Hát bội có còn làm tội người ta?

Thứ Hai, 21/12/2020, 08:14
"Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con". Câu ca dao xưa nhằm chỉ cái hay, cái đẹp của hát bội mê hoặc khán giả đến nỗi chồng phải bỏ vợ, mẹ phải bỏ con để mau mau ra đình làng coi tuồng. Nay, câu ca dao ấy vẫn đúng, nhưng đúng ở chiều hướng ngược lại: hát bội khiến khán giả ngán ngẩm, khó hiểu còn nghệ sĩ thì sống lay lắt...


Thời nhà Nguyễn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật hát bội. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, dù là loại hình nghệ thuật kinh viện nhưng hát bội được từ người nông dân chân lấm tay bùn đến giới học giả, trí thức và vua chúa yêu mến. Hát bội đậm đặc tính dân tộc từ câu văn đến điệu bộ, từ âm nhạc đến y trang, đều theo luật mẹo thi thơ Việt, khuôn khổ vũ khúc Việt, kiểu mẫu vẽ mặt Việt, bài bản âm nhạc Việt… Nó còn đượm nhuần luân lý vì tuồng nào cũng đề cao trung hiếu tiết nghĩa. 

Suốt gần hai thế kỷ, hát bội bao trùm hầu hết sân khấu ở miền Trung và miền Nam, các suất diễn dày đặc không kém cạnh nghệ thuật cải lương. Không chỉ phát triển rực rỡ trong nước, năm 1889, lần đầu tiên hát bội còn có dịp chu du ở trời Tây trong chuyến lưu diễn tại Paris của Đoàn Hát bội Sài Gòn.

Hát bội thiếu hụt trầm trọng thế hệ kế thừa.

Vậy mà trong nhịp sống hiện đại, hát bội như đứa con ghẻ bị ruồng rẫy.  Bây giờ, mấy ai còn tíu tít rủ nhau đi coi tuồng? Hát bội quả thật đã không còn được người dân tiếp nhận do nội dung, hình thức già cỗi, xa lạ và không gần gũi với đời sống đương đại. Hình thức nghệ thuật tuy tinh vi, tuyệt kỹ, sâu sắc… nhưng ít ai đủ sức thưởng thức, cảm thụ. 

Do nghệ thuật tuồng dùng nhiều từ Hán Việt, từ cổ trong lời hát còn bộ điệu, vũ đạo nặng tính ước lệ nên không ít khán giả kêu nhức đầu, khó hiểu khi mới nghe tên vở tuồng chứ đừng nói là kiên nhẫn xem cả trích đoạn hoặc trọn vở.

Nhiều người ví von hát bội đang lâm vào tình trạng "ba không": không nhà hát, không trường lớp và không tương lai. Cả khu vực phía Nam, hiện chỉ có Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh là đơn vị biểu diễn hát bội duy nhất thuộc cơ chế Nhà nước. Tuy vậy, tình trạng cơ sở vật chất lẫn lực lượng nhân sự ở đây đều đáng báo động.

Trước đây, trụ sở của Nhà hát nằm ở đường Lý Tự Trọng, quận 1. Nhưng dù nằm ở vị trí đắc địa, sầm uất nhất nhì của trung tâm thành phố, quanh năm nơi đây gần như đóng cửa im ỉm vì quá ít khán giả, bên trong nội thất, thiết bị xuống cấp. Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh cho biết, do bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng làm việc khác, đoàn phải chuyển sang "ở trọ" rạp Thủ Đô ở quận 5 được ba năm nay. 

"Đây là một rạp hát cũ, đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua. Thời gian qua, dù Nhà hát đã được đầu tư sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang một số hạng mục cơ sở vật chất, nhưng thực tế vẫn chưa đảm bảo yêu cầu để Nhà hát tổ chức biểu diễn tại chỗ phục vụ người dân, hoặc có thể tiến hành các suất diễn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng, máy lạnh, ghế ngồi, khu vực vệ sinh… hiện không đồng bộ, cũ kỹ, xuống cấp đến mức có thể gây mất an toàn nếu cố gắng sử dụng thường xuyên" - ông Vũ giãi bày.

Với tình trạng như vậy, gần như rạp Thủ Đô bị bỏ không. Vậy mà theo báo cáo của NSƯT Hữu Danh, quyền Giám đốc Nhà hát, trong năm 2019, Nhà hát đã có gần 200 buổi diễn! Hóa ra để kiếm cơm, anh em nghệ sĩ kéo nhau đi diễn ở các đình, chùa, miếu vào mùa hát chầu, lễ Kỳ Yên. Thỉnh thoảng, họ được mời diễn thêm ở công viên, hội chợ, trường học…  Nghệ sĩ hát bội "chạy show" bở hơi tai, nhưng không hẳn vì "đắt show" mà vì… không còn ai ngoài họ làm cái việc "hát chầu", "hát đám" nữa. 

Số lượng người theo nghề hát bội rất ít và rơi rụng dần khi tuổi già ập đến. Hiện Nhà hát chỉ còn 20 diễn viên, 6 nhạc công nhưng không phải ai cũng đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn. Thiếu diễn viên nên trong nhiều năm nay, một nghệ sĩ của đoàn phải đóng từ hai vai trở lên trong một buổi diễn.

Tác phẩm sắp đặt của một dự án đương đại về hát bội.

Nghệ sĩ hát bội chủ yếu trưởng thành theo kiểu nghề truyền nghề chứ không qua trường lớp đào tạo nào. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho hay, từ năm 1961, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) mở thêm ngành Sân khấu với bốn ban: Thoại kịch, Hát chèo, Cải lương và Hát bội. Sau những khóa sinh viên hát bội được ra trường thời đó, những năm gần đây hầu như không còn thấy khóa nào được đào tạo vì không tuyển được người học. 

Số bạn trẻ am hiểu tuồng vô cùng ít ỏi huống hồ là yêu thích và muốn trở thành diễn viên tuồng. Các nghệ sĩ lớn tuổi thì không còn sức truyền dạy. Hơn nữa, yêu cầu quy chuẩn ở bậc đại học cũng đòi hỏi người dạy phải có bằng cấp chính quy là một cản trở cho việc truyền nghề. Do vậy, đến nay, hát bội hầu như không có tên trong bất cứ cơ sở đào tạo nào ở phía Nam.

Để có lực lượng kế thừa, nhiều năm trước đây, Nhà hát tự lực cánh sinh bằng cách mở lớp đào tạo truyền nghề trực tiếp. Nhà hát liên tục mở các lớp đào tạo cho các diễn viên, nhạc công trẻ là con em của nghệ sĩ Nhà hát, chiêu mộ và đào tạo các em thiếu nhi có năng khiếu. 

Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, hình thức đào tạo này đành hoãn vô thời hạn vì vướng nhiều quy định hành chính. Nhìn thế hệ kế thừa như đi mò kim đáy biển, NSND Đinh Bằng Phi từng thốt lên chua chát: "Hát bội rồi sẽ chết thôi. Không còn cứu vãn được nữa!".

Đã có nhiều nỗ lực vực hát bội ra khỏi tình trạng chết lâm sàng. Đó là những buổi biểu diễn, thuyết trình về các vở tuồng kinh điển của giới chuyên môn; các bộ sách giảng giải cơ bản về hát bội cho thanh, thiếu niên hay dự án phục dựng hát bội bằng tạo hình đương đại của các bạn trẻ… 

Nhưng những nỗ lực ấy cũng chỉ là "muối bỏ biển" bởi nó còn manh mún, tự phát chứ chưa có một chiến lược bài bản, dài hơi. Chẳng thể nào chuyên chở nổi những giá trị, vốn quý đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật, văn chương…  của di sản cha ông chỉ trong vài giờ giới thiệu, thuyết giảng, qua vài cuốn sách, sự kiện…

Ngoài ra, nhiều ca sĩ, rapper trẻ tuổi muốn nhào trộn hát bội với thể loại âm nhạc thời thượng để sản phẩm âm nhạc vừa mới lạ, vừa giới thiệu tính đặc sắc của nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, xem qua các sản phẩm ca nhạc này, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm thở dài ngao ngán: "Giới ca sĩ tân nhạc trẻ muốn sử dụng những yếu tố hóa trang, phục trang… để gợi nhớ đến hát bội bằng MV. Nổi bật gần đây là MV "Chân ái" do Denis Đặng làm Giám đốc sáng tạo, Châu Đăng Khoa sáng tác, ca sĩ Orange thể hiện. Nhưng do không hiểu biết, họ trộn lẫn, nhập nhằng nhiều yếu tố, chi tiết vừa của Kinh kịch Trung Quốc, vừa của kịch Kabuki, kịch Noh Nhật Bản. MV này làm giới trẻ nhầm lẫn, phân vân, không biết đâu là nét đẹp, đâu là nghệ thuật thuần túy Việt Nam trong hát bội".

Những người tâm huyết với nghệ thuật hát bội cho rằng, điểm quan trọng của vấn đề là làm sao giữ cho được vốn cổ, đặc trưng riêng của nghệ thuật hát bội. 

Trên nền những bảo tồn nguyên vẹn ấy, các sáng tạo phá cách để hát bội thích nghi với đời sống hiện đại được khuyến khích phát triển. Những cách tân ấy giúp hát bội dễ dàng phổ biến trong công chúng, giúp họ từ từ hiểu về nghệ thuật tuồng. Nhờ đó mới hy vọng hát bội "sống được", "sống khỏe" trong lòng người Việt Nam đương đại. 

Còn mong muốn bức thiết nhất của riêng các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh không phải là cải thiện mức lương bổng khiêm tốn mà là nhanh chóng có được một rạp hát đạt chuẩn để cả đoàn không còn lâm cảnh nay đây mai đó.

Phan Thị Uyên
.
.