Hài kịch "Ai sợ ai?" - Thông điệp về hạnh phúc

Thứ Năm, 26/10/2006, 15:00

Với các tình tiết rất thật, lại được những diễn viên sân khấu có thương hiệu thể hiện, hài kịch “Ai sợ ai?” đã giúp khán giả như được chứng kiến một đời sống thực với những câu chuyện thực chứ không phải trên sàn diễn. Họ như được thấy một phần đời sống của những người xung quanh nơi mình ở và của chính gia đình mình qua những tình huống phức tạp mà hài hước.

Ngay trong những buổi ra mắt đầu tiên, “Ai sợ ai?” (kịch bản Lê Bình, đạo diễn: NSƯT Chí Trung; Đoàn kịch II, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng) đã đón nhận một lượng khán giả như trông đợi. Để rồi, ai nấy được cười thật sảng khoái, từ khi mở đầu cho đến lúc tấm màn nhung khép lại. Những giây phút thư giãn mà khán giả có được quả là món quà ý nghĩa trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh với nhiều người. Với những nghệ sĩ trên sàn diễn, sự ủng hộ hân hoan của người xem trong tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt, là phần thưởng quí giá, nhất là giữa thời buổi giới sân khấu trong Nam ngoài Bắc đang kêu ca vì vắng khách, thì những gì đang có với “Ai sợ ai?” quả là tín hiệu đáng mừng.

Trước hết phải nói rằng đây là một kịch bản hay. Những câu chuyện rất đời thường trong cuộc sống của các cặp vợ chồng ở nhiều lứa tuổi được phản ánh chân thật, thông qua các tình tiết hài hước nên đã dễ thuyết phục người xem. Khán giả không xa lạ với cảnh chồng đánh vợ hay vợ bắt nạt chồng, cũng chẳng ngạc nhiên trước cảnh “nước mắm sao không hâm” của những ông chồng vốn sợ vợ nhưng vẫn thích ra “oai” trước mọi người, ấy nhưng, vẫn bị cuốn vào chuyện đời thường như thế trên sân khấu. Các tình tiết rất thật, lại được những diễn viên sân khấu có thương hiệu thể hiện, đã giúp khán giả như được chứng kiến một đời sống thực với những câu chuyện thực chứ không phải trên sàn diễn. Họ như được thấy một phần đời sống của những người xung quanh nơi mình ở và của chính gia đình mình qua những tình huống phức tạp mà hài hước.

Cái duyên hài độc đáo của NSƯT Chí Trung khiến anh vừa mới bước ra sân khấu, dẫu chưa kịp nói câu gì người xem đã ồ lên cười đầy cảm hứng. NSƯT Ngọc Huyền, các nghệ sĩ Thanh Dương, Thùy Dung, Ngọc Bích, Thanh Bình… đã tạo nên những trận cười sôi động từ hàng ghế khán giả bằng trước mỗi câu nói, hành động kịch đầy tính trí tuệ vốn là sở trường của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cái đắt giá của “Ai sợ ai?” còn ở chỗ, toàn bộ vở kịch là những câu chuyện tưởng như chỉ để tạo nên một chuỗi tình tiết hài hước cho người xem, nhưng lại chứa đựng thông điệp sâu sắc: hạnh phúc không thể đến từ một phía mà phải vì nhau trong cuộc sống. Và chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong đời sống vợ chồng đôi khi chỉ như gia vị của tình yêu nếu cả 2 cùng biết tha thứ và thương yêu. Không một lời giáo huấn, câu chuyện đã đưa người xem đến với thông điệp bằng sự dẫn dắt thật tự nhiên và gần gũi.

Kịch bản “Ai sợ ai?” đã được lựa chọn kỹ càng từ hàng trăm vấn đề mà mọi người quan tâm. Việc Nhà hát Tuổi trẻ lựa chọn kịch bản của Lê Bình, một tác giả phía Nam, có vẻ đi ngược “qui luật” từ trước tới nay của các đơn vị nghệ thuật. Nhưng thực tế, đây là nhịp nối cần thiết trên con đường thông thương giữa sân khấu hai miền Nam - Bắc. NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn kịch II, người đã quyết định lựa chọn “Ai sợ ai?”, tâm sự: “Đây không phải là một tác phẩm kinh điển hay một sự  trợ giúp cho nền nghệ thuật nước nhà, nhưng là kịch bản hấp dẫn, giải trí lành mạnh và nhất là tính công dân cao. Sân khấu phía Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ đáng để học tập về cả tác phẩm, phong cách diễn, phương thức hoạt động lẫn lượng khán giả”.

Gia đình là đề tài “khó nhằn”, nhưng NSƯT Chí Trung đã “can đảm” lựa chọn làm tác phẩm đạo diễn “trình làng”. Âm nhạc sôi động và hấp dẫn phụ trợ hiệu quả cho từng lớp diễn. Kế thừa kinh nghiệm từ những lần làm trợ lý cho đạo diễn Lê Hùng và những bài giảng của NSƯT Xuân Huyền ở lớp Đạo diễn (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh), Chí Trung đã tung tẩy sáng tạo một sân khấu của riêng mình, tươi trẻ và vui nhộn trong những màu sắc đối lập; hình khối đơn giản mà không đơn điệu, trái lại, hiệu quả vì đa nghĩa. Khi rời rạc, các hình khối chỉ là các mảng màu đơn điệu, nhưng khi ghép lại đầy đủ, đúng cách, lại là những trái tim đằm thắm yêu thương trong cảnh kết thúc đoàn viên của các gia đình.

NSƯT Chí Trung cười: sợ nhất là đang diễn, thấy nổ đôm đốp ở hàng ghế khán giả, nhưng không phải tiếng vỗ tay, mà là tiếng… bật ghế vì khán giả bỏ về. Vì thế, anh đã làm nhiều test để đánh giá trong quá trình tập vở. Anh mời những người làm nghề xe ôm, rửa xe, các bà nội trợ, nhân viên bán hàng và cả sinh viên v.v… vào xem. Chưa yên tâm, anh còn mời người nhà của diễn viên, là những khán giả rất khắt khe vì đã được xem nhiều vở, để họ góp ý. Test cuối cùng là cô con gái anh, một sinh viên Ngoại giao năm thứ 3 này, một khán giả “khó tính”, bởi xem bố diễn hài mà cháu chưa bao giờ cười, cả khi mọi người cười nghiêng cười ngả thì mặt “nó” vẫn “nhăn như bị”, thậm chí có lúc còn… quay mặt đi! Vậy mà xem xong “Ai sợ ai?”, cháu gật đầu: “Được bố ạ”!

Với NSƯT Chí Trung, cái gật đầu của cô con gái càng củng cố quyết tâm và niềm tin của anh vào thành công của vở, vào sự cảm nhận và quan tâm của người xem đến vấn đề vở diễn đặt ra. Vì thế, với dự định “Ai sợ ai?” sẽ đỏ đèn khoảng hai tháng liền tại Nhà hát Tuổi trẻ sau ngay khi ra mắt công chúng, các nghệ sĩ của Đoàn kịch II đã chuẩn bị tới ba kíp diễn để có thể phục vụ công chúng nhiều suất diễn trong một ngày.

Khả năng diễn của NSƯT Chí Trung không cần phải bàn, cả hài kịch lẫn chính kịch, và lần này, bước đầu anh đã khẳng định mình ở vai trò đạo diễn. Kinh nghiệm, sức sáng tạo và sự cảm nhận khán giả trong cả ngàn đêm đưa “quân” đi diễn khắp đất nước của NSƯT Chí Trung đã mang đến cho người xem những phút giây thật sự thư giãn và đầy ấn tượng

Thanh Hằng
.
.