Kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014)

Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng

Thứ Hai, 13/10/2014, 08:00
Bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng" sáng tác năm 1972 của nhạc sĩ Phan Nhân là một trong những bài hát được tôn vinh là dấu ấn đỉnh cao âm nhạc của thế kỉ XXI. Với người dân Thủ đô, có người thuộc làu, có người nhớ từng đoạn nhưng hầu như ai cũng biết đến ca khúc này. Bởi nó đã thực sự đi vào lòng người trên nhiều phương diện.

Trong bài hát có những câu rất hay như: "Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô" hoặc: "Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây…". Nhưng với tôi lắng đọng nhất vẫn là câu: "Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ của núi sông hôm nay và mai sau". Nghe xong câu hát ấy lòng tôi chan chứa một tình yêu đặc biệt với ngàn năm Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội của chúng ta.

Chúng ta tin yêu bởi trong chặng đường dài lịch sử vẻ vang của đất nước Hà Nội là tiêu điểm mà triệu triệu người dân Việt Nam luôn hướng về để rồi có niềm tin mãnh liệt, có sức mạnh quật cường để đi tới thắng lợi như ngày hôm nay. Chỉ nói riêng trong thế kỉ XX đầy khó khăn gian khổ, Hà Nội đã đi đầu trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của địch để giữ vững sức mạnh của hậu phương cho tiền tuyến lớn miền Nam; Hà Nội đã đi đầu làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" chấn động cả thế giới…

Một góc Hà Nội hôm nay.

Từ trong gian nan thử thách ấy, Hà Nội đã hy sinh rất nhiều để cho cả nước vững chắc lòng tin, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến vĩ đại, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước. Đó là một dấu ấn lịch sử tuyệt vời. Ngày nay đi trên những con phố nhỏ, bắt gặp những mái nhà còn đơn sơ, những người dân cặm cụi làm ăn mà cuộc sống vẫn còn khó khăn, chúng ta lại chạnh lòng nghĩ tới cái điều mà người Hà Nội đã hy sinh để thắp sáng cho niềm tin cách mạng. Trong mỗi con đường ta thấy vẫn còn đây những chứng tích lịch sử của đất nước Việt Nam qua các triều đại, qua các thời kì. Kia gò Đống Đa, đây tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi, kia cầu Long Biên, đây phố Khâm Thiên, kia pháo đài Láng, đây tháp bút Hồ Gươm cao vút giữa trời mây… Dấu ấn lịch sử quyện vào nét duyên văn hóa càng khiến cho niềm tin yêu của chúng ta mãnh liệt hơn.

Hà Nội sau sáu mươi năm được giải phóng đã thay đổi nhiều, thay đổi về quy mô, diện mạo, là một thủ đô có diện tích lớn so với thủ đô của nhiều nước. Những vùng nông thôn nghèo nàn trước đây, bây giờ đã khoác trên mình chiếc áo đô thị hóa, từ đường sá đến nhà cửa, từ chiếc áo đến nụ cười trên mỗi con người đã tươi rói hơn xưa rất nhiều. Đi giữa các khu đô thị mới từ bên này Mĩ Đình cho đến bên kia Long Biên, từ phía Nam Thanh Trì đến phía Bắc Sóc Sơn… với những con đường láng nhựa phẳng lì đến những tòa nhà cao ngất trời, ta cứ tưởng như mình đang đi lạc vào giữa thủ đô của một nước giàu đẹp. Hà Nội của chúng ta được thế giới tôn vinh là thủ đô hòa bình. Chúng ta tin yêu bởi thực mắt chứng kiến những gì mà người dân thủ đô đã làm nên trong sáu mươi năm qua. Khúc tráng ca ấy kể không bao giờ hết. Hà Nội xứng đáng là thủ đô của nước Việt Nam anh hùng.

Sáu mươi năm qua, mỗi chúng ta đã dành cho Hà Nội niềm tin yêu và hy vọng lớn lao. Trong bước đi tới, hướng về tương lai tươi đẹp hơn của đất nước, chúng ta đến với Hà Nội với niềm tin yêu hy vọng mới. Câu hát: "Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ của núi sông hôm nay và mai sau" vẫn còn vang mãi trong ta. Có một thủ đô để chúng ta gửi niềm tin và đặt niềm hy vọng cho đất nước là một hạnh phúc lớn lao. Bởi Hà Nội hôm nay vẫn còn những điều chưa xứng tầm với niềm tin hy vọng của cả nước. Bởi bên cạnh những khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, Hà Nội cũng bộc lộ những điểm yếu trong sự vươn lên. Có những nét đẹp không được như xưa, có những điều làm cho chúng ta băn khoăn nếu không tích cực khắc phục thì thật là nỗi lo thực sự. Cái trước mắt bộc lộ trong nếp sống hằng ngày là văn hóa ứng xử, là tự giác hành động vì một Hà Nội thanh lịch, văn hóa ở một cấp độ cao, làm gương cho cả nước noi theo. Cũng có người nói rằng Hà Nội chúng ta đang tự đánh mất đi những cái đẹp, cái hay của truyền thống để lại. Sự nhìn nhận ấy là hơi quá nhưng nếu chúng ta tự thỏa mãn thì đó là nỗi lo thực sự …

Tôi lại đi qua chùa Diên Hựu, chùa Trấn Quốc, gò Đống Đa, tôi lại đi qua đường Ngọc Hà, Hồ Tây. Tôi lại đi qua Quảng trường Ba Đình để nhớ về nụ cười mang nét đẹp Việt Nam của Bác Hồ như bao nhiêu năm nay tôi đã từng đi. Và những lúc như vậy tôi lại nhớ về câu hát: "Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng…" để quyện vào niềm tin yêu hy vọng của cả nước đối với Thủ đô Hà Nội trong tương lai

Phạm Văn Thạch
.
.