Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Gửi gì cho thế hệ mai sau?

Thứ Ba, 22/07/2008, 13:45
Thời điểm lịch sử kỷ niệm Hà Nội tròn thiên niên kỷ đã ngày lại ngày thêm cận kề, áp sát... Nhưng, điều đáng lo là, hình hài nhiều công trình văn hóa nổi bật, chào mừng sự kiện trọng đại mà hy hữu này vẫn bóng chim tăm cá...

Vào website của Văn phòng Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, nhiều người giật mình ngớ ra: Danh sách một số công trình văn hóa tiêu biểu xây mới, cải tạo, nâng cấp, phục hồi... đã được UBND thành phố Hà Nội lên kế hoạch ngay từ... năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Vậy mà, gần trọn thập niên đã qua, nhiều cái "gạch đầu dòng" trong số đó vẫn nguyên vẹn là những cái "gạch đầu dòng"...

Sau khi lắp đặt "Đồng hồ đếm ngược" tại trung tâm thủ đô, Quỹ Văn hóa Hà Nội (trực thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) lại sửa soạn thực thi ý tưởng xây dựng Khu lưu giữ các vật phẩm "Gửi tới thế hệ mai sau"...

Các tác giả của ý tưởng quyết tâm chọn lựa những vật phẩm tiêu biểu nhất, ý nghĩa nhất, đặc trưng nhất của ngày hôm nay, nhờ các phương tiện khoa học kỹ thuật lưu giữ trong lòng đất, cho con cháu 500 năm sau khai phá, để tỏ tường phần nào về cuộc sống của Hà Nội thuở nghìn năm.

Khu lưu giữ sẽ được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội tại Mỹ Đình. Quỹ Văn hóa Hà Nội rục rịch phát động cuộc thi thiết kế kiến trúc cho Khu lưu giữ (với giải nhất lên tới 50 triệu đồng) và tiến tới tham khảo ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân xem nên lưu cất vật phẩm gì để "gửi tới mai sau".

Theo đúng lịch trình, trung tuần tháng 1/2009, lễ trao giải và công bố đồ án thiết kế được chọn sẽ diễn ra tại Hà Nội. Chắc chắn, tìm ra lời giải hợp tình, hợp lý, hợp ý số đông cho đề bài "chọn gì" sẽ là chuyện đau đầu của những người có trách nhiệm. Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp kinh phí từ một đối tác Hàn Quốc để thúc đẩy tiến độ công trình tâm huyết này.

Nhưng thực ra, theo nhận định của nhiều nhà hoạt động văn hóa, khảo cổ, ý tưởng Khu lưu giữ "Gửi tới thế hệ mai sau" còn mơ hồ, tốn kém và đầy cảm tính. Cũng tương tự thế, ý tưởng "Tháp Hà Nội" với ước muốn biến nó trở thành biểu trưng mới của thủ đô đang được đưa ra lấy ý kiến phản biện từ nhiều phía. Nếu giới nghiên cứu lịch sử, khoa học xã hội... đồng tình hưởng ứng, "Tháp Hà Nội" cũng sẽ lại được khởi công ra mắt trong nay mai...

Hà Nội thao thiết có những bộ phim truyện nhựa và tài liệu hoành tráng, hấp dẫn về chiều sâu lịch sử của Thăng Long - Đông Đô... Người Hà Nội và những ai yêu mến Hà Nội cũng mong muốn con cháu hôm nay phần nào hình dung được vị thế lừng lững của triều đại nhà Lý qua 200 năm bảo vệ và dựng xây non sông Đại Việt nên vóc nên hình...

Bởi thế, Hà Nội đã tin cậy giao cho các nghệ sĩ điện ảnh vốn luôn được đánh giá cao về tài năng ở Hãng Phim truyện Việt Nam niềm vinh dự  thực hiện tác phẩm điện ảnh về Đức Lý Thái Tổ. Một cuộc thi kịch bản đã được tổ chức và kết thúc từ năm 2005 với vô số những lời bàn ra tán vào rộn rã. Giải thưởng cũng được trao, nhiều "nhân vật" của giới "xinê" đã xắn tay, xúm vào sửa sang, tút tát, để cuối cùng, có một kịch bản hoàn chỉnh về người khởi nghiệp triều Lý có nhan đề "Thái tổ Lý Công Uẩn". Chừng 4 năm qua, dự án luôn nằm trong tầm ngắm của công luận không chỉ vì quy mô đồ sộ, mà còn do những lục đục nội tại của chính các "đấng bậc" ở Hãng phim...

NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Chỉ đạo phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" cũng phải ngán ngẩm: "Kịch bản phân cảnh chưa trình, kinh phí chưa  duyệt, vậy mà các nghệ sĩ Hãng phim cứ chốc chốc lại thông cáo với báo chí những con số tự tính về tiền đầu tư, lúc hai trăm, lúc thì ba trăm tỉ... khiến không ít người hoảng hồn".

Theo TS Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội (đơn vị đứng ra làm chủ đầu tư các dự án phim kỷ niệm này), mới đây, Hãng cũng đã trình kịch bản phân cảnh và dự toán chi tiết chốt ở con số 108 tỉ đồng. Nhưng đạo diễn của phim thì vẫn chưa quyết được, mặc dù đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và cả đạo diễn Giám đốc Lê Đức Tiến cũng đôi ba lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông công khai thừa nhận vai trò đạo diễn của cá nhân mình.

Dễ hiểu khi ai cũng khao khát được đóng góp công sức vào bộ phim tầm cỡ. Nhiều người cũng ao ước được lưu lại dấu ấn của mình trong dự án điện ảnh chưa hề có tiền lệ về quy mô và sự ngóng đợi của công chúng.

Cho đến hôm nay, còn hơn 800 ngày nữa tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng, kịch bản phân cảnh vẫn chưa được duyệt, dự toán kinh phí vẫn nằm trên giấy, và các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn chưa chịu nhau, chưa công nhận, quyết định ai sẽ là đạo diễn chính, ai sẽ là tổng đạo diễn? Mọi chuyện đến lúc này vẫn rối như canh hẹ.

Khéo léo và ứng xử hợp ý dư luận hơn, Giám đốc Tất Bình cùng dự án phim "Trần Thủ Độ", "phần" được dành cho Hãng phim truyện 1 của ông không gặp phải những ì xèo, ồn ã nội bộ. Có được ê kíp ngon lành với biên kịch lão luyện, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và đạo diễn lứa 7X đang ăn khách Đào Duy Phúc, Hãng phim truyện 1 quyết đoán lên ngay dự toán 51 tỉ đồng cho 15 tập phim. "Phim video, nhưng vẫn có nhiều đại cảnh hoành tráng" - Đạo diễn Phúc trấn an. 51 tỷ đồng, chia đều cho mỗi tập cũng làm không ít người quen thực hiện phim truyền hình... ngỡ ngàng.

Đạo diễn Đào Duy Phúc đã giới thiệu sa bàn bối cảnh của phim để đón nhận tiếng khen tiếng chê từ các chuyên gia lịch sử, các nhà Hà Nội học. Anh đoán chắc sẽ khởi quay cảnh đầu tiên vào đầu năm 2009 tại Đồng Mô và Hoa Lư... để kịp đưa lên bàn dựng trong tháng 9 cùng năm. Đầu tháng 6 vừa qua, đạo diễn và đoàn phim đã tổ chức casting (tuyển diễn viên) rầm rộ để tìm ra nhân vật vào vai Trần Thủ Độ cùng nhan sắc yêu kiều 16 tuổi Trần Thị Dung...

Không chọn được ai từ sự kiện đình đám đó, nhưng mới đây, đạo diễn thầm thì tiết lộ: Anh đã "ngắm" được Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung cho phim của mình. Tiếc rằng, Đào Duy Phúc và các cộng sự đều nhắc nhau kín tiếng, không ai nửa lời hé lộ tung tích người nam, người nữ đã vượt qua vật cản barie. Mọi người úp úp, mở mở, cốt để dư luận háo hức tò mò và ngược lại, cũng để giữ sự thư thái thanh thản cho những người được chọn lựa.

Cũng từ hai bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" và "Trần Thủ Độ", nhiều người lại nhớ về trường quay Cổ Loa đã bị quên lãng từ nhiều  năm qua... Trường quay Cổ Loa lẽ ra phải được hoàn thiện, chỉnh trang thật hiện đại, tiện nghi, để là nơi dàn dựng bối cảnh cho hai bộ phim bề thế.

Giới điện ảnh và cả những người ưa ngoái nhìn quá khứ đều bùi ngùi tiếc nuối trường quay rộng rãi, đồng bộ, cách trung tâm Hà Nội chưa tới 30 km, giờ xác xơ, hoang vắng..., cỏ dại chen lối đi và chỉ còn là chốn thuận tiện an nhàn để trâu bò của cư dân quanh vùng chạy rông gặm cỏ... Nếu đúng tiến độ, năm 2009, trường quay Cổ Loa sẽ đi vào hoạt động.

Nhưng, chủ quan nhìn từ những gì đang diễn ra, dự kiến sẽ vẫn chỉ là dự kiến. Lại phải ngóng đợi một cột mốc thời gian nữa cho tuổi đời của Hà Nội, trường quay Cổ Loa mới thực sự được trở thành công trình văn hóa du lịch xứng tầm, như mơ ước không riêng của những người làm điện ảnh...

Còn vô số công trình văn hóa đang dở dang, ngổn ngang, bề bộn. Đồng hồ đếm ngược vẫn nhẫn nại nhích dần tới ngày 10/10/2010, thời điểm chính yếu của năm kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi. Từ giờ tới giây phút linh thiêng, những công trình văn hóa gắn biển mừng Đại lễ cũng chắc chắn được khánh thành, hoàn thiện.

Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các công trình đó đi vào hoạt động là sự thúc ép giục giã liên hồi với những người có trách nhiệm. Nhưng bên cạnh đó, đình hoãn, tạm gác những công trình nào không mang giá trị thực tiễn, ít có tác động tới tâm tư tình cảm và cuộc sống của người dân cũng là việc nên làm.

Như thế, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ chu đáo, trọn vẹn hơn, và người Hà Nội cũng thực sự chung tay thực thi các giải pháp kiềm chế lạm phát, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Ngô Hương Sen
.
.