Cửa sổ văn nghệ

Hãy bớt phần "ngẫu hứng"

Thứ Ba, 26/08/2014, 08:00

Hằng ngày, lướt qua màn hình, chúng ta bắt gặp nhiều chương trình truyền hình trực tiếp với các cuộc thi sôi nổi và vui vẻ. Và chúng ta dễ dàng nhận ra, ngày càng có nhiều diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu và gần đây có cả nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu… đã ngồi vào ghế Ban giám khảo. Có thể nói cái hay, cái hấp dẫn của từng cuộc thi được tạo nên bởi từ hai phía: Phía các đối tượng tham gia thi với cách thể hiện sáng tạo và cả phía Ban giám khảo với những cách nhận xét tinh tường, thấu đáo và có lúc lại rất hóm hỉnh.

Tuy nhiên, nhiều lúc cái vui cũng đi hơi quá đà, trong đó có một yếu tố từ Ban giám khảo bởi chất "ngẫu hứng". Nói gì thì nói, trong các cuộc thi, Ban giám khảo được coi gần như là một sự chuẩn mực. Chuẩn mực từ lời nói đến cử chỉ. Công chúng cảm giác nhiều lúc giám khảo ngồi vào ghế là tự cho mình một khoảng trời riêng, "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", tự do cười mà cười rất to; tự do nói, tự do khua chân múa tay, có khi tự do trong cả cách ăn mặc…

Ở nhiều cuộc thi, công chúng đã chứng kiến có lúc một vị giám khảo A đang nói thì vị giám khảo B lại chen vào, nêu ý kiến trái ngược của mình, có lúc lại nói ra những câu có ý như khích bác nhau, mặc dầu ai cũng hiểu đó chẳng qua là đùa tí thôi mà. Cái kiểu "chen ngang" nhau như vậy là chuyện thường thấy trong các cuộc thi. Nó dễ khiến cho không khí cuộc thi ồn ào sôi nổi hơn, nhưng chỉ ngay sau đó nó khiến cho người ta hụt hẫng. Mặt khác, cái "ngẫu hứng" ấy nó nhiễm vào cuộc sống rất nhanh.

Tôi nghe một người lớn tuổi nói chuyện rằng thằng cháu nó trách bà mắng oan nó, các bác ở ban giám khảo nói chen ngang, cắt lời nhau là chuyện thường, còn nó nói chen ngang lúc nào là bị bà mắng lúc đó! Thiết nghĩ "ngẫu hứng" kiểu đó nên hạn chế đến mức thấp nhất trước công chúng, nên trở về với cái nếp "người nói có người nghe", nhất là khi những vị giám khảo của chúng ta được tôn vinh là "người của công chúng".

Cái sự "ngẫu hứng" còn thể hiện trong một số lời nhận xét. Có khi một vị giám khảo nhận xét ưu điểm rất nhiều với những lời khen như là cõng nhau lên mây xanh, còn mặt yếu kém thì chỉ nói thoảng qua, coi như không có gì đáng nói. Tưởng rằng sẽ được điểm cao. Nhưng than ôi! Khi cho điểm vị giám khảo lại cho ít hơn các thành viên khác. Công chúng lại được một phen há hốc miệng. Rồi thì chất "ngẫu hứng" còn được thể hiện quá lan man... Thi hát thì mọi người muốn nghe giám khảo nhận xét về giọng hát và cách thể hiện ra sao? Có hay hay không? Có tạo sự hưng phấn trong công chúng không? Đằng này, có lúc có vị giám khảo lại nhận xét nhiều về màu áo em mặc hôm nay chưa phù hợp lắm, giá như có được cái màu nhạt hơn thì hay, hoặc lớp phấn hóa trang trên má chưa mịn… Và còn nhiều kiểu nhận xét khác nữa theo kiểu "sơ qua vài nét chấm phá"... làm cho công chúng có khi vui đó rồi cũng buồn ngay đó.

Cần nói thêm rằng hiện tượng này còn xảy ra không chỉ với các vị giám khảo mà còn với cả những MC (dẫn chương trình). Mới vừa rồi, trong một cuộc thi, trong chưa đầy hai phút, một MC đã ba lần khen vẻ đẹp của nữ giám khảo. Vậy nên xin kết lại bằng một câu thơ sau, nó thuộc loại "chắt chít" của thơ cụ Bút Tre nhưng là tâm huyết của tác giả bài viết này: "Gửi cùng giám khảo tài ba/ Bớt phần…ngẫu hứng chắc là hay hơn"

Phạm Văn Thạch
.
.