Hãy cầm tay con mình, nhìn sâu vào mắt chúng...

Thứ Sáu, 30/12/2016, 08:00
Thứ nhất, Long viết rất thật với chính mình, không cần “chứng tỏ” gì cả. Chỉ cần cố lý giải thôi, để chứng minh mình hiểu trẻ con, ấy là đã không còn thật nữa rồi. Và thứ hai, nó mở ra một vùng hấp dẫn mà mỗi chúng ta đều dễ bị cuốn vào đó, vùng tưởng tượng phong phú vô bờ của trẻ thơ...


Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông

Tự nhiên, hai câu ca dao cũ ấy bật lên trong tôi, ngay lần đầu tiên tôi bập vào cuốn sách của Hoàng Long.

Từng trang một trong “cuốn sách” kéo tôi theo một dòng chảy cả thuận lẫn nghịch lưu theo chiều thời gian, vì tôi thấy một tôi, được sinh ra như một người cha, khi con tôi chào đời, và một tôi khác, được lớn lên như một người con, dưới bàn tay của cha-mẹ, cũng mang nỗi băn khoăn “ra rìa” rất giản dị mà Hoàng Long đã gợi nhắc lại cho mỗi chúng ta, ở vào đúng lúc chúng ta chợt quên đi chỉ vì những gì được gọi là đời sống và mưu sinh.

Học cùng Hoàng Long suốt thời đại học, nhưng chúng tôi không thân nhau lắm. Chúng tôi đều biết khả năng cầm bút của nhau nhưng chắc quay lại thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng tôi sẽ không bao giờ hình dung ra viễn cảnh một ngày, một trong hai đứa được hân hoan viết những dòng cảm nhận về tác phẩm của bạn mình.

Và càng hân hoan hơn nữa, đó lại là tác phẩm dành cho những đứa con, lũ nhỏ mà chúng tôi vẫn theo dõi trên facebook của nhau, chia sẻ với nhau mỗi khi chúng đạt được một điều gì đó trong những bước chập chững vào đời. Để rồi từ nỗi hân hoan ấy, những ngạc nhiên vỡ òa, dù tôi ý thức rất mạnh mẽ rằng bạn mình viết hấp dẫn như thế nào, sau cuốn “Chuyện kể Paris”.

Dễ hiểu, ở “Cùng nắm tay cha” này, Hoàng Long bước ra với một diện mạo khác, không phải là một Hoàng Long tôi biết, ưa hoài niệm, với những buồn man mác mà Long đã viết ở những ca khúc, những đoản văn, những bài thơ mà Long chia sẻ cho tôi kể từ những ngày hai đứa gặp lại nhau ở Paris, bên cạnh chính lũ trẻ đang được Long mời gọi “Cùng nắm tay cha” này.

Đó là một Hoàng Long duyên dáng, dí dỏm, gần gũi nhưng tinh tế và kể lại những câu chuyện không chỉ cho những người làm cha mà còn cho cả những người làm con. Long đã khéo léo lồng ghép được cả đôi mắt già dặn, từng trải của người cha với đôi mắt trong trẻo, hồn nhiên, ngạc nhiên của đứa trẻ.

Ví như khi Long nhắc đến bài hát phổ thông mà trẻ con ở Pháp rất thích, bài hát về con chuột màu xanh trong cỏ bỗng hóa thành con ốc sên nóng hổi. Việc không cần lý giải tại sao trẻ con lại thích bài hát ấy (vì Long có còn trẻ con đâu mà biết) đã cho tôi thấy hai điều.

Thứ nhất, Long viết rất thật với chính mình, không cần “chứng tỏ” gì cả. Chỉ cần cố lý giải thôi, để chứng minh mình hiểu trẻ con, ấy là đã không còn thật nữa rồi. Và thứ hai, nó mở ra một vùng hấp dẫn mà mỗi chúng ta đều dễ bị cuốn vào đó, vùng tưởng tượng phong phú vô bờ của trẻ thơ. Nó y như cái cách mà Saint-Exupery mở đầu cuốn “Hoàng Tử Bé” với bức vẽ mà người lớn nghĩ là chiếc mũ còn trẻ con lại cho rằng đó là con trăn đang ngủ sau khi nó nuốt trọn một con voi. Nó cũng y như cách mà Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của mình.

Trẻ con không thích bị khuôn mẫu nào, đặc biệt là khuôn mẫu tư duy mà người lớn áp đặt cho chúng. Chúng ta gọi cái bàn là cái bàn, còn chúng có thể có những “ám ngữ” riêng để gọi cái bàn ấy. Nó có thể là bất kỳ thứ gì. Nó là một bí nhiệm mà chúng ta có tìm cả đời cũng không hiểu. Tuổi thơ hấp dẫn chúng ta ở chính những bí nhiệm như thế, những bí nhiệm mà ta cũng đừng bao giờ hỏi trẻ thơ căn nguyên, những bí nhiệm mà chúng ta chỉ nên gợi mở “cùng nắm tay cha” và trải qua hết bí nhiệm này tới bí nhiệm khác một cách thích thú.

Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn của cuốn sách này, để nó vượt qua cái thứ rất thông thường mà chúng ta nghĩ về nó: “một cẩm nang chơi với con” và đặt chân vào lãnh địa của một cuốn sách phiêu lưu, khi người cha được phiêu lưu vào thế giới của con trẻ, một thế giới đầy fantasy nhưng không hề ảo giác, một thế giới giúp cho chúng ta giữ được một trong những điều vô cùng trân quý đối với tâm hồn con người: khả năng hồn nhiên và khả năng ngạc nhiên.

Chúng ta sẽ đánh mất phần tâm hồn của mình nếu chúng ta không còn hồn nhiên nữa, không còn ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì nữa. Lúc ấy, chúng ta đã để lý tính chi phối mình, với một biện giải “khôn ngoan nhưng kém thông minh” rằng “ấy là minh chứng cho sự trưởng thành”. Con người ta, dù trưởng thành thế nào đi nữa, cũng vẫn phải giữ cho mình được tươi tốt ở tâm hồn, thứ mà trẻ thơ luôn làm tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Nietzsche từng nói 3 giai đoạn của tinh thần một người đàn ông chính là “Con lạc đà, rồi thành con sư tử, rồi thành đứa trẻ”. Tuổi của chúng ta, khi làm cha, có lẽ đã bắt đầu dần qua giai đoạn của con sư tử rồi. Phải trở thành đứa trẻ thôi, vì chúng ta không chỉ nuôi dưỡng con mình, mà còn phải chơi với chúng, cầm lấy tay chúng như một người bạn. 

Hãy để chúng dạy chúng ta cách trở lại hồn nhiên và ngạc nhiên và tấm vé cho khoá học ấy chính là cuốn sách này. Còn người thầy ư? Hãy về, cầm lấy tay con mình, nhìn sâu vào mắt chúng…

Hoàng Long sinh năm 1976 tại Hà Nội. Du học tại Pháp từ năm 1998, hệ sau đại học, và hiện đang làm chuyên gia tài chính tại Paris. Hoàng Long ra mắt cuốn sách đầu tiên có nhan đề “Chuyện kể Paris” vào năm 2015, thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả. 

Tháng 10-2016, cuốn thứ hai “Cùng nắm tay cha” được xuất bản và hứa hẹn sẽ là một cuốn sách được đón nhận với một giọng văn mộc mạc, hồn nhiên, tình cảm và chân thật. Ngoài viết văn, Hoàng Long còn làm thơ và sáng tác ca khúc, đặc biệt là các ca khúc về đề tài Hà Nội.

Hà Quang Minh
.
.