộ và đa dạng, Mỹ là quốc gia rất có ý thức bảo tồn các giá trị của các tộc người làm nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong khu công viên quốc gia, trên đúng mảnh đất mà trước đây là nơi mua bán nô lệ, Chính phủ Mỹ vừa khởi công xây dựng Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc Phi. Trong lời phát biểu của mình tại lễ khởi công, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định nơi đây "không chỉ trưng bày di tích một bi kịch mà còn là một vinh danh về cuộc sống". Bảo tàng người Mỹ gốc Phi là bảo tàng thứ 19 trong không gian quốc gia đặc biệt này. Bảo tàng xây dựng hết 500 triệu đô la, hoàn thành và mở cửa vào năm 2015, dự kiến mỗi năm sẽ có 3 triệu du khách đến thăm.

Chúng tôi lựa chọn điểm đến tiếp theo là Bảo tàng người Da Đỏ nằm trên đại lộ Broad Way. Đây là bảo tàng lớn nhất trong số 18 bảo tàng về người Da Đỏ của nước Mỹ. Bảo tàng có tên: National Museum of the American Indian, được khánh thành năm 2004. Hình thù độc đáo, trông bên ngoài như được trát bằng đất. Tòa nhà cao 4 tầng, bên trong có thang máy và thiết kế nội thất rất hiện đại, do chính các kiến trúc sư người Da Đỏ thiết kế. Với hơn 800.000 hiện vật được trưng bày, có hiện vật đã 10.000 năm tuổi. Đầu tiên du khách được hướng dẫn đi thang máy lên tầng tư xem một bộ phim công nghệ 3D về lịch sử của người Da Đỏ - tộc người có mặt đầu tiên ở nước Mỹ. Cả một vòm lâu đài mênh mông kéo xuống đến hết các bức tường trong khán phòng đều là màn hình. Khách tham quan giống như đang ngồi giữa thiên nhiên, giữa rừng cây, giữa nơi cư trú của người Da Đỏ để nghe kể về lịch sử của dân tộc họ. Hiện vật được trưng bày rất độc đáo, theo các chủ đề từ trên xuống đến tầng dưới cùng. Hình ảnh các thủ lĩnh, người dân Da Đỏ, mẫu nhà cổ, các loại vũ khí, trang phục người Da Đỏ qua các thời kỳ, các loại thuyền độc mộc, các sản phẩm thủ công... cho đến đời sống người Da Đỏ hiện đại... Trong khuôn viên là cách trình bày rất lạ, gần gũi thiên nhiên và vô cùng thoáng đãng. Ở đây cây cối được trồng xen với cỏ dại, cạnh đó là các lều của người Da Đỏ, hồ nước, suối reo rất giống với nơi ở hoang sơ của người Da Đỏ bản địa.

Đến thăm bảo tàng của nước Mỹ, du khách không phải mua vé nhưng phải chịu việc kiểm tra an ninh rất ngặt nghèo. Không chỉ là để đề phòng khủng bố mà vì hầu hết các hiện vật trong bảo tàng là hiện vật gốc. Nhiều bảo tàng đặt máy soi an ninh, du khách phải qua máy soi như kiểm tra ở các cảng hàng không. Cũng có bảo tàng nhân viên an ninh đề nghị du khách mở túi xách, ba lô cho họ kiểm tra... Tuy nhiên thái độ của họ rất thân thiện nên không ai cảm thấy khó chịu. Người dân Mỹ rất chú trọng giáo dục thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử đất nước và thế giới mà nội dung tham quan bảo tàng là một phương pháp học rất lý thú và bổ ích. Tôi đã gặp rất nhiều trẻ em Mỹ, nhất là lớp học sinh tiểu học đến tham quan bảo tàng. Nhiều em ghi chép rất tỉ mỉ... Phần lớn học sinh Mỹ say mê học các ngành lịch sử, văn hóa, nghệ thuật chứ không đổ xô vào học các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính như nhiều nước khác. Ngay cả những ngành rất hấp dẫn như làm tiếp viên hàng không thì ở Mỹ giới trẻ cũng không muốn làm. Tôi có bay trên mấy chuyến bay nội địa của Mỹ thấy tiếp viên hàng không toàn người già.

Không riêng nước Mỹ, bảo tàng nào trên khắp thế giới cũng là một cơ sở văn hóa đặc biệt, một gạch ngang giữa quá khứ và hiện tại. Con người chỉ có thể phát triển cao hơn nếu biết tôn trọng lịch sử, biết đứng trên nền quá khứ để vươn tới tương lai. Người xưa đã chẳng nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác đó sao?

Nguyễn Trọng Tân
.
.