Hướng tới Liên hoan phim Cánh diều Vàng 2010:

Hàng lèo tèo phiên chợ khó đông vui

Thứ Ba, 08/03/2011, 15:22
LHP Việt Nam, hay còn được gọi là LHP Bông Sen đã có lịch sử hơn 35 năm. LHP này do Cục Điện ảnh Việt Nam đăng cai và diễn ra 2 năm một lần.Với tốc độ sản xuất phim nhựa (kể cả của Nhà nước lẫn tư nhân) thì trong 2 năm có chừng tất tật trên dưới 15, 16 phim đem "trình tòa". Thôi cũng coi là đủ lô xô cao thấp để làm công việc "bó đũa chọn cột cờ" dành cho một LHP.

Phim truyện nhựa bao giờ cũng được coi là con "át chủ bài " của các cuộc Liên hoan phim (LHP) trong nước và trên thế giới. Thời hạn đăng ký phim truyện nhựa gửi dự thi LHP Cánh diều Vàng năm 2010 đáng lý ra đã khép lại vào cuối tháng 1; nay vì chờ các hãng sản xuất có gửi thêm phim hay không, nên thời hạn ấy lùi tới cuối tháng 2. Như Ban Tổ chức cho biết, danh sách hiện tại gồm các phim như sau: "Nhìn ra biển cả", "Vũ điệu đam mê", "Hoa đào", "Vượt qua bến Thương Hải", "Khát vọng Thăng Long", "Tây Sơn hào kiệt", "Thiên sứ 99", "Long thành cầm giả ca", "Trung úy", "Cánh đồng bất tận", "Cô dâu đại chiến". Như vậy, trừ "Vũ điệu đam mê" và "Hoa đào" là 2 bộ phim chưa "qua lửa", tức chưa hứng được dư luận khen chê, những bộ phim còn lại hầu như đã được người xem định giá hay - dở trước rồi.

Giữa Cánh diều Vàng 2009 đến Cánh diều Vàng 2010 có sự kiện Lễ hội 1000 năm Thăng Long. Giới điện ảnh đã sôi nổi bàn bạc, đệ trình biết bao dự định và đề án làm phim cùng các cuộc thi thố kịch bản phim rất ồn ào, rất sôi sục từ vài ba năm trước. Những tưởng mảng đề tài 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ làm tăng vọt số lượng phim mới, sẽ gây nên dấu ấn độc đáo, đặc sắc cho phim mục tham gia Cánh diều Vàng lần này. Dịp Đại lễ qua rồi, sản phẩm điện ảnh đề cập tới quá khứ 1000 năm liệt oanh của Thăng Long - Hà Nội không phải là cống hiến nổi bật gì trong dịp lễ trọng này cả. Và hiển nhiên, phim về lịch sử dời đô, lập đô cũng sẽ không khiến giới chuyên môn và người sành điệu đặt hy vọng nhiều ở LHP Cánh diều Vàng sắp tới.

"Cô dâu đại chiến" và "Thiên sứ 99" là 2 bộ phim làm ra để chiếu đón người xem trong dịp Tết âm lịch Tân Mão vừa qua. Trên Báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần số 8, ra ngày 18/2/2011, khi được hỏi ý kiến về phim Tết, đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn thẳng thắn nói rằng: "Tôi hoàn toàn không có hứng thú với phim Tết. Tôi có cảm giác là người ta xem phim Tết vì Tết chứ không phải vì phim". Như vậy "Cô dâu đại chiến" và "Thiên sứ" khó mà sóng hàng với những bộ phim còn lại.

Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2009.

"Cánh đồng bất tận" đã dấy lên cơn lốc khen, chê trong dư luận người xem; đặc biệt là trong sự nhìn nhận, bình giá khá trái chiều của giới chuyên môn. Điều này thật đáng mừng trong sinh hoạt điện ảnh có phần hiu quạnh ở nước ta, song cũng chính từ điểm này dễ dàng tiên liệu trước bộ phim "Cánh đồng bất tận" sẽ là bài toán khó đặt lên bàn cân của Ban Giám khảo để đi tới quyết định Vàng, Bạc!

Càng khó hơn, khi "Cánh đồng bất tận" lần này sẽ đọ vai thích cánh giữa một bên là "Nhìn ra biển cả", "Vượt qua Bến Thương Hải", bên kia là "Khát vọng Thăng Long", "Long thành cầm giả ca". Buồn sao, tại các LHP ở nước ta, cán cân của việc bình giá để trao Vàng, Bạc thường bị điều chỉnh nghiêng về phía những bộ phim đề cập tới những đề tài có tính lễ lạt.

LHP Việt Nam lần thứ 16 diễn ra tại Tp HCM (12/2009) và LHP Cánh diều Vàng diễn ra hầu như ngay sau đó tại Hà Nội (3/2010) có nhiều bộ phim nhựa "đồng cân đồng lạng", xứng đáng mang tiêu chí và chuẩn mực nghệ thuật để bình xét cũng như gây niềm trông đợi Vàng, Bạc ở người xem và giới chuyên môn như: "Rừng đen", "Trái tim bé bỏng", "Trăng nơi đáy giếng", "Đừng đốt"... Xét về phương diện này, LHP Cánh diều Vàng năm nay lèo tèo, èo ọt hơn hẳn. Người xem sành điệu và giới chuyên môn trông đợi ở bộ phim "Bi, đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di. Báo chí đã đưa tin nhiều về bộ phim này thu thắng lợi lớn ở một số LHP nước ngoài; đấy là một tác phẩm thể nghiệm của một nhà làm phim trẻ tuổi hé sáng nhiều khai phá cả về ngôn ngữ thể hiện lẫn việc huy động vốn liếng ... Có thể "Bi, đừng sợ" sẽ là điểm nhấn đáng trông chờ trong LHP Cánh diều Vàng năm nay. Nhưng đã bước qua cuối tháng hai rồi, bộ phim này vẫn chưa lọt vào danh sách những bộ phim dự thi.

Điểm qua như trên để đi đến một điều quan trọng hơn, hữu ích hơn mà bài báo nhỏ này muốn đề cập tới: Như vậy, mới từ cuối năm 2009, qua 2010 đến đầu năm 2011 này, tính cả LHP Quốc tế Việt Nam, ở ta đã và sẽ diễn ra 3 LHP cả thảy. Và ngay cuối năm 2011 này, đến hẹn lại lên, LHP Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra tại thành phố Tuy Hòa. Trong khoảng thời gian là 3 năm, với một nền điện ảnh uể oải, cầm chừng trong việc làm phim truyện nhựa vì thiếu vốn, không có trường quay đang tồn tại ở nước ta, bỗng nảy sinh câu hỏi: 4 LHP trong 2 năm là nhiều hay là ít đây? Và thực sự mỗi LHP như vậy có được bao nhiêu bộ phim mới?

Ở các nước có nền công nghệ điện ảnh tiên tiến tiến, mỗi hãng phim mỗi năm sản xuất chừng 10, 15 bộ phim; cả nước có vài trăm phim. Và mỗi hãng, mỗi xưởng phim sẽ tuyển chọn ra một, hai bộ phim xuất sắc nhất, nội dung và hình thức thể hiện có mới mẻ, lạ lẫm nhất trong số phim làm ra mới được mang tới LHP quốc gia. Tức là trước một cuộc thi lớn đã diễn ra những cuộc thi nhỏ. Ở nước ta, chất lượng phim đã thấp, số lượng phim có thể đếm trên đầu ngón tay. Từ lâu rồi, không thành văn, cứ làm ra bộ phim nhựa nào là được quyền mang tới LHP dự tranh giải, không cần tuyển chọn, lọc lựa trước. Thành thử chân đất đá với chân giày, phim nghệ thuật và phim thị trường dóng ngang hàng chờ bình xét.

LHP Việt Nam, hay còn được gọi là LHP Bông Sen đã có lịch sử hơn 35 năm. LHP này do Cục Điện ảnh Việt Nam đăng cai và diễn ra 2 năm một lần.Với tốc độ sản xuất phim nhựa (kể cả của Nhà nước lẫn tư nhân) thì trong 2 năm có chừng tất tật trên dưới 15, 16 phim đem "trình tòa". Thôi cũng coi là đủ lô xô cao thấp để làm công việc "bó đũa chọn cột cờ" dành cho một LHP. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây xuất hiện thêm LHP Cánh diều Vàng do Hội Điện ảnh Việt Nam đăng cai. "Có cô thì chợ thêm đông", không sao cả! Người chủ trương lập thêm một LHP mới nói thế. Đúng vậy không? Những người cha đẻ của LHP Cánh diều Vàng không làm ồn ào, ầm ĩ, song muốn giải Cánh diều sẽ đóng vai trò như một thứ "Tiền Oscar" để thu hút dư luận, thu hút tiền bạc của nhà tài trợ.

LHP Cánh Diều Vàng diễn ra mỗi năm một lần, vào mùa xuân, ngay sau Tết cổ truyền. Như vậy, LHP này chắc chắn sẽ nhanh tay hơn trong việc thu hút các bộ phim mới xuất xưởng vào dịp cuối năm và việc trao giải Diều Vàng, Diều Bạc cũng sẽ nóng sốt hơn so với LHP Việt Nam? Tính toán thì như vậy, nhưng khốn nỗi, ở nước ta, công việc làm phim đâu đã theo kế hoạch, theo lệnh phân bổ. Đơn cử, một số phim có tiếng Vàng như "Trăng nơi đáy giếng", "Chơi vơi", "Đừng đốt" dồn cục ra lò vào cuối năm nên LHP Việt Nam 2009 đón lõng hết. Còn LHP Cánh diều Vàng diễn ra vào mùa xuân năm 2010 chậm chân đành lặp lại những bộ phim đã được trao giải tại LHP Việt Nam lần thứ 16.

Điều còn đáng nói hơn, việc bình giá nghệ thuật ở xứ mình thường xả ra tình cảnh: Trong một Ban Giám khảo, các thành viên thường nghiêng ngó nhau để giơ tay theo gợi ý chỉ đạo của Ban Tổ chức để đạt tới yêu cầu "không mất lòng ai, vui vẻ cả trăm họ". Vì vậy, LHP Cánh diều Vàng không thể sắm nổi vai trò "Tiền Oscar" được! Và thế là với trên dưới 15 phim mới xuất xưởng, 2 LHP cùng nhau bình giá. Tức sẽ có 2 lần đánh giá, 2 lần trao giải giống nhau y chang cho cùng một bộ phim! Chúng ta đang chủ trương tiết kiệm. Mỗi năm mỗi LHP chắc chắn cũng ngốn ít nhất là dăm, bảy tỷ bạc. Mọi sự bày vẽ cho thêm mâm thêm bát, cho thêm xôm tụ mà quá tốn kém tiền bạc của Nhà nước, như thế cần được tính toán lại. 

Mặt hàng lèo tèo, ít ỏi, phiên chợ tất không đông vui! Mong Cục Điện ảnh và Hội Điện ảnh hãy ngồi lại với nhau để tìm ra một cách ứng xử hiệu quả, ít tốn kém nhất. Ví như, trước thực trạng nền điện ảnh nước nhà còn chưa mạnh, số lượng phim xuất xưởng mỗi năm còn quá ít ỏi;  đặc biệt các bộ phim đạt yêu cầu nghệ thuật đích thực, xứng đáng để biểu dương, khen ngợi càng hiếm hoi, nên chăng hãy sát nhập 2 kỳ LHP làm một...

Tp HCM, tháng 2/2010

Tô Hoàng
.
.